LỜI NÓI ĐẦU

Khí hậu Bắc Âu với đặc điểm mùa đông lạnh ẩm và mùa hè tương đối ấm áp ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường giày dép tại đây. Mỗi loại giày dép khác nhau được dùng cho các mùa khác nhau. Dép cho những tháng mùa hè và những đôi ủng ấm áp cho mùa đông, bên cạnh những đôi ủng, giày cao su cho mùa xuân, thu.

Mặc dù, Bắc Âu được đánh giá là thị trường nhỏ cả về dân số và quy mô so với các khu vực châu Âu khác nhưng thị trường giày dép tại Bắc Âu lại khá rộng. Bởi đặc điểm khí hậu đặc thù tại đây nên mỗi người thường phải có cả giày bốt mùa đông, giày thể thao mùa hè, dép xăng đan và giày da. Thời tiết tương đối ẩm ướt tại Bắc Âu dễ làm khô và mòn giày dép, dẫn đến người tiêu dùng Bắc Âu thường xuyên thay đổi giày dép và nhu cầu về giày dép cũng cao hơn.

Do chi phí nhân công cao và đặc điểm của ngành hàng, các nước Bắc Âu thường lựa chọn nhà thầu phụ hoặc đặt nhà máy sản xuất giày dép tại các nước đang phát triển để sản xuất và nhập khẩu trở lại cho tiêu dùng. Do vậy, kim ngạch nhập khẩu giày dép của các nước Bắc Âu khá cao và ổn định qua các năm.

Cuốn sách này đề cập đến ngành công nghiệp giày dép của Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy, trong đó cung cấp thông tin tổng quan, quy mô thị trường, tình hình sản xuất trong nước, xuất khẩu và nhập khẩu giày dép. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng đề cập đến xu hướng tiêu dùng, các kênh phân phối, qui định thị trường và nhiều thông tin khác về thị trường giày dép Bắc Âu.

Hy vọng cuốn sách hữu ích cho các doanh nghiệp và bạn đọc.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển
Biên soạn: Chu Thị Hoa



PHẦN I. TỔNG QUAN VỀ NGÀNH HÀNG GIÀY DÉP TẠI
THỊ TRƯỜNG BẮC ÂU

Ngành công nghiệp giày dép ở các nước Bắc Âu khá nhỏ, hầu hết bị chi phối bởi nhập khẩu. Với thời tiết khắc nghiệt tại các quốc gia này, giày dép trở thành một loại hàng hóa không thể thiếu với nhu cầu khá cao.

Mỗi loại giày dép có các chức năng và đặc tính cụ thể khác nhau. Về cơ bản, giày dép ở Bắc Âu có thể chia ra làm 04 loại:

- Giày dép chuyên dụng

Giày dép chuyên dụng là loại giày đặc biệt chỉ được sử dụng trong những dịp đặc biệt, thường liên quan đến một nhóm người dùng cụ thể. Nhu cầu trong phân khúc này khá hạn chế nhưng ổn định.

Ví dụ: giày dép truyền thống, như guốc và giày cao bồi chính hiệu (không phải là giày cao bồi sản xuất hàng loạt đã phổ biến rộng rãi trong một thời gian dài ở châu Âu); giày dép liên quan đến sức khỏe (giày dép chỉnh hình hoặc giày cho bệnh nhân tiểu đường); giày dép tùy chỉnh; hoặc giày dép lao động.

- Giày dép thân thiện với môi trường

Giày dép thân thiện với môi trường được đặc trưng chủ yếu bởi việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, phương pháp sản xuất, kỹ thuật nhuộm và đóng gói. Mục đích của người sản xuất là giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất. Nhu cầu trong phân khúc này có hạn, nhưng đang tăng lên.

- Giày dép bằng da

Giày dép bằng da có thể bao gồm: Giày da hoàn toàn với đế ngoài bằng da; giày da hoàn toàn hoặc giày bán da có đế ngoài tổng hợp, ví dụ: cao su, cao su dẻo nhiệt (TPR) hoặc phylon; giày tổng hợp có lớp phủ da và đế ngoài tổng hợp.

- Giày thể thao

Các sản phẩm giày thể thao bao gồm: Giày chạy bộ, giày bóng rổ, giày tennis, giày thể thao trong nhà, và giày thể thao ngoài trời.

Trong báo cáo này sẽ tập trung đi vào phân tích các sản phẩm giày dép thuộc toàn bộ Chương 64 - Giày, dép và các sản phẩm tương tự, các bộ phận của chúng.

I. Quy mô thị trường

1. Thụy Điển

Giống như tất cả các hoạt động khác, sản xuất giày tại Thụy Điển đã trải qua một cuộc chuyển đổi sâu rộng trong hàng trăm năm qua và đã phát triển từ thủ công sang công nghiệp. Nghề đóng giày trước đây đóng vai trò chính tại Thụy Điển nay đã gần như biến mất. Giày vẫn được sản xuất trong nước, nhưng quy mô nhỏ hơn và theo hướng ngày càng hiện đại. Giày dép của Thụy Điển chủ yếu được nhập khẩu.

Người Thụy Điển mua một lượng lớn giày nhập khẩu mỗi năm, lên tới 55.000 tấn giày mỗi năm hoặc hơn. Ước tính khoảng 6kg/mỗi người. Trong năm 2018, Thụy Điển đứng thứ 7 trên thế giới về mức độ tiêu thụ giày dép trên đầu người với trung bình khoảng 4 đôi/người/năm. Đây là mức tiêu thụ khá lớn, phản ánh nhu cầu cao đối với giày dép của người Thụy Điển.

Hình 1. Bảng xếp hạng các quốc gia tiêu thụ giày dép trên đầu người năm 2018

Đơn vị: Đôi giày dép/người

Nguồn: Statistic.com

Trong năm 2020, ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 đã làm cho tình hình kinh doanh của ngành giày dép Bắc Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng bị ảnh hưởng khá nhiều. Do bị ảnh hưởng với các hạn chế đi lại, các hoạt động ngoài trời, tụ tập đông người, các sự kiện, lễ hội … khiến cho nhu cầu đối với quần áo, giày dép giảm mạnh. Lượng khách hàng mua sắm giày dép tại các cửa hàng và mua qua hình thức trực tuyến cũng giảm đáng kể trong năm này.

Lượng nhập khẩu giày dép của Thụy Điển thường tăng đều và ổn định qua các năm. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giày dép trong 5 năm liên tiếp (2016 - 2020) đạt 8% - một mức tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cho lượng nhập khẩu giày dép của Thụy Điển giảm nhẹ 2,78% so với năm 2019 (đạt khoảng 1,2 tỷ USD).

Năm 2020, Đức là nhà cung cấp chính cho Thụy Điển (282 triệu USD), tiếp theo là Trung Quốc (146 triệu USD), Ba Lan (114 triệu USD), Đan Mạch (107 triệu USD), và Bỉ (102 triệu USD). Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trong danh sách các nhà cung cấp giày dép cho Thụy Điển với 85 triệu USD năm 2020.

Thụy Điển chủ yếu nhập khẩu các loại giày, dép có đế ngoài và mũ bằng cao su, da thuộc, vật liệu dệt hoặc plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp. Lượng nhập khẩu của các loại này chiếm 94,26% tổng lượng nhập khẩu giày dép năm 2020 của Thụy Điển.

Hình 2. Chi tiêu của người tiêu dùng cho giày dép của Thụy Điển
2008 - 2019

Đơn vị: triệu SEK

Nguồn: Statistic.com

Mặc dù có sự dao động, nhìn chung chi tiêu cho giày dép của Thụy Điển khá cao và tăng từ 12,4 tỷ SEK (tương đương 1,42 tỷ USD) năm 2008 lên 14,6 tỷ SEK (tương đương 1,67 tỷ USD) năm 2019.

2. Đan Mạch

So với lượng nhập khẩu giày dép của Thụy Điển, Đan Mạch nhập khẩu ít hơn, bằng khoảng 80% của Thụy Điển. Năm 2020, Đan Mạch nhập khẩu khoảng 863 triệu USD giày dép.

Lượng nhập khẩu giày dép của Đan Mạch nhìn chung ổn định trong vài năm trước và từ năm 2019 bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Cụ thể năm 2019, lượng nhập khẩu giày dép giảm 3,16% so với năm 2018. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lượng nhập khẩu giày dép của Đan Mạch đã giảm mạnh, giảm 12,13% so với 2019. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giày dép trong 5 năm gầy đây (2016 - 2020) của Đan Mạch chỉ khoảng 1%.

Cũng giống như Thụy Điển, Đan Mạch chủ yếu nhập khẩu các loại giày, dép có đế ngoài và mũ bằng cao su, da thuộc, vật liệu dệt hoặc plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp. Lượng nhập khẩu của các loại này chiếm 94% tổng lượng nhập khẩu giày dép năm 2020 của Đan Mạch.

Năm 2020, Đức cũng là quốc gia xuất khẩu giày dép lớn nhất vào Đan Mạch (166 triệu USD), tiếp theo là Ba Lan (103 triệu USD), kế tiếp là Trung Quốc (98 triệu USD), và Bồ Đào Nha (97 triệu USD). Trong số các quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu giày dép vào Đan Mạch, Việt Nam đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan, chỉ đạt 19,8 triệu USD (đứng thứ 14 trong tổng số các nước xuất khẩu vào Đan Mạch).

Người tiêu dùng Đan Mạch được cho là khó tính nhất ở Châu Âu. Nhờ sức mua cao và chất lượng cuộc sống tốt nên người tiêu dùng nói chung bị thu hút bởi các sản phẩm chất lượng, sáng tạo và thân thiện với môi trường. Theo thống kê, chi tiêu của người tiêu dùng Đan Mạch cho các sản phẩm quần áo và giày dép không nhiều chỉ khoảng 4,1% trong tổng số chi tiêu của họ, nhưng lại có xu hướng tăng lên.

Biểu đồ bên dưới cho thấy chi tiêu dành cho giày dép của Đan Mạch trong 10 năm liên tiếp từ 2009 - 2019 đã tăng 29%, từ 6,86 tỷ DKK (tương đương 1,1 tỷ USD) năm 2009 lên 8,89 tỷ DKK (tương đương 1,44 tỷ USD) trong năm 2019.

Hình 3. Chi tiêu của người tiêu dùng cho giày dép của Đan Mạch
2009 - 2019

Đơn vị: triệu DKK

Nguồn: Statistic.com

3. Na Uy

Na Uy là quốc gia nhập khẩu giày dép ít nhất trong số ba quốc gia Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy. Năm 2020, lượng nhập khẩu giày dép của Na Uy chỉ bằng 49% so với tổng lượng nhập khẩu của Thụy Điển và bằng 69% so với tổng lượng nhập khẩu của Đan Mạch.

Trong vài năm trước đây, lượng nhập khẩu giày dép của Na Uy tăng nhẹ qua các năm. Tuy nhiên, từ năm 2019, lượng nhập khẩu này bắt đầu giảm dần, giảm 3,28% so với 2018 và lượng nhập khẩu năm 2020 giảm 13,44% so với 2019, chỉ còn 597 triệu USD. Mức tăng trưởng nhập khẩu giày dép trong 5 năm liên tiếp (2016 - 2020) của Na Uy là 3%.

Cũng giống như Thụy Điển và Đan Mạch, Na Uy chủ yếu nhập khẩu các loại giày, dép có đế ngoài và mũ bằng cao su, da thuộc, vật liệu dệt hoặc plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp. Lượng nhập khẩu của các loại này chiếm 93% tổng lượng nhập khẩu giày dép năm 2020 của Na Uy.

Trong năm 2020, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Na Uy với 178 triệu USD, tiếp đó là Việt Nam đứng thứ hai với 137 triệu USD, tiếp theo đó là Ý với 44 triệu USD. Lượng nhập khẩu giày dép từ 03 quốc gia này đã chiếm 60,3% tổng lượng nhập khẩu của Na Uy.

II. Phân khúc người tiêu dùng

Khí hậu Bắc Âu với đặc điểm mùa đông lạnh ẩm và mùa hè tương đối ấm áp ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường giày dép tại đây. Các loại giày khác nhau cần thiết cho các mùa khác nhau. Dép cho những tháng mùa hè và những đôi ủng ấm áp cho mùa đông là cần thiết bên cạnh những đôi ủng, giày cao su cho mùa xuân thu. Thị trường có thể được chia thành các phân khúc sau: Giày nam, nữ, thể thao, và trẻ em.

Hầu hết nam giới và phụ nữ đều có lựa chọn giày phù hợp với các mùa khác nhau cũng như cho các dịp khác nhau như làm việc, giải trí, thể thao... Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng, chủ yếu là giới trẻ, có xu hướng thích đi giày thể thao quanh năm.

Nói chung, người tiêu dùng Bắc Âu quan tâm đến chất lượng khi nói đến giày dép. Mặc dù giá cả là một khía cạnh quan trọng nhưng giày dép giá rẻ nếu chất lượng thấp sẽ khó bán.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều rất coi trọng việc lựa chọn giày dép trẻ em. Thiết kế phải vừa chân và chất lượng cao và hầu hết các bậc phụ huynh sẵn sàng trả giá rất cao để đảm bảo điều này. Trẻ em sẽ thường nhận được một bộ giày dép đầy đủ mỗi năm để phù hợp với đôi chân đang phát triển của chúng.

Có một bộ phận người tiêu dùng rất quan tâm đến thời trang và thương hiệu và sẵn sàng chi trả giá cao cho thiết kế tốt nhất và thời trang nhất. Tuy nhiên, phân khúc này tương đối nhỏ. Hầu hết giày dép được bán đều có chất lượng và giá cả từ trung bình trở lên.

Việc bảo dưỡng, sửa chữa giày dép rất tốn kém do chi phí nhân công cao. Vì thế mọi người thường sẽ vứt bỏ những đôi giày chất lượng/giá trung bình để mua giày mới.

Người Bắc Âu có bàn chân khá to và rộng. Thông thường, các thiết kế hướng đến người tiêu dùng ở những nơi khác trên thế giới sẽ phải được sửa đổi, không chỉ về hình thức mà còn liên quan đến kích thước, để phù hợp với thị trường.

Giày dép tại Bắc Âu chủ yếu được phân phối thông qua các nhà bán lẻ, các nhà nhập khẩu và đại lý.

III. Xu hướng thị trường

Bắc Âu có khí hậu không quá nóng vào mùa hè nhưng rất lạnh vào mùa đông. Trong những tháng mùa hè từ tháng 6 đến tháng 8, nhiệt độ ban ngày trung bình là 19ºC và tháng lạnh nhất của năm là tháng giêng, nhiệt độ trung bình là -2ºC. Các quốc gia Bắc Âu nằm ở ven biển nên khí hậu khá ẩm ướt và nhiều gió.

Điều này nghĩa là thị trường giày dép tại đây khá rộng. Mỗi người thường phải có cả giày bốt mùa đông, giày thể thao mùa hè, dép xăng đan và giày da. Một số người tiêu dùng trẻ tuổi đi giày thể thao có mũ da hoặc nhựa vào cả mùa hè và mùa đông. Thời tiết tương đối ẩm ướt tại Bắc Âu dễ làm khô và mòn giày dép, dẫn đến người tiêu dùng Bắc Âu thường xuyên thay đổi giày dép. Cũng bởi vậy, người tiêu dùng tại đây thường chọn giày dép ấm áp và thoải mái trước khi chọn phong cách. Tuy nhiên, vấn đề thời trang cũng khá quan trọng, đặc biệt được nhóm khách hàng trẻ tuổi quan tâm khi mua hàng.

Thị trường Bắc Âu cũng luôn có ý thức và quan tâm đến giá cả và xu hướng, đặc biệt thông qua các cửa hàng trực tuyến. Ngày nay, việc so sánh sản phẩm và giá cả trực tuyến đang ngày càng phổ biến tại Bắc Âu.

Người tiêu dùng Thụy Điển có xu hướng thời trang và quan tâm đến thương hiệu. Họ khá cởi mở để thử các nhãn hiệu mới. Do vậy, người tiêu dùng Thụy Điển thường được gọi là "những người thích nghi sớm" trong khi những người tiêu dùng khác lại rất trung thành với thương hiệu yêu thích của họ.

Những người trẻ tuổi thường mua những thương hiệu phổ biến, cụ thể khi nói đến giày thể thao như Nike, Adidas, Puma, Sketchers, Tommy, Lacoste… trong khi người lớn sẽ tìm kiếm những sản phẩm mà họ biết và tin tưởng. Hơn nữa, người trẻ tuổi được coi là những người có sức mua cao nhất trong số những người tiêu dùng Bắc Âu.

Nhìn chung sức tiêu thụ giày dép tại Bắc Âu là khá cao. Các nhà nhập khẩu và đại lý giày dép tại Bắc Âu thường lên kế hoạch trước một năm. Các xu hướng và khuynh hướng giày dép cho giai đoạn sắp tới thường được dựa chủ yếu trên các mô hình thành công trong giai đoạn đang diễn ra. Ngoài ra, sự phát triển chung của thị trường ở một mức độ nào đó cũng thường bị một vài doanh nghiệp giày dép lớn dẫn dắt.

IV. Một số lưu ý khi xuất khẩu giày dép sang Bắc Âu

Đối với các nhà xuất khẩu, điều quan trọng trước tiên là phải tìm hiểu xem liệu công ty có nên tự mình tiếp thị sản phẩm như một nhà xuất khẩu giày dép với các bộ sưu tập giày dép cho thị trường Bắc Âu hay chỉ là nhà cung cấp cho các nhà sản xuất Bắc Âu muốn thuê ngoài sản xuất của họ.

Trong trường hợp, các nhà xuất khẩu muốn xuất khẩu như là một nhà xuất khẩu giày dép với các bộ sưu tập thì thiết kế, tiếp thị và trình bày là điều cần thiết. Công ty cần phải có kiến thức về xu hướng thời trang châu Âu và Bắc Âu. Trong nhiều trường hợp, các công ty nên hợp tác với các nhà thiết kế Bắc Âu để nắm rõ về xu hướng tiêu dùng.

Trong trường hợp các công ty muốn là nhà cung cấp cho các nhà sản xuất Bắc Âu, điều quan trọng là các công ty phải có các kỹ năng kỹ thuật, xử lý da sống và các nguyên liệu thô khác cũng như khả năng tuân theo các thông số kỹ thuật thiết kế.

Các nhà xuất khẩu giày dép phải đối mặt với nhiều khía cạnh như kích thước, đóng gói, khía cạnh môi trường, thời trang, thiết kế, phát triển thị trường… Do vậy, hợp tác dưới nhiều hình thức khác nhau giữa nhà nhập khẩu và xuất khẩu là cần thiết để cùng phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với hoạt động của nhà xuất khẩu là sự kết hợp của giá cả, chất lượng sản phẩm và độ tin cậy của việc giao hàng.

Các nhà xuất khẩu, bán buôn và các nhà bán lẻ đều mong muốn thời gian mua và bán ngắn nhất có thể. Cũng giống như quần áo, ngành giày dép cũng mang tính thời trang, do vậy, thời gian cần phải ngắn để đáp ứng nhu cầu thay đổi của thời trang. Để có thể cạnh tranh hiệu quả, các doanh nghiệp từ các nước đang phát triển cần phải hiểu và nắm rõ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng. Cần phải theo dõi để hiểu về thị trường mục tiêu Bắc Âu để đáp ứng các yêu cầu chất lượng phù hợp.



PHẦN II. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ XUẤT NHẬP KHẨU

I. Tình hình sản xuất

Do đặc điểm địa lý của các nước Bắc Âu, dân số thấp cùng với chi phí nhân công lao động rất cao, nên sản xuất giày dép không phải là thế mạnh của các nước này. Những năm trước đây, chỉ có Thụy Điển có ngành công nghiệp đóng giày khá phát triển do được bảo hộ. Tuy nhiên, sau đó, ngành công nghiệp đóng giày Thụy Điển không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm giày nhập khẩu giá rẻ đến từ các nước đang phát triển có mức lương thấp, khiến cho các công ty đóng giày của Thụy Điển gần như đóng cửa hoàn toàn.

1. Thụy Điển

Ngành công nghiệp giày và sản xuất giày đã từng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Thụy Điển. Năm 1913, Thụy Điển có 85 nhà máy sản xuất giày với hơn 7.300 công nhân.

Vào năm 1938, khi ngành công nghiệp giày ổn định sau cuộc suy thoái vào những năm 1930, Thụy Điển có 249 nhà máy giày với khoảng 11.000 công nhân.

Đến năm 1955, nhập khẩu giày chính thức được bắt đầu và tăng mạnh. Giày chủ yếu được nhập khẩu từ Ý.

Kể từ những năm 1960, do sự cạnh tranh quá gay gắt đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, và các nước Nam Âu, Thụy Điển không thể cạnh tranh nổi với các nước có mức lương thấp và hầu như các nhà máy sản xuất giày của Thụy Điển đều bị đóng cửa.

Ngày nay, có khoảng 10 nhà sản xuất giày còn lại trên toàn lãnh thổ Thụy Điển, bao gồm Lundhags Skomakarna ở Järpen, Docksta ở Mjällom, Ages ở Kumla, và Kavat ở Kumla.

2. Đan Mạch

Lượng sản xuất giày dép trong nước của Đan Mạch tương đối ổn định và tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, lượng sản xuất này chỉ đáp ứng được khoảng 56% nhu cầu trong nước, còn lại vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo thống kê của Cơ quan thống kê Đan Mạch, tình hình sản xuất giày dép của Đan Mạch như sau:

Bảng 1. Tình hình sản xuất giày dép Đan Mạch

Đơn vị: nghìn USD

Tỷ giá: 1 DKK = 0,16 USD

2016

2017

2018

2019

2020

Sản xuất trong nước (1)

405.325

445.186

499.716

515.385

491.552

Nhập khẩu [1] (2)

1.086.418

1.069.100

1.023.750

1.048.461

910.464

Xuất khẩu [2] (3)

606.139

590.999

605.393

642.478

546.776

Tổng cầu (4) = (1) + (2) - (3)

885.604

923.287

918.074

921.368

855.240

Nguồn: Cơ quan Thống kê Đan Mạch

Theo thống kê của Cơ quan thống kê Đan Mạch, lượng tiêu dùng giày dép của Đan Mạch khá ổn định qua các năm, thường dao động khoảng trên 900 triệu USD trong những năm gần đây. Riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh khiến cho tổng cầu trong nước giảm so với các năm trước.

[1] Số liệu NK lấy từ Cơ quan thống kê Đan Mạch có sự chênh lệch so với số liệu của ITC trademap

[2]Số liệu XK lấy từ Cơ quan thống kê Đan Mạch có sự chênh lệch so với số liệu của ITC trademap

3. Na Uy

Cũng giống các quốc gia Bắc Âu khác, sản xuất giày dép không phải là thế mạnh của Na Uy. Do vậy, sản xuất trong nước khá khiêm tốn. Hầu hết các sản phẩm giày dép của Na Uy đều từ nhập khẩu.

Biểu đồ 4. Số lượng các công ty sản xuất giày dép của Na Uy
giai đoạn 2008 - 2017

Nguồn: Statistic.com

Số lượng các công ty sản xuất giày dép tại Na Uy quá nhỏ so với nhu cầu trong nước. Giai đoạn 2012 - 2013 là giai đoạn có nhiều công ty sản xuất giày dép nhất tại Na Uy cũng chỉ có 15 công ty. Sau đó, số lượng này càng ngày càng giảm dần chỉ còn 8 công ty tiếp tục hoạt động vào năm 2017.

II. Tình hình xuất khẩu

Các nước Bắc Âu sản xuất giày dép trong nước không đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, phụ thuộc vào nhập khẩu. Do vậy, các nước này xuất khẩu khá ít giày dép so với các nước châu Âu khác và chủ yếu xuất khẩu sang lẫn nhau.

Trong năm 2020, xuất khẩu giày dép của Bắc Âu đạt 1,12 tỷ USD. Trong đó, Thụy Điển xuất khẩu nhiều nhất đạt 621 triệu USD, chiếm 56%.

Xuất khẩu giày dép của Thụy Điển tăng đều qua các năm từ 323 triệu USD năm 2016 lên 621 triệu USD năm 2020. Phần lớn giày dép xuất khẩu này là tái xuất. Giày dép được sản xuất ở một nước, được nhập khẩu vào Thụy Điển và sau đó được xuất khẩu đi nước thứ ba, chủ yếu sang các nước láng giềng như Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland.

Bảng 2. Tình hình xuất, nhập khẩu giày dép Bắc Âu

Đơn vị: Nghìn USD

2016

2017

2018

2019

2020

Xuất khẩu

Tổng XK

902.169

939.472

1.026.421

1.165.115

1.122.772

Thụy Điển

323.297

360.943

406.868

539.816

621.885

Đan Mạch

563.094

562.031

599.309

601.985

485.312

Na Uy

15.778

16.498

20.244

23.314

15.575

Nhập khẩu

Tổng NK

2.653.184

2.748.520

2.887.949

2.908.559

2.667.992

Thụy Điển

994.702

1.072.467

1.159.632

1.235.686

1.201.258

Đan Mạch

1.008.845

1.009.556

1.014.545

982.521

872.239

Na Uy

649.637

666.497

713.772

690.352

594.495

Nguồn: ITC Trade Map

III. Tình hình nhập khẩu

Trong giai đoạn 2016 - 2019, nhập khẩu giày dép Bắc Âu tăng trưởng khá ổn định và tăng đều qua các năm từ 2,65 tỷ USD năm 2016 lên 2,90 tỷ USD năm 2019. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến cho lượng nhập khẩu giày dép Bắc Âu giảm 8,47% so với 2019, đạt khoảng 2,66 tỷ USD.

Nhập khẩu các sản phẩm giày dép thuộc mã HS 6402, 6403 và 6404 chiếm trên 90% tổng lượng nhập khẩu giày dép của Bắc Âu.

Hiện tại, Đức là nhà cung cấp chính các sản phẩm giày dép cho Bắc Âu với thị phần là 17%, tiếp theo là Trung Quốc 15%, Việt Nam là quốc gia thứ 3 với thị phần là 9%, tiếp theo đó là Ba Lan 8% và Bồ Đào Nha 6% (năm 2020).

IV. Thị trường nhập khẩu theo nước

Trong số 3 nước Bắc Âu, Thụy Điển là thị trường nhập khẩu giày dép lớn nhất, Đan Mạch đứng thứ hai và cuối cùng là Na Uy. Tính theo kim ngạch nhập khẩu, tỷ lệ phần trăm nhập khẩu của các nước trong năm 2020 lần lượt là 45%, 32% và 23%.

1. Thị trường nhập khẩu Thụy Điển

Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), nhập khẩu giày dép của Thụy Điển tăng tổng thể từ năm 2010 đến năm 2020, giảm nhẹ vào năm 2015 và mức tăng đỉnh điểm vào năm 2019 với tổng nhập khẩu trị giá 1,235 tỷ USD.

Hình 4. Nhập khẩu giày dép của Thụy Điển giai đoạn 2010 - 2020

Đơn vị: nghìn USD

Nguồn: ITC Trademap

Thụy Điển nhập khẩu giày dép nhiều nhất tại Bắc Âu và loại sản phẩm chủ yếu được nhập khẩu là HS 6403 - Giày dép bằng da thuộc và HS 6403 - Giày dép bằng vật liệu dệt. Nhóm giày dép được tiêu thụ nhiều thứ ba là HS 6402 - Giày dép bằng cao su và plastic. Tổng lượng nhập khẩu của 3 loại trên chiếm 94,26% tổng lượng nhập khẩu giày dép năm 2020 của Thụy Điển. Tiêu thụ giày dép không thấm nước (HS 6401), giày dép khác (HS 6405) và các bộ phận của giày dép (HS 6406) khá nhỏ.

Giày dép tại Thụy Điển được nhập khẩu từ cả châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, nhập khẩu từ châu Á ngày càng tăng trong khi nhập khẩu từ châu Âu ngày càng giảm. Theo số liệu thống kê, lượng nhập khẩu giày dép từ các nước thuộc châu Âu như Đức, Đan Mạch, Bỉ, Phần Lan đang có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, lượng nhập khẩu giày dép của Thụy Điển từ Trung Quốc, Việt Nam lại có xu hướng tăng lên. Trong năm 2020, lượng nhập khẩu giày dép từ Trung Quốc tăng 5% so với 2019 đạt 155 triệu USD, lượng nhập khẩu giày dép từ Việt Nam tăng 7% so với 2019 đạt 69,5 triệu USD.

Hình 5. Thị phần nhập khẩu theo quốc gia của Thụy Điển năm 2020

Nguồn: ITC Trademap

Về thị trường nhập khẩu, Thụy Điển chủ yếu nhập khẩu từ Đức (22%), Trung Quốc (11%), Ba Lan (9%), Đan Mạch và Bỉ (8%), Hà Lan (7%), Việt Nam (6%).

Dưới đây là số liệu thống kê nhập khẩu nhóm sản phẩm theo lục địa năm 2020 của Trung tâm thương mại quốc tế. Có thể thấy rằng lượng nhập khẩu giày dép từ châu Á và châu Âu khá đa dạng cho các loại giày dép có mã HS khác nhau. Nhập khẩu từ các lục địa khác khá là nhỏ. Sự khác biệt lớn nhất có thể thấy ở nhóm sản phẩm HS 6401. 65% giày dép không thấm nước được nhập khẩu từ châu Á, các sản phẩm còn lại vẫn chủ yếu được nhập khẩu từ Châu Âu.

Hình 6. Nhập khẩu theo lục địa và theo từng nhóm sản phẩm 2020 của Thụy Điển

Nguồn: ITC Trademap

2. Thị trường nhập khẩu Đan Mạch

Theo dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC Trademap), nhập khẩu giày dép của Đan Mạch tương đối ổn định từ năm 2010 - 2019, riêng năm 2020 do tình hình dịch bệnh nói chung khiến cho tình hình nhập khẩu giày dép của Đan Mạch giảm mạnh so với các năm trước. Mức tăng đỉnh điểm vào năm 2014 đạt 10,7 tỷ USD. Năm 2020 có mức giảm sâu nhất trong 11 năm qua chỉ còn 8,72 tỷ USD.

Hình 7. Nhập khẩu giày dép của Đan Mạch giai đoạn 2010 - 2020

Đơn vị: nghìn USD

Nguồn: ITC Trademap

Cùng nằm trong khu vực Bắc Âu, điều kiện thời tiết khá tương đồng nên nhu cầu về giày dép của các nước này khá giống nhau. Cũng như Thụy Điển, loại giày dép được nhập khẩu nhiều nhất là HS 6043 - Giày dép bằng da thuộc và HS 6404 - Giày dép bằng vật liệu dệt. Nhóm mặt hàng thứ ba được nhập khẩu nhiều nhất là HS 6402 - Giày dép bằng cao su và plastic. Tổng lượng nhập khẩu của 3 loại trên chiếm 94% tổng lượng nhập khẩu giày dép năm 2020 của Đan Mạch. Tiêu thụ giày dép không thấm nước (HS 6401), giày dép khác (HS 6405) và các bộ phận của giày dép (HS 6406) khá nhỏ, không đáng kể.

