Tình hình thương mại giày dép của Việt Nam năm 2022

  • Kim ngạch xuất khẩu giày dép với thế giới: 16,76 tỷ USD;
  • Thị phần xuất khẩu giày dép của Việt Nam trên thế giới: 17,9%, đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc;
  • Tốc độ tăng trưởng luỹ kế (CAGRA) 2018 – 2022: 8%;
  • Sản phẩm xuất khẩu chính: Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp mà mũ giày bằng vật liệu dệt hoặc bằng da thuộc;
  • Các thị trường xuất khẩu chính: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh;
  • Xuất khẩu giày dép sang EU: 5,91 tỷ USD;
  • Xuất khẩu giày dép sang các nước Bắc Âu và Latvia: 418,9 triệu USD.

Cam kết EVFTA về thuế quan đối với giày dép

Trong EVFTA, EU cam kết dành ưu đãi thuế nhập khẩu cho hàng giày dép Việt Nam như sau:

  • Loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép (các loại giày chống thấm cao su/nhựa, dép lê và dép đi trong nhà, nguyên phụ liệu ngành giày dép…). Các dòng thuế này đang có mức thuế suất cơ sở từ 3,5-17%;
  • Số còn lại, thuế suất cơ sở từ 5-17%, sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 đến 7 năm (phần lớn các loại giày dép mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu thuộc nhóm này).

Liên quan tới thuế xuất khẩu, Việt Nam có cam kết trong EVFTA loại bỏ thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu da (bao gồm cả da sống và da thuộc) trong vòng 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, thuế xuất khẩu đối với nhóm hàng này sẽ được cắt giảm dần về 0% từ mức thuế cơ sở hiện nay (1-10% tùy từng mã hàng).

Cam kết EVFTA về quy tắc xuất xứ đối với hàng giày dép

Đối với sản phẩm giày dép, quy tắc xuất xứ áp dụng đối với trường hợp có một phần nguyên liệu không xuất xứ (hầu như tất cả giày dép xuất khẩu của Việt Nam đều là trường hợp này) như sau:

  • Đối với tất cả các sản phẩm thuộc Chương 64, trừ sản phẩm mã 6406: được sản xuất từ tất cả các loại nguyên liệu ở bất kỳ mã HS nào, ngoại trừ việc lắp ráp mũ với đế thuộc mã 6406;
  • Đối với sản phẩm thuộc mã 6406 (các bộ phận của giày, dép): được sản xuất từ tất cả các loại nguyên liệu ở bất kỳ mã HS nào trừ chính mã HS của sản phẩm đó.

Khác với dệt may yêu cầu quy tắc xuất xứ từ vải trở đi, với da giày, vấn đề xuất xứ lại không quá khó khăn. Bởi ngành da giày Việt Nam từ trước đến nay vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi GSP do phía EU dành cho các nước đang phát triển. Do đó, doanh nghiệp da giày đã phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ này từ trước khi đàm phán EVFTA. Nên quy tắc xuất xứ này gần như không thay đổi, đây là thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp da giày hiện nay.

Cam kết về hàng rào kỹ thuật (TBT) đối với sản phẩm giày dép trong EVFTA

EVFTA chủ yếu bao gồm các cam kết chung hợp tác, minh bạch hóa trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật (TBT); không có cam kết nào cụ thể liên quan tới các biện pháp TBT có thể ảnh hưởng tới giày dép ngoại trừ:

  • Các cam kết về ghi nhãn hàng hóa;
  • Hợp tác trong việc công nhận các quy trình đánh giá sự phù hợp của mỗi Bên;
  • Hậu kiểm;
  • Đối với Việt Nam: cam kết chấp nhận xuất xứ hàng hóa ghi chung “Made in EU” hoặc ghi rõ xuất xứ từng nước trong EU đối với hàng hóa công nghiệp (trong đó có giày dép).

Như vậy, về cơ bản, khi EVFTA có hiệu lực, EU và Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục chủ động trong việc áp dụng các biện pháp TBT đối với hàng nhập khẩu như hiện tại. Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn sẽ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của bên nhập khẩu như trước đây.

Các quy định kỹ thuật chủ yếu đối với giày dép của EU

  • Quy định EC/1907/2006 (REACH) về đăng ký, thông báo, đánh giá và cấp phép hóa chất, liên quan đến sản phẩm dệt may, da giày và phụ kiện;
  • Chỉ thị về gắn nhãn cho hàng da giày (94/11/EC);
  • Quy định EC/1007/2011 về tên xơ dệt và nhãn thành phần xơ dệt;
  • Chỉ thị 94/62/EC về bao bì và chất thải từ bao bì, trong đó qui định nồng độ tối đa kim loại năng thải ra;
  • Chỉ thị về thiết kế thiết bị bảo hộ (89/686/EEC).

Dự kiến tác động của các cam kết thuế quan đối với ngành giày dép Việt Nam

Về xuất khẩu

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với ngành da giầy, Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.

