Chính sách thuế

Thuế nhập khẩu

Đan Mạch trong lịch sử đã duy trì một chính sách không rào cản và thường dẫn đầu trong việc chống lại các hàng rào phi thuế quan. Đan Mạch là thành viên của Liên minh châu Âu và tuân thủ tốt nhất việc thực hiện các chỉ thị về thị trường chung châu Âu. Thuế nhập khẩu của Đan Mạch áp dụng chung cho tất cả các sản phẩm đến từ các nước không thuộc khối EU. Khi hàng hoá đã được thông quan tại một cửa khẩu của một nước thành viên EU, hàng hóa có thể tự do di chuyển đến các nước thành viên khác của EU, trong đó có Đan Mạch.

Một số mặt hàng nông sản được nhập khẩu từ các nước không thuộc EU chịu sự điều chỉnh chung Chính sách Nông nghiệp chung (CAP). Các mặt hàng này bao gồm ngũ cốc, gạo, sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt bò và bê, dầu olive, và đường chịu một số loại thuế và phí khác nhau. Các loại thuế này ban hành để cân bằng giá giữa sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm sản xuất ở các nước EU.

Khi các sản phẩm vào EU, chúng cần được khai báo với hải quan theo phân loại trong Danh mục kết hợp (Combined Nomenclature-CN). Danh mục kết hợp này được cập nhật và xuất bản hàng năm.

Chính sách thuế của EU
Tra cứu thuế nhập khẩu
Thông tin về Chính sách nông nghiệp chung (CAP)
Danh mục kết hợp (CN)

Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng (VAT) là 25% được thực hiện từ tháng 01/1992, không phân biệt đó là sản phẩm sản xuất trong nước hay nhập khẩu và áp dụng với hầu hết các dịch vụ và hàng hoá được bán hay thực hiện tại Đan Mạch.

Qui định về VAT

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế tiêu thụ đặc biệt của Đan Mạch đánh vào các hàng hóa như bao bì, thuốc lá, nước uống có cồn, socola, trò chơi. Một số loại thuế tiêu thụ đặc biệt còn được gọi là thuế môi trường, thuế năng lượng đánh vào điện và xăng dầu.

Quốc hội Đan Mạch đã thông qua Đạo luật số 1588 ngày 27 tháng 12 năm 2019 sửa đổi Đạo luật Thuế Thuốc lá và Đạo luật về các loại thuế tiêu thụ khác nhau trong đó thuế đối với các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá có khói sẽ tăng mỗi năm, bắt đầu từ 1/4/2020 đối với thuốc lá (cigarettes) và từ 1/1/2022 đối với thuốc lá có khói (smoking tobacco).

Từ ngày 1/1/2020, túi xách và túi dùng một lần bắt đầu bị áp thuế mới, cao hơn trước đây nhằm bảo vệ môi trường. Theo đó, túi xách nhựa phải trả 66 DKK/kg, túi xách giấy 30 DKK/kg, túi dùng 1 lần 57,6 DKK/kg.

Các qui định về nhập khẩu

Thủ tục hải quan

Khi hàng đến cửa khẩu đầu tiên của EU, hàng hoá sẽ được đưa vào kho tạm giữ, có sự giám sát của hải quan (không quá 90 ngày) để nhà nhập khẩu làm các thủ tục hải quan.

Hàng hoá được thông quan khi đáp ứng được tất cả các yêu cầu về nhập khẩu và nộp thuế đầy đủ.

Theo qui định của EU, khi làm các thủ tục hải quan, người nhập khẩu phải xuất trình cho cơ quan Hải quan các chứng từ theo qui định cùng hàng hoá.

Những chứng từ cơ bản cần xuất trình bao gồm:

  • Hoá đơn thương mại: cần ghi rõ chính xác các thông tin của người nhập khẩu, người xuất khẩu, ngày xuất hoá đơn, số hoá đơn, miêu tả hàng hoá, đơn vị đo lường, số lượng, đơn giá, tổng giá, điều khoản thanh toán, điều khoản giao hàng, phương tiện vận chuyển;
  • Tờ khai hải quan: áp dụng cho các lô hàng có giá trị hơn 20.000 Euro. Tờ khai hải quan theo mẫu và phải đi kèm Văn bản hành chính đơn (SAD);
  • Chứng từ vận chuyển: tuỳ vào loại phương tiện vận chuyển hàng hoá mà vận đơn và chứng từ tương ứng được yêu cầu xuất trình;
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hoá: chỉ phải xuất trình nếu thông tin về phí bảo hiểm không được thể hiện trong hoá đơn thương mại;
  • Phiếu đóng gói: là một chứng từ thương mại kèm theo hóa đơn thương mại và chứng từ vận tải, cung cấp thông tin về mặt hàng nhập khẩu và chi tiết đóng gói của từng lô hàng. Các thông tin cơ bản cần có là thông tin người nhập khẩu, người xuất khẩu, công ty vận tải, ngày cấp, số hoá đơn vận chuyển, loại bao bì, số lượng gói, nội dung gói hàng, dấu và số, trọng lượng tịnh, trọng lượng tổng, đơn vị đo lường;
  • Giấy chứng nhận xuất xứ: đối với một số mặt hàng cần có giấy chứng nhận xuất xứ. Hàng hoá được hưởng GSP phải có giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A (C/O form A);
  • Giấy phép nhập khẩu: đối với một số hàng hoá nhất định như nông sản, sắt, thép, nhôm, vũ khí, hoá chất, dược phẩm;
  • Giấy chứng nhận vệ sinh: đối với hàng hoá có nguồn gốc động vật, thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;
  • Chứng từ nhập khẩu: đối với hàng phi nông sản;
  • Và một số chứng từ, tài liệu khác tuỳ thuộc vào loại hàng hoá nhập khẩu hoặc các ưu đãi được hưởng.

Cơ quan Hải quan Đan Mạch chịu trách nhiệm làm các thủ tục thông quan hàng hoá khi nhập khẩu vào Đan Mạch. Thông tin liên hệ:

Toldstyrelsen (Customs Agency)
Slet Parkvej 1, DK-8310 Tranbjerg J
(+45) 72 22 12 12
[email protected]

Qui định về chứng từ nhập khẩu

Các mặt hàng cấm nhập khẩu

Một số mặt hàng cấm nhập khẩu như:

  • Một số loại hóc môn bê của Mỹ;
  • Tất cả các sợi amiăng;
  • Tất cả các sản phẩm có chứa chất diệt khuẩn dimethylfumarate (DMF);
  • Cá ngừ đỏ vùng Đại Tây Dương có nguồn gốc từ Belize, Panama và Honduras;
  • Tẩy cao su có hình dáng tương tự như thực phẩm có thể ăn được;
  • Đồ chơi và trò chơi chứa sunfat đồng;
  • Hạt giống.

Các mặt hàng hạn chế nhập khẩu

  • Xác người, các cơ quan và bộ phận cơ thể người, phôi người và động vật, hài cốt người hoặc đã thiêu hoặc chưa được mai táng;
  • Chất nổ;
  • Súng cầm tay, vũ khí các loại và các bộ phận có liên quan;
  • Động vật sống (bao gồm cả côn trùng) ngoại trừ được cơ quan chuyên trách về động vật sống cho phép;
  • Thực vật và nguyên liệu thực vật gồm cả hoa;
  • Chất thải nguy hiểm như kim tiêm hoặc ống tiêm đã qua sử dụng hoặc chất thải y tế khác;
  • Hàng hóa nguy hiểm ngoại trừ được phép của Cơ quan quản lý hàng hoá nguy hiểm.

Tạm nhập

Đan Mạch tuân thủ ATA Carnet, đây là một văn kiện hải quan quốc tế được lập ra nhằm đơn giản hoá các thủ tục hải quan đối với các loại hàng hóa tạm nhập sau:

  • Hàng mẫu có giá trị thương mại;
  • Hàng hóa dùng để tham gia hội chợ, triển lãm;
  • Phim;
  • Thiết bị chuyên dụng;
  • Các loại máy móc hay thiết bị thay thế trong thời hạn sửa chữa bảo hành.

Cơ quan cấp giấy phép ATA của Đan Mạch là Phòng Thương mại Đan Mạch.

Nhập khẩu hàng mẫu và tài liệu quảng cáo

Đan Mạch tham gia Công ước quốc tế về tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu hàng mẫu và tài liệu quảng cáo. Hàng mẫu không có giá trị thương mại có thể miễn thuế nhập khẩu vào Đan Mạch nếu:

  • Có giá trị không đáng kể (45 Euro hoặc ít hơn);
  • Do yêu cầu của đơn đặt hàng cần phải có hàng mẫu;
  • Mỗi kiểu dáng hay chất lượng hàng mẫu chỉ được phép có 1 mẫu;
  • Hàng mẫu được cung cấp trực tiếp từ nước ngoài;
  • Hàng mẫu sẽ được sử dụng hoặc huỷ trong quá trình sử dụng và được đóng gói, đánh dấu đúng cách nhằm phòng ngừa việc chúng sẽ được sử dụng ngoài mục đích làm hàng mẫu;
  • Một số hàng mẫu có giá trị thương mại có thể nhập khẩu vào Đan Mạch và được miễn thuế nếu đóng tiền bảo đảm hoặc tiền đặt cọc bằng tổng giá trị nộp thuế. Các hàng mẫu này phải được tái xuất trong vòng một năm thì mới được thu hồi tiền đặt cọc.

