Chính sách thuế

Thuế nhập khẩu

Là thành viên của EU, Latvia đã thông qua việc thực hiện các chính sách thương mại chung của EU. Thuế nhập khẩu của nước này ngang bằng với các mức thuế của EU và thường thấp hơn so với mức thuế trước đây khi nước này chưa gia nhập EU.

Thuế nhập khẩu áp dụng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Latvia, được tính theo giá CIF và hài hòa với các qui định của GATT. Mức thuế nhập khẩu là khác nhau với từng nhóm sản phẩm và tuỳ theo nước xuất xứ của hàng hóa.

Luật Hải quan Latvia qui định các trường hợp được miễn thuế nhập khẩu. Các nhà đầu tư nước ngoài thường được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng tạm nhập.

Hàng nhập khẩu có giá trị dưới 250 Euro không phải nộp thuế.

Thuế VAT

Hàng nhập khẩu vào Latvia phải nộp thuế VAT. Mức thuế VAT được xác định bởi từng nước thành viên EU. Kể từ ngày 01/01/2013, Luật Thuế VAT của Latvia có hiệu lực, qui định mức thuế VAT chung là 21%.

Thuế VAT 12% được áp dụng cho một số hàng hoá nhất định, ví dụ như thuốc, thiết bị y tế, một số thực phẩm cho trẻ sơ sinh, tài liệu học, sách báo, tạp chí, củi đốt, nguồn cung năng lượng nhiệt.

Thuế VAT 5% được áp dụng cho rau quả tươi.

Một số trường hợp được miễn thuế VAT, ví dụ như hàng nhập khẩu để xuất khẩu, hàng trong khu vực kho ngoại quan, khu vực miễn thuế.

Đối với hàng nhập khẩu, VAT được tính trên giá CIF + trị giá thuế nhập khẩu.

Hàng nhập khẩu dưới 22 Euro không phải nộp thuế VAT.

Luật Thuế VAT của Latvia

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Ngoài thuế nhập khẩu và VAT, một số hàng hoá nhập khẩu phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào các mặt hàng thuốc lá, lá thuốc lá, chất lỏng sử dụng cho thuốc lá điện tử, đồ uống có cồn, đồ uống không có cồn, các sản phẩm từ dầu mỏ, cà phê, khí ga tự nhiên.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào thuốc lá, đồ uống có cồn, các sản phẩm từ dầu mỏ tăng theo từng năm. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với cà phê là 142,29 Euro/100kg, đồ uống không cồn là 7,4 Euro/100 lít được áp dụng từ ngày 1/1/2016.

Các qui định về nhập khẩu

Thủ tục hải quan

Kể từ khi gia nhập EU năm 2004, chính sách hải quan của Latvia đã được điều chỉnh bởi luật pháp EU. Latvia chỉ qui định một số lĩnh vực cụ thể không thuộc điều chỉnh của EU.

Tất cả hàng hoá khi nhập khẩu vào Latvia đều phải làm các thủ tục hải quan. Các giấy tờ cần có khi làm thủ tục hải quan bao gồm:

Tờ khai giá trị hải quan:

Tờ khai giá trị hải quan phải được xuất trình cho cơ quan hải quan nếu giá trị của hàng hoá nhập khẩu vượt quá 20,000€. Tờ khai giá trị hải quan phải được lập theo mẫu DV1. Tờ khai này phải đi kèm với tài liệu hành chính đơn (SAD). Mục đích chính của yêu cầu này là để xác định giá trị hải quan (giá trị tính thuế).

Giá trị hải quan tương ứng với giá trị của hàng hoá bao gồm tất cả các chi phí phát sinh (ví dụ: giá hàng hoá, cước vận tải, phí bảo hiểm) cho đến điểm đến đầu tiên trong Liên minh châu Âu. Phương pháp thông thường để tính giá trị hải quan là sử dụng giá trị giao dịch.

Trong một số trường hợp giá trị giao dịch của hàng hoá nhập khẩu có thể bị điều chỉnh, trong đó có việc bổ sung hay khấu trừ.

