Tình hình thương mại gạo của Việt Nam năm 2022

  • Kim ngạch xuất khẩu gạo với thế giới: 3,45 tỷ USD;
  • Thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam trên thế giới: 10,8%, đứng thứ ba trên thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan;
  • Tốc độ tăng trưởng luỹ kế (CAGRA) 2018 – 2022: 8%;
  • Các thị trường xuất khẩu chính: Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hồng Kông;
  • Xuất khẩu gạo sang EU: 65 triệu USD.

Cam kết về thuế quan và hạn ngạch thuế quan của EU đối với gạo và các sản phẩm từ gạo Việt Nam

Gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU sẽ thông qua cơ chế hạn ngạch thuế quan, trong đó, lượng nhập khẩu trong hạn ngạch được hưởng mức thuế 0%.

  • EU dành riêng cho Việt Nam tổng hạn ngạch 80.000 tấn, với thuế trong hạn ngạch là 0%;
  • Xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm;
  • Sản phẩm từ gạo: xóa bỏ thuế trong 3-5 năm.

Hạn ngạch thuế quan đối với gạo

Mặt hàng

Mã HS

(Biểu thuế của EU)

Lượng HNTQ

Gạo đã xát 1006.10.21; 1006.10.23

1006.10.25; 1006.10.27

1006.10.92; 1006.10.94

1006.10.96; 1006.10.98

1006.20.11; 1006.20.13

1006.20.15; 1006.20.17

1006.20.92; 1006.20.94

1006.20.96; 1006.20.98

20.000 tấn
Gạo đã xay 1006.30.21; 1006.30.23

1006.30.25; 1006.30.27

1006.30.42; 1006.30.44

1006.30.46; 1006.30.48

1006.30.61; 1006.30.63

1006.30.65; 1006.30.98

1006.30.67; 1006.30.92

1006.30.94; 1006.30.96

30.000 tấn
Gạo đã xay (gạo thơm) 1006.10.21; 1006.10.23

1006.10.25; 1006.10.27

1006.10.92; 1006.10.94

1006.10.96; 1006.10.98

1006.20.11; 1006.20.13

1006.20.15; 1006.20.17

1006.20.92; 1006.20.94

1006.20.96; 1006.20.98

1006.30.21; 1006.30.23

1006.30.25; 1006.30.27

1006.30.42; 1006.30.44

1006.30.46; 1006.30.48

1006.30.61; 1006.30.63

1006.30.65; 1006.30.67

1006.30.92; 1006.30.94

1006.30.96; 1006.30.98

30.000 tấn

Gạo thơm phải thuộc một trong số các loại sau:

  • Hoa nhài 85
  • ST 5, ST 20
  • Nàng Hoa 9
  • VD 20
  • RVT
  • OM 4900
  • OM 5451
  • Tài Nguyên Chợ Đào

Các lô hàng gạo đáp ứng quy định hạn ngạch này cần đi kèm giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các loại gạo được nêu trên.

Qui tắc xuất xứ đối với gạo và các sản phẩm gạo trong EVFTA

  • Để được hưởng các ưu đãi thuế quan theo EVFTA gạo phải có xuất xứ thuần túy;
  • Nguyên liệu là gạo dùng trong sản xuất thực phẩm phải có xuất xứ thuần túy;
  • Các chế phẩm từ gạo: không tái sản xuất lại từ các sản phẩm không xuất xứ trong cùng nhóm với sản phẩm đầu ra, và tổng trọng lượng nguyên liệu gạo ≤ 20% trọng lượng sản phẩm.

 Một số cam kết khác

Cam kết về TBT/SPS

EVFTA chủ yếu bao gồm các cam kết hợp tác, minh bạch hóa, công nhận lẫn nhau, hậu kiểm trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS).

Vì vậy, về cơ bản, EU và Việt Nam sẽ tiếp tục giữ quyền chủ động trong việc ban hành và áp dụng các biện pháp TBT, SPS (ngoại trừ một số ràng buộc về quy định TBT đối với việc ghi nhãn).

