Page 49 - Những điều cần biết về thị trường Phần Lan
P. 49

PHẦN IV: ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU MỘT SỐ MẶT
                HÀNG CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG PHẦN LAN


        Đánh giá chung

        Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) vừa chính thức đi vào hiệu lực là một hiệp
        định toàn diện và đầy tham vọng, chứa tất cả các yếu tố thiết yếu của thương mại. Sau khi được thực
        thi, Hiệp định này sẽ giúp phát triển hơn nữa các cơ hội kinh doanh giữa Phần Lan và Việt Nam bằng
        cách cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giải quyết các rào cản thương mại mà các doanh nghiệp
        có thể gặp phải. Các quy tắc và thực tiễn minh bạch cung cấp sự ổn định và dễ dự đoán cho các doanh
        nghiệp và cho phép doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch dài hạn. Hiệp định này cũng dỡ bỏ gần như
        tất cả thuế quan giữa EU và Việt Nam.

        Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với
        khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7
        năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương
        đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại,
        EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
        Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập
        khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt
        Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một
        trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

        Một số cam kết trong các ngành quan trọng của Việt Nam:
        Dệt may

        Trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất
        khẩu của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Cam kết này của EU được đưa
        ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ  “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành
        dệt may Việt Nam (tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định EVFTA thì hàng dệt may của
        Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam). Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy
        tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc hay những nước mà cả ta và EU có FTA (như Nhật Bản và
        một số nước ASEAN).


                                                        49
   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54