Với tỷ lệ 63,33% số phiếu tán thành, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Thông tin tại buổi họp báo của Bộ Công Thương diễn ra ngay sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu chính thức phê chuẩn Hiệp định, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vui mừng khẳng định, đây là một kết quả tốt đẹp, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam và Liên minh châu Âu. Kết quả đó là nỗ lực của quá trình chia sẻ, hợp tác không ngừng nghỉ suốt 8 năm qua của hai Bên, từ lúc bắt đầu đàm phán, ký kết, hoàn thiện thủ tục pháp lý và thông qua.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, kết quả bỏ phiếu ngày hôm nay đã cho thấy sự ủng hộ cũng như quan điểm tích cực của đa số các Nghị sỹ tại Nghị viện châu Âu đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Thay mặt Bộ Công Thương cũng như Đoàn đàm phán Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong suốt 8 năm đàm phán, sự đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của doanh nghiệp và người dân… để đến hôm nay, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn với số phiếu tán thành, ủng hộ rất cao.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý, trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định trong thời gian tới.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trả lời rất nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí, truyền thông liên quan đến tác động của Hiệp định đối với bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, những cơ hội cũng như thách thức; tác động của Hiệp định đối với từng lĩnh vực cụ thể của ngành Công Thương; Việt Nam cần làm gì để đảm bảo thực thi Hiệp định; những khó khăn Đoàn đàm phán đã vượt qua để có được kết quả phê chuẩn ngày hôm nay…
Việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, việc đàm phán, ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.
Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tư do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa – chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam – từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu. Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD. Do vậy, Hiệp định sẽ giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị – an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Theo quy định của EU, Hiệp định EVFTA sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục trong nước hoặc vào một thời điểm khác do hai bên thống nhất.
Về phía Việt Nam, Chính phủ cũng đang đẩy nhanh việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong nước để hai Hiệp định này sớm được Quốc hội phê chuẩn. Song song với việc hoàn tất các thủ tục phê chuẩn, công tác chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định cũng đã được tiến hành. Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Ngoài ra, để giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu biết hơn về Hiệp định EVFTA nhằm tận dụng tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, Bộ Công Thương đã đăng tải toàn bộ văn kiện Hiệp định cũng như tóm tắt và giải thích nội dung cam kết của các lĩnh vực quan trọng trong Hiệp định trên trang web evfta.moit.gov.vn. Bên cạnh đó, trang web này cũng cập nhật thông tin về tình hình phê chuẩn Hiệp định, các thông tin cho nhà xuất khẩu sang thị trường EU, kế hoạch hành động của Chính phủ và các Bộ, ngành, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật đang được xây dựng và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới để thực thi Hiệp định.
Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó xuất khẩu đạt trên 41,54 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,90 tỷ USD. Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2019 là Hà Lan (6,88 tỷ USD), Đức (6,56 tỷ USD), Anh (5,76 tỷ USD) Pháp (3,76 tỷ USD), Italia (3,44 tỷ USD), Áo (3,27 tỷ USD), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD), Bỉ (2,55 tỷ USD), Ba Lan (1,50 tỷ USD) và Thụy Điển (1,18 tỷ USD).
Năm 2019, EU có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) từ 27/28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD) chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước.