LỜI NÓI ĐẦU

Với đặc điểm thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, ngành nông nghiệp Bắc Âu không có điều kiện phát triển. Các nước Bắc Âu chủ yếu phải nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước khác trên thế giới để đảm bảo tiêu dùng trong nước và phục vụ ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu.

Đây là thị trường nhỏ, nhưng tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hàng nông sản, thực phẩm của ta mới chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước này.

Ngoài yêu cầu cao đối với hàng hóa nói chung do người dân có mức cao đứng hàng đầu thế giới, các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, các yêu cầu chất lượng tự nguyện về trách nhiệm môi trường, trách nhiệm doanh nghiệp cũng gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản và thực phẩm vào thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia đã tổng hợp và biên soạn cuốn sách “Một số quy định nhập khẩu hàng nông sản và thực phẩm vào khu vực Bắc Âu”.

Trong các nước Bắc Âu, chỉ có Na Uy và Iceland không phải là thành viên của Liên minh châu Âu nhưng là thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) nên có thể nói các quy định nhập khẩu đối với hàng nông sản và thực phẩm của các nước Bắc Âu gần như tương đồng với các quy định của EU.

Cuốn sách này được chia làm ba phần: Phần đầu giới thiệu về các quy định nhập khẩu cơ bản của EU, phần tiếp theo giới thiệu một số các quy định quốc gia bổ sung, và phần cuối cùng sẽ giới thiệu một số ấn phẩm và chuyên đề có liên quan.

Nội dung trong cuốn sách chỉ để tham khảo. Các thông tin được cung cấp có thể không hoàn toàn chính xác do các chính sách liên tục được cập nhật và thay đổi. Các doanh nghiệp xuất khẩu nên kiểm tra toàn bộ các yêu cầu nhập khẩu với khách hàng của mình trước khi xuất khẩu.

Hy vọng cuốn sách hữu ích cho các doanh nghiệp và bạn đọc.

THƯƠNG VỤ VIỆT NAM TẠI THỤY ĐIỂN
Biên soạn: Nguyễn Thị Hoàng Thúy

HỆ THỐNG PHÁP LUẬT CỦA EU LIÊN QUAN ĐẾN AN TOÀN THỰC PHẨM

Liên minh châu Âu được xây dựng trên cơ sở tôn trọng chủ quyền các nước thành

viên. Không một nước thành viên nào có thể áp đặt quan điểm của mình lên một

nước khác. Các cơ quan của châu Âu cũng không thể áp đặt quyết định của mình

lên các nước thành viên đơn lẻ. Để đảm bảo điều này, cũng như đảm bảo dân chủ, Liên minh châu Âu chủ trương chia sẻ quyền lực. Ba cơ quan quyền lực quan

trọng nhất là:

Cơ cấu này buộc châu Âu phải đối thoại mỗi khi ra một chính sách hay một quy định mới cho tất cả các nước thành viên. Liên minh châu Âu chỉ có hai hình thức văn bản có tính lập pháp, được Ủy ban châu Âu đề xuất và sau đó phải được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu thông qua, đó là chỉ thị, và quy định. Chỉ thị là một văn bản ghi rõ các mục tiêu mà EU hướng đến, nhưng các nước thành viên được tự do lựa chọn phương thức để hoàn thành. Còn quy định là một văn bản có tính bắt buộc cao hơn, được áp dụng như nhau tại mọi nước thành viên.

I. Luật Thực phẩm chung

Năm 1994, châu Âu thông qua Chỉ thị 93/43 về vệ sinh an toàn. Đây là văn bản pháp lý chung đầu tiên, yêu cầu các chủ thể tham gia vào sản xuất kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm các sản phẩm của mình. Cụ thể, Chỉ thị 93/43 hướng dẫn các chủ thể sử dụng phương pháp Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), là một phương pháp giúp kiểm soát an toàn thực phẩm được phổ biến và trở thành bắt buộc trong Luật Thực phẩm chung châu Âu sau này. Phương pháp HACCP tương ứng với việc người sản xuất tự mình xây dựng một hệ thống kiểm soát an toàn nội bộ, thích hợp với khả năng và đặc thù sản xuất của mình. Nhờ xúc tiến HACCP, EU gián tiếp giảm tải việc sử dụng các quy chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia trên thị trường chung, tức quản lý trên cơ sở tư duy kiểm tra và phạt. Tư duy mới chuyển sang giám sát các quy trình kiểm soát nội bộ HACCP do tư nhân đề xuất và được chấp nhận. Tám năm sau, ngày 28/01/2002, Luật Thực phẩm chung “General Food Law” được ban hành.

Cách tiếp cận an toàn thực phẩm của EU "từ trang trại đến bàn ăn" bao gồm tất cả các lĩnh vực của chuỗi thức ăn chăn nuôi và thực phẩm. Luật Thực phẩm chung châu Âu về hình thức là một quy định, với số dẫn chiếu là (EC) 178/2002 , được cập nhật lần gần đây nhất vào ngày 26/5/2021. Đây là một văn bản pháp lý mà các nước thành viên phải triệt để tuân thủ, không có ngoại lệ.

Luật Thực phẩm chung quy định các nền tảng pháp lý cho vấn đề an toàn thực phẩm của EU, là văn bản khung quy định tất cả các nguyên tắc chung, bao gồm cả nguyên tắc phòng ngừa, các yêu cầu và thủ tục liên quan đến an toàn thực phẩm, và quản lý khủng hoảng. Các nước thành viên chịu trách nhiệm thực hiện kiểm soát thực phẩm để kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm có tuân thủ các quy định về thực phẩm của EU hay không?

Luật cũng xác định các nguyên tắc điều hành đối thoại giữa nhà chức trách và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong chuỗi thực phẩm. Nhìn tổng quan, Luật Thực phẩm chung thiết kế hệ thống an toàn thực phẩm của EU dựa trên 3 trụ cột, đó là:

Luật Thực phẩm chung cũng khai sinh Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA), tách rời việc đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm khỏi việc quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm. EFSA được thành lập trên cơ sở hoàn toàn độc lập, không bị các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm giám sát, áp đặt quan điểm. Chính phủ các nước thành viên và của EU bảo vệ tuyệt đối sự trung lập trong việc đánh giá nguy cơ dựa trên cơ sở khoa học, không để công việc này bị các lợi ích kinh tế chi phối và can thiệp.

Ngoài Luật Thực phẩm chung (EC) 178/2002 , một số quy định chi tiết được luật triển khai là:

Bên cạnh các quy định chính nêu trên, cơ sở pháp lý cho an toàn thực phẩm còn được điều chỉnh bởi các quy định về các ngưỡng an toàn cho phép, đó là:

Các quy định trong Luật Thực phẩm chung, các quy định về kiểm soát và vệ sinh thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tạo nên toàn bộ hệ thống luật thực phẩm EU. Việc sửa đổi các quy định thực phẩm hiện có của EU hoặc ban hành các quy định mới đều phải áp dụng các nguyên tắc nằm trong các quy định khung.

EU cũng xây dựng hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thực phẩm chung .

II. Hệ thống pháp luật EU-hài hòa

Hầu hết nhưng không phải tất cả các quy định pháp quy đối với thực phẩm được hài hòa ở cấp độ EU. Các sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu của nước thành viên trong trường hợp không có sự thống nhất, hài hòa các quy định của EU.

EU có một cách tiếp cận kép trong việc hài hòa luật thực phẩm: hệ thống luật theo "chiều ngang" bao gồm các khía cạnh phổ biến cho tất cả các loại thực phẩm (chẳng hạn như phụ gia, dán nhãn, vệ sinh...) và hệ thống luật theo "chiều dọc" về các sản phẩm cụ thể (ví dụ, rượu, ca cao và sô cô la, đường, mật ong, nước ép trái cây, mứt trái cây...). Các doanh nghiệp lưu ý rằng các sản phẩm có thể phải tuân thủ một số các quy định khác nhau. Ví dụ, quy tắc ghi nhãn rượu được đặt trong hệ thống luật theo "chiều dọc" nhưng các quy tắc ghi nhãn gây dị ứng cũng áp dụng cho rượu vang được đặt trong quy định ghi nhãn thực phẩm chung của EU theo "chiều ngang".

III. Công nhận lẫn nhau

Trường hợp các quy định pháp luật không được hài hòa tại cấp độ EU, cần có sự "công nhận lẫn nhau" để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa tự do trong EU. Theo nguyên tắc công nhận lẫn nhau, các sản phẩm được sản xuất hợp pháp và/hoặc tiếp thị tại một nước thành viên có thể được tiếp thị tại các nước thành viên khác. Có một ngoại lệ đối với nguyên tắc này cho phép các nước thành viên thực hiện ngoại lệ, ví dụ như trong trường hợp có thể chứng minh một sản phẩm nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe con người và môi trường.

Quy định (EU) 2019/51 , thay thế quy định (EC) 764/2008, về việc công nhận lẫn nhau cho hàng hoá được áp dụng từ ngày 19/4/2020, trong đó đề cập đến tuyên bố công nhận lẫn nhau, mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để chứng minh rằng sản phẩm của họ được tiếp thị hợp pháp tại một nước thành viên EU.

IV. Các tổ chức liên quan đến an toàn thực phẩm

Về mặt tổ chức, có thể mô tả đơn giản hệ thống an toàn thực phẩm của châu Âu là một tập hợp các cơ quan hữu trách. Trách nhiệm bảo vệ an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng châu Âu trước tiên thuộc về Ủy ban châu Âu, cụ thể hơn là Tổng cục Y tế và An toàn thực phẩm (DG SANCO). DG SANCO chịu trách nhiệm về khung pháp lý an toàn thực phẩm, quản lý an toàn thực phẩm ở cấp độ châu Âu, cũng như bảo vệ tất cả các công dân châu Âu khỏi các nguy cơ an toàn thực phẩm.

Song song với bộ máy quản lý, châu Âu duy trì một cấu trúc độc lập cho phép đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm. Giống như cấu trúc quản lý, đánh giá nguy cơ được tổ chức thành hai cấp: cấp châu Âu và cấp quốc gia. Ở cấp châu Âu, cơ quan đóng vai trò đầu não chính là Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA). EFSA chịu trách nhiệm đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm một cách thuần túy khoa học và độc lập, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cơ quan an toàn thực phẩm quốc gia. EFSA cũng chịu trách nhiệm cung cấp tư vấn khoa học cho các nhà lập pháp về các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. "Các ứng dụng helpdesk" của EFSA hỗ trợ với việc gửi và giám sát các ứng dụng cho các sản phẩm được quy định trong các lĩnh vực sau: phụ phẩm động vật, chất khử trùng, phụ gia thức ăn chăn nuôi, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chế biến, sản phẩm công nghệ sinh học nông nghiệp, thực phẩm dinh dưỡng, và thuốc trừ sâu.

Ở cấp quốc gia, mỗi nước đều có một cơ quan an toàn thực phẩm quốc gia, hoạt động trên cùng nguyên tắc độc lập với cơ quan quản lý của chính phủ.

Hai cấu trúc quản lý an toàn thực phẩm (do DG SANCO điều phối) và đánh giá nguy cơ (do EFSA đảm nhiệm) cùng song song tồn tại. EU chủ trương phân tách rõ ràng hai công việc quản lý và phân tích nguy cơ. Đặc biệt, đánh giá nguy cơ là bước quan trọng trong phân tích nguy cơ cần được thực hiện trên cơ sở thuần túy khoa học, nên phải hoàn tách rời khỏi quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ủy ban thường trực về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (PAFF), bao gồm các chuyên gia kỹ thuật của các nước thành viên, hỗ trợ Ủy ban trong việc chuẩn bị các biện pháp an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Cơ sở pháp lý an toàn thực phẩm của EU được đề xuất bởi Ủy ban châu Âu, thông qua bởi Nghị viện và Hội đồng châu Âu theo quy trình lập pháp. Sau khi được thông qua, các quy định an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng đồng bộ tại tất cả các nước thành viên. DG SANCO có nhiệm vụ theo sát việc thực thi các quyết định này.

V. Minh bạch

Tháng 3/2017, Ủy ban châu Âu đã xây dựng một cổng thông tin duy nhất, nơi công dân và các bên liên quan có thể cung cấp phản hồi về tất cả các sáng kiến trong suốt quá trình xây dựng luật. Chương trình "REFIT", ra mắt vào năm 2013, đánh giá liệu luật hiện có còn phù hợp với mục đích và thay đổi nếu cần thiết. Thông tin chi tiết xem tại đây .

Tháng 6/2019, quy định (EU) 2019/1381 về tính minh bạch và bền vững trong đánh giá rủi ro của EU trong chuỗi thực phẩm đã được ban hành, sửa đổi các quy định (EC) 178/2002, (EC) 1829/2003, (EC) 1831/2003, (EC) 2065/2003, (EC) 1935/2004, (EC) 1331/2008, (EC) 1107/2009, (EU) 2015/2283 và Chỉ thị 2001/18/EC. Các yếu tố chính của quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch hơn, tăng tính độc lập của nghiên cứu, tăng cường quản trị EFSA cũng như phát triển truyền thông rủi ro toàn diện.

Một "hệ thống cảnh báo nhanh" cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi ( RASSF) cũng được ra đời, để chia sẻ thông tin giữa các thành viên khi phát hiện rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng trong chuỗi thực phẩm.

VI. Thi hành

Thi hành luật thực phẩm của EU được thực hiện bởi các nước thành viên. Giám sát kiểm tra việc thực hiện của các nước thành viên được thực hiện bởi Ủy ban châu Âu. Ủy ban châu Âu có thể đưa ra hành động pháp lý tại Tòa án Công lý châu Âu đối với các nước thành viên không tuân thủ chỉ thị và quy định của EU.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/info/law/law-making-process/applying-eu-law/infringement-procedure_en

YÊU CẦU DÁN NHÃN

I. Yêu cầu chung

Sau nhiều năm bổ sung và cập nhật, EU đã thực hiện sửa đổi lớn nhất từ trước đến nay về quy định dán nhãn thực phẩm. Lần sửa đổi này được coi là một cuộc cách mạng lớn và bản sửa đổi lần này cũng được coi là bản sửa đổi mang tính thế hệ.

Quy định (EU) 1169/2011 về Thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng (FIC) được Ủy ban châu Âu ban hành vào ngày 22/11/2011, sửa đổi, bổ sung quy định (EC) 1924/2006, (EC) 1925/2006, hủy bỏ chỉ thị 87/250/EEC, chỉ thị 90/496/EEC, chỉ thị 1999/10/EC, chỉ thị 2000/13/EC, chỉ thị 2002/67/EC, chỉ thị 2008/5/EC và quy định (EC) 608/2004 đối với dán nhãn thực phẩm kể từ ngày 13/12/2014 nhằm hiện đại hóa luật pháp với những phát triển mới trong lĩnh vực kiểm nghiệm thực phẩm và thông tin.

Quy định (EU) 1169/2011 được áp dụng cho tất cả các thực phẩm đóng gói sẵn và đồ uống bán trên lãnh thổ EU kể từ ngày 13/12/2014 (chỉ có hai trường hợp ngoại lệ). Khai báo dinh dưỡng là bắt buộc và bắt đầu được áp dụng từ ngày 13/12/2016.

