Tình hình thương mại cà phê của Việt Nam năm 2022
- Kim ngạch xuất khẩu cà phê với thế giới: 4,06 tỷ USD;
- Thị phần xuất khẩu cà phê của Việt Nam trên thế giới: 6,8%;
- Tốc độ tăng trưởng luỹ kế (CAGRA) 2018 – 2022: 1%;
- Các thị trường xuất khẩu chính: Đức, Hoa Kỳ, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bỉ, Nga;
- Xuất khẩu cà phê sang EU: 1,6 tỷ USD;
- Xuất khẩu cà phê sang các nước Bắc Âu và Latvia: 10,16 triệu USD.
Cam kết về thuế quan của EU đối với cà phê Việt Nam
- 100% số dòng thuế mặt hàng này đã được xóa bỏ kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Quy tắc xuất xứ đối với cà phê trong EVFTA
- Để được hưởng các ưu đãi thuế quan theo EVFTA, cà phê phải có xuất xứ thuần túy, tức là được trồng tại Việt Nam;
- Đối với các chế phẩm từ cà phê: không tái sản xuất lại từ các sản phẩm không xuất xứ trong cùng nhóm với sản phẩm đầu ra; và trọng lượng đường sử dụng trong sản phẩm không được vượt quá 40% trọng lượng sản phẩm.
Một số cam kết khác
Cam kết về TBT/SPS
EVFTA chủ yếu bao gồm các cam kết hợp tác, minh bạch hóa, công nhận lẫn nhau, hậu kiểm trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS).
EVFTA không có cam kết nào cụ thể liên quan tới các biện pháp TBT, SPS đối với thực phẩm, đồ uống ngoại trừ các cam kết về ghi nhãn hàng hóa (áp dụng chung cho mọi loại sản phẩm, rất quan trọng với nhóm thực phẩm, đồ uống).
Vì vậy, về cơ bản:
- EU và Việt Nam sẽ tiếp tục giữ quyền chủ động trong việc ban hành và áp dụng các biện pháp TBT, SPS (ngoại trừ một số ràng buộc về quy định TBT đối với việc ghi nhãn);
- Có nhiều cơ hội hơn trong việc công nhận tương đương giữa EU và Việt Nam đối với các biện pháp SPS của mỗi bên;
- Việc ban hành và thực thi các biện pháp TBT sẽ được minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, còn một số nội dung mới tạo thuận lợi thương mại cho hai bên:
- Danh sách doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu: mỗi bên thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm kèm theo mã hàng hóa xuất khẩu để gửi cho bên kia;
- Công nhận tương đương: rút ngắn thời hạn xem xét công nhận tương đương là 3 tháng so với quy định của WTO (6 tháng) kể từ thời điểm nhận được đề nghị;
- Quy định linh hoạt đối với biện pháp SPS do EU ban hành mà Việt Nam khó đáp ứng: Việt Nam được chọn 1 trong 3 giải pháp sau nếu gặp khó khăn trong việc đáp ứng một biện pháp SPS của EU: (i) EU dành cho Việt Nam một khoảng thời gian chuyển đổi để tuân thủ biện pháp SPS này; (ii) Việt Nam đề xuất một biện pháp SPS tương đương và đề nghị EU xem xét công nhận; và (iii) EU dành hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam dần đáp ứng được biện pháp SPS này.
Cam kết về chỉ dẫn địa lý
EU công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột.
Dự kiến tác động đối với ngành cà phê Việt Nam
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch nhập khẩu từ các nước ngoại khối khoảng 10 tỷ USD/năm.
Thực tế, hiện xuất khẩu cà phê Việt Nam sang EU chiếm trên 8,5% tổng nhập khẩu của EU và chiếm gần 40% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực, EU đã xóa bỏ mức thuế 7,5-9% ngay lập tức cho cà phê nhân (rang, rang xay) và trong vòng 3 năm cho một số chế phẩm từ hạt cà phê bao gồm cà phê hòa tan, tinh chất chứa cà phê.
Sau khi EVFTA có hiệu lực, cà phê Robusta của Việt Nam có tiềm năng và lợi thế rất lớn tại thị trường EU, đặc biệt là các sản phẩm chế biến.
Cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Bắc Âu
Theo số liệu thống kê của ITC, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang các nước Bắc Âu và Latvia cà phê là 10,1 triệu USD – chiếm khoảng 0,32% tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đi thế giới.
Nhập khẩu cà phê của Bắc Âu và Latvia tăng tương đối ổn định qua các năm từ 855 triệu USD năm 2018 lên 1,34 tỷ USD năm 2022.
Trong năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào Bắc Âu và Latvia chiếm khoảng 0,75% tổng nhập khẩu cà phê của khu vực này. Loại cà phê được nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam là cà phê chưa khử chất caffeine (không bao gồm cà phê rang xay).
Về đối thủ cạnh tranh, Bắc Âu và Latvia chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Brazil, Đức, Colombia, Peru, Kenya và Honduras.
Người dân Bắc Âu uống cà phê nhiều nhất thế giới. Phần Lan đứng đầu về tỷ lệ tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới, khoảng 12kg/người/năm. Đứng thứ hai về tiêu thụ là Na Uy khoảng 9,9kg/người/năm. Đan Mạch và Thuỵ Điển xếp thứ tư và thứ sáu trong bảng xếp hạng với mức tiêu thụ bình quân đầu người lần lượt khoảng 8,7kg/người/năm và 8,2kg/người/năm.
Tuy nhiên, các nước Bắc Âu chủ yếu nhập khẩu hạt cà phê Arabica do có xu hướng đến cà phê chất lượng cao và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ cà phê Robusta dùng trong chế biến. Trong khi đó, Việt Nam lại chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta, chiếm khoảng 95% lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của. Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC, cà phê vẫn là mặt hàng tiềm năng của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu.
Cụ thể, Thuỵ Điển nhập khẩu 661,9 triệu USD cà phê năm 2022, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 6,8 triệu USD. Thuế các mặt hàng cà phê được giảm về 0%. Đan Mạch nhập khẩu 305,1 triệu USD cà phê năm 2022 nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ khoảng 2,5 triệu USD.
Tương tự Na Uy vẫn còn nhiều dư địa chưa được khai thác. Mặc dù Na Uy và Iceland không là thành viên của EU, nhưng là thành viên của EEA. Do vậy, khai thác được thị trường Thuỵ Điển, Đan Mạch đồng nghĩa với việc khai thác được cả khu vực do Na Uy và Iceland nhập khẩu từ các nước thành viên EU cũng được hưởng thuế 0%.
Ngoài ra, theo EVFTA, 39 sản phẩm của Việt Nam được EU công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có cà phê Buôn Mê Thuột. Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản tại khu vực này.