Tài liệu hành chính đơn (SAD): 

Tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Latvia phải được khai báo với cơ quan hải quan của Latvia bằng cách sử dụng tài liệu hành chính đơn (SAD), được qui định tại Luật Hải quan. Tờ khai phải được lập bằng một trong những ngôn ngữ chính thức của EU, được chấp nhận bởi cơ quan hải quan của Latvia là nơi các thủ tục được thực hiện. SAD có thể được nộp trực tiếp cho Cơ quan Hải quan hoặc nộp qua hệ thống EDI. SAD có thể được nộp bởi nhà nhập khẩu hoặc người được uỷ quyền.

Hoá đơn thương mại:

Hóa đơn thương mại thể hiện những nội dung sau:

  • Tổng giá trị hóa đơn và tiền thanh toán: giá trị tương đương phải được thể hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi ra Euro hoặc hợp pháp khác tại Latvia;
  • Các điều khoản thanh toán (phương thức và thời điểm thanh toán, giảm giá…);
  • Các điều kiện giao hàng theo Incoterm thích hợp;
  • Phương tiện vận tải.

Hoá đơn thương mại phải được chuẩn bị bởi nhà xuất khẩu theo thông lệ kinh doanh tiêu chuẩn và phải được nộp bản gốc cùng với ít nhất một bản sao. Nói chung, không có qui định nào yêu cầu các hóa đơn phải có chữ  ký nhưng trong thực tế, cả hai bản gốc và bản sao hoá đơn thương mại thường được ký. Hoá đơn thương mại có thể được chuẩn bị bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, nên có một bản dịch hóa đơn thương mại sang tiếng Anh.

Tài liệu vận chuyển: 

Tùy thuộc vào phương tiện vận tải sử dụng, các tài liệu sau đây phải được điền đầy đủ và nộp cho cơ quan hải quan: Vận đơn (B/L), Vận đơn đường bộ (CMR), Vận đơn hàng không (AWB), Vận đơn đường sắt (CIM), ATA Carnet, TIR Carnet.

Phiếu đóng gói (P/L):

Bảng kê hàng hóa thường bao gồm các thông tin:

  • Nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và các công ty vận tải;
  • Ngày phát hành;
  • Số hóa đơn vận chuyển hàng hóa;
  • Loại bao bì;
  • Mô tả hàng hóa và số lượng các mặt hàng trong mỗi gói hàng;
  • Mã hiệu và số;
  • Trọng lượng tịnh, trọng lượng và đơn vị đo lường của các gói hàng.

Tuỳ từng loại hàng hoá sẽ cần phải có thêm các giấy tờ khác ví dụ chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật, giấy phép nhập khẩu.

Cấm và hạn chế nhập khẩu

Latvia có chung qui định với EU về các hàng hoá cấm, hạn chế nhập khẩu. Hạn ngạch nhập khẩu hàng hóa vào Latvia cũng được áp dụng chung theo qui định của EU.

Ngoài ra, Latvia cũng hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng vì các lý do liên quan đến an ninh và bảo vệ môi trường.

Dưới đây là một số hàng hoá bị hạn chế nhập khẩu vào Latvia:

  • Vũ khí, đạn dược, ngoại trừ súng dùng để săn bắn;
  • Thiết bị quân sự;
  • Vật liệu gây nguy hại;
  • Nguyên liệu sản xuất vũ khí sinh học;
  • Sản phẩm nguyên tử;
  • Quặng uranium;
  • Sản phẩm tác động đến tâm thần;
  • Lông động vật hoang dã có nguồn gốc ở một quốc gia nơi các phương pháp bẫy/săn bắn không đáp ứng các tiêu chuẩn bẫy nhân đạo được quốc tế công nhận;
  • Động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng và các sản phẩm của chúng được bảo vệ theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES);
  • Các chất làm suy giảm tầng ozone;
  • Trứng, chim chóc và các loại tương tự;
  • Phôi, động vật, chim chóc;
  • Sản phẩm từ cá voi;
  • Và một số hàng hoá khác.

Giấy phép nhập khẩu

Một số hàng hoá khi nhập khẩu vào Latvia cần phải xin phép. Một số cơ quan có thẩm quyền cấp phép đối với các mặt hàng cụ thể:

Bộ Kinh tế là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép, và nhôm.

Latvijas Republikas Ekonomikas Ministrija (Ministry of Economics of the Republic of Latvia)
Brīvības iela 55, 1519 Riga
(+371) 6 701 3100
[email protected]

Bộ Nông nghiệp là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp và phân bón

Latvijas Republikas Zemkopības Ministrija (Ministry of Agriculture of the Republic of Latvia)
Republikas laukums 2, 1981 Riga
(+371) 6 709 5000
[email protected]

Uỷ ban Bảo vệ Thiên nhiên là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).

Dabas Aizsardzības Pārvalde (Nature Protection Board)
Baznicas iela 7, 2150 Sigulda
(+371) 6750 9545
[email protected]

Trung tâm Môi trường, Địa chất, và Khí tượng là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các hoá chất nguy hiểm.

Latvijas Vides, Ģeoloģijas un meteoroloģijas Centrs – LVĢMC (Latvian Environment, Geology and Meteorology Centre)
Maskavas iela 165, 1019 Riga
(+371) 67 032 028 / 67 032 600
[email protected]

Bộ Y tế là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các chất tẩy rửa.

Veselības Ministrija (Ministry of Health)
Klijanu iela 7, 1012 Riga
(+371) 6 708 1600
[email protected]

Bộ Bảo vệ Môi trường và Phát triển Khu vực là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các chất ô nhiễm hữu cơ.

Vides Aizsardzības un Reģionālās Attīstības Ministrija (Ministry of Environmental Protection and Regional Development)
Peldu iela 25, 215, 1494 Riga
(+371) 6702 6514 / 660 167 40
[email protected]

Cơ quan Dịch vụ Môi trường Quốc gia là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhập khẩu các chất thải.

Valsts Vides Dienests (State Environmental Service)
Rūpniecības iela 23, 1045 Riga
(+371) 6708 4200
[email protected]

Tạm nhập

Hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu và VAT nếu được chấp nhận nhập cảnh tạm thời không quá 24 tháng trong khu vực hải quan và sau đó tái xuất.

ATA Carnet thường được sử dụng để nhập khẩu hàng hoá quá cảnh và tạm nhập cho các mục đích cụ thể như thiết bị chuyên ngành, hàng trưng bày tại hội chợ, triển lãm trong vòng 12 tháng.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Latvia là cơ quan cấp ATA Carnet.

Qui định về bao gói và nhãn mác

Qui định về nhãn mác

Các qui định ghi nhãn của Latvia được hài hòa với các quy định của EU. Yêu cầu chính xác phụ thuộc vào loại sản phẩm và mục đích sử dụng. Nhãn và hướng dẫn phải bằng tiếng Latvia và phải chứa tên của sản phẩm, thông tin về nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và trong một số trường hợp nhãn cần có hướng dẫn sử dụng. Yêu cầu chi tiết được qui định trong Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với nhãn thực phẩm, yêu cầu chung như sau:

  • Tên của sản phẩm;
  • Thành phần;
  • Khối lượng tịnh;
  • Hạn sử dụng;
  • Điều kiện bảo quản đặc biệt hoặc điều kiện sử dụng (nếu cần);
  • Tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc đóng gói hoặc nhập khẩu, bán lẻ châu Âu: trong trường hợp người tiêu dùng châu Âu có thể tìm kiếm thêm thông tin hoặc gửi đơn khiếu nại;
  • Xuất xứ của sản phẩm;
  • Hướng dẫn sử dụng: trong trường hợp không thể sử dụng sản phẩm thực phẩm đúng cách nếu không có hướng dẫn;
  • Chỉ báo nồng độ cồn: đối với đồ uống có chứa hơn 1,2% cồn.
Các danh mục sản phẩm được liệt kê dưới đây phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn của EU nhằm đảm bảo người tiêu dùng có được tất cả các thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua hàng.
  • Thuỷ sản;
  • Thực phẩm;
  • Giày dép;
  • Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
  • Các sản phẩm thịt;
  • Các sản phẩm dệt;
  • Săm lốp;
  • Rượu vang.

Qui định về bao gói

Các qui định về bao gói của Latvia hài hoá với các qui định của EU yêu cầu về bao gói trong Chỉ thị 94/62/EC và các chỉ thị sửa đổi: ban hành cho tất cả loại bao gói nhập khẩu vào thị trường EU và tất cả chất thải bao bì.

Theo luật định này, những túi lọc trà và các lớp sáp bao bọc phomai, được gọi là “các nguyên liệu tiếp xúc với thức ăn”, được coi là phi nguyên liệu đóng gói, trong khi đó các lớp phim bao bọc xung quanh một hộp CD, giấy hoặc các túi chứa plastic, hoặc các nhãn hàng hóa được dán trực tiếp hoặc đính kèm sản phẩm được coi là bao bì đóng gói.

Các qui định đưa ra một số yêu cầu cần thiết liên quan đến tất cả các bao bì được tiêu thụ trên thị trường EU cũng như yêu cầu ghi nhãn và chứng nhận (chất liệu ghi nhãn).

Trung tâm Đo lường Quốc gia Latvia là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến kích cỡ bao bì.

Latvijas Nacionālais Metroloģijas Centrs – LNMC (Latvian National Metrology Centre)
Kr. Valdemāra iela 157, 1013 Riga
(+371) 6737 8165
[email protected]

Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Dịch vụ Thực phẩm và Thú y Latvia là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến chất liệu bao bì tiếp xúc với thực phẩm.

Latvijas Republikas Zemkopības Ministrija (Ministry of Agriculture of the Republic of Latvia)
Republikas laukums 2, 1981 Riga
(+371) 6702 70 10 / 67027418
[email protected]

Pārtikas un Veterinārais Dienests (Food and Veterinary Service)
Peldu iela 30, 1050 Riga
(+371) 6709 52 30
[email protected]

Qui định về kiểm dịch động thực vật

Kiểm dịch động vật

Động vật và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật để được nhập vào Latvia phải trải qua các giai đoạn kiểm tra và kiểm dịch hết sức nghiêm ngặt.

Là thành viên của EU, Latvia tuân thủ các qui định kiểm dịch động vật của EU. Các yêu cầu cơ bản nhất bao gồm:

  • Nước xuất khẩu phải nằm trong danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu danh mục sản phẩm liên quan vào EU;
  • Sản phẩm có nguồn gốc động vật chỉ được nhập khẩu vào EU nếu được sản xuất từ các cơ sở chế biến được nước xuất khẩu phê duyệt;
  • Tất cả động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu;
  • Mọi lô hàng đều phải được kiểm tra tại điểm kiểm tra biên giới của nước thành viên EU và phải được thông báo trên hệ thống TRACES trước ít nhất 24 giờ trước khi hàng đến;
  • Nếu dịch bệnh bùng phát ở một quốc gia ngoài EU gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe động vật hoặc sức khoẻ cộng đồng, EU có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ tạm thời, bao gồm đình chỉ nhập khẩu từ toàn bộ hoặc một phần quốc gia liên quan hoặc đưa ra yêu cầu đặc biệt đối với các sản phẩm từ quốc gia đó.

Danh sách các động vật và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật chịu sự kiểm soát khi nhập khẩu vào EU, được qui định tại chỉ thị 91/496/EEC and 97/78/EC.

Việc kiểm soát nhập khẩu vào Latvia được tiến hành tại 14 trạm kiểm soát biên giới ở biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu và tại 7 kho hải quan đã được Cơ quan Dịch vụ Thực phẩm và Thú Y của Latvia công nhận.

Cục Kiểm soát Biên giới sẽ thực hiện kiểm tra các tài liệu và nhận dạng hàng hoá đối với 100% lô hàng là động vật và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật khi nhập khẩu vào Latvia và kiểm tra thực tế khoảng 20-50% lô hàng. Với việc kiểm tra thực tế, các mẫu sản phẩm được thu thập và gửi đi xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm được công nhận.

Nếu hàng hóa không phù hợp với các yêu cầu của Latvia và EU, hàng hoá sẽ phải tái xuất hoặc bị tiêu huỷ.

Cơ quan Dịch vụ Thực phẩm và Thú Y thuộc Bộ Nông nghiệp có thẩm quyền về kiểm dịch động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật của Latvia.

