Bao gói và nhãn mác

Các yêu cầu về bao gói, nhãn mác đối với các sản phẩm bán trên thị trường Đan Mạch dựa trên các qui định của châu Âu và qui định của Đan Mạch nhằm bảo vệ môi trường cũng như ngăn chặn mọi rủi ro đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Hàng hoá khác nhau sẽ có qui định về bao gói và nhãn mác khác nhau và còn tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng của hàng hoá đó là hàng tiêu dùng hay sản phẩm công nghiệp.

Các danh mục sản phẩm được liệt kê dưới đây phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn của EU nhằm đảm bảo người tiêu dùng có được tất cả các thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua hàng.

  • Thuỷ sản;
  • Thực phẩm;
  • Giày dép;
  • Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
  • Các sản phẩm thịt;
  • Các sản phẩm dệt;
  • Săm lốp;
  • Rượu vang.

Ngoài việc tuân thủ các qui định chung của EU, các sản phẩm tiêu dùng phải có nhãn bằng tiếng Đan Mạch, hoặc một ngôn ngữ gần giống với tiếng Đan Mạch như tiếng Na Uy hoặc tiếng Thụy Điển. Một số sản phẩm cần ghi rõ xuất xứ. Các đơn vị đo lường phải thuộc hệ mét. Nhãn mác phải miêu tả chính xác nội dung của hàng hoá bên trong.

Phần lớn các loại thực phẩm đều nằm trong hệ thống qui định chung về nhãn mác thực phẩm. Đan Mạch cũng có các qui định đặc biệt áp dụng cho một số loại thực phẩm cụ thể như các sản phẩm cá, sô cô la hay sản phẩm mứt cam. Nhãn mác chất phụ gia (riêng hay lẫn trong thực phẩm) nằm trong qui định riêng về chất phụ gia.

Các loại thực phẩm bán ở thị trường Đan Mạch phải có mã số nhận diện sản phẩm (số lô hàng hay ngày sản xuất).

Nhà xuất khẩu không được chỉ dán nhãn mác theo tiêu chuẩn của nước mình mà phải nhãn mác theo các tiêu chuẩn của Đan Mạch và dính bên cạnh hoặc đè lên để che đi phần trên nhãn mác của nơi xuất khẩu không theo qui định của Đan Mạch (ví dụ như những thông tin dinh dưỡng bằng tiếng nước ngoài). Nhãn mác phải nêu rõ thành phần của chất phụ gia. Các thành phần này phải được sắp xếp theo nhóm chức năng, theo sau là tên cụ thể của thành phần, hoặc số E (số E là số được xác định trong các qui định về chất phụ gia, và danh sách các chất phụ gia tích cực).

Trách nhiệm đảm bảo sản phẩm tuân thủ các qui định về nhãn mác là trách nhiệm của nhà nhập khẩu. Làm sai qui định về nhãn mác và bao gói có thể gây chậm trễ, thiệt hại, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.

Viện Đo lường Quốc gia Đan Mạch phụ trách các vấn đề liên quan đến kích cỡ bao gói. Liên hệ:

Danmarks Nationale Metrologiinstitut (Danish National Metrology Institute)
Kogle Alle 5, DK-2970 Horsholm
(+45) 7730 58 00
[email protected]

Cục Quản lý Thực phẩm và Thú Y thuộc Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch phụ trách các vấn đề liên quan đến bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Liên hệ:

Miljø- og Fødevareministeriet (Ministry of Environment and Food)
Fødevarestyrelsen (Danish Veterinary and Food Administration)
Stationsparken 31-33, DK-2600 Glostrup
(+45) 72 27 69 00

Nhãn sinh thái

Để phân biệt những sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường, EU còn có quy định các loại nhãn mác không bắt buộc gọi là nhãn sinh thái. Nhãn sinh thái chỉ được trao cho những nhà sản xuất có thể chứng minh được rằng sản phẩm của mình ít làm hại đến môi trường hơn là những sản phẩm cùng loại khác. Chính phủ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm không làm hại môi trường.

Các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu sang châu Âu cho rằng chương trình nhãn mác môi trường này là một rào cản thương mại không chính thức, được xây dựng không dựa trên những kết luận khoa học rõ ràng và xác thực nào cả, và là sự đối xử không công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài. Chương trình nhãn sinh thái là một chương trình tốn kém. Do vậy, chương trình này không được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nhãn sinh thái có thể là một công cụ tiếp thị rất tốt, vì nhu cầu sử dụng những sản phẩm xanh và sạch ngày càng gia tăng ở châu Âu. Trong tương lai, nhãn bông hoa xanh có thể trở thành một dấu hiệu mà người tiêu dùng tìm kiếm.

Các qui định của EU về bao gõi, nhãn mác
Chỉ thị 94/62/EC về đóng gói và chất thải bao bì
Các qui tắc tự nguyện về nhãn sinh thái cho một số sản phẩm