Thuế nhập khẩu

Danh mục thuế suất của Iceland được qui định theo mã HS 2017.

Kể từ ngày 1/1/2017, Iceland dỡ bỏ các loại thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm phi nông nghiệp. Chính sách này được thực hiện theo hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất đã được thực hiện từ 1/1/2016, loại bỏ các loại thuế nhập khẩu đối với hàng may mặc và da giày, còn các sản phẩm khác được thực hiện từ 1/1/2017.

Với tác động của chính sách này, mức thuế suất thuế nhập khẩu trung bình đã được giảm xuống đáng kể từ 8,3% xuống 4,6% từ năm 2017.

Đối với sản phẩm nông nghiệp, Iceland có khoảng gần 1.800 dòng thuế ở cấp độ tám chữ số. Trong đó, khoảng 1.000 dòng thuế bằng 0%, chủ yếu là các sản phẩm không sản xuất được trong nước. Đối với các sản phẩm nông nghiệp khác, cấu trúc thuế quan rất phức tạp: hầu hết các mặt hàng có thuế suất khoảng 30% và một số thuế đánh vào số lượng hoặc trọng lượng hàng lên đến 1.462 ISK/kg.

Thịt, các sản phẩm từ sữa, và khoai tây được bảo hộ thông qua thuế. Thuế đối với hầu hết các sản phẩm từ thịt là 20-30%, hải sản 10%, các sản phẩm sữa, trứng 30%.

Thuế đối với một số loại rau, ví dụ: cà chua, dưa chuột và ớt chuông cao hơn đáng kể trong mùa thu hoạch để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

Iceland duy trì chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với một vài trường hợp như quà tặng, hàng tạm nhập, hàng đầu tư có chỉ định, các sản phẩm phục vụ dự án đặc biệt. Luật Hải quan của nước này cũng qui định hoãn nghĩa vụ nộp thuế đối với một vài sản phẩm, chủ yếu đối với các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Iceland hiện duy trì một số hạn ngạch thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp. Theo đó bao gồm 3 loại hạn ngạch chính:

  • Hạn ngạch áp dụng theo các qui định đa phương của WTO;
  • Hạn ngạch áp dụng cho các cam kết trong FTAs (EU, EEA và FTA với các bên thứ 3); và
  • Hạn ngạch tự chủ.

Việc xác định số lượng của hạn ngạch, mức thuế suất đối với hàng hoá nằm trong hạn ngạch và việc phân bổ hạn ngạch hoàn toàn phụ thuộc vào loại hạn ngạch kể trên. Đối với hạn ngạch WTO được xây dựng dựa trên luật của WTO trong khi đó hạn ngạch tự chủ được quyết định bởi Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực nông nghiệp dựa trên các qui định của luật.

Hạn ngạch WTO được qui định tại Phụ lục IIIA và IIIB của Luật Hải quan Iceland. Hiện tại có 141 dòng thuế bao trùm lên các sản phẩm như thịt, sản phẩm bơ, sữa, chế phẩm từ thịt (Mã HS từ chương 2, 4 và 16). Luật Hải quan Iceland ấn định mức thuế suất trong hạn ngạch là 32% và 30% của mức thuế suất cơ sở. Trong một vài trường hợp, mức thuế suất trong hạn ngạch còn cao hơn mức thuế suất ngoài hạn ngạch. Hạn ngạch được phân bổ hàng năm dựa trên thư đề xuất của một Ủy ban (thành lập bởi Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp). Việc phân bổ này có thể căn cứ vào kim ngạch đang thực hiện hoặc kim ngạch nhập khẩu năm trước.

Hạn ngạch tự chủ được qui định tại Phụ lục IVA và IVB bao gồm thịt, sữa, các sản phẩm từ sữa, bơ, phomai, trứng, hoa, cây trồng, khoai tây, cà chua, hành, bắp cải, cà rốt, dưa chuột, rau. Số lượng hạn ngạch và thuế suất sẽ do Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp qui định dựa trên nhu cầu trong nước và chỉ số giá cả tiêu dùng.

Iceland cũng áp dụng một số hạn ngạch thuế quan song phương theo các FTA, theo đó số lượng hạn ngạch và mức thuế suất hạn ngạch được xác định bằng các hiệp định cụ thể. Thông thường hạn ngạch thuế quan với EU là về mặt hàng thịt bò, thịt lợn, sản phẩm bơ sữa, phomai hay thịt đã qua chế biến. Iceland cũng có hạn ngạch với mặt hàng phomai và thịt bò với các nước trong khối EFTA.

