Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới Vương quốc Thụy Điển, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngày 11 tháng 11 năm 2024, tại Stockholm (Thụy Điển), Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã gặp và trao Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác kinh tế, thương mại và phát triển xanh giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho ông Hakan Jevrell, Quốc Vụ khanh, Bộ Hợp tác phát triển quốc tế và Ngoại thương, Bộ Ngoại giao Thụy Điển.
Lễ trao Biên bản ghi nhớ được tổ chức trang trọng tại Dinh thự của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson trong khuôn khổ buổi Hội đàm giữa Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thủ tướng Ulf Kristersson.
Việc trao Biên bản ghi nhớ ngày hôm nay là bước đầu tiên để hai Bộ tiếp tục làm việc cụ thể cùng nhau, hiện thực hóa những mục tiêu được đề ra trong Biên bản ghi nhớ, qua đó hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Biên bản ghi nhớ lần này sẽ góp phần tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và năng lượng, với mục tiêu tăng cường hợp tác thương mại song phương trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ theo hướng cân bằng và bền vững, khuyến khích đầu tư tiên tiến và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hai bên khám phá và xác định các trụ cột hợp tác cụ thể trong lĩnh vực kinh tế và thương mại song phương trong thời gian tới, dựa trên lợi ích chung và lợi ích so sánh của mỗi Bên.
Bên cạnh đó, việc ký Biên bản ghi nhớ này còn nhằm tăng cường mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó khăng khít giữa hai nước Việt Nam và Thụy Điển, đúng dịp kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, giúp hỗ trợ kết nối các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, đổi mới sang tạo mà phía Thụy Điển có mong muốn hợp tác tại Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác, kết nối thương mại và đầu tư trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại điện tử.
Sau 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển, mối quan hệ gắn bó khăng khít không ngừng được củng cố, phát huy theo chiều sâu, hợp tác song phương ngày càng được đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực và Việt Nam ngày càng trở nên là điểm đến kinh doanh đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Thụy Điển.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những điều kiện địa chính trị không nhiều thuận lợi như hiện nay, Thụy Điển đã đưa ra chiến lược phát triển đầu tư và thương mại, trong đó tập trung vào khu vực châu Á, và nội dung chính là Thụy Điển đặc biệt coi trọng và đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của mình, Việt Nam cũng là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Thụy Điển tại khu vực Đông Nam Á, kim ngạch song phương luôn ổn định và tăng trưởng đều qua các năm.
Thụy Điển cũng xếp hạng thứ 29 trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 111 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư hơn 743 triệu USD. Các dự án đầu tư tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí máy móc, công nghiệp thực phẩm, đồ nội thất, sản xuất bao bì….
Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