Các qui định về bao gói và nhãn mác

Bao gói và nhãn mác

Các yêu cầu về bao gói, nhãn mác đối với các sản phẩm bán trên thị trường Đan Mạch dựa trên các qui định của châu Âu và qui định của Đan Mạch nhằm bảo vệ môi trường cũng như ngăn chặn mọi rủi ro đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Hàng hoá khác nhau sẽ có qui định về bao gói và nhãn mác khác nhau và còn tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng của hàng hoá đó là hàng tiêu dùng hay sản phẩm công nghiệp.

Các danh mục sản phẩm được liệt kê dưới đây phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn của EU nhằm đảm bảo người tiêu dùng có được tất cả các thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua hàng.

  • Thuỷ sản;
  • Thực phẩm;
  • Giày dép;
  • Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
  • Các sản phẩm thịt;
  • Các sản phẩm dệt;
  • Săm lốp;
  • Rượu vang.

Ngoài việc tuân thủ các qui định chung của EU, các sản phẩm tiêu dùng phải có nhãn bằng tiếng Đan Mạch, hoặc một ngôn ngữ gần giống với tiếng Đan Mạch như tiếng Na Uy hoặc tiếng Thụy Điển. Một số sản phẩm cần ghi rõ xuất xứ. Các đơn vị đo lường phải thuộc hệ mét. Nhãn mác phải miêu tả chính xác nội dung của hàng hoá bên trong.

Phần lớn các loại thực phẩm đều nằm trong hệ thống qui định chung về nhãn mác thực phẩm. Đan Mạch cũng có các qui định đặc biệt áp dụng cho một số loại thực phẩm cụ thể như các sản phẩm cá, sô cô la hay sản phẩm mứt cam. Nhãn mác chất phụ gia (riêng hay lẫn trong thực phẩm) nằm trong qui định riêng về chất phụ gia.

Các loại thực phẩm bán ở thị trường Đan Mạch phải có mã số nhận diện sản phẩm (số lô hàng hay ngày sản xuất).

Nhà xuất khẩu không được chỉ dán nhãn mác theo tiêu chuẩn của nước mình mà phải nhãn mác theo các tiêu chuẩn của Đan Mạch và dính bên cạnh hoặc đè lên để che đi phần trên nhãn mác của nơi xuất khẩu không theo qui định của Đan Mạch (ví dụ như những thông tin dinh dưỡng bằng tiếng nước ngoài). Nhãn mác phải nêu rõ thành phần của chất phụ gia. Các thành phần này phải được sắp xếp theo nhóm chức năng, theo sau là tên cụ thể của thành phần, hoặc số E (số E là số được xác định trong các qui định về chất phụ gia, và danh sách các chất phụ gia tích cực).

Trách nhiệm đảm bảo sản phẩm tuân thủ các qui định về nhãn mác là trách nhiệm của nhà nhập khẩu. Làm sai qui định về nhãn mác và bao gói có thể gây chậm trễ, thiệt hại, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.

Viện Đo lường Quốc gia Đan Mạch phụ trách các vấn đề liên quan đến kích cỡ bao gói. Liên hệ:

Danmarks Nationale Metrologiinstitut (Danish National Metrology Institute)
Kogle Alle 5, DK-2970 Horsholm
(+45) 7730 58 00
[email protected]

Cục Quản lý Thực phẩm và Thú Y thuộc Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch phụ trách các vấn đề liên quan đến bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Liên hệ:

Miljø- og Fødevareministeriet (Ministry of Environment and Food)
Fødevarestyrelsen (Danish Veterinary and Food Administration)
Stationsparken 31-33, DK-2600 Glostrup
(+45) 72 27 69 00

Nhãn sinh thái

Để phân biệt những sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường, EU còn có quy định các loại nhãn mác không bắt buộc gọi là nhãn sinh thái. Nhãn sinh thái chỉ được trao cho những nhà sản xuất có thể chứng minh được rằng sản phẩm của mình ít làm hại đến môi trường hơn là những sản phẩm cùng loại khác. Chính phủ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm không làm hại môi trường.