Giày dép tại Đan Mạch được nhập khẩu cả ở châu Á và châu Âu. Trái ngược với Thụy Điển, nhập khẩu từ châu Á ngày càng giảm trong khi nhập khẩu từ châu Âu lại ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê, lượng nhập khẩu giày dép từ các nước thuộc châu Âu như Đức, Ba Lan, Ý và Thụy Điển đang có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, lượng nhập khẩu giày dép của Đan Mạch từ Trung Quốc, Indoniesia, Thái Lan và Việt Nam lại có xu hướng giảm đi. Trong năm 2020, lượng nhập khẩu giày dép từ Trung Quốc giảm 16%, Indonesia giảm 17%, Thái Lan giảm 15% và Việt Nam giảm mạnh nhất 52% so với năm 2019.

Hình 8. Thị phần nhập khẩu theo quốc gia của Đan Mạch năm 2020

Nguồn: ITC Trade Map

Đan Mạch chủ yếu nhập khẩu giày dép từ Đức (19%), Ba Lan (12%), Bồ Đào Nha và Trung Quốc (11%), Việt Nam chỉ chiếm 2% xuất khẩu vào Đan Mạch.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế nhập khẩu theo lục địa được phân loại theo từng nhóm sản phẩm. Năm 2020, lượng nhập khẩu giày dép tại Đan Mạch bị chi phối nhập khẩu từ châu Âu với thị phần nhập khẩu thường trên 70%. Riêng mặt hàng HS 6401 - Giày dép không thấm nước và HS 6406 - Các bộ phận của giày dép được nhập khẩu từ Châu Á có thị phần tương đối tại Đan Mạch lần lượt là 34% và 39%.

Hình 9. Nhập khẩu theo lục địa và theo từng nhóm sản phẩm của Đan Mạch trong năm 2020

Nguồn: ITC Trademap

3. Thị trường nhập khẩu Na Uy

Kim ngạch nhập khẩu giày dép của Na Uy thường trên 600 triệu USD mỗi năm. Trong giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giày dép của Na Uy là 3%.

Theo dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC Trademap), tiêu dùng giày dép nhập khẩu của Na Uy có sự dao động, nhưng về tổng thể tương đối ổn định từ năm 2010 - 2019, riêng năm 2020 do tình hình dịch bệnh nói chung khiến cho tình hình nhập khẩu giày dép của Na Uy giảm mạnh so với các năm trước. Mức tăng đỉnh điểm vào năm 2011 đạt 7,3 tỷ USD. Năm 2020 có mức giảm sâu nhất trong 11 năm qua chỉ còn 5,94 tỷ USD.

Hình 10. Nhập khẩu giày dép của Na Uy giai đoạn 2010 - 2020

Đơn vị: nghìn USD

Nguồn: ITC Trademap

Cùng nằm trong khu vực Bắc Âu, điều kiện thời tiết khá tương đồng nên nhu cầu về giày dép của các nước này khá giống nhau. Cũng như các nước trên, loại giày dép được nhập khẩu nhiều nhất là HS 6043. Giày dép bằng da thuộc và HS 6404. Giày dép bằng vật liệu dệt. Nhóm mặt hàng thứ ba được nhập khẩu nhiều nhất là HS 6402. Giày dép bằng cao su và plastic. Tổng lượng nhập khẩu của 3 loại trên chiếm 93% tổng lượng nhập khẩu giày dép năm 2020 của Na Uy.

Khác với xu hướng của Thụy Điển và Đan Mạch, nhập khẩu giày dép bằng da thuộc tại Na Uy đang có xu hướng thu hẹp lại, trong khi đó mở rộng nhập khẩu giày dép bằng vật liệu dệt. Nhập khẩu giày dép không thấm nước (HS 6401) vẫn tương đối ổn định qua các năm.

Na Uy cũng nhập khẩu giày dép cả ở châu Á và châu Âu. Nhập khẩu từ hai lục địa này đều tương đối ổn định qua các năm.

Hình 11. Thị phần nhập khẩu theo quốc gia của Na Uy năm 2020

Nguồn: ITC

Na Uy chủ yếu nhập khẩu giày dép từ Trung Quốc (30%), Việt Nam (23%), Ý (7%), Indonesia (6%), Bồ Đào Nha (6%).

Trái ngược với Thụy Điển và Đan Mạch, lượng nhập khẩu giày dép tại Na Uy bị chi phối nhập khẩu từ châu Á với thị phần nhập khẩu thường trên 50% đối với tất cả các nhóm hàng. Điển hình nhóm sản phẩm HS 6404. Giày dép bằng vật liệu dệt có thị phần nhập khẩu từ châu Á chiếm 71% trong năm 2020.

Hình 12. Nhập khẩu theo lục địa và theo từng nhóm sản phẩm 2020 của Na Uy

Nguồn: ITC Trademap


PHẦN III. KÊNH PHÂN PHỐI

Có 3 kênh phân phối chính giày dép ở các nước Bắc Âu gồm: các tập đoàn bán lẻ, các nhà nhập khẩu giày dép và các đại lý bán buôn.

Bán lẻ

Số lượng các nhà bán lẻ giày dép khá lớn tại Bắc Âu. Bao gồm trong số này là các chuỗi siêu thị lớn nơi doanh số bán lẻ giày dép ngày càng tăng.

Tuy nhiên, phân khúc lớn nhất trên thị trường bán lẻ, chiếm khoảng 60% tổng doanh thu bán lẻ giày dép của Bắc Âu, vẫn là các chuỗi cửa hàng chuyên doanh giày dép, với một số lượng lớn các đại lý phủ khắp các nước Bắc Âu cũng như một phần của các nước lân cận.

Một phần nhỏ hơn của thị trường bán lẻ là các cửa hàng cá nhân thường cung cấp các nhãn hiệu độc quyền và đắt tiền cho một bộ phận người tiêu dùng.

Các nhà nhập khẩu và đại lý

Nhập khẩu giày dép từ các nước đang phát triển trực tiếp vào thị trường Bắc Âu chủ yếu được thực hiện bởi ba nhóm nhà nhập khẩu: Chuỗi cửa hàng chiếm khoảng 60-70% tổng nhập khẩu, các chuỗi siêu thị lớn ngày càng chiếm nhiều thị phần trong những năm gần đây và các nhà nhập khẩu truyền thống không có cửa hàng bán lẻ đã giảm thị phần trong tổng nhập khẩu giày dép.

Thị phần của các nhà nhập khẩu truyền thống giảm là do sự cạnh tranh gay gắt. Các nhà bán lẻ có đủ nguồn lực để tự nhập khẩu nhằm tiết kiệm chi phí và do đó có thể cung cấp sản phẩm với giá rẻ hơn.

Chuỗi phân phối truyền thống, nơi việc nhập khẩu được xử lý bởi một doanh nghiệp nhập khẩu đang suy giảm và các nhà xuất khẩu ở các nước đang phát triển có xu hướng giao dịch trực tiếp với các nhà bán lẻ.

I. Kênh phân phối tại Thụy Điển

Bán lẻ và chuỗi các cửa hàng giày độc lập là kênh phân phối chủ yếu tại Thụy Điển. Ngoài ra, các kênh khác để phân phối giày dép như các cửa hàng bách hóa, outlets, các nhà bán lẻ quần áo, chuỗi các cửa hàng thể thao và giải trí… và các cửa hàng trực tuyến qua Internet.

Các nhà bán lẻ

Chuỗi bán lẻ lớn nhất ở Thụy Điển là Nilson Group AB được thành lập vào năm 1955. NilsonGroup là tập đoàn giày dép hàng đầu của Scandinavia. Thông qua chuỗi các cửa hàng DinSko, Nilson Shoes, Skopunkten, Jerns, Radical sports và các cửa hàng ECCO dựa trên nhượng quyền thương mại và với khoảng 300 cửa hàng khắp Scandinavia, trong đó có 257 cửa hàng tại Thụy Điển. Nilson Group đã đạt doanh thu 2,5 tỷ SEK vào năm 2019. Các văn phòng thu mua và phát triển sản phẩm của Nilson được đặt tại Trung Quốc và Việt Nam để thu mua sản phẩm. Hiện nay, Nilson Group AB có khoảng 85 nhà cung cấp trực tiếp với 148 nhà máy sản xuất. trong đó 87% sản lượng sản xuất được sản xuất tại Trung Quốc, 7% được sản xuất tại Việt Nam.

Đứng thứ hai là nhà bán lẻ giày dép Scorett Footwear AB được thành lập vào năm 1989. Scorett hiện có 111 cửa hàng tại Thụy Điển. Một số thương hiệu lớn nhất của Scorett là Novita, K. Cobler, Tiamo, Dasia, Stenk, Strömberg, Canada Snow, The Urban Project, Sweeks, Legend, Novita Man, Zeus, Läeder by Nature, Vagabond, Björn Borg, Rieker, Fred Perry, Tamaris, Ecco, Adidas, Wooden & Clarks. Ngoài ra, Scorett Footwear AB còn có Scorett Outlet để bán các sản phẩm giày dép giảm giá. Hiện nay, Scorett có khoảng 100 nhà cung ứng trực tiếp phụ thuộc vào mùa và xu hướng khác nhau. Khoảng 60% sản phẩm của Scorett được sản xuất tại Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Còn lại là từ các nước đang phát triển, trong đó chủ yếu đến từ Trung Quốc và Việt Nam.

Eurosko Group là chuỗi cửa hàng giày dép lớn thứ ba tại Thụy Điển và sở hữu 3 chuỗi Euro Sko - chuỗi các cửa hàng giày thể thao và ủng của Euro Sko, DNA - chuỗi cửa hàng giày trong tập đoàn Euro Sko cung cấp lựa chọn mới nhất về thời trang giày và Skokanonen - chuỗi cửa hàng toàn quốc bán giày ở phân khúc bình dân. Hiện nay, Euro Sko có khoảng 88 cửa hàng khắp Thụy Điển. Eurosko có các văn phòng phát triển tại Bồ Đào Nha và Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình để nhập khẩu, hoặc nhập khẩu trực tiếp từ các nhà máy khác. Hiện nay, Euro Sko có tất cả 142 nhà cung cấp tại 6 quốc gia, trong đó Albania có 1 nhà cung cấp, Bangladesh có 1 nhà cung cấp, Trung Quốc có 95 nhà cung cấp, Ấn Độ có 12 nhà cung cấp, Indonesia có 1 nhà cung cấp, Ý có 9 nhà cung cấp, Bồ Đào Nha có 15 nhà cung cấp, Tây Ban Nha có 6 nhà cung cấp và Việt Nam có 2 nhà cung cấp.

Đứng thư tư trong danh sách các nhà bán lẻ giày dép tại Thụy Điển là Deichmann-SKO AB là công ty của Đức với chuỗi các cửa hàng lớn nhất châu Âu. Hiện tại, Deichmann đang hoạt động trên 23 quốc gia. Deichmaan bắt đầu hoạt động và hiện diện tại Thụy Điển vào năm 2006 và hiện tại có 31 cửa hàng khắp Thụy Điển, Mục tiêu của Deichmann là sẽ mở 70 cửa hàng tại Thụy Điển. Deichmann có khoảng 100 nhà cung ứng với khoảng 70% đến từ Trung Quốc và 10% đến từ Việt Nam. Bangladesh và Ấn Độ cũng đang là thị trường ưu tiên của Deichmann để sản xuất giày cho họ. Để trở thành nhà cung cấp của Deichmann, các công ty phải tuân theo quy tắc ứng xử (code of conduct) của công ty, chịu sự thanh tra không báo trước của Deichmann khoảng 50 đến 80 cuộc mỗi năm, ngoài ra, các nhà cung cấp phải tính đến nơi mà họ mua da làm nguyên liệu sản xuất. Phần lớn da mà các nhà cung cấp sản xuất cho Deichmann được mua từ các xưởng thuộc da được nhóm công tác về da của công ty (Leather Working Group) kiểm tra.

Đứng thứ năm trong danh sách các nhà bán lẻ giày dép Thụy Điển là Sneakersnstuff AB được thành lập vào năm 1999 với trụ sở tại Stockholm. Sneakersnstuff phân phối một số thương hiệu nổi tiếng như Adidas YEEZY, Nike x Off-White, NikeLab, Adidas Consortium, SNS, Nike Air Force 1, Nike Air Max 1, Converse, Adidas Stan Smith's, Puma Suedes, New Balance và nhiều loại khác.

Hình 13. Danh sách các công ty bán lẻ giày dép lớn nhất Thụy Điển theo doanh thu 2019

Nguồn: Statistic.com

Thương mại trực tuyến

Đây là một kênh bán hàng giày dép khác đang tăng đáng kể trong những năm gần đây là bán hàng quần áo và giày dép qua Internet.

Thương mại điện tử đang cho thấy sự phát triển mạnh mẽ ở châu Âu và có tới 270 triệu người châu Âu ngày nay nói rằng họ thường xuyên mua sắm trực tuyến. Thực tế, Thụy Điển là một trong những quốc gia có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trên thế giới. Theo thống kê của công ty chuyển phát nhanh PostNord, khoảng 70% người tiêu dùng Thụy Điển mua hàng trực tuyến ít nhất một lần/một tháng.

Theo báo cáo của Cơ quan kinh doanh Thụy Điển, quần áo và giày dép là mặt hàng lớn thứ hai được mua trực tuyến tại Thụy Điển với doanh số đạt 13 triệu SEK trong năm 2019, tăng 12% so với năm 2018. Bên cạnh đó, nhiều nhà bán lẻ giày dép sử dụng Internet như một kênh bán hàng miễn phí. Một số website trực tuyến hàng đầu tại Thụy Điển về mua bán giày dép như Zalando, Boozt, H&M, Amazon…

Bán hàng cho các nhà bán lẻ

Thị trường giày dép của Thụy Điển có truyền thống lâu đời và tương đối hạn chế. Đây có thể là thách thức khi gia nhập thị trường này. Do đó, nhiều người thích làm việc với các đại lý hoặc các nhà phân phối được thành lập sẵn và đã có sẵn kinh nghiệm thị trường địa phương. Các đại lý hoặc các nhà phân phối có thể chịu trách nhiệm như nhà bán buôn tại một khu vực hay toàn bộ Thụy Điển hoặc cả các nước khác.

Một số đại lý chuyên nhập khẩu giày dép vào thị trường Thụy Điển cũng như Bắc Âu để phân phối như:

MBT shoes - công ty có nhiều năm kinh nghiệm nhập khẩu giày dép vào thị trường Bắc Âu. MBT có các công ty tại Thụy Điển và Đan Mạch.

Trendmark AB - công ty tiếp thị, đại diện và nhập khẩu các thương hiệu hàng đầu về giày dép và quần áo vào thị trường Thụy Điển.

Nhóm mua

Các nhóm mua cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong chuỗi kênh phân phối. Tổ chức mua hàng quan trọng nhất là ANWR nơi có khoảng 90 nhà bán lẻ đại diện cho 130 cửa hàng là thành viên. ANWR mời các nhà nhập khẩu/bán buôn và các đại lý trưng bày các bộ sưu tập của họ tại các hội chợ nhỏ 2-4 lần mỗi năm. Eurosko Sverige cũng đang hoạt động tương tự như ANWR. Scorret cũng bao gồm khoảng 80 cửa hàng tư nhân hoặc các cửa hàng sở hữu tổ chức mua hàng của họ theo cách tương tự. Một số nhóm mua nổi tiếng tại Thụy Điển như:

https://www.anwr.se/

https://www.eurosko.com/sv/

https://www.scorett.se/

II. Kênh phân phối tại Đan Mạch

Đặc điểm của thị trường giày dép Đan Mạch là có ít nhà cung cấp, nhà bán lẻ nhập khẩu trực tiếp và các chuỗi cửa hàng lớn.

Các nhà bán lẻ

Theo Phòng thương mại Đan Mạch có khoảng 1500 nhà bán lẻ giày dép và các sản phẩm liên quan, bao gồm cả các chuỗi siêu thị lớn.

Tuy nhiên, các nhà khai thác lớn nhất trên thị trường bán lẻ vẫn là các chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh giày dép, với một số lượng lớn các cửa hàng bao phủ khắp cả nước cũng như một phần của các nước lân cận. Theo ước tính, khoảng 60% doanh thu bán lẻ giày dép đến từ các chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh giày dép. Một phần nhỏ hơn đến từ các cửa hàng cá nhân với các sản phẩm độc quyền và thương hiệu đắt đỏ cho người tiêu dùng cao cấp.

Hình 14. Danh sách các công ty bán lẻ giày dép lớn nhất Đan Mạch năm 2019

Đơn vị: triệu USD

Nguồn: Statistic.com

ECCO Sko A/S là nhà sản xuất, bán buôn và bán lẻ giày Đan Mạch được thành lập vào năm 1963 bởi Karl Toosbuy, tại Bredebro, Đan Mạch. Công ty ban đầu chỉ sản xuất giày dép, nhưng sau đó đã mở rộng sang sản xuất da, cũng như phụ kiện và đồ da nhỏ. Các sản phẩm của ECCO được bán ở 101 quốc gia từ hơn 2.250 cửa hàng ECCO và hơn 15.000 điểm bán hàng. Các nhà máy của ECCO được vận hành tại 7 quốc gia trên toàn cầu, gồm Hà Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Bồ Đào Nha, Slovakia và Thái Lan.

Tập đoàn Dune là một trong những tập đoàn có ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu trong lĩnh vực giày dép và phụ kiện thời trang, có trụ sở tại London, kinh đô thời trang của thế giới. Dune có chuỗi các cửa hàng bán lẻ trên nhiều quốc gia, trong đó có Đan Mạch.

Josef Seibel Schuhfabrik là tập đoàn sản xuất giày dép của Đức, được thành lập vào năm 1886. Công ty có các thương hiệu như Josef Seibel, Westand, Gerry Weber và Titian. Thời gian đầu thành lập, công ty bắt đầu với việc sản xuất trong nước tại Hauenstein, sau đó Seibel đã đi theo xu hướng sản xuất ở nước ngoài tại các nước có chi phí nhân công thấp và mức lương thấp. Ngày nay, giày Seibel chủ yếu được sản xuất ở các nước châu Âu khác và châu Á. Seibel có chuỗi các cửa hàng phân phối bán lẻ tại Đức, Đan Mạch, Hồng Kong, Trung Quốc, Anh và Ả rập.

Shoe-D-vision là công ty Đan Mạch - Na Uy được thành lập vào năm 1955 tại Đan Mạch bởi các nhà bán lẻ giày Đan Mạch với tên Skoringen Amba. Sau khi hợp tác thu mua tập thể kéo dài nhiều năm với Skoringen AS ở Na Uy - được thành lập với hình thức tương tự tại Na Uy vào năm 1965. Đến năm 1973, hai công ty này đã hợp nhất thành Shoe-D-vision. Công ty chủ yếu phân phối giày cho thị trường Na Uy và Đan Mạch với trên 200 cửa hàng giày.

Deichmann-Sko ApS là công ty của Đức với chuỗi các cửa hàng lớn nhất châu Âu. Hiện tại, Deichmann đang hoạt động trên 23 quốc gia. Deichmann có khoảng 100 nhà cung ứng với khoảng 70% đến từ Trung Quốc và 10% đến từ Việt Nam.

Thương mại trực tuyến

Internet ngày càng tạo ra nhiều cơ hội kết nối kinh doanh. Ở Đan Mạch, việc sử dụng giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực giày dép đang phát triển và mang lại lợi nhuận nhiều và nhanh hơn thương mại truyển thống. Thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển trong tương lai.

Theo thống kê của công ty chuyển phát nhanh PostNord, Đan Mạch có khoảng 4 triệu người tiêu dùng mua hàng trực tuyến, với chi tiêu bình quân mỗi người cho mua sắm trực tuyến khoảng 850 Euro mỗi năm. Một số website bán hàng trực tuyến giày dép tại Đan Mạch như Zalando, Boozt, Amazon, H&M…

Các nhà nhập khẩu và đại lý

Nhập khẩu giày dép từ các nước đang phát triển trực tiếp vào thị trường giày dép Đan Mạch chủ yếu được thực hiện bởi ba nhóm nhà nhập khẩu: Các chuỗi cung ứng - chiếm khoảng 60 - 70% tổng nhập khẩu, các chuỗi siêu thị lớn và các nhà nhập khẩu truyền thống.

Thị phần của các nhà nhập khẩu truyền thống đang càng ngày càng giảm dần. Nguyên nhân do các nhà bán lẻ có đủ nguồn nhân lực và cung ứng để tự nhập khẩu trực tiếp. Điều này sẽ giúp họ tiếp kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận.

Có một số ít các đại lý trên thị trường giày dép Đan Mạch. Thông thường họ đại diện cho các thương hiệu quốc tế đã được thành lập tại thị trường châu Âu. Một số nhà phân phối các thương hiệu giày dép tại Đan Mạch và Bắc Âu:

Bonvita - nhà phân phối các thương hiệu giày cho khắp khu vực Nordic.

MBT Nordic AS - nhà nhập khẩu giày dép hàng đầu tại khu vực Nordic, chuyên nhập khẩu và phân phối giày dép tại khu vực Bắc Âu.

Vernon - nhà phân phối các thương hiệu giày dép khắp khu vực Nordic với các thành phố chính là Copenhagen, Arhus, Stockholm, Gothenburg, Oslo và Helsinki.

ATC footwear A/S - công ty chuyên xử lý việc bán hàng và cung cấp dịch vụ của các thương hiệu giày nổi tiếng như Clarks, Sebago, Samuel Hubbard, Allen Edmonds và Peter Kaiser.

SoftSpot ApS - công ty phân phối và nhập khẩu các thương hiệu FitFlop, HOFF và Cougar Canada tại Đan Mạch.

Goodstep - nhà bán buôn các sản phẩm giày và phụ kiện lâu đời nhất Scandinavia. Hiện đang cung cấp sản phẩm cho hơn 3.000 của hàng giày và bách hóa địa phương khắp Bắc Âu.

Morso Sko Import A/S - công ty chuyên nhập khẩu và bán buôn các loại giày. Công ty chuyên hợp tác với các nhà máy ở các nước khác để sản xuất sản phẩm nhãn hiệu riêng, cung cấp và phân phối trực tiếp sản phẩm.

Bubetti - công ty chuyên phân phối các sản phẩm giày theo xu hướng thời trang của các hãng như Bubetti, Lofina, Angulus, Billi Bi, Nature, DL Sport, Fitflop, Pretty Ballerinas và Birkenstock.

III. Kênh phân phối tại Na Uy

Các nhà bán lẻ

Cũng giống như Đan Mạch và Thụy Điển, giày dép tại Na Uy chủ yếu được phân phối thông qua các cửa hàng bán lẻ.

Nilson Group AB được thành lập vào năm 1955. NilsonGroup là tập đoàn giày dép hàng đầu của Scandinavia, và cũng là chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất tại Na Uy. Thông qua chuỗi các cửa hàng DinSko, Nilson Shoes, Skopunkten, Jerns, Radical sports và các cửa hàng ECCO dựa trên nhượng quyền thương mại và với khoảng 300 cửa hàng khắp Scandinavia. Các văn phòng thu mua và phát triển sản phẩm của Nilson được đặt tại Trung Quốc và Việt Nam để thu mua sản phẩm. Hiện nay, Nilson Group AB có khoảng 85 nhà cung cấp trực tiếp với 148 nhà máy sản xuất. trong đó 87% sản lượng sản xuất được sản xuất tại Trung Quốc, 7% được sản xuất tại Việt Nam.

ECCO là nhà sản xuất, bán buôn và bán lẻ giày Đan Mạch và có chuỗi các cửa hàng tại Na Uy. Công ty ban đầu chỉ sản xuất giày dép, nhưng sau đó đã mở rộng sang sản xuất da, cũng như phụ kiện và đồ da nhỏ. Các sản phẩm của ECCO được bán ở 101 quốc gia từ hơn 2.250 cửa hàng ECCO và hơn 15.000 điểm bán hàng. Các nhà máy của ECCO được vận hành tại 7 quốc gia trên toàn cầu, gồm Hà Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Bồ Đào Nha, Slovakia và Thái Lan.

Eurosko Group là chuỗi cửa hàng giày dép lớn của Thụy Điển và phát triển chuỗi các cửa hàng tại Na Uy. Eurosko có các văn phòng phát triển tại Bồ Đào Nha và Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình để nhập khẩu, hoặc nhập khẩu trực tiếp từ các nhà máy khác. Hiện nay, Eurosko có tất cả 142 nhà cung cấp tại 6 quốc gia, trong đó Albania có 1 nhà cung cấp, Bangladesh có 1 nhà cung cấp, Trung Quốc có 95 nhà cung cấp, Ấn Độ có 12 nhà cung cấp, Indonesia có 1 nhà cung cấp, Ý có 9 nhà cung cấp, Bồ Đào Nha có 15 nhà cung cấp, Tây Ban Nha có 6 nhà cung cấp và Việt Nam có 2 nhà cung cấp.

JA Magnussen Engros AS là công ty bán buôn, bán lẻ giày dép, quần áo lớn tại Na Uy. Công ty phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp giày dép, các nhà cung cấp nước ngoài để sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với đặc điểm đôi chân người Na Uy cũng như thích ứng với khí hậu tại Na Uy.

Viking Footwear AS là công ty thành lập tại Na Uy, chuyên sản xuất và phân phối giày cao su, ủng cho Na Uy và các nước láng giềng như Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Đức và Áo.

Hình 15. Danh sách các công ty bán lẻ giày dép lớn nhất tại Na Uy
năm 2019 theo doanh thu

Đơn vị: triệu USD

Nguồn: Statistic.com

Thương mại trực tuyến

Bán hàng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gầy đây và nó tiếp tục được tăn trưởng và tăng cường sự hiện diện trên thị trường. Đặc biệt là người trẻ tuổi sử dụng các cửa hàng trực tuyến thường xuyên tại Na Uy. Theo thống kê, hiện có khoảng 3,17 triệu người dùng thương mại điện tử ở Na Uy (trên tổng dân số 5,1 triệu người). Lĩnh vực thời trang, giày dép là lĩnh vực mua sắm trực tuyến phổ biến nhất. Trung bình, mỗi người tiêu dùng mua hàng trực tuyến 3-4 lần mỗi tháng. Cùng với sự tiện lợi của mua hàng trực tuyến và cơ sở hạ tầng tốt, thương mại điện tử tại Na Uy phát triển khá tốt, khoảng 80% các nhà bán lẻ hàng đầu có ứng dụng thương mại điện tử và trang web thương mại điện tử cho người tiêu dùng. Một số website nổi tiếng kinh doanh giày dép tại Na Uy như Footway, Zalando, Brando, Boozt, Ellos, Bianco…

Các nhà nhập khẩu và đại lý

Nhập khẩu giày dép vào thị trường giày dép Na Uy chủ yếu được thực hiện thông qua nhà nhập khẩu của các chuỗi cung ứng, các chuỗi siêu thị lớn và các nhà nhập khẩu truyền thống.

Một số công ty nhập khẩu giày dép của Na Uy như:

A.Hoibo AS : công ty chuyên nhập khẩu giày dép cho khách hàng trên khắp Na Uy, từ Mandal đến Longyearbyen. Chủ yếu tập trung vào ủng cho người lớn, trẻ em.

Viking outdoor footwear AS : là công ty có trụ sở tại Na Uy và các chi nhánh bán hàng tại Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Đức và Áo. Công ty có rất nhiều nhà cung ứng chuyên sản xuất giày dép theo thiết kế của công ty và nhập khẩu trở lại như các nhà cung ứng tại Bulgaria, Canada, Trung Quốc, Cyprus, Séc, Ý…

Klaveness Footwear : là công ty Na Uy với các chi nhánh bán hàng tại Thụy Điển và Phần Lan. Công ty có nhà máy sản xuất giày tại Bồ Đào Nha chuyên sản xuất giày cho công ty và đưa trở lại Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan để phân phối.

Cyclone AS : nhà nhập khẩu và phân phối đại diện các các nhãn hiệu về quần áo, giày dép, phụ kiện trên khắp Na Uy và thị trường Bắc Âu.

DayOne AS : nhà nhập khẩu và phân phối các sản phẩm chuyên về thể thao, thể thao ngoài trời, giày dép thể thao và quần áo thể thao tại Na Uy và thị trường Bắc Âu.

Why not AS : nhà nhập khẩu và phân phối hàng đầu Scandinavia đối với các sản phẩm giày dép, thể thao, quần áo.

Trendsport AS : nhà nhập khẩu, phân phối một số thương hiệu cho các cửa hàng giày dép, thể thao và quần áo khắp Na Uy. Công ty chủ yếu hợp tác với các nhà máy tại Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Ý và Romania để nhập khẩu.

Lille Vinkel Skor : là một công ty giày độc lập với chuỗi các cửa hàng và cửa hàng trực tuyến. Công ty mua sản phẩm trực tiếp từ các nhà máy không qua trung gian để cung cấp cho người tiêu dùng.

DinSko với chuỗi các cửa hàng bán lẻ và trực tuyến, cung cấp các sản phẩm giày dép với các nhãn hiệu riêng như PACE, LINEAR, SoAll, DS và XIT.

Bianco là công ty Đan Mạch chuyên cung cấp các sản phẩm giày dép và phụ kiện với chuỗi các cửa hàng bán lẻ giày dép quốc tế.

Stress là công ty được thành lập tại Na Uy. Nhằm cung cấp cho những người trẻ tuổi các mặt hàng từ các thương hiệu không có ở Scandinavia.

Đối với sản phẩm giày thể thao, một số nhà bán lẻ nổi tiếng như: XXL, G-Sport, Sport 1, Stadion, Coop, MZ-sport, Sport Norge.


PHẦN IV. CÁC QUY ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU

Là thành viên của EU, Thụy Điển, Đan Mạch đều tuân theo các quy tắc và quy định và áp dụng thuế quan chung của EU. Bên cạnh đó, Na Uy và Iceland là thành viên của EEA nên hầu hết các quy định thị trường nhập khẩu của Na Uy và Iceland cũng tuân theo các quy định của EU.

I. Các Hiệp định thương mại tự do của EU và GSP

EU dành ưu đãi thương mại không tương hỗ cho tất cả các nước đang phát triển. Theo Hệ thống ưu đãi chung (GSP) Các nước kém phát triển (LDC) được miễn thuế nhập khẩu vào EU tất cả các mặt hàng ngoại trừ vũ khí và đạn dược cũng như gạo, đường và chuối - xem EBA (Mọi thứ trừ vũ khí) tại đây . Theo đó, Việt Nam cũng nằm trong danh sách GSP của EU để được hưởng ưu đãi của EU.

Tuy nhiên, Việt Nam và EU đã ký hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020. Điều này đã mang lại cơ hội cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong EVFTA, EU cam kết dành ưu đãi thuế nhập khẩu cho hàng giày dép Việt Nam như sau:

- Loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép (các loại giày chống thấm cao su/nhựa, dép lê và dép đi trong nhà, nguyên phụ liệu ngành giày dép…). Các dòng thuế này đang có mức thuế suất cơ sở từ 3,5-17%;

- Số còn lại, thuế suất cơ sở từ 5-17%, sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 7 năm (phần lớn các loại giày dép mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu thuộc nhóm này).

