Bản quyền
Hệ thống pháp lý của Thụy Điển đủ hiệu lực để bảo vệ mọi quyền sở hữu. Là nước ký Hiệp định EEA năm 1993, Thụy Điển đã gia nhập các hiệp ước đa phương về sở hữu công nghiệp, trí tuệ và thương mại.
Thụy Điển là thành viên của Hiệp ước quốc tế “Paris Union” về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (bằng sáng chế, thương hiệu, tên thương mại và kiểu dáng công nghiệp) cùng với sự tham gia của trên 80 nước khác. Các ủy viên ban quản trị kinh doanh và các nhà đầu tư từ các quốc gia này sẽ được hưởng qui chế đối xử quốc gia ở Thụy Điển (được đối xử như công dân Thụy Điển), theo những qui định về bảo vệ bằng sáng chế và thương hiệu.
Các sản phẩm và thiết kế sản phẩm có thể được bảo hộ bởi nhiều loại bản quyền khác nhau. Các bản quyền này có thể được kết hợp và được pháp luật bảo vệ nhằm động viên và khuyến khích các thành tựu về phát minh sáng chế.
Khuynh hướng ý thức về các quyền này và giá trị của chúng đang tăng lên trên toàn cầu. Tại Thụy Điển cũng vậy, các nỗ lực được thực hiện ngày càng nhiều để bảo vệ và khai thác quyền sở hữu công nghiệp và chống lại sự giả mạo trong sản xuất.
Những người không thường trú tại Thụy Điển cũng có thể xin độc quyền sản phẩm bằng nhiều hình thức, thủ tục đăng ký khác nhau. Tuy nhiên, công ty hoặc doanh nhân ở nước ngoài cần phải có người đại diện là công dân Thụy Điển để thay mặt họ làm việc với cơ quan cấp bằng sáng chế.
Văn phòng Sở hữu trí tuệ Thuỵ điển
Box 5055, S102 42 Stockholm
(+46) 8 782 2800
[email protected]
Nhãn hiệu thương mại
Nhãn hiệu thương mại có thể bao gồm bất cứ những gì biểu hiện về nguồn gốc thương mại của một sản phẩm hay dịch vụ. Ví dụ như địa chỉ thương mại, mẫu mã bao bì hoặc thiết kế nội thất của cửa hàng. Tuy vậy các nhãn hiệu thông dụng nhất là nhãn hiệu bằng chữ hoặc hình tượng. Hầu hết người dùng phương Tây quen với việc sử dụng những nhãn hiệu thương mại như chúng thường xuất hiện trên thị trường. Nhãn hiệu thương mại có chức năng truyền đạt thiện ý của sản phẩm.
Sự bảo vệ của luật pháp đối với các nhãn hiệu thương mại thông qua việc đăng ký hoặc sử dụng rộng rãi. Sử dụng rộng rãi có nghĩa là sử dụng đến mức độ mà nhãn hiệu trở nên nổi tiếng đối với người tiêu dùng. Một người muốn có độc quyền về nhãn hiệu thương mại thì phải mất công chứng minh điều đó vì thế tốt nhất là nên đăng ký trước bất kỳ nhãn hiệu nào mà mình muốn dùng.
Khi tra cứu trong danh bạ nhãn hiệu thương mại, có thể biết được thông tin liên quan đến những nhãn hiệu hiện đã được đăng ký. Thông tin này công khai và có thể yêu cầu các dịch vụ tìm kiếm thông tin của Cơ quan cấp bằng phát minh giúp đỡ. Để đăng ký, nhãn hiệu thương mại phải khác biệt và không được giống đến nỗi có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang có. Vấn đề được xem xét là loại nhãn hiệu đó sẽ được sử dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ nào để tránh trùng lắp. Tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ được chia thành 42 loại. Việc kiểm tra khả năng trùng lắp dựa trên ấn tượng chung của nhãn hiệu hàng hóa và dịch vụ liên quan.
Việc đăng ký nhãn hiệu thương mại có thể được duy trì vĩnh viễn bằng một thủ tục tái đăng ký 10 năm một lần. Một nhãn hiệu thương mại không được dùng trong thời hạn 5 năm có thể bị Tòa án quyết định hủy bỏ.
Sự độc quyền về nhãn hiệu thương mại có nghĩa là không người nào khác được phép sử dụng nhãn hiệu này để tránh gây nhầm lẫn. Yếu tố tương tự cũng được xét đến giống như trong thủ tục đăng ký. Việc sử dụng nhãn hiệu thương mại tương tự sẽ là một vi phạm đưa đến quyền đòi hỏi được bồi thường hoặc bị khởi tố trước tòa án.