Pārtikas un Veterinārais Dienests – PVD (Food and Veterinary Service)
Peldu iela 30, 1050 Riga
(+371) 6709 5230
[email protected]

Kiểm dịch thực vật

Thực vật và các sản phẩm thực vật (bao gồm cây, cây cảnh, hoa, hạt giống, trái cây, rau quả và các sản phẩm gỗ) muốn nhập khẩu vào Latvia phải đảm bảo các qui định của EU về kiểm dịch thực vật. EU đã đặt ra các yêu cầu kiểm dịch thực vật để ngăn chặn các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật của EU.

Các yêu cầu chung:

  • Hàng hoá phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;
  • Hàng hoá phải được làm các thủ tục hải quan và kiểm dịch tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU;
  • Hàng hoá phải được thông báo trên hệ thống TRACES ít nhất 24 giờ trước khi hàng đến;
  • Hàng hoá phải được nhập khẩu bởi một nhà nhập khẩu đã đăng ký chính thức tại một nước thành viên EU;
  • Hàng hoá phải được thông báo trước cho cơ quan hải quan tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU.

Cơ quan Dịch vụ Bảo vệ Thực Vật Quốc gia là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu vào Latvia.

Valsts Augu Aizsardzības Dienests (State Plant Protection Service)
Lielvardes iela 36/38, 1006 Riga
(+371) 6702 7098 / 6702 7406
[email protected]

An toàn thực phẩm

Vì thực phẩm là vấn đề rất quan trọng ở châu Âu nên được chi phối bởi nhiều qui định nhằm bảo vệ, ở mức độ cao, sinh mạng và sức khỏe con người, và đúng mức đối với sự an toàn và sức khỏe động vật, thực vật và môi trường. Cách tiếp cận tổng hợp “từ trang trại đến bàn-ăn” được xem là nguyên tắc chung cho chính sách an toàn thực phẩm của EU.

Cơ quan Dịch vụ Thực phẩm và Thú y thực hiện kiểm soát việc tuân thủ an toàn, chất lượng, phân loại và các yêu cầu cụ thể khác đối với các nhóm sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm bị kiểm soát, bao gồm:

  • Phụ gia thực phẩm;
  • Hương liệu thực phẩm;
  • Vật liệu và vật phẩm tiếp xúc với thực phẩm;
  • Thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ;
  • Thực phẩm chế biến từ ngũ cốc và thức ăn trẻ em;
  • Thực phẩm cho các mục đích y tế đặc biệt;
  • Thực phẩm ăn kiêng thay thế toàn bộ để kiểm soát cân nặng;
  • Đường và muối;
  • Chiếu xạ thực phẩm;
  • Đồ uống có cồn và không cồn;
  • Nước uống và nước khoáng;
  • Thực phẩm chức năng;
  • Thực phẩm ăn kiêng;
  • Thực phẩm mới;
  • Thực phẩm biến đổi gen;
  • Thực phẩm hữu cơ.

Ngoài những qui định chung của EU, Latvia còn đặt ra một số tiêu chuẩn bổ sung.

Về thủy hải sản: Latvia không nhập những sản phẩm thủy hải sản nhập khẩu bị nhiễm độc do tác động của môi trường hoặc do chất phụ gia không được phép sử dụng. Đối với sản phẩm thủy hải sản đã qua chế biến, đóng gói phải ghi rõ tên sản phẩm, nơi sản xuất, các điều kiện bảo quản và cách sử dụng, mã số và mã vạch. Người tiêu dùng tẩy chay các loại thủy hải sản nhập khẩu có chứa chất khuẩn Salmonella, độc tố Lustamine, nhiễm V.Parahaemoliticus, nhiễm V.Cholerae.

Các thực phẩm ướp lạnh cần phải chú ý đến một số quy định phi luật định như: Nguyên vật liệu được sử dụng sản xuất thực phẩm ăn nhanh đông lạnh phải có chất lượng, tốt nhất nên có giấy chứng nhận về độ tươi của nguyên liệu, về quy trình sản xuất, thời gian chuẩn bị và ướp lạnh sản phẩm phải được tiến hành nhanh chóng với những thiết bị thích hợp, nhằm mục đích ngăn chặn quá trình biến đổi sinh hóa,vi trùng ở mức thấp nhất, nhiệt độ thích hợp để bảo quản thực phẩm ướp lạnh nhanh phải luôn ổn định trong mọi thời điểm ở mức -18oC hoặc thấp hơn. Trong quá trình vận chuyển, nhiệt độ có thể dao động nhưng không được vượt quá 3oC.

Cơ quan Dịch vụ Thực phẩm và Thú Y thuộc Bộ Nông nghiệp có thẩm quyền về kiểm soát an toàn thực phẩm của Latvia.

Pārtikas un Veterinārais Dienests – PVD (Food and Veterinary Service)
Peldu iela 30, 1050 Riga
(+371) 6709 5230
[email protected]

Qui định về tiêu chuẩn sản phẩm

An toàn sản phẩm

Nhà sản xuất và phân phối sản phẩm cho thị trường EU, trong đó có Latvia  phải đảm bảo:
  • Cung cấp sản phẩm tuân thủ các yêu cầu an toàn chung;
  • Thông báo cho người tiêu dùng về những rủi ro mà sản phẩm có thể gây ra và bất kỳ biện pháp phòng ngừa cần thực hiện;
  • Thông báo cho các cơ quan quốc gia có liên quan nếu phát hiện ra một sản phẩm nguy hiểm và hợp tác với các cơ quan chức năng để bảo vệ người tiêu dùng.

Các quốc gia thành viên EU thực hiện giám sát thị trường và thực thi các qui tắc an toàn sản phẩm. EU có cơ chế cảnh báo nhanh RAPEX – giúp trao đổi thông tin nhanh chóng giữa các nước EU và Ủy ban châu Âu về các sản phẩm nguy hiểm.

Ngoài các qui tắc an toàn sản phẩm chung, EU còn có các qui tắc cụ thể áp dụng cho một số loại sản phẩm nhất định như hoá chất, dược phẩm và mỹ phẩm, máy móc, thiết bị, đồ chơi…

Tiêu chuẩn kỹ thuật

EU khuyến khích các nước thành viên áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hài hòa. Các tiêu chuẩn hài hòa được soạn thảo bởi ba cơ quan tiêu chuẩn hóa độc lập:
  • Ủy ban Tiêu chuẩn châu Âu (CEN)
  • Ủy ban Tiêu chuẩn điện tử châu Âu (CENELEC)
  • Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu (ETSI)

Đánh giá sự phù hợp là một bước bắt buộc đối với nhà sản xuất trong quá trình tuân thủ luật pháp cụ thể của EU. Mục đích của đánh giá sự phù hợp là để đảm bảo tính nhất quán của việc tuân thủ trong tất cả các giai đoạn, từ thiết kế đến sản xuất, để tạo điều kiện cho việc các sản phẩm cuối cùng được chấp nhận ở các nước EU.

Cơ quan Tiêu chuẩn Latvia là đại diện của Latvia tham gia vào các cơ quan tiêu chuẩn quốc tế mà Latvia là thành viên như CEN, CENELEC, ISO, IEC.

Có một số cơ quan có thẩm quyền kiểm soát các sản phẩm kỹ thuật như sản phẩm công nghiệp, thiết bị y tế, thiết bị đầu cuối vô tuyến và viễn thông, phương tiện, v.v. trên thị trường Latvia đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn.

Latvian Standard (Cơ quan Tiêu chuẩn Latvia – LVS)
157, Kr. Valdemara Street, Riga, Latvia LV-1013
+371 67379340
[email protected]

Latvian National Accreditation Bureau (Cục Kiểm định Quốc gia)
157, Kr. Valdemara Street, Riga, Latvia LV-1013
+371 67373051
[email protected]

Dán nhãn CE

Một số sản phẩm khi tiêu thụ tại thị trường Latvia cũng như thị trường Châu Âu yêu cầu phải được dán nhãn CE.

CE được viết tắt từ cụm từ “Conformité Européenne” có tên gọi đầy đủ và chính thức là CE Marking. CE viết tắt của Conformité Européenne, có nghĩa là tiêu chuẩn châu Âu. CE Marking là tên chính thức của CE.

Một sản phẩm nếu gắn nhãn CE đồng nghĩa với việc nó có thể lưu thông tự do trong thị trường châu Âu, được pháp luật của Liên minh châu Âu công nhận.

Khi một sản phẩm có dấu CE có nghĩa là sản phẩm đó đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khoẻ, và bảo vệ môi trường của EU.

Chứng nhận CE cũng được coi như “hộ chiếu thương mại” để sản phẩm vào thị trường EU.

25 nhóm sản phẩm yêu cầu phải dán nhãn CE theo Chỉ thị cách tiếp cận mới:

  • Thiết bị y tế cấy ghép hoạt động;
  • Thiết bị đốt nhiên liệu khí;
  • Các sản phẩm dùng để lắp đặt cáp treo được thiết kế để chở người;
  • Các sản phẩm xây dựng;
  • Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
  • Các thiết bị, hệ thống điện, điện từ tương thích;
  • Thiết bị và hệ thống bảo vệ dự định sử dụng trong môi trường có khả năng gây nổ;
  • Chất nổ dùng trong dân dụng;
  • Nồi hơi nước nóng;
  • Thiết bị y tế chẩn đoán in vitro;
  • Thang máy;
  • Các thiết bị điện hạ thế;
  • Máy móc;
  • Dụng cụ đo lường;
  • Các thiết bị y tế;
  • Các sản phẩm phát thải tiếng ồn trong môi trường;
  • Các dụng cụ cân không tự động;
  • Thiết bị bảo vệ cá nhân;
  • Thiết bị áp suất;
  • Pháo hoa;
  • Thiết bị đầu cuối đài phát thanh và viễn thông;
  • Các sản phẩm giải trí;
  • Hạn chế các chất độc hại trong các thiết bị điện và điện tử;
  • Đồ chơi;
  • Bình áp lực đơn giản.
Việc dán nhãn CE lên sản phẩm cũng được EU qui định nghiêm ngặt. Với mỗi sản phẩm khác nhau qui định về việc dán nhãn cũng sẽ khác nhau. Một số qui định chung như sau:
  • Kích thước của biểu tượng dấu “CE” khi tăng hay giảm thì tỷ lệ vẫn phải được giữ nguyên;
  • Dấu “CE” được đặt theo chiều thẳng đứng và kích thước không được nhỏ hơn 5mm;
  • Dấu “CE” phải đặt ở vị trí không bị các logo khác che khuất.

Quyền sở hữu trí tuệ

Bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ ở Latvia được giám sát bởi Văn phòng Bằng Sáng chế theo một số Luật Sở hữu Trí tuệ khác nhau, cũng như các thỏa thuận và chỉ thị quốc tế.

Các Luật liên quan đến sở hữu trí tuệ của Latvia công nhận 4 loại tài sản trí tuệ:

  • Bản quyền
  • Bằng sáng chế
  • Nhãn hiệu thương mại
  • Kiểu dáng công nghiệp
Mỗi loại này được quy định bởi luật riêng, cụ thể là:
  • Luật Bản quyền;
  • Luật Bằng sáng chế;
  • Luật Nhãn hiệu thương mại và chỉ dẫn địa lý;
  • Luật Thiết kế Công nghiệp.
Ngoài ra, có những luật liên quan gián tiếp, ví dụ Luật Hoạt động khoa học thiết lập quyền sở hữu đối với các khám phá khoa học.

Bản quyền

Bản quyền là hình thức cơ bản nhất của sở hữu trí tuệ. Ở Latvia, không cần phải đăng ký bản quyền. Bản quyền có giá trị cho đến khi tác giả qua đời và 70 năm sau khi ông qua đời. Để đánh dấu một tác phẩm là có bản quyền, tác giả hoặc người kế nhiệm của họ trong tiêu đề có thể đặt một dấu hiệu đặc biệt về nó:

  • Biểu tượng bản quyền (chữ in hoa ‘C’ trong một vòng tròn);
  • Tên tác giả;
  • Năm xuất bản đầu tiên của tác phẩm.

Theo luật pháp Latvia, bản quyền đối với tác phẩm của một người sẽ tự động được cấp trong một số trường hợp. Cần lưu ý rằng, bản quyền không được cấp nếu một tác phẩm được sản xuất theo hợp đồng có nêu các điều kiện khác về bản quyền. Ví dụ, nếu một tác giả đã ký hợp đồng sản xuất một tác phẩm và hợp đồng đó qui định rằng bản quyền đối với tác phẩm thuộc về bên thứ ba, thì bên thứ ba sẽ tự động giành bản quyền cho tác phẩm sau khi hoàn thành. Hoặc nếu các hoạt động khoa học được nhà nước tài trợ thì kết quả cũng thuộc quyền sở hữu của nhà nước.