Đối với cam kết quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm giày dép trong EVFTA, quy tắc xuất xứ áp dụng đối với trường hợp có một phần nguyên liệu không xuất xứ (hầu như tất cả giày dép xuất khẩu của Việt Nam đều là trường hợp này) như sau:

- Đối với tất cả các sản phẩm thuộc Chương 64, trừ sản phẩm mã 6406: được sản xuất từ tất cả các loại nguyên liệu ở bất kỳ mã HS nào, ngoại trừ việc lắp ráp mũ với đế thuộc mã 6406;

- Đối với sản phẩm thuộc mã 6406 (các bộ phận của giày, dép): được sản xuất từ tất cả các loại nguyên liệu ở bất kỳ mã HS nào trừ chính mã HS của sản phẩm đó.

1. Thuế nhập khẩu

Biểu thuế nhập khẩu vào EU (cụ thể là Đan Mạch và Thụy Điển) được trình bày trong bảng sau. Mức thuế bao gồm các tiểu mục trong CN từ 6401-6406.

Bảng 3. Thuế nhập khẩu giày dép vào EU và Na Uy

Tên mặt hàng

Mã CN

EU (Thụy Điển, Đan Mạch)

Thuế nhập khẩu vào Na UY

Thuế nhập khẩu thông thường (%)

Thuế nhập khẩu theo EVFTA (%)

Giày, dép không thấm nước có đế ngoài và mũ giày bằng cao su hoặc plastic, mũ giày, dép không gắn hoặc lắp ghép với đế bằng cách khâu, tán đinh, xoáy ốc, cắm đế hoặc các cách tương tự

6401

17%

0%

0%

Các loại giày, dép khác có đế ngoài và mũ bằng cao su hoặc plastic

6402

16,8% - 17%

0%

0%

Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc

6403

5% - 8%

0%, hoặc giảm thuế trong vòng 4 năm, 6 năm hoặc 8 năm tùy loại sản phẩm

0%

Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng vật liệu dệt

6404

16,9% - 17%

Một số sản phẩm 0% từ ngày 1/8/2020, một số sản phẩm giảm thuế trong vòng 4 năm

0%

Giày, dép khác

6405

3,5% - 17%

Hầu hết 0% từ 1/8/2020, trừ giày dép khác có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp giảm thuế trong vòng 6 năm

0%

Các bộ phận của giày, dép (kể cả mũ giày đã hoặc chưa gắn đế trừ đế ngoài); miếng lót của giày, dép có thể tháo rời, đệm gót chân và các sản phẩm tương tự; ghệt, quần ôm sát chân và các sản phẩm tương tự, và các bộ phận của chúng

6406

3%

0%

0%

Đối với giày thể thao để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA, giày dép có mô tả ex-out cho mã CN 6403.91.11B, 6403.91.13B, 6403.91.18B, 6403.99.91B, 6403.99.93B, 6403.99.96B, và 6403.99.98B trong Biểu thuế của EU phải có đế ngoài chống trơn trượt được sản xuất từ vật liệu tổng hợp như polyme mật độ thấp hoặc có các tính năng kỹ thuật như miếng đệm kín chứa khí hoặc chất lỏng, các thành phần cơ khí được thiết kế đặc biệt để hấp thụ tác động hoặc vật liệu đặc biệt như polyme mật độ thấp. Ngoài ra, giày như vậy phải có một thiết bị buộc hoặc hệ thống viền với tối thiểu là năm lỗ gắn trên mỗi bên của phía trên của giày, mang lại sự ổn định chân trong giày. Đế bên trong của những đôi giày như vậy phải được đúc khuôn.

2. Thuế chống phá giá

Nếu Ủy ban châu Âu nghi ngờ rằng các sản phẩm được xuất khẩu sang EU với giá thấp hơn giá trị thông thường, hành vi đó bị coi là cạnh tranh không lành mạnh và Ủy ban châu Âu có thể áp đặt một loại thuế đặc biệt - gọi là thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa đó. Ví dụ vào năm 2006, Ủy ban Châu Âu đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu một số loại giày dép có mũ bằng da hoặc da tổng hợp, có xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam.

3. Thuế giá trị gia tăng - VAT

Thuế VAT của Đan Mạch, Thụy Điển, và Na Uy chiếm 25% và là một trong những mức thuế cao nhất trong Cộng đồng Kinh tế châu Âu.

II. Tiêu chuẩn sản phẩm (tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, kiểm dịch...)

1. An toàn sản phẩm

Chỉ thị An toàn Sản phẩm Chung (GPSD) điều chỉnh sự an toàn của các sản phẩm được sản xuất, nhập khẩu và bán tại thị trường EU. GPSD cũng bao gồm các sản phẩm giày dép được bán tại EU.

2. Chỉ thị về thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE)

Nếu như xuất khẩu giày bảo hộ lao động vào EU sản phẩm có thể thuộc phạm vi của Chỉ thị thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE).

Ngày 9/3/2016, Nghị viện và Hội đồng Châu Âu đã ban hành Quy định (EU) số 2016/425 về thiết bị bảo vệ cá nhân và bãi bỏ chỉ thị số 89/686/EEC của Hội đồng Châu Âu áp dụng kể từ ngày 21/4/2018.

Theo Chỉ thị PPE, các sản phẩm giày dép được phân loại vào mặt hàng PPE phải được đánh dấu CE và chứng nhận từ phòng thí nghiệm của Cơ quan chứng nhận Châu Âu trước khi đưa vào thị trường Châu Âu. Quy trình kiểm tra đánh dấu CE như sau:

Liên quan đến các nhà sản xuất giày dép an toàn thuộc phạm vi của Chỉ thị PPE việc đánh dấu CE lên sản phẩm phải tuân theo Chỉ thị 2016/425. Các nhà sản xuất giày dép thuộc PPE phải tuân thủ các yêu cầu và quy định của Chỉ thị 2016/425, gồm:

- Đặc tả mức độ rủi ro mà giày dép PPE của họ sẽ bảo vệ người sử dụng.

Quy định chứng nhận

Loại I

Loại II

Loại III

Phân loại

Rủi ro thấp

Rủi ro khác

Rủi ro gây chết người hoặc không thể phục hồi

Ví dụ

Ủng gây rủi ro đối với khí hậu

Giày dép đối với rủi ro cơ học

Giày dép đối với rủi ro hóa chất

Nghĩa vụ của các nhà sản xuất

- Đề xuất và xuất bản một tập tài liệu về kỹ thuật sản phẩm (bao gồm 1 thông báo cho người dùng)

- Thực hiện các kiểm tra để đảm bảo tính đồng nhất của sản phẩm

- Đưa ra tuyên bố về sự phù hợp

- Đánh dấu sản phẩm CE

- Các yêu cầ như của Loại I

- Thêm chứng nhân kiểm tra CE của Cơ quan được thông báo (CTC)

- Các yêu cầu như loại II

- thêm Chọn một Cơ quan được thông báo đê giám sát hàng năm quá trình sản xuất

- Gắn số của Cơ quan được thông báo trên nhãn sản phẩm.

- Xác định chính xác tất cả các rủi ro. Các tiêu chuẩn cần thiết được thiết lập theo các tiêu chuẩn bên dưới.

ASTM F2413

Yêu cầu thực hiện đối với giày có mũ bảo vệ ngón chân

ISO 11393-3

Quần áo bảo hộ cho người sử dụng máy cưa cầm tay - Phần 3: Các phương pháp thử đối với giày dép

​EN ISO 13287

Phương pháp thử khả năng chống trượt

EN 13634

Giày bảo hộ dành cho người đi mô tô chuyên nghiệp - yêu cầu và phương pháp thử

​EN 13832-2

Giày bảo hộ chống hóa chất - Phần 2: Yêu cầu đối với giày dép chống hóa chất trong phòng thí nghiệm

EN 13832-3

Giày bảo hộ chống hóa chất - Phần 3: Yêu cầu đối với giày dép chống hóa chất cao trong phòng thí nghiệm

EN 15090

Giày cho lính cứu hỏa

EN ISO 17249

Giày dép an toàn chống cắt cưa xích

ISO/TR 18690

Hướng dẫn sử dụng, lựa chọn và bảo dưỡng giày bảo hộ lao động, an toàn và sử dụng

​EN ISO 20344

PPE - Phương pháp thử cho giày dép

​EN ISO 20345

PPE - Giày bảo hộ lao động

EN ISO 20346

PPE - Giày bảo hộ

EN ISO 20347

PPE - Giày lao động

EN 20349

Thiết bị bảo vệ cá nhân - Giày dép bảo vệ khỏi rủi ro trong xưởng đúc và hàn

EN ISO 22568

(phần 1 đến phần 4) - Yêu cầu và phương pháp thử đối với mũi giày và miếng chèn chống thủng

EN 50321-1

Giày ủng cách điện để làm việc trực tiếp trên các cơ sở lắp đặt điện áp thấp

- Các nhà sản xuất sẽ chọn Cơ quan thông báo của mình. Hầu hết các sản phẩm giày dép tuân theo Chỉ thị PPE đều thuộc vào Loại II của Chỉ thị. Chúng được yêu cầu xác định mức độ rủi ro và chọn một cơ quan được thông báo để xác minh.

- Các nhà sản xuất phải gửi cho Cơ quan thông báo các nội dung về: (i) các rủi ro đã được bao gồm và phạm vi sử dụng PPE; (ii) mô tả đầy đủ về tổ chức sản xuất (vật liệu, sản xuất, địa điểm…); (iii) kết quả của việc kiểm tra chứng nhận sự phù hợp (CE); (iv) đánh dấu lên giày dép PPE, (v) hướng dẫn sử dụng sản phẩm.

- Đánh dấu lên giày dép PPE: Cho dù sản phẩm cho mục đích án toàn, bảo vệ hay nghề nghiệp, tất cả giày, ủng đều được đánh dấu CE để đảm bảo mức độ thoải mái và độ bền cao cho sản phẩm và được thiết lập trên các cơ cở sau:

Ngoài ra, các đặc tính khác cũng được tiêu chuẩn hóa, có thể được sử dụng một mình hoặc cùng với các yêu cầu cơ bản khác (như trên) cho sản phẩm, như:

P: đế chống thâm nhập

C: giày hoặc ủng dẫn điện

A: giày hoặc ủng chống tĩnh điện

HI: cách nhiệt

WR: giày dép chống nước

SRA: khả năng chống trượt trên sàn gạch men với NaLS

SRB: Chống trượt trên sàn thép với glycerol

SRC: khả năng chống trượt trên sàn gạch men với NaLS và trên sàn thép với glycerol

CI: cách nhiệt lạnh

E: hấp thụ năng lượng gót chân

WRU: vật liệu bên trên chống nước

HRO: khả năng chống tiếp xúc nóng

M: bảo vệ cổ chân

AN: bảo vệ mắt cá chân

Giày chống trượt - dù có chức năng bảo vệ ngón chân hay không đều được xếp vào loại Thiết bị bảo vệ cá nhân và phải tuân theo Chỉ thị 2016/425.

3. Hóa chất - các chất bị hạn chế

Có những hạn chế đối với một số lượng lớn các hóa chất được bán ở châu Âu, vì chúng có thể gây nguy hiểm cho con người hoặc môi trường. Những hạn chế này được coi là những yêu cầu pháp lý khó khăn nhất mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tư cách là nhà sản xuất. Giày dép thường bao gồm các bộ phận nhỏ bằng các vật liệu khác nhau và khối lượng thường không lớn lắm, so với ngành may mặc, vốn phải đối mặt với các yêu cầu tương tự. Điều này khiến nhà sản xuất khó đảm bảo rằng tất cả các bộ phận đều tuân thủ các hạn chế đã đặt ra.

Hầu hết các hạn chế được liệt kê trong quy định về Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế Hóa chất (REACH) ( Quy định (EC) 1907/2006 ). Hóa chất nào phù hợp sẽ phụ thuộc vào sản phẩm cụ thể và vật liệu sử dụng.

Ví dụ về các chất bị hạn chế liên quan đến giày dép:

- Thuốc nhuộm azo (Da thuộc và dệt may): nếu sử dụng da nhuộm, hãy đảm bảo sản phẩm không chứa bất kỳ thuốc nhuộm azo nào giải phóng ra bất kỳ loại nào trong số 22 amin thơm bị cấm. Kiểm tra danh sách thuốc nhuộm azo bị cấm này để tìm hiểu thêm. Luật châu Âu liệt kê các amin thơm, không phải thuốc nhuộm azo giải phóng chúng. Do đó, hầu hết các thuốc nhuộm azo đều được chấp nhận về mặt pháp lý. Hơn nữa, hầu hết các nhà sản xuất thuốc nhuộm có uy tín chỉ sản xuất thuốc nhuộm được chấp nhận hợp pháp. Tuy nhiên, việc từ chối ở biên giới và bị rút khỏi thị trường cho thấy thuốc nhuộm azo vẫn có thể gây ra vấn đề trên thị trường châu Âu.

- Chromium VI (da): việc sử dụng Chromium VI bị hạn chế ở châu Âu kể từ ngày 1 tháng 5 năm 2015. Một số quốc gia đã cấm sử dụng Chromium VI trước đó. Danh sách các loại giày bị rút khỏi thị trường trong cơ sở dữ liệu RAPEX cho thấy Chromium VI là lý do phổ biến nhất để các sản phẩm giày dép bị cấm lưu hành trong một thời gian. Luật châu Âu giới hạn tối đa việc sử dụng crom trong các sản phẩm da. 3 ppm.

- Các hợp chất hữu cơ (đặc biệt là các bộ phận được làm bằng polyvinyl clorua hoặc PVC): nếu sử dụng PVC trong các sản phẩm, lưu ý các hợp chất hữu cơ cũng bị hạn chế. Các hợp chất Organotin, hợp chất Dioctyltin (DOT) và hợp chất Dibutyltin (DBT) có thể được sử dụng trong hàng dệt, ví dụ như trong bản in. Việc sử dụng chúng bị hạn chế vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, ức chế hệ thống miễn dịch hoặc gây hại cho sinh sản.

- PVC cũng chứa các hóa chất khác để ổn định hoặc làm dẻo, chẳng hạn như chì hoặc phthalates. Những chất này thường bị hạn chế. Mặc dù bản thân PVC không bị cấm, một số công ty đã tự nguyện quyết định loại bỏ PVC trong các sản phẩm của họ.

- Các bộ phận và phụ kiện kim loại (chẳng hạn như khóa kéo hoặc nút) tiếp xúc trực tiếp và lâu dài với da không được giải phóng quá 0,5μg/cm2 niken mỗi tuần.

- Perfluorooctane sulphonate (PFOS) là một chất được sử dụng để làm cho da (và hàng dệt may) có khả năng chống nước và bụi bẩn. Nó là một chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và việc sử dụng bị hạn chế ở châu Âu theo Quy định (EC) số 850/2004 (Công ước Stockholm). Giới hạn tối đa cho PFOS là 1µg /m2.

- Hạn chế sử dụng parafin clo hóa chuỗi ngắn (SCCP) là một lý do phổ biến khác cho việc thu hồi các sản phẩm giày dép. Các chất này cũng là chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thường được sử dụng trong công nghiệp da.

Bên cạnh đó, ngày 12/10/2018, Ủy ban châu Âu đã ban hành Quy định (EU) 1513/2018 sửa đổi Phụ lục XVII của Quy định REACH (EC) 1907/2006 bằng việc thêm một mục mới (mục 72) quy định giới hạn mới đối với 33 chất CMR trong quần áo, hàng dệt may và giày dép liên quan đến các chất có đặc tính gây ung thư, gây đột biến hoặc đôc hại cho sinh sản. Quy định mới này áp dụng kể từ ngày 1/11/2020.

Đối với giày dép, hạn chế được áp dụng đối với nhóm sản phẩm ví dụ như các loại in ấn, lớp phủ được áp dụng trực tiếp lên trên bề mặt của sản phẩm dệt được bao phủ.

