An toàn sản phẩm

Nhà sản xuất và phân phối sản phẩm cho thị trường EU, trong đó có Đan Mạch phải đảm bảo:

  • Cung cấp sản phẩm tuân thủ các yêu cầu an toàn chung;
  • Thông báo cho người tiêu dùng về những rủi ro mà sản phẩm có thể gây ra và bất kỳ biện pháp phòng ngừa cần thực hiện;
  • Thông báo cho các cơ quan quốc gia có liên quan nếu phát hiện ra một sản phẩm nguy hiểm và hợp tác với các cơ quan chức năng để bảo vệ người tiêu dùng.

Các quốc gia thành viên EU thực hiện giám sát thị trường và thực thi các quy tắc an toàn sản phẩm. EU có cơ chế cảnh báo nhanh RAPEX – giúp trao đổi thông tin nhanh chóng giữa các nước EU và Ủy ban châu Âu về các sản phẩm nguy hiểm.

Ngoài các qui tắc an toàn sản phẩm chung, EU còn có các qui tắc cụ thể áp dụng cho một số loại sản phẩm nhất định như hoá chất, dược phẩm và mỹ phẩm, máy móc, thiết bị, đồ chơi…

Các qui tắc chung của EU về an toàn sản phẩm
Các qui định đối với tiêu chuẩn sản phẩm hoá chất của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn dược phẩm và mỹ phẩm của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn máy móc, thiết bị và một số sản phẩm khác của EU

Tiêu chuẩn kỹ thuật

EU khuyến khích các nước thành viên áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hài hòa. Các tiêu chuẩn hài hòa được soạn thảo bởi ba cơ quan tiêu chuẩn hóa độc lập:

  • Ủy ban Tiêu chuẩn châu Âu (CEN)
  • Ủy ban Tiêu chuẩn điện tử châu Âu (CENELEC)
  • Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu (ETSI)

Hiện tại, có 27.000 tiêu chuẩn áp dụng tại Đan Mạch. Trong đó, 98% là tiêu chuẩn quốc tế, và do đó chỉ có 2% là tiêu chuẩn quốc gia của Đan Mạch.

Có một số cơ quan có trách nhiệm kiểm tra các sản phẩm kỹ thuật được lưu thông trên thị trường Đan Mạch để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn (như sản phẩm công nghiệp, thiết bị y tế, thiết bị đầu cuối vô tuyến và viễn thông, phương tiện, v.v.)

Ở Đan Mạch, các sản phẩm được kiểm tra và chứng nhận ở nước ngoài có thể vẫn bị kiểm tra và chứng nhận lại theo qui định của EU vì EU có các qui định khác đối với bảo vệ sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng cũng như môi trường. Các tiêu chuẩn của EU được xây dựng trong những năm gần đây được áp dụng tại tất cả các nước thành viên EU và các nước thuộc Khu vực kinh tế châu Âu. Hệ thống tiêu chuẩn chung của các nước thành viên EU tạo điều kiện cho các sản phẩm xâm nhập thị trường của các nước này một cách thuận lợi, lưu ý rằng các qui định và tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau có thể trở thành rào cản thương mại nếu tiêu chuẩn của nước xuất khẩu khác các tiêu chuẩn của EU.

Tổ chức cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn hàng đầu ở Đan Mạch là Tổ chức Tiêu chuẩn Đan Mạch. Là một tổ chức tư nhân, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, và được công nhận là một tổ chức tiêu chuẩn quốc gia, nhiệm vụ của tổ chức này là cung cấp dịch vụ liên quan đến tiêu chuẩn hóa, chứng nhận và truyền đạt kiến thức về tiêu chuẩn. Liên hệ:

Fonden Dansk (Tổ chức Tiêu chuẩn Đan Mạch)
Göteborg Plads 1, DK-2150 Nordhavn
(+45) 3996 6101
[email protected]

Dán nhãn CE

Một số sản phẩm khi tiêu thụ tại thị trường Đan Mạch phải được dán nhãn CE.

CE được viết tắt từ cụm từ “Conformité Européenne” có tên gọi đầy đủ và chính thức là CE Marking. Chứng nhận CE Marking cho biết sản phẩm tuân theo pháp luật của EU và cho phép sản phẩm được lưu thông tự do trong thị trường châu Âu. Thông qua việc gắn dấu CE lên sản phẩm, nhà sản xuất tuyên bố dựa trên trách nhiệm của họ rằng sản phẩm đó đáp ứng mọi yêu cầu về mặt pháp lý để có được tiêu chuẩn CE Marking.

EU đã thông qua hơn 20 chỉ thị và quy định về sản phẩm để được dán nhãn CE.

Chứng nhận CE cũng được coi như “hộ chiếu thương mại” để sản phẩm vào thị trường EU.