Quy định (EU) 1169/2011 được áp dụng cho tất cả các sản phẩm thực phẩm được bán cho người tiêu dùng cuối cùng bao gồm cả những cơ sở sản xuất và phục vụ đồ ăn, cũng như bán hàng từ xa (qua internet). Cũng theo quy định mới, các loại thực phẩm không đóng gói sẵn phải có nhãn công bố các chất gây dị ứng.


Các nhà kinh doanh thực phẩm bán hàng từ xa phải đảm bảo rằng sản phẩm trước khi giao hàng phải có đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của quy định (EU) 1169/2011 cho người tiêu dùng cuối cùng.

Quy định (EU) 1169/2011 nhằm đảm bảo mục tiêu ghi nhãn thực phẩm trung thực và không sai lệch có tính đến các cách thức tương tác với sản phẩm và tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng. Quy định nhằm vào việc cung cấp thông tin thực phẩm, chứ không phải là việc ghi nhãn thực phẩm.

Mục tiêu của quy định (EU) 1169/2011 cũng là để thiết lập các quy tắc hài hòa áp dụng trên toàn EU. Chương VI quy định về các biện pháp quốc gia. Điều 39 đặt điều kiện cho các nước thành viên áp dụng các biện pháp quốc gia bắt buộc bổ sung, bao gồm các biện pháp ghi nhãn nước xuất xứ. Quy định (EU) 1169/2011 miễn trừ đồ uống có cồn khỏi việc ghi nhãn dinh dưỡng bắt buộc và danh sách thành phần nhưng điều 41 cho phép các nước thành viên duy trì các quy định quốc gia về liệt kê các nguyên liệu cho đến khi các điều khoản hài hòa của EU được thông qua.

1. Thông tin bắt buộc

Điều 9 của quy định (EU) 1169/2011 yêu cầu các thông tin bắt buộc trên nhãn thực phẩm và đồ uống:

2. Cảnh báo trên nhãn

Phụ lục III Quy định (EU) 1169/2011 thiết lập một danh sách các sản phẩm cần có cảnh báo đặc biệt trên nhãn:

Phụ lục V quy định (EC) 1333/2008 về phụ gia thực phẩm yêu cầu thực phẩm có chứa màu thực phẩm vàng hoàng hôn hay vàng cam sunset (E110), vàng tươi quinolin (E104), đỏ carmoisine (E122), đỏ allura (E129), vàng chanh tartrazine (E102) và đỏ ponceau 4R (E124) phải được dán nhãn "có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động và sự chú ý của trẻ em”.

Bất kỳ thành phần nào của bao bì không ăn được mà có thể gây nhầm là thực phẩm cho người tiêu dùng phải được dán nhãn với các từ "không được ăn" và nếu kỹ thuật cho phép phải có biểu tượng cảnh báo.

3. Kích thước phông chữ tối thiểu

Điều 13 quy định (EU) 1169/2011, kích cỡ chữ trên nhãn được xác định theo “chiều cao x” được quy định trong phụ lục IV; chiều cao đó sẽ bằng hoặc lớn hơn 1,2mm trừ khi ‘khoảng trống tối đa nhỏ hơn 80cm2 thì chiều cao x sẽ bằng hoặc lớn hơn 0,9mm. Trên các gói với bề mặt nhỏ hơn 25cm2, không cần thông tin về dinh dưỡng. Gói nhỏ hơn 10cm2 không cần thông tin dinh dưỡng cũng như danh sách thành phần.

Kích thước phông chữ tối thiểu không áp dụng cho các yêu cầu ghi nhãn bắt buộc được quy định trong luật khác của EU.

Minh họa chiều cao x

4. Yêu cầu về ngôn ngữ

Điều 15 quy định (EU) 1169/2011 quy định rằng các thông tin bắt buộc phải được cung cấp bằng "một ngôn ngữ dễ hiểu cho người tiêu dùng của các nước thành viên, nơi thực phẩm được bán trên thị trường." Trong thực tế, điều này có nghĩa ngôn ngữ được sử dụng trên nhãn mác phải là ngôn ngữ/các ngôn ngữ chính thức của nước thành viên đó. Các nước thành viên có thể xác định thông tin nào cần được cung cấp trong một hoặc nhiều ngôn ngữ chính thức của EU.

5. Danh sách các thành phần

Từ "ingredients" phải đứng đầu danh sách các thành phần. Tất cả các thành phần phải được nêu tên cụ thể và liệt kê thứ tự theo trọng lượng giảm dần, dựa trên trọng lượng thành phần tại thời điểm sản xuất.

Tên của thành phần phải tuân theo các quy tắc đặt ra cho tên của thực phẩm. Ví dụ, chỉ được gọi một nguyên liệu là “jam” nếu nguyên liệu đó đáp ứng được các tiêu chuẩn về thành phần cho mứt.

Thực phẩm có chứa các vật liệu nano phải được chỉ ra trong danh sách các thành phần theo sau là từ "Nano" trong ngoặc.

Phụ lục VII quy định (EU) 1169/2011 đặt ra các điều khoản cụ thể liên quan đến chỉ dẫn về khối lượng của một thành phần hoặc nhóm thành phần được sử dụng trong sản xuất hoặc chế biến thực phẩm trong trường hợp thành phần hay nhóm thành phần đó:

Phụ lục này cũng yêu cầu phải chỉ ra nguồn dầu thực vật và chất béo.

Một số trường hợp dưới đây được miễn ghi thành phần:

6. Ghi nhãn gây dị ứng

Điều 21 quy định (EU) 1169/2011 quy định rằng bất kỳ thành phần hoặc chất hỗ trợ chế biến nào được liệt kê hoặc có nguồn gốc từ một chất hoặc sản phẩm được liệt kê trong Phụ lục II của quy định gây dị ứng hoặc không dung nạp, ngay cả khi nó được đưa vào sản phẩm cuối cùng ở dạng thay đổi, sẽ phải được nêu trong danh sách các thành phần và được nhấn mạnh để phân biệt rõ ràng với các thành phần khác (ví dụ: dùng phông chữ, kiểu chữ khác, in đậm hay sử dụng màu nền).

Ví dụ: "đậu phụ" (đậu nành) – "váng sữa" (sữa)

Khi đã có danh sách thành phần trên nhãn, việc sử dụng các hộp cảnh báo hoặc thông báo tự nguyện việc thực phẩm có chứa các thành phần gây dị ứng sẽ không được phép.

Trên các sản phẩm không yêu cầu danh sách các thành phần trên nhãn, chẳng hạn như rượu vang, việc chỉ ra các chất gây dị ứng phải sử dụng từ "contains" theo sau là tên của sản phẩm hoặc nguyên liệu như liệt kê trong phụ lục II theo quy định (EU) 1169/2011. Ghi nhãn dị ứng là bắt buộc đối với tất cả các đồ uống có cồn và phải tuân thủ yêu cầu kích thước phông chữ tối thiểu. Các nước thành viên có thể quyết định ngôn ngữ được dùng để chỉ ra các chất gây dị ứng cần được ghi rõ trên nhãn.

Chất gây dị ứng bao gồm:

Thông tin tham khảo thêm:

7. Độ bền tối thiểu/hạn sử dụng

Phụ lục X, quy định (EU) 1169/2011 đặt ra các quy tắc về độ bền tối thiểu, thời hạn sử dụng và ngày cấp đông. Thời hạn sử dụng phải được ghi rõ trên từng phần đóng gói sẵn. Hạn sử dụng và ngày đầu tiên cấp đông phải được ghi trên nhãn thịt đông lạnh, các chế phẩm thịt đông lạnh và các sản phẩm thuỷ sản đông lạnh chưa chế biến.

Ngày phải được ghi theo thứ tự: ngày/tháng/năm (nếu được yêu cầu).

Chỉ ghi “best before” trong trường hợp có vấn đề về an toàn khi ăn thực phẩm sau ngày này. Bán thực phẩm quá hạn sử dụng là vi phạm hình sự.

Một số trường hợp dưới đây không nhất thiết phải hiển thị “best before” hay “use by”, nhưng phải điền số lô:

8. Khai báo định lượng thành phần (QUID)

Điều 22 quy định (EU) 1169/2011 yêu cầu phải có định lượng thành phần hoặc loại thành phần trong các trường hợp sau đây:

Khai báo định lượng thành phần, được biểu thị dưới dạng tỷ lệ phần trăm, phải được xuất hiện trong tên hoặc ngay bên cạnh tên của thực phẩm hoặc trong danh sách các thành phần. Phụ lục VIII quy định (EU) 1169/2011 đặt ra các quy tắc kỹ thuật và miễn trừ áp dụng khai báo định lượng thành phần.

Một số trường hợp miễn trừ QUID:

Tháng 11/2017, Ủy ban châu Âu đã công bố áp dụng các nguyên tắc về khai báo định lượng thành phần . Các hướng dẫn giải thích trường hợp nào là bắt buộc và trường hợp nào được miễn khai báo định lượng thành phần.

9. Phụ gia và chất tạo mùi:

Phụ lục VII, phần C quy định (EU) 1169/2011 liệt kê các chất phụ gia phải được chỉ ra bởi tên nhóm chất phụ gia kèm tên hoặc mã số INS. Phụ gia nếu được bổ sung vào thực phẩm phải được ghi vào thành phần của thực phẩm. Tại EU, các chất phụ gia thực phẩm được mã hóa bắt đầu bằng tiền tố E, tuân theo hệ thống INS được quy định bởi Codex. Phụ gia có thể được ghi dưới dạng tên đầy đủ hoặc mã số E. Ví dụ Curcumin hoặc E100.

Phân loại các nhóm phụ gia thực phẩm của EU:

Phần D của phụ lục này đưa ra các quy tắc về chất tạo mùi, mùi khói, và việc sử dụng thuật ngữ "tự nhiên." Quy định (EC) 1334/2008 đưa ra các quy tắc bổ sung về việc sử dụng thuật ngữ "tự nhiên".

Thông tin tham khảo thêm:

Hướng dẫn về chất tạo mùi (2019) của Liên đoàn Công nghiệp thực phẩm và đồ uống châu Âu

10. Ghi nhãn nước xuất xứ (COOL)

Trước khi có quy định (EU) 1169/2011, ghi nhãn nước xuất xứ là bắt buộc đối với mật ong (chỉ thị 2011/100/EC), rau quả (quy định 543/2011), dầu ô liu (quy định 1019/2002), các sản phẩm thủy sản (quy định 1379/2013), và thịt bò (quy định 1760/2000 và quy định 1825/2000).

Quy định (EU) 1169/2011 có hiệu lực từ ngày 13/12/2014 và thay thế chỉ thị 2000/13/EC, mở rộng yêu cầu ghi nhãn nước xuất xứ bắt buộc đối với các loại thịt khác không chỉ riêng thịt bò, như thịt lợn tươi, ướp lạnh và đông lạnh, thịt cừu, dê và gia cầm.

Theo điều 26 của quy định (EU) 1169/2011, ghi nhãn nước xuất xứ bắt buộc áp dụng trong các trường hợp sau đây:

Ngày 29/5/2018, Ủy ban châu Âu công bố quy định (EU) 2018/775 , trong đó đưa ra yêu cầu ghi nhãn xuất xứ kép bắt buộc trong trường hợp một sản phẩm thực phẩm có xuất xứ từ một quốc gia nhưng nguồn gốc thành phần chính không phải từ quốc gia đó. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.

Ví dụ: một gói hạt điều rang ghi “Made in Viet Nam” hoặc mang cờ Việt Nam phải áp dụng quy định này nếu hạt điều có nguồn gốc từ một nước khác.

Thông tin tham khảo thêm:

Hướng dẫn về xuất xứ của các thành phần chính (2019) của Liên đoàn công nghiệp thực phẩm và đồ uống châu Âu

11. Đồ uống có cồn

Ghi nhãn dị ứng là bắt buộc đối với tất cả các đồ uống có cồn (xem "ghi nhãn dị ứng" tại Phần II, mục I.6 ở trên). Đối với đồ uống có chứa hơn 1,2% hàm lượng cồn (không bao gồm rượu vang), hàm lượng cồn thực tế theo thể tích phải được đề cập phù hợp với phụ lục XII, quy định (EU) 1169/2011. Độ cồn phải được chỉ ra bởi một con số có tối đa một chữ số thập phân, theo sau là ký hiệu "% vol." Độ cồn phải được đặt ở cùng tầm nhìn với tên sản phẩm và khối lượng tịnh. Đối với các loại rượu vang, các quy tắc về độ cồn được quy định riêng. Xem thêm phần "rượu, bia, và đồ uống có cồn khác" tại Phần II, mục II.5 dưới đây).

Đồ uống có cồn có chứa hơn 1,2% hàm lượng cồn vẫn được miễn trừ nghĩa vụ ghi thành phần dinh dưỡng và danh sách các thành phần. Tuy nhiên, quy định (EU) 1169/2011 yêu cầu Ủy ban châu Âu nghiên cứu báo cáo việc liệu việc miễn trừ có nên được tiếp tục duy trì hay không?

Tháng 3/2017, Ủy ban châu Âu đã hoàn thành báo cáo, trong đó yêu cầu ngành công nghiệp đồ uống có cồn trong vòng 1 năm phải tự đưa ra đề xuất quy định đối với việc ghi nhãn thành phần và thông tin dinh dưỡng đồ uống có cồn, bao gồm rượu mạnh, bia, và nước táo lên men (cider).

Tháng 3/2018, ngành công nghiệp đồ uống có cồn đã đưa ra đề xuất quy định chung , đề ra các nguyên tắc chung về thông tin dinh dưỡng và ghi nhãn thành phần. Quy định chung này đi kèm kế hoạch thực hiện cụ thể cho 4 ngành riêng lẻ, bao gồm rượu mạnh , rượu vang , bia , và nước táo lên men (cider) và rượu hoa quả .

Rượu mạnh:

Ngày 04/6/2019, ngành rượu mạnh châu Âu đã ký một Biên bản ghi nhớ về cam kết tự nguyện về việc thông tin dinh dưỡng và ghi nhãn thành phần đối với rượu mạnh tiêu thụ tại thị trường EU, trong đó thông tin năng lượng được ghi trên nhãn trong khi các thành phần và thông tin dinh dưỡng khác sẽ có sẵn trực tuyến. Việc khai báo các thành phần sẽ làm theo các quy định (EU) 1169/2011:

Ví dụ minh họa về thông tin năng lượng được ghi trên nhãn rượu mạnh

Bia:

Ngày 05/9/2019, ngành công nghiệp bia châu Âu cũng đã ký một Biên bản ghi nhớ về cam kết tự nguyện thông báo cho người tiêu dùng về thành phần và thông tin dinh dưỡng phù hợp với quy định (EU) 1169/2011:

Rượu vang:

Trong năm 2019, trong các cuộc thảo luận về cải cách chính sách nông nghiệp chung (CAP), Nghị viện châu Âu đã sửa đổi đề nghị của Ủy ban châu Âu và bổ sung các yêu cầu cụ thể về khai báo dinh dưỡng đối với rượu vang. Không giống như rượu mạnh và bia, các đề xuất sửa đổi CAP đưa ra việc bắt buộc phải khai báo dinh dưỡng, tuy nhiên, chỉ giới hạn ở việc thông tin năng lượng và danh sách các thành phần. Giá trị năng lượng sẽ được thể hiện trên mỗi 100ml, trên mỗi đơn vị tiêu thụ, và số đơn vị tương tự như ví dụ đối với nhãn rượu mạnh ở trên. Việc ghi nhãn phải dễ nhận biết cho người tiêu dùng.