Giới hạn mới của 33 chất CMR áp dụng từ ngày 1/11/2020, gồm:

Substances

CAS No

Concentration limit by weight

Cadmium and its compounds

(listed in Annex XVII, Entry 28, 29, 30, Appendices 1-6)

-

1 mg/kg sau khi chiết (được biểu thị bằng kim loại Cd có thể được chiết ra từ vật liệu)

Chromium VI compounds

(listed in Annex XVII, Entry 28, 29, 30, Appendices 1-6)

-

1 mg/kg sau khi chiết (được biểu thị bằng Cr VI có thể được chiết từ nguyên liệu)

Arsenic compounds

(listed in Annex XVII, Entry 28, 29, 30, Appendices 1-6)

-

1 mg/kg sau khi chiết (được biểu thị bằng kim loại As có thể được chiết xuất từ vật liệu)

Lead and its compounds

(listed in Annex XVII, Entry 28, 29, 30, Appendices 1-6)

-

1 mg/kg sau khi chiết (được biểu thị bằng kim loại Pb có thể được chiết xuất từ vật liệu)

Benzene

71-43-2

5 mg/kg

Benz[a]anthracene

56-55-3

1 mg/kg

Benz[e]acephenanthrylene

205-99-2

1 mg/kg

benzo[a]pyrene; benzo[def]chrysene

50-32-8

1 mg/kg

Benzo[e]pyrene

192-97-2

1 mg/kg

Benzo[j]fluoranthene

205-82-3

1 mg/kg

Benzo[k]fluoranthene

207-08-9

1 mg/kg

Chrysene

218-01-9

1 mg/kg

Dibenz[a,h]anthracene

53-70-3

1 mg/kg

α, α,α ,4-tetrachlorotoluene; p-chlorobenzotrichloride

5216-25-1

1 mg/kg

α, α,α -trichlorotoluene; benzotrichloride

98-07-7

1 mg/kg

α -chlorotoluene; benzyl chloride

100-44-7

1 mg/kg

Formaldehyde1

50-00-0

75 mg/kg

1,2-benzenedicarboxylic acid; di-C 6-8-branched alkylesters, C 7-rich2

71888-89-6

1 000 mg/kg

Bis(2-methoxyethyl) phthalate2

117-82-8

1 000 mg/kg

Diisopentylphthalate2

605-50-5

1 000 mg/kg

Di-n-pentyl phthalate (DPP)2

131-18-0

1 000 mg/kg

Di-n-hexyl phthalate (DnHP) 2

84-75-3

1 000 mg/kg

N -methyl-2-pyrrolidone; 1-methyl-2-pyrrolidone (NMP)

872-50-4

3 000 mg/kg

N,N -dimethylacetamide (DMAC)

127-19-5

3 000 mg/kg

N,N -dimethylformamide; dimethyl formamide (DMF)

68-12-2

3 000 mg/kg

1,4,5,8-tetraaminoanthraquinone; C.I. Disperse Blue 1

2475-45-8

50 mg/kg

Benzenamine, 4,4′-(4-iminocyclohexa-2,5- dienylidenemethylene) dianiline hydrochloride; C.I. Basic Red 9

569-61-9

50 mg/kg

[4-[4,4′-bis(dimethylamino)benzhydrylidene] cyclohex a-2,5-dien-1-ylidene]dimethylammonium chloride; C.I. Basic Violet 3 with ≥ 0,1 % of Michler's ketone (EC no. 202-027-5)

548-62-9

50 mg/kg

4-chloro-o-toluidinium chloride

3165-93-3

30 mg/kg

2-Naphthylammoniumacetate

553-00-4

30 mg/kg

4-methoxy-m-phenylene diammonium sulphate; 2,4-diaminoanisole sulphate

39156-41-7

30 mg/kg

2,4,5-trimethylaniline hydrochloride

21436-97-5

30 mg/kg

Quinoline

91-22-5

50 mg/kg

Quy định (EU) 2019/1021 về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đưa ra lệnh cấm nhập khẩu các chất POP được liệt kê trong Phụ lục I của Quy định, cho dù chúng tự chế, trong chế phẩm hoặc dưới dạng thành phần của các sản phẩm. Do đó, các chất POP được liệt kê trong Phụ lục I của Quy định này không được phép sử dụng trong các sản phẩm dệt và da.

Sản phẩm diệt khuẩn là bất kỳ hoạt chất hoặc hỗn hợp nào được sử dụng với mục đích tiêu diệt, ngăn chặn, làm cho vô hại, ngăn chặn hành động hoặc gây tác động kiểm soát đối với bất kỳ sinh vật có hại nào bằng bất kỳ cách nào khác ngoài hành động vật lý hoặc cơ học. Tất cả các loại sản phẩm diệt khuẩn được liệt kê và mô tả trong Phụ lục V của Quy định (EU) 528/2012 liên quan đến việc cung cấp trên thị trường và sử dụng các sản phẩm diệt khuẩn. Các sản phẩm diệt khuẩn không được phép sử dụng trong các sản phẩm dệt và da trừ khi được phép theo Quy định này.

III. Bao gói, nhãn mác

1. Bao gói

Ngày 20/3/1994, Ủy ban châu Âu đã ban hành Chỉ thị số 94/62/EC liên quan đến vật liệu bao gói và xử lý chất thải bao gói. Theo đó, chỉ thị 94/62/EC cũng được áp dụng cho bao bì giày dép được bán tại thị trường EU. Chỉ thị yêu cầu các chất độc hại trong bao bì, đặc biệt là các kim loại nặng như chì, thủy ngân và cadmium không được vượt quá giới hạn yêu cầu.

Ngoài ra, một số lưu ý chúng về bao gói như:

- Hạn chế đến mức tối thiểu trọng lượng và thể tích của bao bì để đáp ứng mức độ an toàn, vệ sinh và khả năng chấp nhận của người tiêu dùng;

- Giảm hàm lượng các chất và vật liệu độc hại trong vật liệu đóng gói và các thành phần của nó;

- Thiết kế bao bì có thể tái sử dụng hoặc có thể phục hồi;

- Bao bì phân hủy sinh học: bao bì nhựa phân hủy oxo không được coi là có thể phân hủy sinh học.

2. Nhãn mác

Các yêu cầu liên quan đến ghi nhãn giày dép tại châu Âu được tuân theo Chỉ thị số 94/11/EC ngày 24/3/1994. Chỉ thị 94/11/EC quy định việc ghi nhãn phải cung cấp thông tin cho người tiêu dùng về thành phần của ba bộ phận chính của giày dép theo Phụ lục I của Chỉ thị , gồm:

+ Phía trên (upper);

+ Lớp lót bên trong (lining and sock);

+ Đế ngoài (outer sole).

Chỉ những vật liệu bao phủ ít nhất 80% diện tích bề mặt của phần trên và lớp lót (upper and lining and sock) hoặc 80% thể tích của đế ngoài (outersole) mới cần được ghi nhãn. Nếu không có vật liệu nào đơn lẻ chiếm ít nhất 80% cần đưa ra thông tin về hai vật liệu chính được sử dụng.

Thành phần có thể được đưa ra bằng sử dụng các ký tựng tượng hình hoặc các chỉ dẫn bằng văn bản cho các vật liệu cụ thể:

+ Da (leather);

+ Da tráng (coated leather);

+ Vải (textiles);

+ Vật liệu khác (other materials).

Việc ghi nhãn sẽ bao gồm việc dán các thông tin cần thiết vào ít nhất môt mặt hàng giày dép trong mỗi đôi. Điều này có thể được in, dán, dập nổi, hoặc sử dụng nhãn đính kèm.

Việc ghi nhãn phải được nhìn thấy, được gắn một cách an toàn và có thể tiếp cận dễ dàng và kích thước của các ký tự tượng hình phải đủ lớn để có thể hiểu được thông tin trong đó một cách dễ dàng. Không được để việc ghi nhãn gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Việc cung cấp nhãn và độ chính xác của nhãn là trách nhiệm của nhà sản xuất hoặc đại lý được ủy quyền của họ nếu được thành lập tại EU. Nếu cả nhà sản xuất hoặc đại lý được ủy quyền của họ đều không được thành lập tại EU, người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc cung cấp hoặc bán giày dép ở EU phải chịu trách nhiệm. Các nhà bán lẻ phải đảm bảo rằng giày dép mà họ bán có dán nhãn được yêu cầu.

Các yêu cầu ghi nhãn trên không bao gồm một số loại giày dép phải tuân theo các quy định cụ thể:

+ Giày bảo hộ được áp dụng theo Quy định (EU) 2016/425 về thiết bị bảo vệ cá nhân và bãi bỏ Chỉ thị 89/686/EEC (ví dụ: một số ủng có mũi giày bằng thép - CN 6401.10). Tuy nhiên, các Quốc gia Thành viên sẽ không cản trở việc cung cấp trên thị trường các sản phẩm tuân theo Chỉ thị 89/686/EEC phù hợp với Chỉ thị đó và được đưa ra thị trường trước ngày 21/4/2019. Chứng chỉ kiểm tra kiểu loại và quyết định phê duyệt của EC được ban hành theo Chỉ thị 89/686/EEC sẽ vẫn có hiệu lực cho đến ngày 21/4/2023 trừ khi chúng hết hạn trước ngày đó;

+ Giày dép tuân theo Quy định (EC) 1907/2006 liên quan đến Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế Hóa chất (REACH) (ví dụ: giày dép có chứa amiăng - CN 6812.50)

3. Nhãn sinh thái - tự nguyện

Ngày 5/8/2016, Ủy ban châu Âu ban hành Quy định số (EU) 2016/1349 thiết lập các tiêu chí sinh thái cho nhãn sinh thái EU dành cho sản phẩm giày dép. Để có thể được dán nhãn sinh thái Ecolabel của EU theo quy định số (EC) 66/2010 , sản phẩm giày dép phải tuân thủ các tiêu chí sinh thái và các yêu cầu đánh giá và xác minh theo Phụ lục của quy định 2016/1349.

IV. Các qui định khác (nếu có)

- Sản phẩm từ động thực vật hoang dã: Nếu sử dụng vật liệu (một phần) làm từ thực vật hoặc động vật hoang dã - ví dụ, ủng làm bằng da cá sấu - cần đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của Công ước về buôn bán quốc tế các loài nguy cấp (CITES). Châu Âu đã thực hiện các yêu cầu này trong Quy định (EU) 338/97 . Quy định bao gồm danh sách các loài bị hạn chế (bao gồm cả các sản phẩm của chúng) và các thủ tục đặc biệt nếu có. Châu Âu có luật riêng về kinh doanh các sản phẩm hải cẩu (Quy định (EC) 1007/2009 ngày 16 tháng 9 năm 2009).

- Quyền sở hữu trí tuệ: Nếu bán bộ sưu tập riêng cho người mua ở châu Âu, cần chứng minh việc không vi phạm bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ (IP) nào. Các quyền này có thể áp dụng cho thiết kế của sản phẩm, cũng như bất kỳ nhãn hiệu hoặc hình ảnh nào được sử dụng.

V. Một số quy định riêng

1. Thụy Điển

Đánh thuế trong lĩnh vực thời trang, giày dép để loại bỏ các hóa chất độc hại

Để tăng cường tài chính công và giảm tỷ lệ hoặc nguy cơ phơi nhiễm và lây lan các chất có trong quần áo và giày dép có hại cho môi trường và sức khỏe con người, chính phủ Thụy Điển đang đề xuất một đạo luật đánh thuế một số hóa chất trong một số sản phẩm quần áo và giày dép.

Đề xuất mức thuế mặc định là 40 SEK/kg (3,7EURO) đối với tất cả quần áo và giày dép được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Thụy Điển từ nước ngoài, với khả năng khấu trừ lên đến 95% nếu các sản phẩm không chứa các chất độc hại đặc biệt và chất diệt khuẩn.

Ngoài ra, có thể có một khoản thuế bổ sung là 19 SEK/kg được đề xuất đối với quần áo và giày dép có chứa chất liệu cao su, polyvinyl clorua hoặc polyurethane và một khoản thuế bổ sung khác là 19 SEK/kg đối với các sản phẩm phù hợp với mọi thời tiết (all-weather products).

Đề xuất thuế tập trung vào các chất hóa chất đáp ứng các tiêu chí về các chất cần được quan tâm cao (SVHC) theo Quy định REACH của EU, liên quan đến các chất gây ung thư, gây đột biến hoặc độc hại cho sinh sản (CMR), các chất có đặc tính nhạy cảm, các chất có đặc điểm khó phân hủy, tích lỹ sinh học và độc hại (PBT), các chất rất khó phân hủy và tích lỹ sinh học cao (vPvB) và các chất gây rối loạn nội tiết. Ngoài ra, đề xuất cũng cho rằng loại việc loại bỏ dần các chất kháng khuẩn (chất diệt khuẩn) cũng có cơ sở.

Theo đề xuất, thuế về cơ bản sẽ áp dụng cho tất cả các sản phẩm quần áo và giày dép, nhưng miễn trừ đối với các sản phẩm thiết bị bảo vệ cá nhân thuộc phạm vi của Chỉ thị PPE và đồ chơi.

Theo Chính phủ Thụy Điển, đề xuất thuế này dự kiến áp dụng từ năm 2022. Tuy nhiên, quy định này đã nhận được nhiều phản ánh trái chiều của các doanh nghiệp trong ngành dệt may và giày dép. Do vậy, trong dự luật ngân sách năm 2022 của Chính phủ, đề xuất đánh thuế hóa chất đối với quần áo và giày dép không được đưa vào. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tiếp tục được đưa ra thảo luận trong thời gian tới.

2. Na Uy

Các sản phẩm giày dép khi bày bán trên thị trường Na Uy, ngoài việc tuân thủ các quy định theo quy định của EU phải tuân thủ quy định về đánh dấu và ghi nhãn trên giày dép của Na Uy

Về cơ bản nhãn phải chứa các thông tin theo quy định của EU, tức nhãn phải chứa thông tin về thành phần của ba bộ phận sau đây của giày, ủng:

+ Phía trên,

+ Lớp lót và đế trong, và

+ Đế ngoài.

Nhãn phải có thông tin về vật liệu cấu thành ít nhất 80% bề mặt của phần trên, lớp lót và đế / đế của giày ủng và ít nhất 80% thành phần của đế ngoài. Nếu một chất liệu không chiếm ít nhất 80%, cần phải cung cấp thông tin về hai chất liệu chính mà giày ủng được cấu thành.

Đối với phần trên, vật liệu phải được xác định mà không liên quan đến thiết bị hoặc bộ phận gia cố như thiết bị bảo vệ mắt cá chân, viền, đồ trang trí, khóa, dây đai, khoen hoặc các phụ kiện tương tự.

Đối với đế ngoài, việc phân loại sẽ được thực hiện dựa trên số lượng vật liệu cấu thành.

Thông tin sẽ được cung cấp bằng các ký tự tượng hình hoặc các chỉ dẫn bằng văn bản. Biểu đồ tượng hình phải được thiết kế như quy định trong Phụ lục I của Quy định và đủ lớn để dễ hiểu thông tin được cung cấp.

Ngoài ra, các chỉ dẫn văn bản phải bằng tiếng Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức hoặc Anh, như được chỉ định và thể hiện trong Phụ lục I.

Ít nhất một trong các bộ phận của một đôi giày dép phải có các đặc điểm cụ thể đã được quy định. Tuyên bố có thể được in, dán, dập nổi hoặc dập ghim. Dấu hiệu phải được nhìn thấy, gắn chặt và có thể tiếp cận được. Việc ghi nhãn không được gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Các chi tiết theo yêu cầu của các quy định này có thể kèm theo thông tin bổ sung dưới dạng văn bản có thể được dán vào nhãn hiệu.