Ngoài ra, còn một số nội dung mới tạo thuận lợi thương mại cho hai bên:

  • Danh sách doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu: mỗi bên thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm kèm theo mã hàng hóa xuất khẩu để gửi cho bên kia;
  • Công nhận tương đương: rút ngắn thời hạn xem xét công nhận tương đương là 3 tháng so với quy định của WTO (6 tháng) kể từ thời điểm nhận được đề nghị;
  • Quy định linh hoạt đối với biện pháp SPS do EU ban hành mà Việt Nam khó đáp ứng: Việt Nam được chọn 1 trong 3 giải pháp sau nếu gặp khó khăn trong việc đáp ứng một biện pháp SPS của EU: (i) EU dành cho Việt Nam một khoảng thời gian chuyển đổi để tuân thủ biện pháp SPS này; (ii) Việt Nam đề xuất một biện pháp SPS tương đương và đề nghị EU xem xét công nhận; và (iii) EU dành hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam dần đáp ứng được biện pháp SPS này.

Cam kết về chỉ dẫn địa lý

EU công nhận và bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, trong đó có một số sản phẩm gạo như sau:

  • Gạo Hồng Dân
  • Gạo Điện Biên
  • Gạo Hải Hậu
  • Gạo Bảy Núi

Dự kiến tác động đối với ngành gạo của Việt Nam

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gạo là mặt hàng được hưởng lợi nhiều từ EVFTA. Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU được tính toán sẽ tăng thêm 65% vào năm 2025.

Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, nhờ đó mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo vào thị trường này.

EVFTA có hiệu lực không làm kim ngạch xuất khẩu gạo tăng đột biến ngay, nhưng sẽ là cơ hội để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Việc đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của EU sẽ giúp tăng thương hiệu gạo của Việt Nam trên thế giới.

Cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Bắc Âu

Theo số liệu thống kê của ITC, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang các nước Bắc Âu và Latvia gạo là 10,21 triệu USD – chiếm khoảng 0,4% tổng xuất khẩu gạo Việt Nam đi thế giới.

Nhập khẩu gạo của Bắc Âu và Latvia không phải quá lớn nhưng cũng tăng tương đối ổn định từ 162 triệu USD năm 2018 lên 200,3 triệu USD năm 2022. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân hàng năm đạt 5,9%. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu đến từ Thuỵ Điển và Na Uy, các nước khác nhập khẩu không đáng kể.

Trong năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Bắc Âu và Latvia chiếm khoảng 5,1% tổng nhập khẩu gạo của khu vực này. Loại gạo chủ yếu được nhập là gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ, đã hoặc chưa đánh bóng hoặc đồ. Đây là mặt hàng gạo mà Việt Nam được hưởng hạn ngạch thuế quan của EU.

Về đối thủ cạnh tranh, nếu không tính nội khối, Bắc Âu và Latvia chủ yếu nhập khẩu gạo từ Thái Lan và Pakistan với trị giá và thị phần năm 2022 lần lượt là 28,1 triệu USD – 14,1% và 25,8 triệu USD – 12,9%. Ấn Độ và Campuchia cũng là các đối thủ cạnh tranh lớn với trị giá xuất khẩu và thị phần năm 2022 lần lượt là 11,9 triệu USD – 6% và 8,8 triệu USD – 4,4%. Hiện nay, Campuchia đã không còn bị EU áp thuế tự vệ nữa, hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào EU nói chung và Bắc Âu nói riêng. Đây sẽ là thách thức và là đối thủ cạnh tranh lớn đối với gạo Việt Nam trên thị trường này.

Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Bắc Âu và Latvia từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể từ 2,4 triệu USD năm 2017 lên 5,9 triệu USD năm 2020 và 10,21 triệu USD năm 2022.

Ngoài ra, gạo Japonica ngày càng được nhập khẩu nhiều vào các nước Bắc Âu. Nếu gạo sushi Nhật Bản được dùng trong các nhà hàng cao cấp thì các loại gạo Japonica nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Ý và Việt Nam được dùng cho các nhà hàng ăn nhanh, phục vụ ăn trưa giá rẻ. Giá gạo Việt Nam rẻ và được hưởng lợi từ thuế và xu hướng đa dạng hoá nguồn cung tại Bắc Âu nên sẽ hấp dẫn các nhà nhập khẩu trong thời gian tới.