Các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu sang châu Âu cho rằng chương trình nhãn mác môi trường này là một rào cản thương mại không chính thức, được xây dựng không dựa trên những kết luận khoa học rõ ràng và xác thực nào cả, và là sự đối xử không công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài. Chương trình nhãn sinh thái là một chương trình tốn kém. Do vậy, chương trình này không được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nhãn sinh thái có thể là một công cụ tiếp thị rất tốt, vì nhu cầu sử dụng những sản phẩm xanh và sạch ngày càng gia tăng ở châu Âu. Trong tương lai, nhãn bông hoa xanh có thể trở thành một dấu hiệu mà người tiêu dùng tìm kiếm.

Các qui định của EU về bao gõi, nhãn mác
Chỉ thị 94/62/EC về đóng gói và chất thải bao bì
Các qui tắc tự nguyện về nhãn sinh thái cho một số sản phẩm

Qui định về kiểm dịch động thực vật

Là thành viên của EU, Đan Mạch tuân thủ các qui định của EU về kiểm dịch động thực vật với hàng nhập khẩu.

Qui định kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm của EU

Kiểm dịch động vật

Là thành viên của EU, Đan Mạch tuân thủ các qui định kiểm dịch động vật của EU. Các yêu cầu cơ bản nhất bao gồm:

  • Nước xuất khẩu phải nằm trong danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu danh mục sản phẩm liên quan vào EU;
  • Sản phẩm có nguồn gốc động vật chỉ được nhập khẩu vào EU nếu được sản xuất từ các cơ sở chế biến được nước xuất khẩu phê duyệt;
  • Tất cả động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe có chữ ký của bác sĩ thú y chính thức của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu;
  • Mọi lô hàng đều phải được kiểm tra tại điểm kiểm tra biên giới của nước thành viên EU;
  • Nếu dịch bệnh bùng phát ở một quốc gia ngoài EU gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe động vật hoặc sức khoẻ cộng đồng, EU có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ tạm thời, bao gồm đình chỉ nhập khẩu từ toàn bộ hoặc một phần quốc gia liên quan hoặc đưa ra yêu cầu đặc biệt đối với các sản phẩm từ quốc gia đó.

Cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng phòng vệ của Đan Mạch trước sự ra đời của các bệnh vật nuôi nghiêm trọng.

Rất ít động vật được nhập khẩu vào Đan Mạch. Các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật được nhập khẩu từ các nước ngoài EU phải chịu kiểm tra nghiêm ngặt tại cảng hoặc sân bay nhập cảnh vào EU. Các lô hàng nhập khẩu từ các nước trong EU vào Đan Mạch cũng phải chịu kiểm tra ngẫu nhiên không phân biệt đối xử.

Tất cả các lô hàng được nhập khẩu từ các nước thứ ba phải chịu kiểm tra tại cảng hoặc sân bay nhập cảnh vào EU tại một điểm kiểm tra biên giới (BIP) đã được phê duyệt. Các lô hàng nhập khẩu từ các quốc gia thành viên EU và các nước khác chỉ được phép nhập khẩu vào Đan Mạch, nếu đáp ứng được các qui định của EU, kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe phù hợp và đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh.

Nếu dịch bệnh liên quan đến động vật xảy ra ở một nước thành viên EU hay các nước không phải thành viên, việc nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật đó sẽ bị cấm ngay lập tức.

Các điểm kiểm tra biên giới (BIP) phải đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật EU và chỉ có thể hoạt động sau khi Ủy ban châu Âu đã kiểm tra. Ở Đan Mạch, có 3 điểm kiểm tra biên giới được phê duyệt để kiểm tra động vật sống và 9 điểm được phê duyệt để kiểm tra các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Cục Quản lý Thực phẩm và Thú Y thuộc Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch phụ trách các vấn đề liên quan đến kiểm dịch động vật. Liên hệ:

Miljø- og Fødevareministeriet (Ministry of Environment and Food)
Fødevarestyrelsen (Danish Veterinary and Food Administration)
Stationsparken 31-33, DK-2600 Glostrup
(+45) 72 27 69 00

Danh sách động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật bị kiểm soát tại biên giới

Kiểm dịch thực vật

Thực vật và các sản phẩm thực vật (bao gồm cả trái cây, rau quả và các sản phẩm gỗ) muốn nhập khẩu vào Đan Mạch phải đảm bảo các qui định của EU về kiểm dịch thực vật. EU đã đặt ra các yêu cầu kiểm dịch thực vật để ngăn chặn các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật của EU.