12. Thông tin dinh dưỡng

Theo quy định (EU) 1169/2011, thông tin dinh dưỡng là yêu cầu bắt buộc kể từ ngày 13/12/2016. Phụ lục V của quy định này liệt kê danh sách các thực phẩm được miễn yêu cầu khai báo dinh dưỡng bắt buộc. Thông tin dinh dưỡng phải được trình bày, nếu khoảng trống cho phép, ở định dạng bảng với các số được căn chỉnh và nếu khoảng trống không đủ ở định dạng tuyến tính. Tất cả các thành phần của thông tin dinh dưỡng bắt buộc phải ở trong cùng một tầm nhìn trên nhãn hoặc gói thực phẩm.

Nội dung bắt buộc của thông tin dinh dưỡng:

Ngoài thông tin dinh dưỡng trên 100g hoặc 100ml, thông tin dinh dưỡng trên mỗi phần hoặc mỗi đơn vị tiêu thụ được phép sử dụng với điều kiện số lượng phần/đơn vị tiêu thụ được ghi rõ ràng trên gói hàng. Hàm lượng muối phải được biểu thị là "muối" không phải "sodium".

Trên cơ sở tự nguyện, các yếu tố sau có thể được lặp lại trên mặt trước của nhãn:

Nội dung của thông tin dinh dưỡng bắt buộc có thể được bổ sung chỉ dẫn về lượng của một hoặc nhiều chất sau đây:

Quy định chi tiết về việc thể hiện thông tin dinh dưỡng được đề cập trong phụ lục XV quy định (EU) 1169/2011. Ủy ban châu Âu cũng xuất bản tài liệu hướng dẫn bảng tóm tắt đơn giản cho các giá trị dung sai để kiểm soát việc tuân thủ thông tin dinh dưỡng trên nhãn theo luật của EU.

Hiệp hội Thực phẩm và Đồ uống châu Âu đã ra mắt một trang web giải thích "lượng tham khảo" cho các nhà kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng: http://referenceintakes.eu/reference-templates.html .

Điều 35 của quy định (EU) 1169/2011 cho phép các nước thành viên sử dụng các hình thức bổ sung để trình bày thông tin dinh dưỡng. Cho đến nay, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, và Hà Lan đã thông qua việc bổ sung ghi nhãn dinh dưỡng ở phía trước của sản phẩm.

13. Không chứa gluten

Các quy tắc ghi nhãn và thành phần hài hòa cho thực phẩm dành cho những người không hấp thụ được gluten đã được đặt ra trong chỉ thị trước đây của EU về thực phẩm sử dụng dinh dưỡng đặc biệt (quy định 41/2009).

Quy định mới (EU) 609/2013 về thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thực phẩm cho các mục đích y tế đặc biệt, và thay thế toàn bộ chế độ ăn uống để kiểm soát cân nặng được ra đời và bãi bỏ chỉ thị 92/52/EEC, 96/8/EC, 1999/21/EC, 2006/125/EC, 2006/141/EC, 2009/39/EC và quy định của Ủy ban (EC) 41/2009 và (EC) 953/2009. Theo quy định mới này, các loại thực phẩm không chứa gluten sẽ được quản lý theo quy định (EU) 1169/2011. Quy định hướng dẫn thực hiện (EU) 828/2014 của Ủy ban được áp dụng kể từ ngày 20/7/2016, đặt ra điều kiện cho việc sử dụng cụm từ "không chứa gluten" và "gluten rất thấp" trên nhãn thực phẩm.

14. Chất béo chuyển hóa

Quy định hạn chế và ghi nhãn hàm lượng chất béo chuyển hóa trong thực phẩm chưa được hài hòa hóa ở cấp độ EU. Các nước thành viên như Đan Mạch, Áo, Hungary và Latvia đã thiết lập các giới hạn pháp lý ở mức độ quốc gia đối với hàm lượng chất béo chuyển hóa sản xuất công nghiệp trong thực phẩm.

Tháng 4/2019, quy định (EU) 2019/649 sửa đổi phụ lục III quy định (EC) 1925/2006 về chất béo chuyển hóa đã được công bố chính thức. Quy định mới này đặt ra giới hạn hàm lượng chất béo chuyển hóa, trừ chất béo chuyển hóa tự nhiên trong động vật, trong thực phẩm dành cho người tiêu dùng cuối cùng và thực phẩm dùng để cung cấp cho các cơ sở bán lẻ, không được vượt quá 2 gam trên 100 gam chất béo.

Quy định có hiệu lực từ tháng 4/2019. Tuy nhiên, thực phẩm không tuân thủ quy định này vẫn có thể tiếp tục được bán trên thị trường cho đến ngày 01/4/2021.

15. Sử dụng nhãn dán

Các quy tắc cụ thể về việc sử dụng nhãn dán để cung cấp thông tin ghi nhãn bắt buộc không nằm trong quy định (EU) 1169/2011. Về vấn đề này, Ủy ban châu Âu đề cập tại điểm 2.1.1 Tài liệu hỏi đáp về áp dụng quy định (EU) 1169/2011, nói rằng "nhãn không được dễ dàng tháo rời để gây cản trở khả năng tiếp cận thông tin thực phẩm bắt buộc phải cung cấp cho người tiêu dùng." Một số nước thành viên có thể cho phép sử dụng nhãn dán trong khi một số nước khác có thể không.

16. Danh sách kiểm tra (checklist) một số yêu cầu theo quy định (EU) 1169/2011

Các doanh nghiệp khi xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi vào EU cần lưu ý kiểm tra một số yêu cầu cơ bản của EU như liệt kê dưới đây:

NHÃN THỰC PHẨM
Yêu cầu về ngôn ngữ/ Yêu cầu của các nước thành viên cụ thể
Kích thước phông chữ tối thiểu
Tên của thực phẩm (phải bao gồm các phương pháp xử lý cụ thể như "tái đông", "hun khói", "phủ bột", tỷ lệ nước thêm vào thịt và các sản phẩm thủy sản
Cảnh báo (phụ lục III quy định (EU) 1169/2011 liệt kê danh sách các sản phẩm yêu cầu nhãn cảnh báo)
Hướng dẫn sử dụng (ký hiệu được phép thêm vào phần chữ)
GHI NHÃN DỊ ỨNG
Các chất gây dị ứng được liệt kê trong phụ lục II quy định (EU) 1169/2011 phải được đề cập
Hộp thông tin về chất gây dị ứng không được phép khi danh sách thành phần được cung cấp
Mỗi chất gây dị ứng phải được đánh dấu (đậm, tô màu nền) trong danh sách thành phần
"Nội dung + tên của chất gây dị ứng" nếu chất gây dị ứng không có trong danh sách thành phần
DANH SÁCH THÀNH PHẦN
Tiêu đề phải bao gồm từ "thành phần" (không làm nổi bật)
Tất cả các thành phần phải được liệt kê theo thứ tự trọng lượng giảm dần
"Nano" trong ngoặc để cho thấy sự hiện diện của vật liệu nano
Tuyên bố định lượng thành phần (QUID) cho các thành phần đặc biệt nhấn mạnh
Nguồn dầu thực vật hoặc chất béo phải được đề cập
Protein thêm vào các sản phẩm thịt phải được đề cập
NGÀY CÓ ĐỘ BỀN TỐI THIỂU/HẠN SỬ DỤNG
Hướng dẫn được liệt kê trong phụ lục X quy định (EU) 1169/2011
"Hạn sử dụng" trên các loại thực phẩm rất dễ hỏng/trên từng phần đóng gói sẵn/hướng dẫn bảo quản
"Sử dụng tốt nhất trước” trên các loại thực phẩm khác
Độ bền và "đông lạnh vào" ghi ngày sản phẩm được làm đông lạnh
Tham chiếu đến nơi ngày được in trên nhãn
HÀM LƯỢNG CỒN
Hướng dẫn được liệt kê trong phụ lục XII quy định (EU) 1169/2011
Hàm lượng cồn thực tế tính theo thể tích của đồ uống có cồn lớn hơn 1,2% phải được đề là "alcohol" hoặc viết tắt alc. X% vol.
Tên sản phẩm, thể tích tịnh và hàm lượng cồn phải được đặt trong cùng tầm nhìn
NƯỚC XUẤT XỨ (COOL)
COOL là bắt buộc trong trường hợp nếu không có sẽ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng
COOL bắt buộc đối với thịt bò, cừu, dê, gia cầm và lợn
COOL bắt buộc đối với các sản phẩm khác có thể được thông qua trong thời gian tới
COOL bắt buộc đối với các thành phần chính trong trường hợp nếu không có sẽ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng
Thông tin dinh dưỡng bắt buộc
Hướng dẫn trong phụ lục XV quy định (EU) 1169/2011
Định dạng bảng (định dạng tuyến tính nơi không gian không cho phép định dạng bảng)
Tính trên mỗi 100g/ml
Năng lượng tính bằng KJ và kcal
Theo thứ tự:
Chất béo
Chất béo bão hòa – Saturates
Carbohydrate
Đường
Đạm
Muối (không phải natri)
Thông tin dinh dưỡng tự nguyện
Chất béo không bão hòa đơn - Monounsaturates
Chất béo bão hòa đa - Polyunsaturates
Chất tạo ngọt
Tinh bột
Chất xơ
Vitamin và khoáng chất được liệt kê trong phụ lục XIII quy định (EU) 1169/2011
Giá trị năng lượng hoặc giá trị năng lượng cùng với chất béo, chất béo bão hòa, đường, muối có thể được lặp lại
Lượng tham chiếu (RI) đặt ra trong phụ lục XIII cho mỗi phần hoặc mỗi đơn vị tiêu thụ (phải bao gồm giá trị năng lượng tính trên mỗi 100g/ml và mỗi phần/đơn vị tiêu thụ)

Xem thêm hướng dẫn của EU qua hình ảnh minh họa: https://ec.europa.eu/food/system/files/2016-10/labelling_legislation_infographic_food_labelling_rules_2014_en.pdf

II. Yêu cầu ghi nhãn cụ thể khác

Quy định (EU) 1169/2011 đặt ra các quy tắc theo chiều ngang áp dụng cho tất cả các sản phẩm. Các quy định ngành hoặc quy định theo chiều dọc áp dụng đối với một số sản phẩm cụ thể. Yêu cầu ghi nhãn nằm trong các quy định về sản phẩm cụ thể bổ sung cho các quy tắc theo chiều ngang nằm trong quy định (EU) 1169/2011. Ví dụ, các quy định về rượu vang của EU không bao gồm các quy định về ghi nhãn gây dị ứng. Điều này có nghĩa việc ghi nhãn rượu vang phải tuân thủ cả các yêu cầu nêu trong quy định (EU) 607/2009 về rượu vang và cả yêu cầu ghi nhãn gây dị ứng tại quy định (EU) 1169/2011.

1. Công bố dinh dưỡng

Phụ lục trong quy định (EC) 1924/2006 về tuyên bố dinh dưỡng và sức khỏe cho thực phẩm liệt kê một loạt các công bố dinh dưỡng được phép của EU kèm theo điều kiện sử dụng. Không được phép sử dụng các công bố về dinh dưỡng không có trong phụ lục.

Ví dụ, chỉ được phép công bố thực phẩm “ít năng lượng” trong trường hợp thực phẩm không có nhiều hơn 40kcal/100g thực phẩm rắn hoặc 20kcal/100ml thực phẩm dạng lỏng.

2. Công bố về sức khỏe

Quy định về việc sử dụng các công bố về sức khỏe được đề cập trong quy định (EC) 1924/2006 , trong khi quy định (EU) 432/2012 thiết lập một danh sách công bố sức khỏe được phép ghi trên thực phẩm, ngoài những công bố đề cập đến việc giảm nguy cơ bệnh tật, sự phát triển và sức khỏe của trẻ em. Bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể sử dụng các công bố về sức khỏe được phép nếu đáp ứng được các điều kiện tại quy định (EU) 432/2012. Đăng ký trực tuyến "các công bố về dinh dưỡng và sức khỏe" đề cập danh sách các công bố về sức khỏe được cấp phép cũng như các công bố bị từ chối và lý do bị từ chối.

Kể từ ngày 14/12/2012, tất cả các công bố không được phép, đang trong thời gian cân nhắc đều bị cấm sử dụng. Các sản phẩm thực phẩm có công bố về sức khỏe cũng phải tuân thủ các quy định (EU) 1169/2011 . Quyết định 2013/63/EU của Ủy ban châu Âu hướng dẫn các cơ quan kiểm soát quốc gia triển khai các điều kiện cụ thể cho các công bố sức khỏe được phép.

Danh sách các công bố về sức khoẻ chức năng được phép khác với các đơn xin công bố về sức khoẻ riêng lẻ liên quan đến giảm nguy cơ bệnh tật và các công bố đề cập đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em cần xin phép cho từng trường hợp cụ thể, sau khi nộp hồ sơ khoa học cho Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA). Một quy trình cấp phép đơn giản được thiết lập cho các công bố về sức khỏe dựa trên các dữ liệu khoa học mới.

Quy định (EC) 353/2008 đưa ra các quy tắc thực hiện đối với các đơn xin phép công bố về sức khỏe quy định tại Điều 15 quy định (EC) 1924/2006.

Quy định (EU) 907/2013 của Ủy ban châu Âu thiết lập các quy tắc cho việc sử dụng "các mô tả chung" có thể được người tiêu dùng hiểu là công bố về sức khỏe. Các từ mô tả chung chung, chẳng hạn như "bánh quy tiêu hóa" và "giảm ho" thông thường sẽ bị cấm theo quy định (EC) 1924/2006 vì chúng cho thấy tác dụng có lợi cho sức khỏe nhưng chưa được đánh giá bởi Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA).

Nhãn hiệu và tên thương hiệu liên quan đến sức khỏe và/hoặc lợi ích dinh dưỡng nhưng không tuân theo quy tắc mới sẽ không được lưu thông trên thị trường EU kể từ ngày 19/1/2022.

3. Ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen

Quy định ghi nhãn cho các sản phẩm thực phẩm biến đổi gen (GM) được chi tiết trong quy định (EC) 1829/2003 (điều 12-13). Các quy tắc này áp dụng cho các sản phẩm đã trải qua các mức độ xử lý khác nhau. Thịt, sữa hoặc trứng từ động vật được nuôi bằng thức ăn biến đổi gien hoặc điều trị bằng các sản phẩm thuốc biến đổi gien không yêu cầu ghi nhãn GM. Các quy tắc truy xuất nguồn gốc yêu cầu tất cả các nhà kinh doanh truyền tải và giữ lại thông tin về các sản phẩm GM để xác định cả người cung cấp và người mua sản phẩm GM.

Mỗi sinh vật biến đổi gen riêng lẻ (GMO) phải được chấp thuận trước khi được sử dụng trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Tất cả các sản phẩm thực phẩm có chứa hoặc bao gồm GMO, được sản xuất từ ​​GMO hoặc có chứa các thành phần được sản xuất từ ​​GMO phải được dán nhãn ngay cả khi không còn thấy các dấu vết có thể phát hiện được của GMO. Yêu cầu ghi nhãn không áp dụng cho các thực phẩm có chứa ít hơn hoặc bằng 0,9% GMOs trong thành phần thực phẩm riêng lẻ. Trên mức này, tất cả các sản phẩm phải được dán nhãn bằng cách sử dụng các từ ngữ sau đây:

Ví dụ 1: Rượu chứa caramel được sản xuất từ ngô biến đổi gien.

Ví dụ 2: Ngô biến đổi gien.

Luật pháp của EU đã được hài hóa hóa và không tồn tại khái niệm “không biến đổi gien” (non-GM hoặc GM-free).

Thông tin tham khảo thêm: https://ec.europa.eu/food/plant/gmo/traceability_labelling_en

4. Ghi nhãn thực phẩm hữu cơ

Quy định (EC) 834/2007 là khuôn khổ chung của EU đặt ra các quy tắc cho sản xuất hữu cơ và ghi nhãn các sản phẩm hữu cơ. Quy định (EC) 889/2008 đặt ra các quy tắc chi tiết cho việc thực hiện quy định (EC) 834/2007. Một quy định mới (EU) 2018/848 của EU về sản xuất hữu cơ và dán nhãn các sản phẩm hữu cơ đã được thông qua ngày 30/5/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 thay thế cho quy định 834/2007.

Thuật ngữ "hữu cơ" và tất cả các từ ngữ khác như "sinh học" và "eco" chỉ có thể được sử dụng để dán nhãn các sản phẩm tuân thủ các quy tắc sản xuất hữu cơ của EU và nếu ít nhất 95% các thành phần có nguồn gốc nông nghiệp là hữu cơ. Đối với các sản phẩm có chứa ít hơn 95% thành phần hữu cơ, thuật ngữ "hữu cơ" có thể chỉ được sử dụng để chỉ ra các thành phần hữu cơ riêng lẻ trong danh sách thành phần. Khi tham chiếu đến phương pháp sản xuất hữu cơ trong danh sách thành phần, tổng phần trăm các thành phần hữu cơ phải được chỉ ra. Phụ lục của quy định (EU) 2018/848 đưa ra danh sách thuật ngữ "hữu cơ" bằng tất cả các ngôn ngữ chính thức của EU.

Từ ngày 1/7/2012, việc sử dụng các biểu tượng hữu cơ EU đã trở thành bắt buộc trên tất cả các sản phẩm hữu cơ đóng gói sẵn sản xuất tại EU. Sản phẩm hữu cơ nhập khẩu từ các nước thứ ba có thể mang logo hữu cơ EU nếu tuân thủ các quy tắc sản xuất của EU. Khi các biểu tượng hữu cơ EU xuất hiện trên nhãn, địa điểm của trang trại bắt buộc phải được đề cập.

Quy định (EU) 2016/1842 công bố ngày 19/10/2016 đặt ra quy định mới cho việc chứng nhận điện tử cho thực phẩm hữu cơ nhập khẩu của EU. Kể từ ngày 19/10/2017, chỉ có các chứng chỉ được khởi tạo thông qua hệ thống TRACES của EU là hợp lệ.

Rượu vang hữu cơ: Quy định (EU) 203/2012 , áp dụng kể từ ngày 1/8/2012, đặt ra các quy tắc cụ thể cho việc sản xuất và ghi nhãn rượu vang hữu cơ. Chỉ có các loại rượu vang được sản xuất theo quy định này đủ điều kiện là "rượu vang hữu cơ" và có thể mang logo hữu cơ EU. Nhãn rượu vang như "làm từ nho hữu cơ" không còn được cho phép lưu hành trong EU. Axit sorbic và desulfurication không được phép và sulfite tối đa không được vượt quá 100mg/lít cho rượu vang đỏ (150 mg/lít cho loại thông thường) và 150mg/lít cho rượu vang trắng/rosé (200mg/lít cho loại thông thường).

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/info/food-farming-fisheries/farming/organic-farming_en

5. Rượu, bia và đồ uống có cồn khác

Rượu vang: Quy định (EU) 1308/2013 thiết lập quy tắc khung cho rượu vang. Quy định (EU) 2019/33 và quy định (EU) 2019/34 của Ủy ban đặt ra quy tắc chi tiết về chỉ dẫn địa lý và xuất xứ, thuật ngữ truyền thống và nhãn mác được bảo vệ. Chương III của quy định (EU) 2019/33 và (EU) 2019/34 đặt ra các quy tắc về việc sử dụng các thuật ngữ truyền thống. Cơ sở dữ liệu mới của EU về rượu vang và rượu mạnh " eAmbrosia " liệt kê các thuật ngữ truyền thống được bảo vệ trong EU.

Các nước ngoài EU phải có sự cho phép của Ủy ban châu Âu để sử dụng các thuật ngữ truyền thống được bảo vệ bởi EU.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/info/food-farming-fisheries/plants-and-plant-products/plant-products/wine/eu-wine-legislation

Rượu mạnh: Quy định của Nghị viện và Hội đồng châu Âu (EC) 110/2008 đưa ra quy tắc chung về định nghĩa, mô tả và trình bày các loại rượu mạnh. Quy định này ngăn cấm việc sử dụng thuật ngữ "rượu mạnh" như là một phần của một thuật ngữ phức hợp mô tả một đồ uống có cồn.

Quy định (EC) 110/2008 đã được bãi bỏ và thay thế bằng quy định (EU) 2019/787 đã được thông qua vào tháng 5/2019 và chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2021. Quy định mới này đặt ra quy tắc chung về định nghĩa, mô tả, trình bày và dán nhãn rượu mạnh, cũng như về việc bảo vệ các chỉ dẫn địa lý. Quy định mới cũng sẽ đặt ra các quy tắc về việc sử dụng các tên hợp pháp của rượu mạnh trong trình bày và ghi nhãn của thực phẩm khác.

Cơ sở dữ liệu eAmbrosia liệt kê các chỉ dẫn địa lý của rượu mạnh đăng ký tại EU.

Quy định (EC) 936/2009 áp dụng các thỏa thuận giữa EU và các nước thứ ba về công nhận lẫn nhau của một số loại rượu mạnh.

Số lượng danh nghĩa: Số lượng danh nghĩa bắt buộc đối với rượu vang và rượu mạnh được quy định trong phụ lục của chỉ thị 2007/45/EC .

Bia: không có luật cụ thể của EU được hài hòa cho bia. Một số nước thành viên đã thông qua các quy định quốc gia để đưa ra danh sách các thành phần bắt buộc.

Tất cả đồ uống có cồn phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn gây dị ứng nêu trong quy định (EU) 1169/2011.

6. Các thực phẩm đặc biệt

Các quy định về thực phẩm dành cho các nhóm cụ thể được đặt ra trong quy định (EU) 609/2013 . Phạm vi được giới hạn đối với sữa công thức cho trẻ sơ sinh, sữa công thức cho giai đoạn tiếp theo, thực phẩm ngũ cốc chế biến và thức ăn trẻ em, thực phẩm cho mục đích y tế đặc biệt và thực phẩm cho chế độ ăn uống thay thế hoàn toàn để kiểm soát cân nặng. Hình ảnh của trẻ sơ sinh không được phép in trên bao bì của sữa công thức và không có chữ hoặc hình ảnh được sử dụng để lý tưởng hóa việc sử dụng các sản phẩm này. Thực phẩm không còn nằm trong phạm vi quy định (EU) 609/2013, chẳng hạn như bữa ăn thay thế và thanh ngũ cốc ít calo được coi là thực phẩm bình thường và phải tuân thủ các quy tắc ghi nhãn thực phẩm theo chiều ngang của EU.

Theo nguyên tắc, yêu cầu ghi nhãn được nêu trong quy định (EU) 1169/2011 cũng áp dụng cho các loại thực phẩm được đề cập trong quy định (EU) 609/2013. Tuy nhiên, với tính chất cụ thể của các sản phẩm này, quy định (EU) 609/2013 giới thiệu các yêu cầu ghi nhãn bổ sung từ quy định (EU) 1169/2011.

Thực phẩm cho vận động viên không nằm trong phạm vi quy định (EU) 609/2013. Báo cáo Ủy ban về thực phẩm và đồ uống có nhãn đặc biệt cho vận động viên kết luận rằng không cần thiết phải có yêu cầu cụ thể hài hòa các quy định hiện có của EU cho các sản phẩm này. Trước khi quy định (EU) 609/2013 được áp dụng, một số nước thành viên yêu cầu thông báo thực phẩm thể thao như một thực phẩm sử dụng đặc biệt.

Các quy định mới của EU về "thực phẩm ăn kiêng thay thế hoàn toàn để kiểm soát cân nặng" sẽ được áp dụng từ ngày 27/10/2022. Quy định (EU) 2017/1798 đặt ra yêu cầu cụ thể về thành phần và nhãn mác, cũng như thủ tục thông báo theo đó các nhà kinh doanh thực phẩm được yêu cầu gửi bản sao của nhãn sản phẩm cho cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước thành viên, nơi sản phẩm sẽ được tiếp thị.

Theo quy định (EU) 2017/1798, thực phẩm loại này chỉ có thể được bán trên thị trường với tên gọi “thay thế toàn bộ chế độ ăn uống để kiểm soát cân nặng” và phải tuân thủ các quy tắc ghi nhãn thực phẩm chung theo quy định (EU) 1169/2011. Tuy nhiên, quy định (EU) 2017/1798 đưa ra một bộ các yêu cầu ghi nhãn bắt buộc bổ sung và các ngoại lệ đối với quy định (EU) 1169/2011, bao gồm:

Quy định (EU) 2018/97 không được cho phép sử dụng chất ngọt nhân tạo trong các sản phẩm bánh ăn kiêng. Theo quy định này, các chất làm ngọt sau không còn được sử dụng trong các sản phẩm bánh:

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/safety/labelling_nutrition/special_groups_food_en

7. Ghi nhãn thịt

Thịt bò

Quy định (EC) 1760/2000 đặt ra các quy tắc ghi nhãn thịt bò bắt buộc và tự nguyện. Quy định (EC) 1825/2000 đặt ra các quy tắc chi tiết cho việc thực hiện quy định 1760/2000. Theo chương trình ghi nhãn thịt bò bắt buộc, nhãn cho tất cả các loại thịt bò phải cho biết các thông tin sau:

Quy định (EU) 653/2014 , sửa đổi của quy định (EC) 1760/2000, thay đổi các quy tắc ghi nhãn tự nguyện. Việc ghi nhãn thịt bò tự nguyện phải tuân thủ các quy tắc đặt ra trong quy định (EU) 1169/2011 về Thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng.

Thịt bê

Phụ lục VII của quy định (EU) 1308/2013 phân loại bê tuổi ít hơn 12 tháng thành hai loại: (i) "loại V" bê nhỏ hơn 8 tháng và (ii) "loại Z" bê lớn hơn 8 tháng nhưng nhỏ hơn 12 tháng. Đối với cả hai loại, phụ lục VII liệt kê các mô tả bán hàng bằng các ngôn ngữ thành viên khác nhau và yêu cầu ghi nhãn bắt buộc.

Thịt lợn, cừu, dê và gia cầm

Quy định (EU) 1337/2013 đặt ra các quy tắc mới về chỉ dẫn quốc gia và xuất xứ của thịt lợn, cừu, dê, và gia cầm tươi, ướp lạnh, hoặc đông lạnh. Các yêu cầu ghi nhãn mới sau đây đã được áp dụng từ ngày 1/4/2015:

(i) Chỉ dẫn nuôi tại "reared in: tên của nước thành viên hoặc nước thứ ba" phải phù hợp với các tiêu chí sau đây:

Đối với lợn:

Đối với cừu và dê:

Ghi tên nước thành viên hoặc nước thứ ba, trong đó thời gian nuôi 6 tháng cuối cùng diễn ra, hoặc trong trường hợp động vật bị giết mổ dưới 6 tháng tuổi, tên nước thành viên hoặc nước thứ ba là nước mà toàn bộ quá trình nuôi đã diễn ra.

Đối với gia cầm:

Ghi tên nước nước thành viên hoặc nước thứ ba mà gia cầm được nuôi ít nhất trong 1 tháng cuối. Trong trường hợp gia cầm bị giết mổ ít hơn 1 tháng tuổi, tên nước thành viên hoặc nước thứ ba là nước mà toàn bộ quá trình nuôi hoặc vỗ béo diễn ra.

Trong trường hợp không đạt được bất cứ tiêu chí nào ở trên, nơi nuôi sẽ được ghi là “Nuôi tại: một số nước thành viên EU”, hoặc “Nuôi tại: một số nước ngoài EU”, hoặc có thể được thay thế “Nuôi tại: liệt kê tên các nước thành viên hoặc nước thứ ba mà con vật được nuôi trước khi giết mổ”. Trong trường hợp ghi xuất xứ “Origin: nước thành viên hoặc nước thứ ba” chỉ được sử dụng trong trường hợp thịt từ con vật được sinh ra, nuôi, và giết mổ tại một nước thành viên hoặc một nước thứ ba.

(ii) Chỉ dẫn giết mổ tại "Slaughtered: tên của nước thành viên hoặc nước thứ ba." Thịt nhập khẩu từ nước thứ ba nhưng không có thông tin về quá trình nuôi, thịt phải được dán nhãn là "nuôi tại: ngoài EU" và "giết mổ tại: tên của nước thứ ba nơi động vật bị giết mổ."

8. Ghi nhãn thủy sản

Ngoài các thông tin ghi nhãn được đặt ra trong quy định EU 1169/2011, Phụ lục I quy định (EU) 1379/2013 đặt ra các quy tắc ghi nhãn đối với các sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản. Thông tin ghi nhãn bắt buộc bao gồm:

Sản phẩm thủy sản được liệt kê tại mục a, b, c, và e trong phụ lục này khi cung cấp cho người tiêu dùng hoặc cung cấp cho các cơ sở phục vụ ăn uống bắt buộc phải ghi thêm thông tin về nơi khai thác/nuôi trồng thủy sản. Trong trường hợp sản phẩm thủy sản được khai thác trên biển, tên của vùng biển nơi thủy sản được khai thác phải được ghi trên nhãn của sản phẩm (không bắt buộc phải ghi mã số của vùng khai thác).

9. Thực phẩm đông lạnh

Chỉ thị 89/108/EEC của Hội đồng châu Âu đặt ra các quy tắc cho thực phẩm đông lạnh nhanh, đóng gói và dán nhãn. Thực phẩm đông lạnh được bán cho người tiêu dùng cuối cùng phải có các thông tin ghi nhãn bổ sung: tên sản phẩm cùng với chỉ dẫn "đông lạnh nhanh", hạn sử dụng tối thiểu, thời gian mà người mua có thể lưu trữ các sản phẩm, nhiệt độ lưu trữ và/hoặc loại thiết bị lưu trữ cần thiết, lô nhận dạng, và chỉ dẫn rõ ràng như "không đông lạnh lại sau khi giã đông". Phụ lục VI, phần A quy định (EU) 1169/2011 quy định rằng các loại thực phẩm đã được đông lạnh trước khi bán và được bán sau khi giã đông, tên của thực phẩm phải được đi kèm với việc chỉ dẫn "đã được giã đông."

Đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật, quy định (EU) 16/2012 của Ủy ban sửa đổi quy định (EC) 853/2004 về vệ sinh thực phẩm, yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải cung cấp ngày sản xuất và ngày cấp đông cho người mua và theo yêu cầu cho các cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp thực phẩm được làm từ một loạt các nguyên liệu với ngày sản xuất và cấp đông khác nhau thì ngày nào xa hơn thì phải được nêu.

Phụ lục III quy định (EU) 1169/2011 yêu cầu nhãn thịt đông lạnh, chế phẩm thịt đông lạnh và các sản phẩm thủy sản chưa qua xử lý đông lạnh phải chỉ ra ngày cấp đông hoặc ngày cấp đông đầu tiên trong trường hợp sản phẩm đã được cấp đông nhiều hơn một lần.

10.Các quy định theo chiều dọc và quy định về sản phẩm cụ thể

Các quy định theo chiều dọc về sản xuất và tiếp thị các sản phẩm cụ thể đã được ban hành cho đường ( chỉ thị 2001/111 /EC), cacao và các sản phẩm sô cô la ( chỉ thị 2000/36 /EC), mật ong ( chỉ thị 2001/110 /EC), nước ép trái cây và các sản phẩm tương tự ( chỉ thị 2001/112 /EC), sữa bảo quản ( chỉ thị 2001/114 /EC), chiết xuất cà phê và thảo dược ( chỉ thị 1999/4 /EC) và mứt hoa quả và các sản phẩm tương tự ( chỉ thị 2001/113 /EC).

Nước ép trái cây: Chỉ thị mới đưa ra yêu cầu rằng thành phần của nước trái cây phải được phản ánh rõ ràng trong tên sản phẩm. Tên sản phẩm của nước trái cây hỗn hợp phải bao gồm danh sách các loại trái cây được sử dụng theo thứ tự thể tích giảm dần (ngoại trừ chanh và/hoặc nước chanh dùng để điều chỉnh vị chua).

Ví dụ, một hỗn hợp của 90% nước ép táo và 10% nước ép mâm xôi phải được gọi là “nước ép táo-mâm xôi", nước cam thêm một lượng nhỏ nước quýt để cải thiện màu sắc và hương vị sẽ được gọi là “nước cam-quýt”. Hình ảnh có thể gây hiểu lầm, ví dụ như hình ảnh chỉ quả mâm xôi trên nước ép táo-mâm xôi, không được phép. Trên nước trái cây được sản xuất từ ​​ba loại trở lên, dấu hiệu của các loại trái cây khác nhau được sử dụng có thể được thay thế bằng “một số loại trái cây” hoặc một từ ngữ tương tự hoặc theo số lượng các loại trái cây được sử dụng.

Chỉ thị mới cũng không cho phép thêm đường vào nước trái cây. Do trước đây, việc bổ sung đường được phép nên chỉ thị này quy định các nhà kinh doanh thực phẩm sẽ sử dụng công bố dinh dưỡng “không thêm đường” như được liệt kê trong phụ lục của Quy định về công bố sức khỏe và dinh dưỡng của Liên minh Châu Âu. Thời gian chuyển tiếp sẽ là 18 tháng kể tử ngày chỉ thị có hiệu lực. Sau thời gian này, việc bổ sung đường cũng như việc công bố dinh dưỡng “không thêm đường” sẽ không được phép.

Mật ong: ngày 15/5/2014, EU ban hành chỉ thị 2014/63/EU sửa đổi chỉ thị 2001/110 /EC liên quan đến mật ong. Chỉ thị này định nghĩa phấn hoa như là một thành phần tự nhiên của mật ong và không được coi là một nguyên liệu của mật ong. Điều này có nghĩa là phấn hoa GM chiếm hơn 0,9% trong thành phần mật ong (không phải phấn hoa) sẽ cần phải được dán nhãn. Vì phấn hoa chỉ chiếm khoảng 0,5% của bất kỳ lô mật ong nào, nó sẽ không bao giờ vượt quá ngưỡng ghi nhãn GM.

Tổ chức thị trường chung duy nhất: quy định (EU) 1308/2013 thiết lập một tổ chức thị trường chung duy nhất (CMO) cho tất cả các sản phẩm nông nghiệp. Quy định này đưa ra các định nghĩa và quy tắc tiếp thị cho ngũ cốc, gạo, đường, thịt bò và bê, sữa và các sản phẩm sữa, trứng và thịt gia cầm, rau quả...

QUY ĐỊNH VỀ BAO BÌ VÀ CONTAINER

I. Kích thước và nội dung

Dung sai tối đa giữa trọng lượng thực tế và trọng lượng ghi trên nhãn, và các phương pháp để kiểm tra được nêu trong chỉ thị 76/211/EEC , đã được sửa đổi. Một chữ "e" ít nhất 3 mm trên nhãn đảm bảo rằng trọng lượng thực tế tương ứng với trọng lượng được ghi trên nhãn. Kích thước của các số liệu cho biết số lượng phụ thuộc vào số lượng danh nghĩa:

Chỉ thị 2007/45/EC bãi bỏ quy định về kích thước bao gói bắt buộc ở cả cấp độ EU và quốc gia. Theo chỉ thị này, chỉ có rượu vang và rượu mạnh được xác định kích thước bao gói, ngoại trừ Shochu đóng chai tại Nhật Bản. Số lượng danh nghĩa bắt buộc đối với rượu vang và rượu mạnh được nêu trong phụ lục của chỉ thị 2007/45/EC.

Thông tin tham khảo thêm về "đo lường pháp lý":

https://ec.europa.eu/growth/single-market/goods/building-blocks/legal-metrology_en

II. Quản lý chất thải bao bì

Các nước thành viên được yêu cầu thực hiện các biện pháp giảm thiểu chất thải bao bì và phải đưa ra hệ thống tái sử dụng, phục hồi và tái chế các vật liệu đóng gói. Chỉ thị 94/62/EC cung cấp các biện pháp nhằm hạn chế việc sản xuất chất thải bao bì và thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng và các hình thức phục hồi chất thải khác. Một chương trình tái chế nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi là hệ thống "chấm xanh" (green dot) của Đức. Thông tin có thể được tìm thấy trên trang web của tổ chức tái chế bao bì châu Âu, dễ dàng truy cập vào tất cả các hệ thống Green dot ở châu Âu ( http://www.pro-e.org).

Thông tin tham khảo về tất cả các quy định hiện hành của EU về đóng gói và chất thải bao bì:

https://ec.europa.eu/environment/topics/waste-and-recycling/packaging-waste_en

III. Nguyên liệu tiếp xúc với thực phẩm

Quy định (EC) 1935/2004 đưa ra các yêu cầu cơ bản cho tất cả các loại nguyên liệu tiếp xúc với thực phẩm. Quy định này cũng đưa ra các yêu cầu ghi nhãn và truy xuất nguồn gốc và thủ tục cho phép các chất được sử dụng thông qua Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA).

Phụ lục I quy định (EC) 1935/2004 liệt kê danh sách các nhóm vật liệu có thể được bao phủ thực phẩm bởi các biện pháp cụ thể.

Quy định (EC) 2023/2006 đưa ra nguyên tắc thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với các nhóm nguyên liệu và vật phẩm dự kiến có tiếp xúc với thực phẩm được liệt kê trong phụ lục I quy định (EC) 1935/2004.

Các biện pháp cụ thể đưa ra các yêu cầu bổ sung và bao gồm danh sách các chất và vật liệu được phép. Cho đến nay, chỉ thị cụ thể đã được phát triển cho vật liệu nhựa (quy định (EU) 10/2011 ), bao gồm một danh sách các chất được phép. Quy định (EU) 321/2011 , sửa đổi quy định (EU) 10/2011 về vật liệu nhựa, cấm việc sử dụng Bisphenol A trong bình sữa nhựa của trẻ sơ sinh, trong khi quy định (EU) 2018/213 hạn chế việc sử dụng Bisphenol A trong lớp tráng, phủ tiếp xúc với thực phẩm.

Ngoài ra, còn có một số quy định cho các loại vật liệu khác nhau như vật liệu nhựa tái chế (quy định (EC) 282/2008 ), màng cellulose tái sinh (chỉ thị 2007/42/EC ) và gốm sứ (chỉ thị 84/500/EEC ). Trong trường hợp vật liệu gốm sứ, giới hạn được thiết lập cho chì và cadmium. Vật liệu phải có chỉ dẫn "tiếp xúc với thực phẩm" hoặc biểu tượng tái tạo như trong phụ lục II quy định (EC) 1935/2004.

Các nước thành viên được cấp phép tạm thời việc sử dụng các chất nhất định không nằm trong các quy định và chỉ thị cụ thể. Các nước cũng có thể hạn chế hoặc tạm thời ngăn cấm việc sử dụng các vật liệu nhất định được cho phép trong các chỉ thị cụ thể vì lý do sức khỏe cộng đồng. Khi không có quy định cụ thể của EU, các nước thành viên có thể đặt ra các biện pháp ở cấp quốc gia.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/safety/chemical_safety/food_contact_materials_en

QUY ĐỊNH VỀ PHỤ GIA THỰC PHẨM

Quy định về các chất phụ gia thực phẩm của EU nằm chủ yếu trong bốn quy định: quy định (EC) 1331/2008 thiết lập quy trình cấp phép chung cho phụ gia, enzyme, và hương liệu thực phẩm, quy định (EC) 1332/2008 về enzyme thực phẩm, quy định (EC) 1333/2008 về phụ gia thực phẩm, và quy định (EC) 1334/2008 về hương liệu thực phẩm. Chỉ các chất phụ gia có trong danh sách không bị cấm của EU mới được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm bán trên thị trường EU. Danh sách phụ gia thực phẩm không bị cấm của EU được dựa trên đánh giá rủi ro của Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA).

I. Phụ gia (bao gồm màu sắc và chất tạo ngọt)

Phụ lục I quy định (EC) 1333/2088 liệt kê định nghĩa 26 nhóm phụ gia thực phẩm khác nhau. Chỉ các chất phụ gia có trong danh sách không bị cấm của EU được cho phép theo các điều kiện cụ thể. EU không cho phép sử dụng các chất tẩy trắng bột clorine, bromate, và peroxide.

Phụ lục II quy định (EC) 1333/2008 liệt kê danh sách tất cả các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm và điều kiện sử dụng chúng. Các chất phụ gia được phép sử dụng được liệt kê theo loại thực phẩm mà chúng có thể được thêm vào.

Phụ lục III quy định (EC) 1333/2008 đưa ra một danh sách thứ hai phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong các thành phần thực phẩm như phụ gia thực phẩm khác, enzyme, hương liệu thực phẩm và chất dinh dưỡng. Quy định (EU) 231/2012 đặt ra thông số kỹ thuật cho phụ gia thực phẩm được liệt kê trong phụ lục II và III.

Các nước thành viên có thể tiếp tục ngăn cấm việc sử dụng một số loại phụ gia thực phẩm nhất định trong thực phẩm truyền thống được liệt kê trong phụ lục IV quy định 1333/2008.

Trong năm 2016, EFSA đã hoàn tất việc đánh giá lại các màu thực phẩm được EU phê duyệt. Kết quả là, phụ lục V quy định 1333/2008 đã được sửa đổi yêu cầu thông tin ghi nhãn bắt buộc cho sáu màu thực phẩm: màu vàng quinoline (E104), màu vàng hoàng hôn (E110), màu ponceau 4R (E124), màu tartrazine (E102), màu azorubine/carmoisine (E122), và màu đỏ allura AC (E129). Thực phẩm có chứa các màu này phải được dán nhãn "có thể có ảnh hưởng xấu đến hoạt động và sự chú ý ở trẻ em" (xem thêm phần yêu cầu ghi nhãn). Quy chế 232/2012 hạ thấp các giới hạn cho màu thực phẩm vàng quinoline (E104), vàng hoàng hôn (E110) và màu ponceau 4R (E124). Màu thực phẩm đỏ 2G (E128) đã bị đưa ra khỏi danh sách được phép của EU.

Cơ sở dữ liệu phụ gia thực phẩm của EU cùng với hướng dẫn sử dụng cung cấp thông tin chi tiết về các phụ gia thực phẩm khác được phép trong EU.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/safety/food_improvement_agents/additives_en

II. Chất tạo mùi, hương liệu

Quy định (EC) 1334/2008 thiết lập một danh sách các hương liệu được phép sử dụng, được liệt kê theo thể loại thực phẩm mà chúng có thể được thêm vào. Quy định này cũng đặt ra các quy tắc cụ thể cho việc sử dụng thuật ngữ "tự nhiên". Một cơ sở dữ liệu trực tuyến cho phép người tiêu dùng, các doanh nghiệp thực phẩm và cơ quan kiểm soát thực phẩm xác minh những hương liệu nào được phép sử dụng trong thực phẩm.

Quy định (EU) 873/2012 liên quan đến các biện pháp chuyển tiếp cho các hương liệu khác như hương liệu làm từ các nguồn phi thực phẩm.

Quy định (EC) 2065/2003 thiết lập một đánh giá an toàn và thủ tục cấp phép cho hương liệu khói sử dụng trong hoặc trên thực phẩm. Quy định (EU) 1321/2013 thiết lập danh sách các sản phẩm chính tạo mùi, hương vị khói được phép sử dụng trong hoặc trên thức ăn và/hoặc để sản xuất các hương liệu khói có nguồn gốc.

III. Enzyme

Quy định (EC) 1332/2008 về enzyme thực phẩm giới thiệu quy tắc hài hòa hóa cho việc đánh giá khoa học và cấp phép tại EU. Điều 10-13 quy định (EC) 1332/2008 đặt ra yêu cầu ghi nhãn cụ thể. EFSA hiện đang đánh giá các ứng dụng trong ngành để cấp phép cho các enzym thực phẩm hiện có và mới. Cho đến khi Ủy ban đưa ra một danh sách chung của EU về các enzym thực phẩm được phép sử dụng, quy định của các nước thành viên sẽ tiếp tục áp dụng.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/safety/food_improvement_agents/enzymes/eu_rules_en

IV. Hỗ trợ chế biến

Hỗ trợ chế biến phải tuân thủ quy định của các nước thành viên. Các quy tắc hài hòa của EU chỉ áp dụng cho trích xuất dung môi dùng trong sản xuất thực phẩm và các nguyên liệu thực phẩm (chỉ thị 2009/32/EC ).

THUỐC TRỪ SÂU VÀ CHẤT GÂY Ô NHIỄM

I. Thuốc trừ sâu

Quy định (EC) 1107/2009 đặt ra các quy tắc cấp phép cho các sản phẩm bảo vệ thực vật (PPP hay còn gọi là thuốc trừ sâu). Chỉ PPP có chứa các hoạt chất trong danh sách các hoạt chất được phê duyệt như trong quy định (EU) 540/2011 mới được phép sử dụng tại EU. Trước đây, bất kỳ PPP nào cũng có thể đưa vào thị trường hoặc sử dụng, nhưng bây giờ phải được các nước thành viên liên quan cho phép. Khi một nước thành viên cho phép PPP nào thì PPP đó sẽ được công nhận và cho phép sử dụng trong toàn EU. Mức dư lượng tối đa (MRLs) cho các chất không có trong danh sách được phép của EU sẽ được đặt ở mức mặc định 0,01 mg/kg.