Ưu đãi thuế quan: Các hiệp định ưu đãi thuế quan của Iceland nhìn chung cho phép bên kia tiếp cận thị trường Iceland với mức thuế suất thấp hơn và điều này chỉ áp dụng đối với các sản phẩm nông nghiệp vì Iceland đã loại bỏ thuế nhập khẩu đánh trên hàng công nghiệp theo qui chế MFN.

Đối với các sản phẩm nhập khẩu được hưởng GSP, Iceland qui định danh sách tại Quyết định số 119/2002. Với các hiệp định ưu đãi thuế quan khác, mức thuế ưu đãi được qui định trên 323 dòng thuế có tính đến mức độ bảo hộ lĩnh vực nông nghiệp. Khoảng 23% các dòng thuế đối với những sản phẩm nông nghiệp được loại ra khỏi GSP, phần lớn là những sản phẩm nhạy cảm như thịt và bơ, sữa.

Tra cứu biểu thuế cập nhật
Luật Hải quan của Iceland

Thuế VAT

Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Iceland đều bị đánh thuế VAT. Thuế VAT thông thường là 24%. Một số mặt hàng được hưởng VAT thấp hơn, ở mức giảm 11% ví dụ hàng thực phẩm, sách báo, đĩa nhạc và một số hàng hoá và dịch vụ khác.

Qui định về thuế VAT

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Kể từ năm 2014, Iceland đã tiến hành cải cách và đơn giản hóa hệ thống thuế, trong đó có thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Mục đích là làm giảm cách biệt giữa hệ thống thuế chung và mức thuế VAT, áp dụng rộng rãi hơn và loại bỏ dần thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cho đến 1/1/2015, đa phần thuế tiêu thụ đặc biệt đã bị loại bỏ, chỉ còn một số mặt hàng nhất định như xăng dầu, thuốc lá, đồ uống có cồn, phương tiện đi lại.

Thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng

Luật của Iceland qui định Bộ trưởng Bộ tài chính và Kinh tế có thể sử dụng thuế chống bán phá giá và đối kháng nếu nhận được yêu cầu, đề xuất của Ban tư vấn gồm 7 thành viên. Mức thuế tạm thời áp dụng trong khoảng thời gian 12 tháng và mức thuế cuối cùng được ấn định nhưng không quá 5 năm.

Theo qui định của EEA, các loại thuế chống phá giá và đối kháng này sẽ không được áp dụng giữa các thành viên. Liên quan đến FTAs, đặc biệt là các FTA của khối EFTA, nhìn chung đều có điều khoản kết hợp các qui định về thuế chống phá giá và đối kháng của WTO với các FTA, trong một số FTA gần đây các cam kết còn mạnh mẽ hơn và thông thường kết hợp nguyên tắc “thuế thông thoáng hơn”.

Iceland không có khung pháp lý về tự vệ toàn cầu, mà chỉ viện dẫn đến các qui định của WTO năm 1995. Tuy nhiên, khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do, nước này luôn đưa điều khoản tự vệ vào.

Các loại thuế, phí khác

Ngoài các loại thuế kể trên, Iceland còn có những loại phí khác đánh trên hàng điện tử, phòng cháy chữa cháy do Cục Xây dựng Iceland qui định. Mức phí này được hải quan tính dựa trên trị giá lô hàng nhập khẩu với mức 0,15%. Thuế carbon cũng được tính đối với cả nhiên liệu sinh ra carbon cả trong nước và nhập khẩu ở mức tuyệt đối dựa trên số lít sử dụng và mức độ khí thải ra môi trường.

Cục Hải quan Iceland thông thường sẽ thu một mức phí hải quan nhất định trong quá trình làm thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa. Cơ cấu phí được xác định khi làm thủ tục thông quan gồm: cước hàng hóa, giá trị lô hàng, bảo hiểm. Các phí khác cũng được thu trong quá trình xử lý hàng hóa, hàng tạm nhập, kẹp chì an ninh và kiểm hóa.

Thực hiện các cam kết của mình theo qui định của EU đối với bao bì, đóng gói, Iceland tính thêm phí tái chế đối với việc nhập khẩu bao bì giấy, nhựa.