Các yêu cầu chung:

  • Hàng hoá phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;
  • Hàng hoá phải được làm các thủ tục hải quan và kiểm dịch tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU;
  • Hàng hoá phải được nhập khẩu bởi một nhà nhập khẩu đã đăng ký chính thức tại một nước thành viên EU
  • Hàng hoá phải được thông báo trước cho cơ quan hải quan tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU.

EU có các qui tắc bảo vệ quyền giống cây trồng, qui định quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng có hiệu lực trên toàn EU. Hệ thống này được thực hiện bởi Văn phòng Giống cây trồng cộng đồng (CPVO).

Theo danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng của CITES, một số loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng còn bị hạn chế thương mại. Các hạn chế sẽ đảm bảo rằng thương nhân hoặc khách du lịch không đưa các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng vào Đan Mạch.

Cơ quan Nông nghiệp Đan Mạch, trực thuộc Bộ Môi trường và Thực phẩm chịu trách nhiệm về vấn đề kiểm dịch thực vật. Liên hệ:

Miljø- og Fødevareministeriet (Ministry of Environment and Food)
Landbrugsstyrelsen (Danish Agricutural Agency)
EU & Landbrug (EU and Agriculture)
Planter (Plants)
Nyropsgade 30
DK-1780 København V
(+45) 3395 8000
[email protected]

Qui định về thương mại thực vật và các sản phẩm thực vật

Qui định về tiêu chuẩn sản phẩm

An toàn sản phẩm

Nhà sản xuất và phân phối sản phẩm cho thị trường EU, trong đó có Đan Mạch phải đảm bảo:

  • Cung cấp sản phẩm tuân thủ các yêu cầu an toàn chung;
  • Thông báo cho người tiêu dùng về những rủi ro mà sản phẩm có thể gây ra và bất kỳ biện pháp phòng ngừa cần thực hiện;
  • Thông báo cho các cơ quan quốc gia có liên quan nếu phát hiện ra một sản phẩm nguy hiểm và hợp tác với các cơ quan chức năng để bảo vệ người tiêu dùng.

Các quốc gia thành viên EU thực hiện giám sát thị trường và thực thi các quy tắc an toàn sản phẩm. EU có cơ chế cảnh báo nhanh RAPEX – giúp trao đổi thông tin nhanh chóng giữa các nước EU và Ủy ban châu Âu về các sản phẩm nguy hiểm.

Ngoài các qui tắc an toàn sản phẩm chung, EU còn có các qui tắc cụ thể áp dụng cho một số loại sản phẩm nhất định như hoá chất, dược phẩm và mỹ phẩm, máy móc, thiết bị, đồ chơi…

Các qui tắc chung của EU về an toàn sản phẩm
Các qui định đối với tiêu chuẩn sản phẩm hoá chất của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn dược phẩm và mỹ phẩm của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn máy móc, thiết bị và một số sản phẩm khác của EU

Tiêu chuẩn kỹ thuật

EU khuyến khích các nước thành viên áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hài hòa. Các tiêu chuẩn hài hòa được soạn thảo bởi ba cơ quan tiêu chuẩn hóa độc lập:

  • Ủy ban Tiêu chuẩn châu Âu (CEN)
  • Ủy ban Tiêu chuẩn điện tử châu Âu (CENELEC)
  • Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu (ETSI)

Hiện tại, có 27.000 tiêu chuẩn áp dụng tại Đan Mạch. Trong đó, 98% là tiêu chuẩn quốc tế, và do đó chỉ có 2% là tiêu chuẩn quốc gia của Đan Mạch.

Có một số cơ quan có trách nhiệm kiểm tra các sản phẩm kỹ thuật được lưu thông trên thị trường Đan Mạch để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn (như sản phẩm công nghiệp, thiết bị y tế, thiết bị đầu cuối vô tuyến và viễn thông, phương tiện, v.v.)

Ở Đan Mạch, các sản phẩm được kiểm tra và chứng nhận ở nước ngoài có thể vẫn bị kiểm tra và chứng nhận lại theo qui định của EU vì EU có các qui định khác đối với bảo vệ sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng cũng như môi trường. Các tiêu chuẩn của EU được xây dựng trong những năm gần đây được áp dụng tại tất cả các nước thành viên EU và các nước thuộc Khu vực kinh tế châu Âu. Hệ thống tiêu chuẩn chung của các nước thành viên EU tạo điều kiện cho các sản phẩm xâm nhập thị trường của các nước này một cách thuận lợi, lưu ý rằng các qui định và tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau có thể trở thành rào cản thương mại nếu tiêu chuẩn của nước xuất khẩu khác các tiêu chuẩn của EU.

Tổ chức cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn hàng đầu ở Đan Mạch là Tổ chức Tiêu chuẩn Đan Mạch. Là một tổ chức tư nhân, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, và được công nhận là một tổ chức tiêu chuẩn quốc gia, nhiệm vụ của tổ chức này là cung cấp dịch vụ liên quan đến tiêu chuẩn hóa, chứng nhận và truyền đạt kiến thức về tiêu chuẩn. Liên hệ:

Fonden Dansk (Tổ chức Tiêu chuẩn Đan Mạch)
Göteborg Plads 1, DK-2150 Nordhavn
(+45) 3996 6101
[email protected]

Dán nhãn CE

Một số sản phẩm khi tiêu thụ tại thị trường Đan Mạch phải được dán nhãn CE.

CE được viết tắt từ cụm từ “Conformité Européenne” có tên gọi đầy đủ và chính thức là CE Marking. Chứng nhận CE Marking cho biết sản phẩm tuân theo pháp luật của EU và cho phép sản phẩm được lưu thông tự do trong thị trường châu Âu. Thông qua việc gắn dấu CE lên sản phẩm, nhà sản xuất tuyên bố dựa trên trách nhiệm của họ rằng sản phẩm đó đáp ứng mọi yêu cầu về mặt pháp lý để có được tiêu chuẩn CE Marking.

EU đã thông qua hơn 20 chỉ thị và quy định về sản phẩm để được dán nhãn CE.

Chứng nhận CE cũng được coi như “hộ chiếu thương mại” để sản phẩm vào thị trường EU.

Nhà sản xuất có sản phẩm thỏa mãn các quy định của EU được tổ chức chứng nhận được nhà nước cho phép cấp chứng nhận tiêu chuẩn EU cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chung của EU. Khi đó nhà sản xuất có thể đóng nhãn CE cho sản phẩm của mình và công bố sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn EU. Với sản phẩm đã được dán nhãn CE và công bố của nhà sản xuất, sản phẩm có thể tự do lưu thông trong phạm vi EU. Đối với nhà sản xuất, những quy định sản phẩm mang nhãn CE nhằm làm cho các nhà sản xuất lựa chọn, quyết định những vấn đề về an toàn/sức khoẻ, lựa chọn mô hình đánh giá qui trình sản xuất nào thích hợp nhất. Trên góc độ quản lý, mục đích của việc dán nhãn CE chủ yếu là để làm đơn giản hóa quá trình kiểm tra đối với một số mặt hàng của các cơ quan kiểm soát quốc gia các nước thành viên. Mặc dù nhãn CE được dùng chủ yếu cho mục đích kiểm tra, người tiêu dùng có thể coi đây là một dấu hiệu chứng nhận chất lượng. Nhãn CE là đảm bảo của nhà sản xuất, hoặc của đại diện của nhà sản xuất ở châu Âu, là sản phẩm đó đã đạt những tiêu chuẩn theo quy định của EU. Nhãn CE không bao gồm thông tin kỹ thuật cụ thể của sản phẩm, nhưng có đủ thông tin để cơ quan kiểm soát có thể tìm đến nhà sản xuất hoặc là đại diện của nhà sản xuất ở châu Âu. Thông tin này không xuất hiện trong nhãn CE, mà được nêu trong bản công bố thỏa mãn qui trình, chứng nhận qui trình của nhà sản xuất, hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm.

25 nhóm sản phẩm yêu cầu phải dán nhãn CE theo Chỉ thị cách tiếp cận mới:

  • Thiết bị y tế cấy ghép hoạt động;
  • Thiết bị đốt nhiên liệu khí;
  • Các sản phẩm dùng để lắp đặt cáp treo được thiết kế để chở người;
  • Các sản phẩm xây dựng;
  • Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
  • Các thiết bị, hệ thống điện, điện từ tương thích;
  • Thiết bị và hệ thống bảo vệ dự định sử dụng trong môi trường có khả năng gây nổ;
  • Chất nổ dùng trong dân dụng;
  • Nồi hơi nước nóng;
  • Thiết bị y tế chẩn đoán in vitro;
  • Thang máy;
  • Các thiết bị điện hạ thế;
  • Máy móc;
  • Dụng cụ đo lường;
  • Các thiết bị y tế;
  • Các sản phẩm phát thải tiếng ồn trong môi trường;
  • Các dụng cụ cân không tự động;
  • Thiết bị bảo vệ cá nhân;
  • Thiết bị áp suất;
  • Pháo hoa;
  • Thiết bị đầu cuối đài phát thanh và viễn thông;
  • Các sản phẩm giải trí;
  • Hạn chế các chất độc hại trong các thiết bị điện và điện tử;
  • Đồ chơi;
  • Bình áp lực đơn giản.