Nhà sản xuất có sản phẩm thỏa mãn các quy định của EU được tổ chức chứng nhận được nhà nước cho phép cấp chứng nhận tiêu chuẩn EU cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chung của EU. Khi đó nhà sản xuất có thể đóng nhãn CE cho sản phẩm của mình và công bố sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn EU. Với sản phẩm đã được dán nhãn CE và công bố của nhà sản xuất, sản phẩm có thể tự do lưu thông trong phạm vi EU. Đối với nhà sản xuất, những quy định sản phẩm mang nhãn CE nhằm làm cho các nhà sản xuất lựa chọn, quyết định những vấn đề về an toàn/sức khoẻ, lựa chọn mô hình đánh giá qui trình sản xuất nào thích hợp nhất. Trên góc độ quản lý, mục đích của việc dán nhãn CE chủ yếu là để làm đơn giản hóa quá trình kiểm tra đối với một số mặt hàng của các cơ quan kiểm soát quốc gia các nước thành viên. Mặc dù nhãn CE được dùng chủ yếu cho mục đích kiểm tra, người tiêu dùng có thể coi đây là một dấu hiệu chứng nhận chất lượng. Nhãn CE là đảm bảo của nhà sản xuất, hoặc của đại diện của nhà sản xuất ở châu Âu, là sản phẩm đó đã đạt những tiêu chuẩn theo quy định của EU. Nhãn CE không bao gồm thông tin kỹ thuật cụ thể của sản phẩm, nhưng có đủ thông tin để cơ quan kiểm soát có thể tìm đến nhà sản xuất hoặc là đại diện của nhà sản xuất ở châu Âu. Thông tin này không xuất hiện trong nhãn CE, mà được nêu trong bản công bố thỏa mãn qui trình, chứng nhận qui trình của nhà sản xuất, hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm.

25 nhóm sản phẩm yêu cầu phải dán nhãn CE theo Chỉ thị cách tiếp cận mới:

  • Thiết bị y tế cấy ghép hoạt động;
  • Thiết bị đốt nhiên liệu khí;
  • Các sản phẩm dùng để lắp đặt cáp treo được thiết kế để chở người;
  • Các sản phẩm xây dựng;
  • Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
  • Các thiết bị, hệ thống điện, điện từ tương thích;
  • Thiết bị và hệ thống bảo vệ dự định sử dụng trong môi trường có khả năng gây nổ;
  • Chất nổ dùng trong dân dụng;
  • Nồi hơi nước nóng;
  • Thiết bị y tế chẩn đoán in vitro;
  • Thang máy;
  • Các thiết bị điện hạ thế;
  • Máy móc;
  • Dụng cụ đo lường;
  • Các thiết bị y tế;
  • Các sản phẩm phát thải tiếng ồn trong môi trường;
  • Các dụng cụ cân không tự động;
  • Thiết bị bảo vệ cá nhân;
  • Thiết bị áp suất;
  • Pháo hoa;
  • Thiết bị đầu cuối đài phát thanh và viễn thông;
  • Các sản phẩm giải trí;
  • Hạn chế các chất độc hại trong các thiết bị điện và điện tử;
  • Đồ chơi;
  • Bình áp lực đơn giản.

Việc dán nhãn CE lên sản phẩm cũng được EU quy định nghiêm ngặt. Với mỗi sản phẩm khác nhau quy định về việc dán nhãn cũng sẽ khác nhau. Một số quy định chung như sau:

  • Kích thước của biểu tượng dấu “CE” khi tăng hay giảm thì tỷ lệ vẫn phải được giữ nguyên;
  • Dấu “CE” được đặt theo chiều thẳng đứng và kích thước không được nhỏ hơn 5mm;
  • Dấu “CE” phải đặt ở vị trí không bị các logo khác che khuất.

Các qui định của EU về nhãn CE

Đánh giá hợp chuẩn

Để quản lý hàng hàng hóa lưu thông trên thị trường, EU đã ban hành các quy định chung bắt buộc về an toàn, sức khỏe và môi trường cho từng nhóm sản phẩm như máy móc, đồ chơi, vật liệu xây dựng, bộ phận điện tử, thiết bị bảo vệ cá nhân, thiết bị cân nặng không tự động, thiết bị y tế, thiết bị khí, nồi hơi, thiết bị trạm truyền thanh và viễn thông… Các quy định này được công bố công khai. Mục đích ban hành các quy định chung này là thay thế các qui định khác nhau của các nước thành viên EU bằng một hệ thống qui định chung của EU nhằm đảm bảo hàng hóa có thể tự do di chuyển trong phạm vi EU.

Quy trình đánh giá sự phù hợp bao gồm giai đoạn thiết kế sản phẩm, giai đoạn sản xuất, theo nhiều cách khác nhau: kiểm soát nội bộ sản xuất, đảm bảo chất lượng đầy đủ, v.v.

Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau tồn tại giữa EU và một số quốc gia ngoài EU có mức độ phát triển kỹ thuật tương đương và có cách tiếp cận tương thích để đánh giá sự phù hợp.