Chỉ thị (EC) 2009/128 về việc sử dụng thuốc trừ sâu bền vững cũng là một phần trong các quy định về thuốc trừ sâu.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/plant/pesticides/sustainable_use_pesticides_en

1. Các chất gây rối loạn nội tiết

"Các chất gây rối loạn nội tiết" (EDs) đề cập đến các chất có khả năng thay đổi và gây ra tác dụng phụ không chủ ý tới sức khỏe và cho hệ thống nội tiết của con người và động vật. Cả hai quy định (EC) 1107/2009 về các sản phẩm bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu) và quy định (EU) 528/2012 về các sản phẩm diệt khuẩn (biocides) đều giới thiệu "thuộc tính làm gián đoạn nội tiết" như là một trong những loại tiêu chí cắt giảm nguy hiểm. Điều này cho phép EU cấm các sản phẩm nhất định trên thị trường dựa trên xác định mối nguy chứ không phải là đánh giá rủi ro. Các thuộc tính gây rối loạn nội tiết theo quy định (EC) 1107/2009 về sản phẩm bảo vệ thực vật đã được xác định trong quy định (EU) 2018/605 . Các tiêu chí để xác định các chất gây rối loạn nội tiết, được áp dụng từ ngày 10/11/2018, cho tất các đánh giá đang hoặc sẽ thực hiện đối với các hoạt chất được sử dụng trong các sản phẩm bảo vệ thực vật.

Vào tháng 6/2018, Cơ quan Hóa chất châu Âu (ECHA) và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) đã xuất bản một tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện các tiêu chí cho cả thuốc diệt khuẩn và chất diệt côn trùng.

2. Giới hạn dư lượng tối đa (MRLs)

Quy định (EC) 396/2005 hài hoá tất cả các MRLs trong EU đối với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ động vật và thực vật. Quy định này ban hành MRL áp dụng cho khoảng 350 sản phẩm tươi sống và các sản phẩm tương tự sau khi xử lý.

Để biết danh sách các hoạt chất được phép hoặc MRL của các chất cộng gộp, xem tại https://ec.europa.eu/food/plant/pesticides/eu-pesticides-db_en

Thông tin tham khảo thêm:

http://ec.europa.eu/food/plant/pesticides/max_residue_levels_en

3. Dung sai nhập khẩu

Nếu không có quy định nào của EU được áp dụng tại các nước thành viên nhập khẩu, khi đó nhà xuất khẩu có thể xin phép được áp dụng "dung sai nhập khẩu" cho các hoạt chất chưa được đánh giá hoặc sử dụng ở EU trước đó. Đơn xin phép dung sai nhập khẩu phải được gửi đến "Rapporteur Member State" (RMS). Ủy ban sẽ chỉ định một nước thành viên nếu không có RMS. Các hồ sơ được xem xét bởi RMS sẽ được đánh giá bởi EFSA trước khi được chuyển tiếp đến Ủy ban. Thông tin về dung sai nhập khẩu có sẵn trong hướng dẫn "sử dụng thuốc trừ sâu và an toàn thực phẩm" được công bố bởi Hiệp hội Bảo vệ Cây trồng châu Âu (ECA). Tất cả MRLs, bao gồm dung sai nhập khẩu, áp dụng rộng rãi trong EU từ tháng 9/2008.

4. Kiểm soát chính thức

Phương pháp lấy mẫu hài hòa được thiết lập để kiểm soát chính thức dư lượng có trong và trên bề mặt sản phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật theo chỉ thị 2002/63/EC . Quy định (EU) 2020/585 thay thế Quy định (EU) 2019/533 liên quan đến chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh cho các năm 2021, 2022 và 2023 để đảm bảo tuân thủ mức dư lượng thuốc trừ sâu tối đa và để đánh giá mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng đối với dư lượng thuốc trừ sâu trong và trên thực phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật. Phụ lục I của quy định này đặt ra các kết hợp sản phẩm và thuốc trừ sâu cần được giám sát. Phụ lục II đặt ra số lượng các mẫu cần phải được thực hiện cho mỗi kết hợp.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/system/files/2021-03/pesticides_mrl_guidelines_mrl-setting-proc_v5-5.pdf

https://ec.europa.eu/food/plant/pesticides/max_residue_levels/enforcement_en

II. Chất gây ô nhiễm

1. Mức tối đa

Mức độ hài hòa hóa tối đa của EU cho các chất gây ô nhiễm được thiết lập trong phụ lục của quy định (EC) 1881/2006 , bao gồm các mức tối đa cho:

+ Aflatoxin trong các loại hạt, trái cây sấy khô, ngũ cốc, ngô, gia vị, sữa và thức ăn trẻ sơ sinh;

+ Ochratoxina A trong ngũ cốc, các sản phẩm ngũ cốc, nho khô, cà phê rang, cà phê hòa tan, rượu vang, nước nho, gia vị, thức ăn trẻ sơ sinh và cam thảo;

+ Patulin trong nước trái cây, đồ uống có rượu mạnh, sản phẩm táo đặc, nước táo và thức ăn trẻ sơ sinh;

+ Deoxynivalenol trong ngũ cốc, các sản phẩm ngũ cốc, ngô, mì ống và thức ăn trẻ sơ sinh;

+ Zearelenone trong ngũ cốc, sản phẩm ngũ cốc, ngô, dầu ngô tinh luyện, bánh mì và các sản phẩm bánh nhỏ, thức ăn trẻ sơ sinh;

+ Fumonisins trong ngô và sản phẩm ngô;

+ Độc tố T-2 và HT-2 trong ngũ cốc và các sản phẩm ngũ cốc;

+ Citrinin trong gạo/thực phẩm chức năng lên men (cập nhật trong quy định 2019/1901 );

+ Ergot sclerotia và ergot ancaloit.

+ Chì trong sữa, thực phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thịt, nội tạng, hải sản, rau, trái cây, rượu vang và thực phẩm chức năng;

+ Cadmium trong thịt, cá và hải sản, ngũ cốc, đậu nành, rau, trái cây, nấm và thực phẩm chức năng, sữa công thức và thức ăn cho trẻ sơ sinh, ngũ cốc và đậu nành, ca cao;

+ Thủy ngân trong hải sản và thực phẩm chức năng;

+ Thiếc trong thực phẩm đóng hộp, đồ uống đóng hộp và thức ăn trẻ em đóng hộp.

+ 3-mcpd trong đạm thực vật và nước tương;

+ Glycidyl fatty acid ester như glycidol trong dầu và mỡ và sữa công thức cho trẻ sơ sinh;

+ Erucic axit có trong mỡ và dầu, thực phẩm có chứa các thành phần này và sữa công thức cho trẻ sơ sinh (cập nhật theo quy định (EU) 2019/1870 );

+ Tropan ancaloit trong thực phẩm chế biến từ ngũ cốc;

+ Hydrocyanic acid trong hạt mơ (cập nhật theo quy định (EU) 2019/1870).

Năm 2017, EU thông qua quy định (EU) 2017/2158 thiết lập mức độ tiêu chuẩn để giảm sự hiện diện của acrylamide trong thực phẩm. Quy định mới đòi hỏi các nhà kinh doanh thực phẩm áp dụng các biện pháp bắt buộc để giảm sự có mặt của acrylamide. Ủy ban đang theo dõi vấn đề acrylamide với các bên liên quan và bắt đầu thảo luận về các biện pháp bổ sung, chẳng hạn như thiết lập mức độ tối đa của acrylamide trong một số thực phẩm nhất định.

Để biết thêm thông tin về mức độ acrylamide trong thực phẩm, xem:

https://www.fooddrinkeurope.eu/resource/fooddrinkeurope-updates-industry-wide-acrylamide-toolbox/

https://ec.europa.eu/food/safety/chemical_safety/contaminants/catalogue/acrylamide_en

2. Kiểm soát chính thức dư lượng tối đa chất ô nhiễm trong thực phẩm

Các quy định sau đây liên quan đến các phương pháp lấy mẫu và phương pháp phân tích cho việc kiểm soát chính thức dư lượng tối đa chất ô nhiễm trong thực phẩm. Phụ lục I mô tả các phương pháp lấy mẫu; Phụ lục II liên quan đến việc chuẩn bị mẫu và các tiêu chí cho các phương pháp phân tích:

3. Dư lượng ở động vật và sản phẩm từ động vật

Việc cấm sử dụng chất tăng trưởng trong sản xuất thịt được đưa ra trong chỉ thị 96/22/EC . Chỉ thị 96/23/EC quy định rằng bất kỳ nước thứ ba xuất khẩu sang EU phải nộp một kế hoạch có bảo đảm về việc giám sát các nhóm dư lượng và các chất được đề cập trong phụ lục I của chỉ thị 96/23/EC.

Ngoài ra, các sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường EU phải được đảm bảo rằng động vật không được nuôi bằng các loại thuốc tăng trưởng.

Thông tin tham khảo thêm:

Nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật từ các nước không thuộc EU: quy định về việc bảo đảm tương đương với các yêu cầu của EU về dư lượng thuốc thú y, thuốc trừ sâu và chất gây ô nhiễm

CÁC YÊU CẦU, QUY ĐỊNH VÀ BIỆN PHÁP ĐĂNG KÝ KHÁC

I. Yêu cầu chứng nhận và tài liệu

Tất cả các sản phẩm tổng hợp có chứa sản phẩm thịt chế biến phải qua kiểm tra thú y. Nói chung, sản phẩm tổng hợp có chứa hơn 50% sản phẩm có nguồn gốc động vật phải có giấy chứng nhận, và tất cả các sản phẩm từ sữa phải có chứng nhận xử lý nhiệt. Các thành phần có nguồn gốc động vật (trừ gelatin và collagen) được sử dụng để sản xuất một sản phẩm tổng hợp phải có nguồn gốc từ nước thứ ba với một kế hoạch kiểm soát dư lượng đã được phê duyệt cho các thành phần cụ thể. EU đã đưa ra mẫu giấy chứng nhận y tế theo mẫu đối với các sản phẩm tổng hợp nhập khẩu, được thực hiện từ năm 2012. Ủy ban châu Âu đã cung cấp Sơ đồ quyết định đối với sản phẩm để làm rõ phạm vi của các quy định từ năm 2013. Hướng dẫn này mở rộng đáng kể số lượng và các loại sản phẩm bị ảnh hưởng bởi các quy định. Sơ đồ quyết định cũng nằm trong bộ hướng dẫn thêm được biên soạn và xuất bản năm 2015 đề cập đến một loạt các câu hỏi liên quan đến việc nhập khẩu và quá cảnh của các sản phẩm hỗn hợp. Các yêu cầu chứng nhận hiện tại đối với sản phẩm hỗn hợp sẽ tiếp tục được áp dụng cho đến ngày 21/4/2021. Theo một số thay đổi trong các quy định pháp luật của EU, sau ngày 21/4/2021, yêu cầu nhập cảnh sẽ không còn dựa trên tỷ lệ phần trăm của các thành phần có nguồn gốc từ động vật mà dựa trên sức khỏe động vật hoặc nguy cơ sức khỏe cộng đồng liên kết với chính các sản phẩm tổng hợp chính đó.

II. Thanh tra

Quy định (EU) 2017/625 về kiểm soát chính thức đặt ra các quy tắc chung cho việc kiểm soát chính thức nhằm đảm bảo việc thực hiện đúng các quy định về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, các quy tắc về sức khỏe động vật, sức khỏe thực vật và các sản phẩm bảo vệ thực vật. Nội dung chính của quy định này có hiệu lực từ ngày 14/12/2019. Quy định mới này thay thế cho quy định (EC) 882/2004.

Tất cả các lô hàng phải được kiểm tra tại biên giới sau khi đã trải qua việc kiểm tra chứng từ. Tần suất kiểm tra trực tiếp được tiến hành dựa trên nguy cơ có liên quan đến các loại động vật hoặc hàng hóa nhất định. Tiêu chí để xác định và thay đổi tỷ lệ tần suất kiểm tra trực tiếp được xây dựng bởi Ủy ban châu Âu. Quy định (EU) 2021/632 ngày 13 tháng 4 năm 2021 đưa ra các quy tắc áp dụng Quy định (EU) 2017/625 liên quan đến danh sách động vật, sản phẩm có nguồn gốc động vật, sản phẩm mầm, phụ phẩm động vật và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, sản phẩm tổng hợp, cỏ khô và rơm rạ chịu sự kiểm soát chính thức tại các điểm kiểm soát biên giới và bãi bỏ Quy định thực hiện của Ủy ban (EU) 2019/2007 và Quyết định của Ủy ban 2007/275/EC.

Các cơ quan chức năng của các nước thành viên chịu trách nhiệm tiến hành thanh tra thường xuyên và trong trường hợp nghi ngờ có sự không tuân thủ. Các sản phẩm có thể được kiểm tra ở giai đoạn nhập khẩu hoặc ở tất cả các giai đoạn tiếp thị. Vi phạm các quy định về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU được báo cáo thông qua hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF). Hệ thống cảnh báo nhanh là một mạng lưới các cơ quan của các nước thành viên do Ủy ban châu Âu quản lý. Cơ sở dữ liệu với thông báo RASFF có thể truy cập thông qua cổng RASFF. Thông tin được đăng trên trang web này cung cấp một số chi tiết thông báo như là lý do cho việc không tuân thủ và nguồn gốc của sản phẩm nhưng không bao gồm thông tin doanh nghiệp. Việc không tuân thủ nhiều lần có thể dẫn đến việc đình chỉ nhập khẩu hoặc áp điều kiện nhập khẩu đặc biệt cho các sản phẩm từ nước thứ ba có liên quan, áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ của EU.

Tiêu chí cho các phòng thí nghiệm tiến hành kiểm soát thực phẩm đã được hài hòa nhưng trách nhiệm chỉ định các phòng thí nghiệm được phép thực hiện phân tích thuộc các nước thành viên.

Các sản phẩm mẫu dùng cho người phải tuân thủ các quy định thực phẩm áp dụng tại EU.

Phí kiểm tra đối với sản phẩm có nguồn gốc phi động vật tại các nước thành viên có thể khác nhau. Các biện pháp xử lý trong trường hợp không tuân thủ cũng khác nhau, từ việc không công nhận sản phẩm đến việc bắt buộc tiêu hủy. Đây có thể là một yếu tố quyết định trong việc lựa chọn cảng nhập khẩu cho các sản phẩm mà có thể phát sinh vấn đề.

III. Đăng ký sản phẩm

Các nhà xuất khẩu cần biết rằng một số sản phẩm và các thành phần có thể nằm trong phạm vi của quy định thực phẩm mới và cần có giấy phép trước khi đưa vào thị trường. Thông tin chi tiết được cung cấp trong mục VII "tiêu chuẩn cụ thể khác".

Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như sản phẩm ăn kiêng để kiểm soát cân nặng nằm trong phạm vi quy định (EU) 609/2013 về thực phẩm cho các nhóm cụ thể phải được thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên, nơi thực phẩm được bán trên thị trường.

Thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất phải đáp ứng các yêu cầu tại quy định (EC) 1925/2006 . Các nhà xuất khẩu các loại thực phẩm giàu vitamin hoặc bổ sung dinh dưỡng đặc biệt được khuyên nên kiểm tra đăng ký kinh doanh của đối tác tại nước thành viên EU hoặc yêu cầu thông báo. Một danh sách các cơ quan có thẩm quyền của EU có sẵn trên trang web của Ủy ban châu Âu tại:

https://ec.europa.eu/food/sites/food/files/safety/docs/labelling_nutrition-supplements-food_supplements_authorities_en.pdf

TIÊU CHUẨN CỤ THỂ KHÁC

I. Thực phẩm mới

Quy định khung (EU) 2015/2283 về thực phẩm mới đã được áp dụng từ ngày 1/1/2018. Thực phẩm mới được định nghĩa là thực phẩm mà chưa được tiêu thụ đến một mức độ đáng kể trong EU trước ngày 15/5/1997 và thuộc một trong số mặt hàng được liệt kê tại điều 3 của quy định (ví dụ như bột chiết xuất Cranberry). Nó có thể là một thực phẩm mới được phát triển, sáng tạo từ kết quả của kỹ thuật sản xuất mới (ví dụ như công nghệ nano) cũng như thực phẩm truyền thống từ một quốc gia khác nhưng không được người tiêu dùng EU biết đến (ví dụ như nước ép trái nhàu noni). Quy định đối với thực phẩm mới không áp dụng cho thực phẩm biến đổi gien, phụ gia, enzyme, hương liệu và dung môi chiết xuất.