Luật Bản quyền

Bằng sáng chế

Bằng sáng chế là loại quyền nhằm bảo vệ các phát minh kỹ thuật như phương pháp xử lý, máy móc, vật liệu nhân tạo, v.v Bằng sáng chế lần đầu được cấp trong khoảng thời gian 20 năm, sau đó có thể được gia hạn cho thời gian không quá 5 năm. Ở Latvia, chủ sở hữu bằng sáng chế có thể cấm người khác sản xuất, sử dụng, bán công nghệ.

Để đăng ký bằng sáng chế, nhà phát minh phải nộp những tài liệu sau cho Văn phòng Bằng sáng chế Latvia:

  • Đơn xin cấp bằng sáng chế;
  • Mô tả sáng chế;
  • Một hoặc nhiều bài thuyết trình về sáng chế;
  • Các ứng dụng, như số liệu và biểu đồ, cho phần mô tả và bản trình bày;
  • Tóm tắt rằng không quá 150 từ, mô tả: Lĩnh vực khoa học của sáng chế; Mô tả ngắn về vấn đề và giải pháp; Loại chính của sáng chế.

Luật Bằng sáng chế

Nhãn hiệu thương mại

Nhãn hiệu là một dấu hiệu hoặc một tham số cho phép phân biệt các sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau, ngay cả khi các sản phẩm không thể phân biệt được. Theo Luật của Latvia, nhãn hiệu thương mại được cấp trong khoảng thời gian 10 năm, sau đó có thể được gia hạn thêm mười năm nữa.

Luật Nhãn hiệu thương mại và Chỉ dẫn địa lý

Kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp, theo định nghĩa của Luật Thiết kế công nghiệp, là mô hình của máy móc, các bộ phận của nó hoặc bất kỳ sản phẩm thủ công nào khác, đặc biệt mô tả hình dạng, kích thước, màu sắc, kết cấu và/hoặc vật liệu của vật thể đó. Mục đích của Luật là ngăn chặn việc sử dụng thiết kế tương tự hoặc quá giống thiết kế của người khác.

Quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp được cấp, nếu một kiểu dáng công nghiệp được đệ trình là mới và có những đặc điểm độc đáo. Trong trường hợp này, ‘mới’ có nghĩa là không có một thiết kế giống hệt đã được đăng ký trước đó. Thuật ngữ ‘đặc điểm độc đáo’ có nghĩa là có thể chứng minh thiết kế này đặc biệt khác với bất kỳ thiết kế nào được biết đến trước đó.

Một ứng dụng thiết kế công nghiệp phải bao gồm một bộ ảnh hoặc hình minh họa, làm nổi bật các đặc điểm chính để phân biệt với các kiểu dáng công nghiệp khác.

Thành lập doanh nghiệp

Các doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh tại Latvia có thể lựa chọn thành lập một số loại hình công ty. Bộ Luật Thương mại Latvia rất linh hoạt, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký cùng loại công ty như các công ty địa phương mà không cần bất kỳ yêu cầu bổ sung nào. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ các ưu đãi đặc biệt cho các công ty mở tại Latvia.

Các loại hình công ty tại Latvia:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn (SIA),
  • Công ty cổ phần (AS),
  • Hợp tác kinh doanh.

Các công ty nước ngoài có thể thành lập văn phòng chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Các doanh nhân nước ngoài cũng có thể đăng ký làm chủ sở hữu duy nhất ở Latvia.

Thời gian cần thiết để thành lập một doanh nghiệp ở Latvia không quá một tuần nếu tất cả các tài liệu cần thiết được gửi đúng hạn.

Các công ty thành lập ở Latvia đều bị đánh thuế . Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Latvia là 15% nhưng các cơ sở thường trú đã hoạt động được hơn 12 tháng có thể được hưởng lợi từ chế độ thuế đơn giản 20% doanh thu. Các công ty phải trả các loại thuế khác như thuế biên chế, thuế bất động sản, thuế tem và an sinh xã hội.