Việc dán nhãn CE lên sản phẩm cũng được EU quy định nghiêm ngặt. Với mỗi sản phẩm khác nhau quy định về việc dán nhãn cũng sẽ khác nhau. Một số quy định chung như sau:

  • Kích thước của biểu tượng dấu “CE” khi tăng hay giảm thì tỷ lệ vẫn phải được giữ nguyên;
  • Dấu “CE” được đặt theo chiều thẳng đứng và kích thước không được nhỏ hơn 5mm;
  • Dấu “CE” phải đặt ở vị trí không bị các logo khác che khuất.

Các qui định của EU về nhãn CE

Đánh giá hợp chuẩn

Để quản lý hàng hàng hóa lưu thông trên thị trường, EU đã ban hành các quy định chung bắt buộc về an toàn, sức khỏe và môi trường cho từng nhóm sản phẩm như máy móc, đồ chơi, vật liệu xây dựng, bộ phận điện tử, thiết bị bảo vệ cá nhân, thiết bị cân nặng không tự động, thiết bị y tế, thiết bị khí, nồi hơi, thiết bị trạm truyền thanh và viễn thông… Các quy định này được công bố công khai. Mục đích ban hành các quy định chung này là thay thế các qui định khác nhau của các nước thành viên EU bằng một hệ thống qui định chung của EU nhằm đảm bảo hàng hóa có thể tự do di chuyển trong phạm vi EU.

Quy trình đánh giá sự phù hợp bao gồm giai đoạn thiết kế sản phẩm, giai đoạn sản xuất, theo nhiều cách khác nhau: kiểm soát nội bộ sản xuất, đảm bảo chất lượng đầy đủ, v.v.

Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau tồn tại giữa EU và một số quốc gia ngoài EU có mức độ phát triển kỹ thuật tương đương và có cách tiếp cận tương thích để đánh giá sự phù hợp.

Quyền sở hữu trí tuệ

Các hình thức bảo vệ sở hữu trí tuệ quan trọng nhất ở Đan Mạch là bằng sáng chế, mô hình tiện ích, bản quyền, thiết kế và thương hiệu. Bí mật thương mại cũng được bảo vệ, nhưng nói chung không được coi là một hình thức sở hữu trí tuệ theo luật pháp Đan Mạch (trái với thông lệ pháp lý ở nhiều quốc gia khác).

Hệ thống pháp luật của Đan Mạch dựa trên hệ thống luật dân sự. Pháp luật liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của Đan Mạch được dựa trên sự hợp tác khá chặt chẽ giữa các quốc gia Bắc Âu khác. Do đó, án lệ từ các quốc gia Bắc Âu khác liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đã đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống luật về quyền sở hữu trí tuệ của Đan Mạch trong nhiều năm.

Bằng sáng chế

Đan Mạch tham gia một số Hiệp ước và Điều ước quốc tế liên quan đến bằng sáng chế như Hiệp ước Hợp tác sáng chế, Hiệp ước Luật sáng chế và Công ước Bằng sáng chế châu Âu. Đan Mạch cũng đã quyết định tham gia hệ thống Tòa án sáng chế thống nhất châu Âu.

Muốn được bảo hộ bằng sáng chế tại Đan Mạch, có thể nộp đơn trực tiếp cho Văn phòng nhãn hiệu và bằng sáng chế của Đan Mạch hoặc đăng ký bằng sáng chế quốc tế theo các Hiệp ước, Điều ước mà Đan Mạch đã tham gia, hoặc đăng ký tại Văn phòng Bằng sáng chế châu Âu.

Theo Đạo luật Bằng sáng chế của Đan Mạch, bảo hộ sáng chế sẽ được cấp cho tất cả các phát minh mới, có tính sáng tạo, và dễ được ứng dụng trong công nghiệp. Bằng sáng chế được cấp cho các phát minh trong tất cả các lĩnh vực công nghệ và có thể được cấp cho các sản phẩm, bộ phận, và ứng dụng.

Bảo hộ sáng chế có thời hạn tối đa là 20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký.

Mô hình tiện ích

Các mô hình tiện ích có thể được đăng ký tại Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Đan Mạch. Một sáng tạo phải mới, khác biệt rõ ràng với bất kỳ đăng ký nào trước đó, và có thể áp dụng trong công nghiệp. Các mô hình tiện ích có thể được đăng ký cho các sản phẩm, bộ phận, và ứng dụng.

Việc bảo hộ mô hình tiện ích tối đa là 10 năm, kể từ ngày nộp đơn đăng ký, kể từ ngày nộp đơn đăng ký mô hình tiện ích.