Thủ tục cấp phép: Thực phẩm mới yêu cầu cần có giấy phép trước khi đưa vào thị trường. Các đơn xin giấy phép phải được nộp cho Ủy ban châu Âu qua hệ thống e-Submission . Ủy ban có thể yêu cầu Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) thực hiện đánh giá rủi ro. Quy định (EU) 2017/2469 đặt ra yêu cầu hành chính và khoa học cho các đơn xin phép thực phẩm mới.

Danh sách thực phẩm mới của EU: Quy định (EU) 2017/2470 thiết lập một danh sách các loại thực phẩm mới được cấp phép tại EU. Danh sách bao gồm các thông số kỹ thuật, điều kiện sử dụng, yêu cầu ghi nhãn bổ sung và yêu cầu giám sát sau đó.

Tình trạng thực phẩm mới: Các nhà kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm kiểm tra xem thực phẩm họ dự định đưa vào thị trường EU là thực phẩm mới hay không? Quy định (EU) 2015/2283 về thực phẩm mới cung cấp cho một quá trình tư vấn khi không chắc chắn về tình trạng thực phẩm hoặc thành phần thực phẩm. Quy định (EU) 2018/456 liệt kê các thủ tục mà nhà kinh doanh thực phẩm phải làm theo để tham khảo ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên mà họ định tiếp thị sản phẩm.

Vật liệu nano: Vật liệu nano cần giấy phép thực phẩm mới trước khi được đưa vào sử dụng trong thực phẩm.

Thực phẩm vô tính: Cho đến khi luật riêng về thực phẩm vô tính được thông qua, thực phẩm vô tính sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của quy định thực phẩm mới.

Thực phẩm truyền thống từ các nước không thuộc EU: Quy định thực phẩm mới 2015/2283 đưa ra một thông báo nhanh hơn và thủ tục đánh giá được đơn giản hóa cho các thực phẩm truyền thống với một lịch sử sử dụng thực phẩm an toàn đã được chứng minh từ các nước ngoài EU. Quy định (EU) 2017/2468 đặt ra các yêu cầu hành chính và khoa học cho việc thông báo các loại thực phẩm truyền thống nằm trong phạm vi của quy định thực phẩm mới.

Tham khảo thêm các quy định và hướng dẫn về thực phẩm mới tại https://ec.europa.eu/food/safety/novel-food_en .

II. Thực phẩm từ nhân bản động vật

Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật nhân bản hiện đang nằm trong phạm vi của quy định (EU) 2015/2283 về thực phẩm mới.

Theo quy định này, thực phẩm được sản xuất bởi "phương pháp chăn nuôi mới" cần được thông qua trước khi đưa vào thị trường dựa trên đánh giá rủi ro. Trong tháng 12/2013, dưới áp lực của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu đã đưa ra hai đề xuất quy định cụ thể về thực phẩm từ động vật nhân bản:

Cho đến nay, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu chưa có phản hồi về các đề xuất nhân bản. Cho đến khi có luật riêng được thông qua, thực phẩm nhân bản vẫn nằm trong phạm vi của quy định thực phẩm mới.

III. Công nghệ nano

Hiện nay, các quy định của EU đề cập đến vật liệu nano trong thực phẩm bao gồm:

Thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng (FIC): Sự hiện diện của vật liệu nano được đưa vào các sản phẩm thực phẩm phải được ghi rõ ràng trên nhãn. Tên của các thành phần như vậy phải được theo sau bởi từ "Nano" trong ngoặc (Điều 18 quy định (EU) 1169/2011).

Quy định thực phẩm mới: Quy định (EU) 2015/2283 về thực phẩm mới định nghĩa vật liệu nano là "bất kỳ vật liệu nào được cố ý sản xuất có một hoặc nhiều kích thước theo thứ tự từ 100 nm trở xuống hoặc là bao gồm các bộ phận chức năng rời rạc, hoặc bên trong hoặc trên bề mặt, nhiều bộ phận trong số đó có một hoặc nhiều kích thước theo thứ tự từ 100 nm trở xuống, bao gồm các cấu trúc, chất kết tụ hoặc tập hợp, có thể có một kích thước trên 100 nm nhưng vẫn giữ được các thuộc tính đặc trưng của kích thước nano" (Điều 3.2. f).

Phụ gia thực phẩm: Quy định (EC) 1333/2008 cho rằng khi "có một sự thay đổi đáng kể trong các phương pháp sản xuất hoặc trong các vật liệu ban đầu được sử dụng" đối với các phụ gia thực phẩm đã có trong danh sách các phụ gia thực phẩm được phép, "hoặc có một sự thay đổi trong kích thước hạt, ví dụ thông qua công nghệ nano, phụ gia thực phẩm được điều chế bằng các phương pháp hoặc vật liệu mới sẽ được coi là một chất phụ gia khác và tiếp cận mới trong danh sách cộng đồng hoặc một thay đổi thông số kỹ thuật được yêu cầu trước khi lưu thông ngoài thị trường."

Vật liệu tiếp xúc với thực phẩm: Quy định (EC) 450/2009 về bao bì tích cực và thông minh nêu "công nghệ mới để thiết kế chất với các tính chất hóa học và vật lý khác với các chất tương tự ở mức lớn hơn, ví dụ như các hạt nano, nên được đánh giá tùy theo từng trường hợp cụ thể liên quan đến rủi ro cho đến khi biết thêm thông tin về công nghệ đó.

Thông tin tham khảo thêm:

EU Science Hub

IV. Thực phẩm tăng cường

Quy định (EC) 1925/2006 xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn EU cho việc bổ sung các vitamin, khoáng chất và các chất khác như chiết xuất thảo dược vào thực phẩm. Quy định này liệt kê các vitamin và khoáng chất có thể được thêm vào thực phẩm và đặt tiêu chí để thiết lập mức tối đa và tối thiểu.

Vitamin và khoáng chất phải được thể hiện theo tỷ lệ phần trăm của "lượng tham chiếu" được liệt kê trong phụ lục III của quy định (EU) 1169/2011 về Thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng (xem thêm phần "tuyên bố dinh dưỡng.") Việc sử dụng các vitamin và khoáng chất không nằm trong các phụ lục của quy định (EC) 1925/2006 là không được phép. Việc "đăng ký cộng đồng" bổ sung các vitamin, khoáng chất và một số chất khác có sẵn trên trang web của Ủy ban châu Âu.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/safety/labelling_nutrition/vitamins_minerals_en

V. Thực phẩm dinh dưỡng

Quy định (EU) 609/2013 , áp dụng kể từ ngày 20/7/2016, đặt ra quy tắc về thành phần và ghi nhãn cho các loại thực phẩm có sử dụng dinh dưỡng cụ thể. Phạm vi được giới hạn cho sữa công thức của trẻ sơ sinh và trẻ em, thực phẩm ngũ cốc chế biến và thức ăn trẻ em, thực phẩm cho mục đích y tế đặc biệt và chế độ ăn kiêng để kiểm soát cân nặng. Thực phẩm ăn kiêng, ví dụ như thực phẩm không chứa gluten, được coi là thực phẩm bình thường, không nằm trong quy định (EU) 609/2013 và phải tuân thủ các quy tắc đặt ra trong quy định (EU) 1169/2011 về Thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng, quy định (EC) 1925/2006 về việc Bổ sung các vitamin và khoáng chất vào thực phẩm và quy định (EC) 1924/2006 về Tuyên bố dinh dưỡng và sức khỏe. Quy định (EU) 2016/128 đặt ra yêu cầu cụ thể đối với thực phẩm dành cho các mục đích y tế đặc biệt (FSMPs).

Quy định (EU) 2016/127 đưa ra yêu cầu cụ thể về thành phần và ghi nhãn đối với sữa công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ em.

Quy định (EU) 2018/561 quy định chi tiết protein trong sữa dành cho trẻ em.

Quy định (EU) 2019/828 đặt ra yêu cầu về vitamin D cho sữa công thức cho trẻ sơ sinh và axit erucic cho sữa công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ em.

Quy định (EU) 2017/1798 đặt ra các quy tắc mới cho "các thực phẩm ăn kiêng thay thế hoàn toàn để kiểm soát trọng lượng". Các quy định mới sẽ được áp dụng từ ngày 27/10/2022.

Quy định (EU) 2018/97 cấm việc sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo trong các sản phẩm bánh dinh dưỡng.

Các nguyên tắc mới về giảm mức acrylamide trong thực phẩm được đặt ra trong quy định (EU) 2017/2158 được áp dụng từ ngày 11/4/2018. Các quy tắc mới cũng áp dụng cho thức ăn trẻ em và thực phẩm ngũ cốc chế biến dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

VI. Thực phẩm bổ sung

Chỉ thị 2002/46/EC chỉ đưa ra các quy tắc hài hòa của EU về ghi nhãn và vitamin, khoáng chất có thể được sử dụng trong thực phẩm bổ sung. Các khía cạnh quan trọng trong việc tiếp thị của thực phẩm bổ sung như mức tối thiểu và tối đa của vitamin và khoáng chất hoặc sử dụng các chất khác như chất chiết xuất từ thực vật vẫn thuộc thẩm quyền của các nước thành viên. Chỉ thị 2002/46/EC định nghĩa thực phẩm bổ sung là thực phẩm, có nghĩa việc xuất khẩu thực phẩm bổ sung vào thị trường EU không chỉ tuân thủ chỉ thị 2002/46/EC mà còn phải tuân thủ các quy định theo chiều ngang áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm bao gồm các quy định về chất phụ gia, thực phẩm mới, vệ sinh, chất gây ô nhiễm và thực phẩm biến đổi gien.

VII. Thực phẩm chiếu xạ

Việc hài hòa hóa các quy tắc của EU về chiếu xạ thực phẩm diễn ra khá chậm và chỉ có một vài sản phẩm cho đến nay đã nhận được chứng nhận rộng rãi của EU.

Chỉ thị chung 1999/2/EC đưa ra các thủ tục tiếp thị, ghi nhãn, nhập khẩu, kiểm soát và các khía cạnh kỹ thuật của chiếu xạ thực phẩm. Các loại thực phẩm hoặc thực phẩm có chứa các thành phần được chiếu xạ phải được dán nhãn "chiếu xạ" hoặc "được điều trị bằng tia ion hóa."

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/safety/biosafety/irradiation_en

VIII. Thức ăn cho vật nuôi

Tại EU, thực phẩm dành cho vật nuôi là đối tượng điều chỉnh của Luật Thú y và thức ăn chăn nuôi. Luật tiếp thị thức ăn chăn nuôi bao gồm thức ăn cho vật nuôi cũng như thức ăn các động vật nuôi để làm thức ăn. Luật Thú y bao gồm các sản phẩm có nguồn gốc động vật và cỏ khô/rơm rạ cũng như các sản phẩm có nguy cơ lây lan dịch vật cho động vật. Các sản phẩm thức ăn cho thú nuôi có chứa một thành phần có nguồn gốc động vật phải có nguồn gốc từ các cơ sở được phê duyệt và phải kèm theo giấy chứng nhận thú y. Tất cả thức ăn cho vật nuôi xuất khẩu vào EU phải tuân thủ các yêu cầu của EU bao gồm dán nhãn, vệ sinh, sức khỏe động vật, chứng nhận và việc sử dụng các chất phụ gia.

Quy định (EC) 767/2009 đặt ra các quy tắc cho việc ghi nhãn và tiếp thị thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho vật nuôi.

Thức ăn chăn nuôi và thức ăn cho vật nuôi không tuân thủ quy định (EC) 767/2009 và các quy định (EC) 1831/2003 về phụ gia thức ăn chăn nuôi sẽ không được tiêu thụ tại thị trường EU.

Điều kiện để trộn thuốc thú y vào thức ăn gia súc được quy định trong chỉ thị 90/167/EEC . Tuy nhiên chỉ thị này sẽ được thay thế bằng quy định (EU) 2019/4 từ ngày 28/1/2022.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/animals/health/veterinary-medicines-and-medicated-feed/medicated-feed-safe-and-controlled-oral_en

Các nhân viên kiểm tra biên giới EU sẽ xác nhận các nhãn mác thức ăn gia súc nhập khẩu có tuân thủ các yêu cầu của EU hay không. Phụ lục 4 của "Quy tắc thực hành dán nhãn tốt cho thức ăn gia súc" được soạn thảo bởi ngành công nghiệp thức ăn gia súc châu Âu (FEDIAF) thiết lập một "danh sách kiểm tra" mà các nhà sản xuất thức ăn gia súc có thể sử dụng để kiểm tra việc tuân thủ các quy tắc ghi nhãn của EU.

Quy định (EU) 68/2013 thiết lập danh mục các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cho phép các nhà khai thác sử dụng tên và biểu thức chính xác hơn cho thức ăn chăn nuôi mà họ đưa ra thị trường. Phụ lục của Catalogue bao gồm ba phần: A) quy định chung, B) bảng thuật ngữ của các quy trình và C) danh sách các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Khuyến nghị 2011/25/EU của Ủy ban thiết lập hướng dẫn về sự khác biệt giữa nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phụ gia thức ăn chăn nuôi, sản phẩm diệt khuẩn và sản phẩm thuốc thú y.

Thông tin tham khảo thêm:

https://ec.europa.eu/food/safety/animal-feed_en

IX. Thực phẩm chay và thuần chay

Quy định 1169/2011 về việc Thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng yêu cầu EC đặt ra các quy tắc ghi nhãn tự nguyện cho các thực phẩm phù hợp với người ăn chay và thuần chay. Cho đến nay, EC vẫn chưa công bố một định nghĩa được hài hòa của EU về "chay" và "thuần chay." Trong trường hợp không có quy tắc hài hòa của EU, các công ty thực phẩm đã bắt đầu sử dụng "European V-lable", một chương trình ghi nhãn được đưa ra bởi Hiệp hội những người ăn chay châu Âu (EVU).

Thông tin tham khảo thêm:

https://www.v-label.eu/about-v-label

CÁC QUY ĐỊNH QUỐC GIA ĐỐI VỚI HÀNG NÔNG SẢN, THỰC PHẨM NHẬP KHẨU

CÁC QUY ĐỊNH RIÊNG CỦA THỤY ĐIỂN

I. Quy định về bao gói và nhãn mác

Hiện nay, các quy định về nhãn mác của Thụy Điển phù hợp với các quy định chung của EU. Tuy nhiên, ngôn ngữ trên nhãn mác phải có ít nhất 1 trong ba thứ tiếng là Thuỵ Điển, Đan Mạch, và Na Uy.

Thụy Điển không yêu cầu hàng nhập khẩu ghi tên nước xuất xứ trên nhãn hàng hoá. Tuy nhiên, các hàng hoá sai tên xuất xứ đều bị cấm.

Đối với hàng thực phẩm, cần phải tuân thủ các quy định và yêu cầu ghi nhãn mác đặc biệt.