Madrid Protocol là hiệp định có liên quan tới đăng ký nhãn hiệu thương mại quốc tế. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 12 năm 1996 và Thụy Điển công bố sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thương mại. Hiệp định này cũng cho phép công dân và thương gia của các nước thành viên gửi đơn cho Internaltional Bureau, WIPO (Tổ chức quyền sở hữu trí tuệ thế giới) ở Geneva, thông qua văn phòng cấp nhãn hiệu thương mại quốc gia về việc đăng ký nhãn hiệu thương mại quốc tế.
Bằng sáng chế
Bằng sáng chế được lập ra để bảo vệ tính độc quyền của các sáng chế. Nói cách khác, bằng sáng chế là việc bảo vệ các phát minh sáng kiến. Chỉ có những sản phẩm và công nghệ mang tính kỹ thuật mới được xem như là những sáng chế. Để có được bằng sáng chế, các phát minh phải tuyệt đối mới, nghĩa là chúng chưa từng được trình bày ở bất cứ nơi nào trên thế giới trước đó. Phát minh còn phải có ích về phương diện kỹ thuật và phải có một mức độ sáng tạo nào đó. Thời hạn bảo hộ của một bằng sáng chế có thể kéo dài đến 20 năm. Người phát minh phải đóng lệ phí hàng năm và qua đó có thể lựa chọn để tiếp tục hoặc ngừng bảo hộ.
Ngoài Luật Bảo hộ bằng sáng chế, Thụy Điển còn có cả hệ thống bằng sáng chế quốc tế và châu Âu trên cơ sở các hiệp ước. Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế (PCT) được trên 100 nước ký kết, trong đó có Thụy Điển. Như vậy lãnh thổ Thụy Điển có thể giải quyết việc xin bảo hộ hoặc đăng ký bằng sáng chế tại bất kỳ quốc gia nào đã ký các hiệp ước này. Sự bảo vệ bằng sáng chế có nghĩa là được độc quyền nhập vào Thụy Điển, sản xuất và bán sản phẩm ở Thụy Điển. Nếu vi phạm bằng sáng chế có thể phải bồi thường hoặc bị khởi tố trước tòa.
Quyền tác giả
Quyền tác giả là sự bảo vệ việc sáng tạo. Một sản phẩm thể hiện một mức độ sáng tạo nào đó đương nhiên sẽ được bảo vệ quyền tác giả. Sản phẩm đó có thể có tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc, nghệ thuật. Thủ tục đăng ký quyền tác giả là không cần thiết, thậm chí không có thủ tục này ở Thụy Điển. Quyền tác giả bao gồm độc quyền xuất bản và tái xuất bản tác phẩm, hoặc kịch bản hoặc quyền trình bày trước công chúng. Sự xúc phạm hoặc xâm phạm tính nguyên bản và những quyền lợi cá nhân của tác giả bị ngăn cấm. Quyền tác giả có hiệu lực cho đến 50 năm sau khi tác giả qua đời.
Nhiều đoàn thể được thành lập với mục đích bảo vệ quyền lợi của các nhà xuất bản và tác giả đối với vấn đề quyền tác giả. Những đoàn thể này hỗ trợ trong việc bảo vệ đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật được xuất khẩu sang Thụy Điển.
Quyền tác giả có thể tồn tại song song với nhãn hiệu thương mại hoặc là sự mở rộng của nhãn hiệu thương mại. Ví dụ, một bức hình hoặc một đoạn văn được sử dụng trên một bao bì có thể được bảo vệ về quyền tác giả.
Thụy Điển đã ký nhiều hiệp ước đa phương về bảo vệ quyền tác giả bao gồm Hiệp ước Berne 1971 và hiệp ước Rome 1961. Luật pháp Thụy Điển cũng bảo vệ quyền xuất bản từ một số nước khác.
Kiểu dáng công nghiệp
Là nước ký hiệp định TRIPS, Thụy Điển cam kết tự bảo vệ các kiểu dáng công nghiệp. Việc bảo vệ kiểu dáng là sự bảo vệ vẻ bên ngoài và kiểu dáng của hàng hóa. Việc bảo vệ mẫu mã của hàng hóa không bao gồm việc bảo vệ chức năng của sản phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Việc bảo vệ cũng phải dựa trên việc đăng ký và thủ tục đăng ký cũng giống như thủ tục đăng ký bằng sáng chế. Kiểu mẫu phải mới mẻ hoàn toàn. Mẫu mã muốn đăng ký phải có một độ sáng tạo nhất định và không được giống mẫu mã kiểu dáng hiện có. Thời hạn hiệu lực cho một mẫu mã kiểu dáng công nghiệp đăng ký kéo dài tối đa là 15 năm và cứ mỗi năm phải lập thủ tục đăng ký lại.