Theo Hiệp định, nhóm sản phẩm giày dép được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam ít gia công hoặc xuất khẩu vào EU. Do đó, Việt Nam ít được hưởng lợi từ nhóm cam kết này.

Nhóm sản phẩm EU cam kết loại bỏ thuế theo lộ trình từ 3-7 năm bao gồm phần lớn các sản phẩm giày dép mà Việt Nam đang xuất khẩu sang EU:

  • Hiện tại, nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 3-4% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP;
  • Sau khi EVFTA có hiệu lực, các mức thuế nhập khẩu đối với giày dép sẽ giảm dần đều xuống 0% tính từ mức MFN (khoảng 12,4%) theo lộ trình 3-7 năm.

Như vậy, trong một vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giày dép không được hưởng lợi từ EVFTA ngay. Tuy nhiên về lâu dài, ngành giày dép sẽ được hưởng lợi do:

  • Các ưu đãi thuế quan theo EVFTA là ổn định (trong khi GSP thì biến động tùy vào quyết định mỗi năm của EU), không phụ thuộc vào tỷ trọng trong tổng nhập khẩu vào EU, và giảm dần xuống 0%;
  • Phần lớn các nước xuất khẩu giày dép vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU.

Về nhập khẩu

Việt Nam ít nhập khẩu các sản phẩm giày dép từ EU (trừ một số dòng sản phẩm cao cấp), vì vậy cơ bản các cam kết loại bỏ thuế đối với sản phẩm này sẽ ít có tác động tới cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam nhập khẩu được công nghệ giày dép tốt từ các nước có nền sản xuất giày dép phát triển như Đức, Italia. Đồng thời, nhập khẩu được nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm giày dép ở phân khúc trung và cao cấp.

Cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Bắc Âu và Latvia

Theo số liệu thống kê của ITC, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang các nước Bắc Âu và Latvia là 418,9 triệu USD, chỉ chiếm khoảng 1,2% trong tổng xuất khẩu giày dép của Việt Nam đi thế giới.

Hàng năm, Bắc Âu và Latvia nhập khẩu lượng lớn giày dép và tăng liên tục qua các năm. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhập khẩu giày dép tại khu vực này giảm xuống còn 2,84 tỷ USD. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế tăng trưởng trở lại, nhập khẩu giày dép của Bắc Âu và Latvia tăng mạnh, đạt 3,29 tỷ USD vào năm 2021, tăng 15,6% so với năm 2020 và đạt 3,70 tỷ USD năm 2022, tăng 12,2% so với năm 2021. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giày dép trung bình hàng năm của Bắc Âu và Latvia khoảng 5,5% mỗi năm. Trong năm 2022, xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào Bắc Âu và Latvia chiếm khoảng 11,3% tổng nhập khẩu các sản phẩm giày dép của khu vực này. Mặc dù con số này không phải là quá nhỏ, tuy nhiên, so với tổng nhập khẩu giày dép của Bắc Âu và Latvia thì vẫn còn nhiều tiềm năng cho hàng giày dép Việt Nam.

Năm 2022, các nước Bắc Âu và Latvia chủ yếu nhập khẩu các nhóm sản phẩm: Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc với trị giá nhập khẩu và thị phần nhập khẩu đạt 1,46 tỷ USD và 39,5%; tiếp theo là nhóm hàng Giày, dép có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng vật liệu dệt với số liệu tương ứng là 1,32 tỷ USD và 35,7%. Đây cũng chính là hai nhóm hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất đi thế giới.

Về đối thủ cạnh tranh, nếu không tính nhập khẩu nội khối, trong số các quốc gia ở châu Á, trong năm 2022, Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu trong danh sách các quốc gia xuất khẩu giày dép vào Bắc Âu và Latvia với trị giá xuất khẩu năm 2022 là 732,6 triệu USD – chiếm 19,7% thị phần. Việt Nam hiện đứng thứ 2. Ngoài ra, đối thủ cạnh tranh còn có Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ và Myanmar.

Trước khi có Hiệp định EVFTA, hàng giày dép Việt Nam xuất khẩu vào thị trường khu vực này và duy trì ở mức ổn định khoảng trên 250 triệu USD và đứng thứ 2 sau Trung Quốc – trong số các quốc gia châu Á, và thị phần vào khoảng 8,8%. Tuy nhiên, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã có mức tăng trưởng hơn so với các năm trước đó. Dự kiến trong vài năm nữa, khi các mặt hàng xuất khẩu giày dép chủ lực của Việt Nam – cũng là mặt hàng nhập khẩu chủ lực của Bắc Âu và Latvia được giảm thuế về 0% theo lộ trình, hàng hoá Việt Nam hoàn toàn cạnh tranh được về giá so với hàng hoá Trung Quốc và sẽ có cơ hội mở rộng thị phần tại đây.