Thụy Điển có các quy định về dán nhãn, vệ sinh và y tế rất nghiêm ngặt cũng như các yêu cầu phức tạp để giám sát chất lượng hàng hoá. Ví dụ: Một gói hàng thực phẩm bán lẻ phải ghi tên nhà sản xuất, nhà đóng gói và nhà nhập khẩu, tên thương mại của sản phẩm, trọng lượng hoặc khối lượng tịnh, các thành phần theo yêu cầu giảm dần về trọng lượng, ngày sử dụng sau cùng, hướng dẫn bảo quản nếu sản phẩm dễ hư hỏng. Các thông tin trên được mô tả bằng tiếng Thụy Điển và nhà nhập khẩu có thể hỗ trợ các công ty trong việc sắp xếp hợp lý các thông tin trên nhãn mác.

Một số quy định về nhãn mác đối với một số sản phẩm cụ thể như sau:

Thụy Điển không đưa ra quy định đặc biệt nào về việc bao gói sản phẩm. Tuy nhiên, Thụy Điển không khuyến khích sử dụng cỏ khô, rơm hoặc bao tải để bao gói hàng. Trong trường hợp sử dụng thì cần phải có giấy chứng nhận vệ sinh kèm theo.

Bên ngoài thùng đựng hàng nên có ký hiệu của người uỷ nhiệm, ký hiệu của cảng và được đánh số (tương ứng với danh mục hàng đóng gói) trừ khi hàng đã được nhận dạng theo một cách nào khác. Vận chuyển hàng vượt quá trọng lượng 1.000 tấn phải được đánh dấu trọng lượng tổng.

II. Quy định về kiểm dịch động thực vật

1. Chứng nhận vệ sinh

Đối với hàng hoá có khả năng chứa các bệnh động/thực vật dễ lây lan, khi nhập khẩu vào Thụy Điển bắt buộc phải có giấy chứng nhận vệ sinh do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Các loại hàng hoá đòi hỏi phải có chứng nhận vệ sinh bao gồm:

Ngoài ra, Thụy Điển còn áp dụng các quy định về hạn chế nhập khẩu đối với một số hàng hoá để bảo đảm an toàn và sức khoẻ cộng đồng, hoặc để phòng trừ nguy cơ dịch bệnh cho động thực vật trong nước.

2. Kiểm dịch động vật

Là thành viên của EU, Thuỵ Điển tuân thủ các quy định kiểm dịch động vật của EU. Ngoài ra, Thuỵ Điển có các quy định riêng:

3. Kiểm dịch thực vật

Thực vật và các sản phẩm thực vật (bao gồm cả trái cây, rau quả) muốn nhập khẩu vào Thuỵ Điển phải đảm bảo các quy định của EU về kiểm dịch thực vật. EU đã đặt ra các yêu cầu kiểm dịch thực vật để ngăn chặn các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật của EU. Ngoài ra, Thuỵ Điển cũng có một số quy định riêng:

III. An toàn thực phẩm

Các doanh nghiệp muốn nhập khẩu thực phẩm vào Thụy Điển với mục đích thương mại bắt buộc phải có cơ sở tại Thụy Điển và phải đăng ký với Cơ quan Thực phẩm về các mặt hàng nhập khẩu.

Các doanh nghiệp nhập khẩu phải thông báo trước cho Cơ quan kiểm tra biên giới đầy đủ về lượng hàng nhập khẩu, và phải sử dụng mẫu tờ khai đặc biệt. Việc nhập khẩu thực phẩm phải được thực hiện tại địa điểm nhập khẩu đã định sẵn.

Việc nhập khẩu thực phẩm được tiến hành sau khi Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển phê duyệt.

IV. Các địa chỉ liên hệ

Cơ quan Thực phẩm Thuỵ Điển là cơ quan có thẩm quyền về việc cấp phép và quản lý nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, nhập khẩu thực phẩm cho người, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, phân bón. Liên hệ:

Livsmedelsverket (Swedish Food Agency)
Box 622, 751 26 Uppsala
(+46) 18 17 55 00
[email protected]

Uỷ ban Nông nghiệp Thuỵ Điển là cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm dịch thực vật, nhập khẩu động vật sống và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật không dùng cho con người. Liên hệ:

Jordbruksverket (Swedish Board of Agriculture)
Vallgatan 8, 551 82 Jönköping
(+46) 36 15 50 00/771 223 223
[email protected]

Thông tin tham khảo thêm:

Quy định về nhập khẩu thực phẩm vào Thuỵ Điển

CÁC QUY ĐỊNH RIÊNG CỦA ĐAN MẠCH

I. Quy định về bao gói và nhãn mác

Các yêu cầu về bao gói, nhãn mác đối với các sản phẩm bán trên thị trường Đan Mạch dựa trên các quy định của châu Âu và quy định của Đan Mạch nhằm bảo vệ môi trường cũng như ngăn chặn mọi rủi ro đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Hàng hoá khác nhau sẽ có quy định về bao gói và nhãn mác khác nhau và còn tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng của hàng hoá đó là hàng tiêu dùng hay sản phẩm công nghiệp.

Ngoài việc tuân thủ các quy định chung của EU, các sản phẩm tiêu dùng phải có nhãn bằng tiếng Đan Mạch, hoặc một ngôn ngữ gần giống với tiếng Đan Mạch như tiếng Na Uy hoặc tiếng Thụy Điển. Một số sản phẩm cần ghi rõ xuất xứ. Các đơn vị đo lường phải thuộc hệ mét. Nhãn mác phải miêu tả chính xác nội dung của hàng hoá bên trong.

Phần lớn các loại thực phẩm đều nằm trong hệ thống quy định chung về nhãn mác thực phẩm. Đan Mạch cũng có các quy định đặc biệt áp dụng cho một số loại thực phẩm cụ thể như các sản phẩm cá, sô cô la hay sản phẩm mứt cam. Nhãn mác chất phụ gia (riêng hay lẫn trong thực phẩm) nằm trong quy định riêng về chất phụ gia.

Các loại thực phẩm bán ở thị trường Đan Mạch phải có mã số nhận diện sản phẩm (số lô hàng hay ngày sản xuất).

Nhà xuất khẩu không được chỉ dán nhãn mác theo tiêu chuẩn của nước xuất khẩu mà phải theo các tiêu chuẩn nhãn mác của Đan Mạch và dính bên cạnh hoặc đè lên để che đi phần trên nhãn mác của nơi xuất khẩu không theo quy định của Đan Mạch (ví dụ như những thông tin dinh dưỡng bằng tiếng nước ngoài). Nhãn mác phải nêu rõ thành phần của chất phụ gia. Các thành phần này phải được sắp xếp theo nhóm chức năng, theo sau là tên cụ thể của thành phần, hoặc số E (số E là số được xác định trong các quy định về chất phụ gia, và danh sách các chất phụ gia tích cực).

Trách nhiệm đảm bảo sản phẩm tuân thủ các quy định về nhãn mác là trách nhiệm của nhà nhập khẩu. Làm sai quy định về nhãn mác và bao gói có thể gây chậm trễ, thiệt hại, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.

Để phân biệt những sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường, EU còn có quy định các loại nhãn mác không bắt buộc gọi là nhãn sinh thái. Nhãn sinh thái chỉ được trao cho những nhà sản xuất có thể chứng minh được rằng sản phẩm của mình ít làm hại đến môi trường hơn là những sản phẩm cùng loại khác. Chính phủ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm không làm hại môi trường. Đan Mạch là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng sản phẩm hữu cơ. Do vậy, việc xuất khẩu sang Đan Mạch sử dụng nhãn sinh thái cũng cần được cân nhắc.

II. Quy định về kiểm dịch động thực vật

Là thành viên của EU, Đan Mạch tuân thủ các quy định của EU về kiểm dịch động thực vật với hàng nhập khẩu.

Cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng phòng vệ của Đan Mạch trước sự ra đời của các bệnh vật nuôi nghiêm trọng.

Rất ít động vật được nhập khẩu vào Đan Mạch. Các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật được nhập khẩu từ các nước ngoài EU phải chịu kiểm tra nghiêm ngặt tại cảng hoặc sân bay nhập cảnh vào Đan Mạch. Các lô hàng nhập khẩu từ các nước trong EU vào Đan Mạch cũng phải chịu kiểm tra ngẫu nhiên không phân biệt đối xử.

Tất cả các lô hàng được nhập khẩu từ các nước thứ ba phải chịu kiểm tra tại cảng hoặc sân bay nhập cảnh vào EU tại một điểm kiểm tra biên giới (BIP) đã được phê duyệt. Các lô hàng nhập khẩu từ các quốc gia thành viên EU và các nước khác chỉ được phép nhập khẩu vào Đan Mạch, nếu đáp ứng được các quy định của EU, kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe phù hợp và đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh.

Ở Đan Mạch, có 3 điểm kiểm tra biên giới được phê duyệt để kiểm tra động vật sống và 9 điểm được phê duyệt để kiểm tra các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Thực vật và các sản phẩm thực vật (bao gồm cả trái cây, rau quả) muốn nhập khẩu vào Đan Mạch phải đảm bảo các quy định của EU về kiểm dịch thực vật. EU đã đặt ra các yêu cầu kiểm dịch thực vật để ngăn chặn các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật của EU.

Cơ quan Nông nghiệp Đan Mạch, trực thuộc Bộ Môi trường và Thực phẩm chịu trách nhiệm về vấn đề kiểm dịch thực vật.

III. Các địa chỉ liên hệ

Cục Quản lý Thực phẩm và Thú y thuộc Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch phụ trách các vấn đề liên quan đến nhập khẩu thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Liên hệ:

Miljø- og Fødevareministeriet (Ministry of Environment and Food)
Fødevarestyrelsen (Danish Veterinary and Food Administration)
Stationsparken 31-33, DK-2600 Glostrup
(+45) 72 27 69 00

Cơ quan Nông nghiệp Đan Mạch, trực thuộc Bộ Môi trường và Thực phẩm chịu trách nhiệm về vấn đề kiểm dịch thực vật. Liên hệ:

Miljø- og Fødevareministeriet (Ministry of Environment and Food)
Landbrugsstyrelsen (Danish Agricutural Agency)
Planter (Plants)
Nyropsgade 30
DK-1780 København V
(+45) 3395 8000
[email protected]

CÁC QUY ĐỊNH RIÊNG CỦA NA UY

I. Quy định về bao gói và nhãn mác

Na Uy, với tư cách là một quốc gia thành viên EEA, áp dụng các yêu cầu ghi nhãn sản phẩm của EU. Ngoài ra, Na Uy cũng có các quy định riêng.

II. Quy định về kiểm dịch động thực vật

Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy chịu trách nhiệm điều phối việc kiểm soát nhập khẩu động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật.

Na Uy áp dụng một số quy định tương đồng với EU, trong khi có những quy định khác biệt. Một số yêu cầu cơ bản của EU được Na Uy áp dụng, bao gồm:

Nếu nhập khẩu động vật sống, người nhập khẩu phải liên hệ với Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy trước khi động vật đến Na Uy và phải đăng ký thông qua các biểu mẫu của Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy và phải đăng ký trên Hệ thống TRACES của EU.

Việc nhập khẩu động vật được quy định chặt chẽ, và các quy định thay đổi liên tục.

III. An toàn thực phẩm

Khi nhập khẩu thực phẩm vào Na Uy phải tuân thủ các quy định thực phẩm Na Uy. Do nằm trong khối EEA, các quy định về thực phẩm của Na Uy được hài hòa với EU và tuân theo các quy định của EU về lĩnh vực thực phẩm.

Để nhập khẩu thực phẩm vào Na Uy, bắt buộc phải có người nhận hàng ở Na Uy để đảm bảo việc kiểm soát hàng hóa theo yêu cầu và tuân thủ các quy định nhập khẩu thực phẩm của Na Uy. Trong trường hợp không có người nhận, phải thuê doanh nghiệp đã có đăng ký với Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy để nhận hàng.

Các quy định về yêu cầu, các chất bị cấm không được phép sử dụng trong thực phẩm, yêu cầu chất lượng hầu hết giống như quy định của EU. Nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm đảm bảo thực phẩm nhập khẩu an toàn cho con người và việc ghi nhãn và nội dung tuân thủ các quy định thực phẩm của Na Uy.

Thực phẩm phải được dán nhãn bằng tiếng Na Uy hoặc bằng ngôn ngữ giống với tiếng Na Uy (nói chung là tiếng Thụy Điển hoặc tiếng Đan Mạch).

Cả nhà nhập khẩu và người nhận hàng phải thực hiện kiểm soát nội bộ và có các quy trình đảm bảo tuân thủ quy định về thực phẩm và quy định quốc gia của Na Uy liên quan đến kiểm soát nội bộ.

Nhà nhập khẩu phải có quy trình kiểm tra xem sản phẩm thực phẩm họ muốn nhập có được phép bán ở Na Uy không. Đối với nhà nhập khẩu, cần biết quy định nào áp dụng cho từng loại thực phẩm cụ thể. Ví dụ:

Cơ quan Thực phẩm Na Uy cần được thông báo trước về tất cả các lô hàng được nhập khẩu từ các quốc gia ngoài EU/EEA về ngày và thời gian dự kiến nhập khẩu không muộn hơn 24 giờ trước khi hàng hóa đến nơi. Cơ quan này có thể kiểm tra ngẫu nhiên lô hàng.

IV. Các địa chỉ liên hệ

Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy chịu trách nhiệm quản lý nhập khẩu thực phẩm, thực vật, động vật, hạt giống. Liên hệ:

Mattilsynet (Norwegian Food Safety Authority)

Postboks 383, 2381 Brumunddal, Norway

+47 22 40 00 00

mailto:[email protected]

MỘT SỐ ẤN PHẨM HỮU ÍCH

I. Một số ấn phẩm của Thương vụ Việt Nam Thụy Điển

  1. Những điều cần biết về thị trường Thụy Điển
  2. Những điều cần biết về thị trường Phần Lan
  3. Những điều cần biết về thị trường Đan Mạch
  4. Những điều cần biết về thị trường Iceland
  5. Những điều cần biết về thị trường Na Uy
  6. Những điều cần biết về thị trường Latvia
  7. Quy định về thị trường cơ bản của các nước Bắc Âu
  8. Một số quy định nhập khẩu hàng nông sản và thực phẩm vào khu vực Bắc Âu
  9. Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Bắc Âu
  10. Thị trường rau quả tươi Bắc Âu
  11. Thị trường cà phê Bắc Âu
  12. Thị trường thực phẩm hữu cơ Bắc Âu
  13. Thị trường giày dép Bắc Âu
  14. Thị trường nhựa và sản phẩm từ nhựa Bắc Âu

II. Một số ấn phẩm khác liên quan đến các quy định nhập khẩu hàng nông sản và thực phẩm vào thị trường EU

  1. Guidance on labelling and packaging in accordance with Regulation (EC) 1272/2008
  2. Guidance on the provision of food information to consumers
  3. Guidance on the origin indication of the primary ingredient
  4. Guidlines on flavourings
  5. Guidance on food allergen management for food manufacturers
  6. General guidance on EU import and transit rules for live animals and animal products from third countries
  7. BBC Guidance on allergen labelling and the requirements in regulations 1169/2011
  8. Guidance document: Key questions related to import requirements and the new rules on food hygiene and official food controls
  9. Guidance document tolerances: simplified summary table
  10. How to export seafood to the EU
  11. Q&A on the application of the regulation EU 1169/2011 on the provision of food information to consumers