3. Đan Mạch

Theo Luật định số 755 ngày 15 tháng 8 năm 2003 của Đan Mạch quy định cấm nhập khẩu, bán và sử dụng một số chất màu azo. Theo đó cũng cấm nhập khẩu và bán các mặt hàng bằng vải dệt và da nếu như chúng được nhuộm bằng chất màu azo bị cấm ở các nước ngoài EU. Các thanh tra hóa chất của Cơ quan Bảo vệ môi trường Đan Mạch sẽ tiến hành giám sát kiểm tra định kỳ việc tuân thủ các quy định này. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm giày dép từ da cần chú ý quy định này.

Ngoài ra, Đan Mạch cũng đã ban hành danh sách 40 chất/nhóm chất không mong muốn. Các chất này chủ yếu được sử dụng trong các ngành công nghiệp của Đan Mạch và mong muốn các nhà sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm có thể tập trung tìm các chất thay thế hoặc ngừng sử dụng các chất/nhóm chất này. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất giày dép xuất khẩu vào Đan Mạch nên tìm hiểu danh sách 40 chất/nhóm chất không mong muốn này để có điều chỉnh thích hợp trong sản xuất của mình.



PHẦN V. THƯƠNG MẠI VỚI VIỆT NAM

I. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam với khu vực Bắc Âu

Xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu không phải là quá lớn so với các thị trường khác. Trong số các nước Bắc Âu, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Na Uy với 152,6 triệu USD năm 2020, gấp 2,2 lần lượng xuất khẩu sang Thụy Điển và gấp 3,7 lần lượng xuất khẩu sang Đan Mạch. Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu giày dép đứng thứ 2 tại Na Uy, sau Trung Quốc.

Hình 16. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Thụy Điển
2010 - 2020

Đơn vị: nghìn USD

Nguồn: ITC Trademap

So với tổng nhập khẩu của Thụy Điển, Việt Nam xuất khẩu giày dép sang Thụy Điển khá nhỏ, chỉ dao động từ khoảng 5% - 7% tổng nhập khẩu của Thụy Điển. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2010 - 2020, xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào Thụy Điển càng ngày càng tăng từ 52,4 triệu USD năm 2010 đã tăng lên 89,3 triệu USD năm 2020, tăng 70% so với 2010. Mặt hàng được Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Thụy Điển và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây là HS 6403 - Giày dép bằng da thuộc và HS 6404 - Giày dép bằng vật liệu dệt, với trị giá xuất khẩu vào Thụy Điển năm 2020 lần lượt là 38,1 triệu USD và 42,2 triệu USD.

Hình 17. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch
2010 - 2020

Đơn vị: nghìn USD

Nguồn: ITC Trademap

Cũng giống như Thụy Điển, Việt Nam xuất khẩu giày dép vào Đan Mạch rất nhỏ, chỉ khoảng 3-4% tổng nhập khẩu giày dép của Đan Mạch. Đan Mạch hầu như chỉ nhập khẩu nhóm sản phẩm HS 6404 - Giày dép bằng vật liệu dệt từ Việt Nam trong suốt thời gian dài từ 2010 - 2019, thường duy trì trên 33 triệu USD. Riêng năm 2020, mặt hàng đột nhiên giảm mạnh chỉ còn 9,5 triệu USD, giảm 41% so với năm 2010. Trong khi đó, mặt hàng HS 6403 - Giày dép bằng da thuộc lại đang trên đà tăng trưởng tốt từ 4,8 triệu USD năm 2010 đã tăng lên 9,04 triệu USD năm 2020, tăng 86% so với 2010. Các nhóm sản phẩm khác, Đan Mạch nhập khẩu không đáng kể từ Việt Nam.

Hình 18. Tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Na Uy 2010 - 2020

Đơn vị: nghìn USD

Nguồn: ITC Trademap

Na Uy là quốc gia nhập khẩu giày dép từ Việt Nam nhiều nhất trong số ba quốc gia Bắc Âu, với thị phần nhập khẩu từ Việt Nam dao động từ 20-23% trong tổng nhập khẩu của Na Uy. Việt Nam hiện là quốc gia xếp thứ hai sau Trung Quốc xuất khẩu giày dép vào Na Uy. Mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào Na Uy là HS 6404 - Giày dép bằng vật liệu dệt và tăng trưởng khá mạnh trong những năm gần đây với đỉnh điểm là 94,3 triệu USD năm 2018, tăng 394% so với 2010. Mặt hàng đứng hai xuất khẩu vào Na Uy của Việt Nam là HS 6403 - Giày dép bằng da thuộc, duy trì tăng trưởng đều qua các năm. Nhóm sản phẩm HS 6402 - Giày dép bằng cao su và Plastic đứng thứ ba trong nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu vào Na Uy với trị giá nhập khẩu năm 2020 là 15,2 triệu USD và duy trì ổn định qua các năm.

II. Thuận lợi

Các sản phẩm các giày dép của Việt Nam khá đa dạng, nhìn chung trong khu vực châu Á, thị phần Việt Nam xuất khẩu sang các nước Bắc Âu mặc dù nhỏ nhưng vẫn đứng thứ 2 sau Trung Quốc. Do vậy, có thể khẳng định chất lượng sản phẩm các sản phẩm giày dép của Việt Nam cũng được người tiêu dùng Bắc Âu chấp nhận. Ngoài ra, theo phân tích số liệu từ ITC, lượng nhập khẩu các sản phẩm giày dép của các nước Bắc Âu từ Trung Quốc hiện đang giảm dần trong những năm gần đây, trong khi đó tỷ trọng tăng trưởng của Việt Nam lại đang tăng lên.

Do ngành công nghiệp giày dép không phải là thế mạnh của các nước Bắc Âu, cộng với chi phí nhân công tại các nước này rất cao, khiến cho giá thành của một đôi giày khi sản xuất tại Bắc Âu sẽ cao hơn rất nhiều so với giày dép nhập khẩu từ các nước có mức lương nhân công thấp.

Mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng Đan Mạch dành cho giày dép và quần áo không phải là quá lớn mỗi năm. Nhưng, Thụy Điển, quốc gia đông dân nhất Bắc Âu với dung lượng thị trường gần gấp đôi so với Đan Mạch và Na Uy, lại có chi tiêu khá mạnh cho giày dép, trung bình mỗi người 4 đôi/năm. Ngoài ra, do đặc điểm khí hậu của Bắc Âu nên mỗi người dân thường phải có nhiều loại giày dép để đi theo mùa. Tất cả điều này khiến cho dung lượng thị trường Bắc Âu khá lớn. Hơn nữa, nhập khẩu giày dép Bắc Âu tăng ổn định qua các năm, thể hiện nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Các sản phẩm giày dép khi xuất khẩu vào EU, ngoại trừ Na Uy và Iceland phải chịu thuế nhập khẩu từ 3 - 17%, mức thuế khá cao. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế là đã ký Hiệp định EVFTA với EU xóa bỏ thuế quan từ ngày 1/8/2020 đối với khá nhiều sản phẩm giày dép như các sản phẩm giày dép có mã HS 6401, 6402, 6406 và hầu hết các mã 6405. Đối với các sản phẩm giày dép còn lại thuộc mã HS 6403, 6404 được cắt giảm thuế quan dần dần theo lộ trình 4 năm, 5 năm và tối đa 7 năm sẽ về 0% đã mang lại thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu giày dép khi thuế các mặt hàng giày dép hầu hết về 0%.

III. Khó khăn

Việt Nam ở cách xa địa lý so với các nước Bắc Âu, chi phí vận chuyển cao và thời gian dài. Khiến cho giá thành của sản phẩm cũng cao lên.

Mặc dù có dung lượng thị trường khá lớn nhưng khi so sánh với các thị trường châu Âu khác, Bắc Âu vẫn là thị trường nhỏ. Yêu cầu đối với sản phẩm của người tiêu dùng Bắc Âu cũng cao hơn so với các nước châu Âu khác, điều này khiến cho các doanh nghiệp e ngại khi xuất khẩu vào đây.

Mặt khác, Bắc Âu được coi là khu vực các nước có nền văn minh cao nhất thế giới. Khi mua một sản phẩm, họ không chỉ xem xét về giá mà còn xem xét về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… Đối với giày dép cũng vậy, hiện người tiêu dùng Bắc Âu đang có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm giày dép sinh thái, có lợi cho môi trường, người tiêu dùng Bắc Âu sẽ không tiêu dùng các sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, còn có rất nhiều quy định của EU đối với mặt hàng giày dép như hóa chất, an toàn sản phẩm, … cần phải tuân theo.

Như đã phân tích ở trên về các thị trường mà các nước đang nhập khẩu, có thể thấy các nước Bắc Âu chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm giày dép từ Đức, Bỉ, Bồ Đào Nha và Ý. Với lợi thế về khoảng cách địa lý Đức, Bỉ, Bồ Đào Nha và Ý có lợi thế rất lớn so với việc nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển khác với khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển lại ngày càng tăng cao.

Trong số các nước đang phát triển xuất khẩu giày dép vào Bắc Âu, không chỉ Việt Nam là quốc gia có mức lương thấp, mà rất nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng có mức lương thấp và tay nghề cao cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… Ngoài ra còn có một số thị trường mới nổi như Kenya cũng đang được các quốc gia Bắc Âu quan tâm đến.

IV. Khuyến nghị và giải pháp

1. Phát triển sản phẩm bền vững

Mặc dù tính bền vững đang ngày càng được khẳng định, nhưng phân khúc thị trường giày dép được bán dưới dạng "công bằng" hoặc "bền vững" thực sự vẫn là một thị trường ngách cho các nhà sản xuất.

Các quốc gia Bắc Âu là các nước đi đầu trên thế giới về phát triển xanh và bền vững. Người tiêu dùng nơi đây ưa chuộng dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đặc biệt là khi Ủy ban châu Âu đã đưa ra chiến lược xanh EU để giảm lượng phát thải khí CO2, đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới tiên tiến, bảo vệ môi trường tự nhiên của châu Âu. Cả ba nước Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đều cũng đa có kế hoạch hành động để cắt giảm lượng khí phát thải CO2 đến năm 2030 và 2050. Thụy Điển hiện đang là nước đầu tiên của châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng đi đầu trong việc đánh thuế quần áo và giày dép được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Thụy Điển từ nước ngoài, với khả năng khấu trừ lên đến 95% nếu các sản phẩm không chứa các chất độc hại và chất diệt khuẩn nhằm bảo vệ môi trường. Dự kiến trong tương lai các quốc gia Bắc Âu cũng sẽ thực hiện các chính sách tương tự để bảo vệ môi trường. Do vậy, các sản phẩm giày dép thân thiện với môi trường được dự báo sẽ bùng nổ trong tương lai gần.

2. Tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của EU đối với các sản phẩm giày dép khi xuất khẩu vào EU.

Nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk hoặc CBI để hiểu rõ hơn về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu giày dép.

Ngoài các yêu cầu bắt buộc của thị trường, nên thảo luận và tuân theo các yêu cầu bổ sung của người mua và người tiêu dùng như:

Cùng chịu trách nhiệm

Trước khi phúc lợi động vật bắt đầu trở nên quan trọng, các khía cạnh khác của xã hội như quyền lao động cơ bản - một vấn đề bền vững chính trong ngành công nghiệp da giày cũng được quan tâm. Một yêu cầu phổ biến nữa mà các nhà xuất khẩu phải tuân theo liên quan đến việc ký quy tắc ứng xử của nhà cung cấp, trong đó, các nhà sản xuất tuyên bố tiến hành các hoạt động của mình một cách có trách nhiệm như tôn trọng lao động và môi trường địa phương.

Trong thập kỷ qua, người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng chú ý nhiều hơn đến hành vi đạo đức kinh doanh, điều này đã làm nảy sinh thuật ngữ "người tiêu dùng chính trị". Thuật ngữ ngày ngụ ý rằng xu hướng của người tiêu dùng Bắc Âu đối với các nhà nhập khẩu và nhà sản xuất tại Bắc Âu. Họ phải đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu từ các nước đang phát triển không sử dụng lao động trẻ em, gây ô nhiễm hoặc làm tổn hại đến môi trường khi sản xuất. Do vậy, hầu hết các công ty Bắc Âu đều thiết lập quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp của họ và yêu cầu các nhà sản xuất phải tuân thủ theo.

Mức lương công bằng

Tiền lương là mối quan tâm ngày càng tăng trong ngành giày dép và các ngành khác. Một số sáng kiến tập trung vào mức lương công bằng cho nhân viên trong ngành giày dép đã được đưa ra. Họ không nhắm đến mức lương tối thiểu mà nhắm đến "mức lương công bằng". Mức lương công bằng thường được xác định trên cơ sở những gì người lao động phải bỏ ra để được hưởng mức sống khá. Ngày càng có nhiều tổ chức tham gia vào nỗ lực này.

Cải thiện điều kiện làm việc

Người lao động và điều kiện làm việc của họ cũng đang được chú ý trong ngành da giày như đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người lao động.

Lao động trẻ em

Đối với hầu hết người mua ở châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng, lao động trẻ em là điều không thể chấp nhận và không thể thương lượng. Các doanh nghiệp sản xuất cần chú ý đến điều kiện làm việc và thuê nhân công. Nếu như doanh nghiệp thuê nhân công là trẻ em, sẽ không thể nhận được đơn hàng từ châu Âu, thậm chí còn bị tẩy chay.

An toàn nhà xưởng và nơi làm việc

An toàn nhà xưởng và nơi làm việc là một vấn đề ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Nguyên nhân là do trong ngành công nghiệp giày dép, may mặc đã có nhiều vụ cháy và sập nhà xưởng làm thiệt hại về con người và tài sản. Do vậy, các tiêu chuẩn về an toàn cháy nổ và xây dựng cũng đang là vấn đề được quan tâm trong ngành công nghiệp giày dép.

Kinh tế tuần hoàn

Ở châu Âu, luật pháp dự kiến sẽ yêu cầu người mua và người sản xuất hàng may mặc phải giải trình tất cả các vấn đề về rác thải liên quan đến quá trình sản xuất. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng rác thải không phải là gánh nặng mà là cơ hội. Ví dụ Adidas hiện cung cấp một loại giày làm từ rác thải đại dương. Công nghệ nhuộm thân thiện với môi trường cũng đang nổi lên.

3. Cơ hội cho các nước đang phát triển và Hội chợ thương mại

Do chi phí lao động thấp ở các nước đang phát triển so với chi phí lao động của các nước Bắc Âu và tiêu dùng tư nhân cao, nhập khẩu giày dép dự kiến sẽ tiếp tục tăng hơn nữa, đặc biệt là hậu Covid-19, các hoạt động ngoài trời, thể thao, du lịch được mở cửa và kinh doanh trở lại. Ngoài ra, mức độ thuê ngoài các các công ty Bắc Âu cũng đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua. Điều này mang lại cho các nước đang phát triển vị thế trên thị trường trong tương lai.

Để có thể dễ dàng kết nối với các công ty Bắc Âu, tham gia các hội chợ thương mại quốc tế là một hoạt động quan trong nhằm tạo mối liên hệ với doanh nghiệp trong tương lai với các đối tác. Tại hội chợ thương mại, doanh nghiệp có thể gặp gỡ các đối thủ cạnh tranh, các khách hàng tiềm năng cũng như có được ý tưởng về xu hướng thị trường trong tương lai.

Một số hội chợ lớn về giày dép tại Bắc Âu như:

Nordic shoes & bag fair

Đây là hội chợ thương mại lớn nhất và quan trọng nhất trong ngành giày dép tại Bắc Âu. Hội chợ diễn ra trong suốt tuần lễ thời trang Stockholm 2 lần mỗi năm tại Stockholm. Đây được coi là bắt đầu mùa bán và rất nhiều người mua đánh giá cao cơ hội được gặp các thương hiệu và kết nối các thông tin liên hệ mới.

The buying days in Varberg

Ngày hội mua sắm tại Varberg đã trở thành một sự kiện quan trọng cho các nhà cung cấp trong ngành thương mại giày dép Thụy Điển. Ngoài các hoạt động liên quan đến mua hàng được tổ chức tại Khu thời trang Stockholm và Khu giày dép Stockholm. Hiệp hội các đối tác thương mại Thụy Điển còn tổ chức ngày hội mua hàng cho ngành giày dép. Ngày hội mua hàng tại Varberg được tổ chức hai lần một năm và tháng tám và tháng chín hàng năm.

Copenhagen International Fashion Fair

Hội chợ Thời trang quốc tế Copenhagen là hội chợ kéo dài nhất Bắc Âu. Trong một thập kỷ qua, Hội chợ thời trang quốc tế Copenhagen đã trở thành một điểm đến chính định kỳ hàng năm cho ngành công nghiệp thời trang quốc tế. Hội chợ là nơi trưng bày các thương hiệu định hướng và tư duy tương lai của ngành.

Sko and Veskemessen Fair

Hội chợ là điểm hẹn duy nhất của Na Uy dành cho các nhà cung cấp giày dép, túi xách và phụ kiện cho ngành bán lẻ tại Na Uy.



PHẦN VI. DANH SÁCH CÁC DOANH NGHIỆP NHẬP KHẨU
GIÀY DÉP KHU VỰC BẮC ÂU

I. Doanh nghiệp Thụy Điển

1. Trendmark AB

2. Vagabond AB

3. Tagab Sko AB

4. Scorett footwear AB

5. Nilson Group AB

6. Zoe shoes AB

7. Eurosko group AB

8. Deichmann sko AB

9. Alfa sko AB

10. Bianco footwear Sweden AB

11. Brasko AB

12. Båstad-gruppen AB

13. Goodstep AB

14. MBT shoes Sweden

II. Doanh nghiệp Đan Mạch

1. Morso Sko Import AS

2. Ølholm AS

3. Tasko ApS

4. Viking Outdoor Footwear AS

5. Bianco AS

6. Bjerregaard Sikkerhed AS

7. Wimpex AS

8. Jysk Firmatøj

9. Comtec Int. AS

10. Euro-dan Sko AS

11. MBT Nordic AS

12. Vernon

13. ATC footwear A/S

14. SoftSpot ApS

15. Goodstep

III. Doanh nghiệp Na Uy

1. Eurosko

2. L&N Norge AS

3. Skogholt Hanskeffabrikk AS

4. Bulldog Protective workwear AS

5. A.Hoibo AS

6. Cyclone AS

7. DayOne AS

8. Whynot AS

9. Trendsport AS




TÀI LIỆU THAM KHẢO

Cơ quan thống kê Thụy Điển

Cơ quan thống kê Đan Mạch

Cơ quan thống kê Na Uy

Hiệp hội các nhà sản xuất giày Thụy Điển

Hiệp hội thương mại Thụy Điển

Hiệp hội giày dép Đan Mạch

Hiệp hội ngành công nghiệp Đan Mạch

Trade helpdesk

Thống kê

Trung tâm thương mại quốc tế

Tổng quan nỗ lực phát triển bền vững của bốn chuỗi cửa hàng giày Thụy Điển

Xuất khẩu giày dép sang EU của CBI


PHỤ LỤC I. Mô tả chi tiết về danh mục mã HS

Việc phân loại giày dép thực hiện theo phân loại mã HS như sau:

Mã HS

Miêu tả

Ví dụ

6404

Giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng vật liệu dệt

Giày dệt, giày thể thao

6403

Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc

Giày trượt tuyết, giày thể thao, xăng đan, giày da đế gỗ, giày lao động có thể bao gồm mũi giày kim loại, ủng, giày da.

6402

Các loại giày, dép khác có đế ngoài và mũ bằng cao su hoặc plastic

Giày trượt tuyết, ván trượt tuyết, ủng, giày thể thao, dép nhựa, giày làm việc với có hoặc không mũi giày kim loại

6401

Giày, dép không thấm nước có đế ngoài và mũ giày bằng cao su hoặc plastic, mũ giày, dép không gắn hoặc lắp ghép với đế bằng cách khâu, tán đinh, xoáy ốc, cắm đế hoặc các cách tương tự

Ủng cao su hoặc nhựa, cao hoặc thấp, mũi giày có thể bằng kim loại

6405

Giày, dép khác

Giày gỗ, giày làm từ tự nhiên

vật liệu và lông động vật

6406

Các bộ phận của giày, dép (kể cả mũ giày đã hoặc chưa gắn đế trừ đế ngoài); miếng lót của giày, dép có thể tháo rời, đệm gót chân và các sản phẩm tương tự; ghệt, quần ôm sát chân và các sản phẩm tương tự, và các bộ phận của chúng

-

Miêu tả các bộ phận của giày dép

Mặc dù có nhiều mẫu mã khác nhau được sản xuất, nhưng sự phân chia chung và tên của các bộ phận của giày được phổ biến trong ngành công nghiệp giày. Các bộ phận của giày dép gồm:

Phía mũ trên

Được coi là bộ phận chính của giày, phần trên được gắn phía trên đế và bao phủ phần trên và bên của giày. Đối với một số giày nhựa và cao su, chẳng hạn như ủng cao su, một mảnh vật liệu duy nhất có thể được sử dụng cho toàn bộ giày và trong tình huống này không có đường ranh giới rõ ràng giữa phần trên và phần đế. Phần mũ trên không bao gồm các phụ kiện như khóa, khoen hoặc bất kỳ loại gia cố nào.

Lớp lót

Lớp lót của giày là vật liệu gắn vào bên trong của mũ, nơi chạm vào đầu và bên cạnh của bàn chân cũng như mặt sau của gót chân. Các chức năng chính của lớp lót là làm cho giày thoải mái hơn bằng cách che phủ đường may cuối cùng bên trong, giảm độ ẩm và hỗ trợ bàn chân.

Đế trong

Đế trong, hoặc đế bên trong, là vật liệu chạm vào đáy bàn chân. Thông thường, nó được thêm vào đế giữa của đôi giày và có thể cố định hoặc có thể tháo rời. Các vật liệu được sử dụng có thể khác nhau.

Đế giữa

Đế giữa tương ứng với lớp giữa của đế nằm giữa đế và đế ngoài. Vật liệu được sử dụng phụ thuộc vào mục đích của giày. Một số đôi giày có thể không có bất kỳ đế giữa nào, trong khi loại đế này thường được sử dụng trong giày chạy bộ để đệm và hỗ trợ.

Đế ngoài

Đế ngoài tương ứng với phần dưới cùng của giày chạm với đất trong khi được sử dụng. Đế ngoài không bao gồm bất kỳ tiếp xúc đến như gót chân, móng chân.

Laminate

Để tăng độ ổn định và hiệu suất của hàng dệt, Laminate có thể được thêm vào như lớp phủ. Nội dung và hóa chất được sử dụng trong sản xuất phụ thuộc vào mục đích của dệt may. Trong giày, Laminate là thường là một dạng film được tạo sẵn hoặc ép đùn được gắn vào các vật liệu đi kèm để tăng chức năng.

Lưng và cổ chân

Đối với giày bình thường, lưng và cổ chân hoặc "chất làm cứng" được sử dụng để nhằm mục đích gia cố và thường được làm bằng nhựa.

Bộ phận kim loại

Các kim loại khác nhau có thể được sử dụng làm phụ kiện trong giày, chẳng hạn như trong dây kéo và khóa. Nó cũng có thể được kết hợp vào những đôi giày với các mục đích cụ thể, chẳng hạn như tăng độ bền cho giày đi bộ đường dài hoặc dùng để bảo vệ trong giày dép công nhân.


PHỤ LỤC II. Tình hình nhập khẩu giày dép của các nước Bắc Âu 2010 - 2020

Bảng 4. Tình hình nhập khẩu giày dép của Thụy Điển 2010 - 2020

Đơn vị: nghìn USD

HS

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng KNNK

800.005

985.586

928.366

960.923

967.550

885.082

994.702

1.072.467

1.159.632

1.235.688

1.201.258

6404

159.850

206.521

217.951

253.973

258.386

258.433

318.586

381.124

432.230

450.831

474.073

6403

391.089

481.692

442.164

455.466

454.970

395.168

443.896

453.794

465.662

500.434

465.509

6402

166.406

190.812

184.098

166.831

172.175

155.508

162.431

165.976

176.220

204.944

193.060

6401

29.411

33.897

27.183

30.062

30.280

29.344

27.604

27.500

31.847

29.008

29.917

6405

25.708

36.602

31.182

27.481

23531

20.098

19.885

23.118

26.186

25.871

21.275

6406

27.541

36.062

25.788

27.110

28208

26.531

22.300

20.955

27.487

24.600

17.424

(Nguồn: ITC Trade Map)


Bảng 5. Tình hình nhập khẩu giày dép của Đan Mạch 2010 - 2020

Đơn vị: nghìn USD

HS

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng KNNK

960.927

1.084.132

1.030.350

991.922

1.076.779

943.602

1008845

1.009.556

1.014.545

982.521

872.239

6403

611.237

666.162

644.795

601.298

633.119

515.303

546609

549.323

557.412

521.077

454.478

6404

177.075

226.733

216.357

218.758

257.733

259.047

292686

293.549

272.190

278.866

252.001

6402

106.158

108.512

98.652

96.445

118.899

107.727

109298

105.782

117.664

126.892

115.418

6401

27.615

40.394

26.773

26.807

29.327

26.663

26572

26.230

31.577

24.072

21.328

6405

25.510

28.934

30.406

31.759

24.057

23.115

21.593

23.755

25.197

21.309

16.228

6406

13.332

13.397

13.367

16.855

13.644

11.747

12.087

10.917

10.505

10.305

12.786

(Nguồn: ITC Trade Map)


Bảng 6. Tình hình nhập khẩu giày dép của Na Uy 2010 - 2020

Đơn vị: nghìn USD

HS

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng KNNK

603.045

735.491

672.865

713.909

691.804

627.085

649.637

666.497

713.772

690.352

594.495

6403

324.350

395.191

352.328

356.519

323.077

287.120

277.824

282.050

292.858

279.122

231.907

6404

115.940

150.467

158.407

175.795

182.893

187.361

220.306

233.970

252.850

249.243

225.233

6402

115.164

130.926

108.171

122.442

129.065

105.838

102.865

102.617

117.694

114.996

96.173

6401

21.557

30.214

24.171

28.734

28.274

25.203

24.719

24.855

25.575

22.681

19.543

6405

14.143

13.627

17.544

18.234

14.123

10.826

10.823

12.237

13.387

11.960

12.469

6406

11.891

15.066

12.244

12.185

14.372

10.737

13.100

10.768

11.408

12.350

9.170

(Nguồn: ITC Trade Map)


PHỤ LỤC III. Thương mại giày dép giữa Việt Nam với Bắc Âu

Bảng 7. Thương mại giày dép giữa Việt Nam với Thụy Điển 2020

HS

Mặt hàng

KN XK 2020 ( Nghìn USD)

+/- 2016-20 (%/năm)

Thị phần ( % )

Số lượng 2020 (tấn)

Giá (USD/tấn)

6403

Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc

8,133

8

8

1274

29,932

6404

Giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng vật liệu dệt

42,214

37

9

1,305

32,348

6402

Các loại giày, dép khác có đế ngoài và mũ bằng cao su hoặc plastic

6,865

15

4

312

22,003

6406

Các bộ phận của giày, dép (kể cả mũ giày đã hoặc chưa gắn đế trừ đế ngoài); miếng lót của giày, dép có thể tháo rời, đệm gót chân và các sản phẩm tương tự; ghệt, quần ôm sát chân và các sản phẩm tương tự, và các bộ phận của chúng

1,178

48

7

49

24,041

6405

Giày, dép khác

449

-28

2

42

10,690

6401

Giày, dép không thấm nước có đế ngoài và mũ giày bằng cao su hoặc plastic, mũ giày, dép không gắn hoặc lắp ghép với đế bằng cách khâu, tán đinh, xoáy ốc, cắm đế hoặc các cách tương tự

506

149

2

9

56,222

Nguồn: ITC Trademap

Bảng 8. Thương mại giày dép giữa Việt Nam với Đan Mạch 2020

HS

Mặt hàng

KN XK 2020 ( Nghìn USD)

+/- 2016-20 (%/năm)

Thị phần ( % )

Số lượng 2020 (tấn)

Giá (USD/tấn)

6403

Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc

9,040

3

2

225

40,178

6404

Giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng vật liệu dệt

9,546

-29

4

240

39,775

6402

Các loại giày, dép khác có đế ngoài và mũ bằng cao su hoặc plastic

1,115

-24

1

42

26,548

6406

Các bộ phận của giày, dép (kể cả mũ giày đã hoặc chưa gắn đế trừ đế ngoài); miếng lót của giày, dép có thể tháo rời, đệm gót chân và các sản phẩm tương tự; ghệt, quần ôm sát chân và các sản phẩm tương tự, và các bộ phận của chúng

3

-81

0

0

-

6405

Giày, dép khác

9

-25

0

0

-

6401

Giày, dép không thấm nước có đế ngoài và mũ giày bằng cao su hoặc plastic, mũ giày, dép không gắn hoặc lắp ghép với đế bằng cách khâu, tán đinh, xoáy ốc, cắm đế hoặc các cách tương tự

61

96

0

5

12,200

Nguồn: ITC Trademap

Bảng 9. Thương mại giày dép giữa Việt Nam và Na Uy năm 2020

HS

Mặt hàng

KN XK 2020 ( Nghìn USD)

+/- 2016-20 (%/năm)

Thị phần ( % )

Số lượng 2020 (tấn)

Giá (USD/tấn)

6403

Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc

32,422

-1

14

620

52,294

6404

Giày dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng vật liệu dệt

86,462

5

38

1,705

50,711

6402

Các loại giày, dép khác có đế ngoài và mũ bằng cao su hoặc plastic

15,295

2

16

351

43,575

6406

Các bộ phận của giày, dép (kể cả mũ giày đã hoặc chưa gắn đế trừ đế ngoài); miếng lót của giày, dép có thể tháo rời, đệm gót chân và các sản phẩm tương tự; ghệt, quần ôm sát chân và các sản phẩm tương tự, và các bộ phận của chúng

659

15

7

13

50,692

6405

Giày, dép khác

1,309

6

10

17

77,000

6401

Giày, dép không thấm nước có đế ngoài và mũ giày bằng cao su hoặc plastic, mũ giày, dép không gắn hoặc lắp ghép với đế bằng cách khâu, tán đinh, xoáy ốc, cắm đế hoặc các cách tương tự

882

22

5

17

51,882

Nguồn: ITC Trademap



MỘT SỐ ẤN PHẨM CỦA THƯƠNG VỤ VIỆT NAM TẠI THỤY ĐIỂN

I. Trang web của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia

1. Website tiếng Việt

2. Website tiếng Anh

II. Các ấn phẩm của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia

1. Quy định về thị trường cơ bản của các nước Bắc Âu

2. Một số quy định nhập khẩu hàng nông sản và thực phẩm vào khu vực Bắc Âu

3. Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Bắc Âu

4. Thị trường rau quả tươi Bắc Âu

5. Thị trường cà phê Bắc Âu

6. Những điều cần biết về thị trường Thụy Điển

7. Những điều cần biết về thị trường Đan Mạch

8. Những điều cần biết về thị trường Phần Lan

9. Những điều cần biết về thị trường Na Uy

10. Những điều cền biết về thị trường Iceland

11. Những điều cần biết về thị trường Latvia