Nhãn hiệu thương mại

Nhãn hiệu thương mại được bảo hộ tại Đan Mạch nếu được đăng ký tại Đan Mạch, tại EU, hay đăng ký bảo hộ quốc tế tại các nước tham gia Nghị định thư Madrid.

Đạo luật Nhãn hiệu Thương mại của Đan Mạch có một số thay đổi quan trọng trong đó thực hiện các quy định của Chỉ thị (EU) 2015/2436. Các quy tắc mới, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, liên quan đến việc đăng ký các loại nhãn hiệu không có điều kiện (nghĩa là nhãn hiệu âm thanh hoặc chuyển động), các quy tắc hiện hành về việc thiết lập quyền thương hiệu chưa đăng ký và một số thay đổi thủ tục đối với quá trình đăng ký.

Thiết kế

Một thiết kế được bảo hộ tại Đan Mạch nếu được đăng ký tại Đan Mạch, tại EU, đăng ký quốc tế tại các nước thành viên của Thỏa thuận Hague.

Bản quyền

Bản quyền không cần phải đăng ký ở Đan Mạch. Đạo luật Bản quyền Đan Mạch qui định việc bảo hộ các tác phẩm văn học, âm nhạc, phim ảnh, tác phẩm nghệ thuật như nhiếp ảnh, kiến trúc và nghệ thuật trang trí, chương trình máy tính (phần mềm).

Theo Đạo luật Bản quyền của Đan Mạch, chính người khởi tạo tác phẩm giữ bản quyền cho tác phẩm đó. So với việc bảo vệ bản quyền ở các quốc gia khác, Đạo luật Bản quyền của Đan Mạch có một số điều khoản bắt buộc bảo vệ bản quyền cho người khởi tạo liên quan đến các thỏa thuận về chuyển nhượng bản quyền. Việc bảo vệ bản quyền kéo dài từ ngày tạo ra tác phẩm cho đến 70 năm sau cái chết của người giữ bản quyền.

Bí mật thương mại

Liên quan đến bí mật thương mại, Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã thông qua chỉ thị về bảo vệ bí mật thương mại vào tháng 5 năm 2016. Mục tiêu của chỉ thị là đảm bảo các quy tắc về bí mật thương mại được hài hòa và tăng cường trên toàn Liên minh châu Âu thông qua các quy tắc quốc gia thống nhất về việc mua lại, sử dụng và tiết lộ bất hợp pháp các bí mật thương mại. Qui định của EU đã được thực hiện ở Đan Mạch trong một đạo luật mới về bí mật thương mại, có hiệu lực từ ngày 9 tháng 6 năm 2018.

Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Thương mại Đan Mạch là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Liên hệ:

Danish Patent and Trademark Office
Helgeshøj Alle 81, DK-2630 Taastrup
Tel.: +45 4350 8000
Fax: +45 4350 8001
[email protected]

Thành lập doanh nghiệp

Quy trình thành lập doanh nghiệp tại Đan Mạch như sau:

  • Đăng ký chữ ký điện tử, thời gian hoàn thành trong ngày, không thu phí;
  • Mở tài khoản ngân hàng, có thể mất một ngày để hoàn thành;
  • Đăng ký thành lập doanh nghiệp với Cơ quan quản lý doanh nghiệp và thương mại của Đan Mạch thông qua hệ thống Webres, mất 4 ngày gồm cả đăng ký thuế. Đăng ký kinh doanh và thuế được thực hiện ở dịch vụ một cửa Thông báo thành lập công ty và các điều khoản của công ty được nộp theo đường điện tử với toàn bộ quá trình diễn ra trên trang web mà không cần có sự liên quan hay phê chuẩn của cơ quan nào. Để bảo mật an toàn cho vốn thành lập thì luật sư, kế toán hay nhân viên ngân hàng vào trang thông tin vốn của Webreg và xác nhận loại hình và số lượng vốn bằng cách kích hoạt chữ ký điện tử. Sau khi hoàn thành việc đăng ký, khách hàng nhận hoá đơn đăng ký, quản lý số kinh doanh và xác nhận rằng việc đăng ký có sự chứng kiến tại www.cvr.dk;
  • Đăng ký số lượng nhân viên với cơ quan quản lý bảo hiểm, mất một ngày để hoàn thành. Đăng ký cho nhân viên với một trong các công ty bảo hiểm tư nhân. Có thể tìm thêm thông tin và công ty bảo hiểm tại www.forsikringsoplysningen.dk.

Hướng dẫn thành lập doanh nghiệp