Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Đại sứ quán chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm Quốc khánh phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của chính quyền nước sở tại, đảm bảo giãn cách hợp lý nhưng vẫn thể hiện được sự trọng thị và trang nghiêm của sự kiện trọng đại này.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg cùng phu nhân, Đại sứ Lào tại Thụy Điển, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam, Lào, Campuchia của Thụy Điển Eva Lindskog và bà con cộng đồng đại diện cho các hội đoàn người Việt Nam tại thành phố Stockholm và phụ cận.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đại sứ Phan Đăng Đương đã khẳng định ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc Cách mạng tháng Tám xoá bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, chế độ phong kiến, giành lại quyền làm chủ đất nước về tay nhân dân.
Đại sứ cũng nhấn mạnh ý nghĩa trọng đại của ngày 2/9 cách đây 75 năm, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là dấu mốc vĩ đại mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên của độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.
Điểm lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, Đại sứ Phan Đăng Đương nêu bật những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong 75 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Sau 34 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn và có ý nghĩa lịch sử, trở thành một quốc gia năng động, giàu tiềm năng phát triển và là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.
Theo Đại sứ, năm 2020 là năm có nhiều sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với Việt Nam, năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta vào đầu năm 2021. Trong bối cảnh vô cùng khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò kép vừa là Chủ tịch ASEAN 2020, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 trong 8 tháng đầy ắp sự kiện vừa qua, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc Việt Nam thông qua Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA) đã đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, khẳng định khát vọng của Việt Nam về tự do giao thương, hòa bình, hợp tác, phát triển.
“Chúng ta tự hào về những thành tựu to lớn đó, đúng như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, Đại sứ Phan Đăng Đương nhấn mạnh.
Đại sứ Phan Đăng Đương khẳng định, với chủ trương cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này được minh chứng rõ nét qua những nỗ lực của Chính phủ đón hàng chục ngàn công dân ta bị mắc kẹt tại nhiều nước trên thế giới do đại dịch Covid-19, thể hiện tinh thần nhân đạo, đầy trách nhiệm vốn là truyền thống đạo lý, là chính sách đại đoàn kết dân tộc, không để một ai bị bỏ lại trong đại dịch Covid-19.
Tại địa bàn Thụy Điển, bên cạnh một số hội đoàn (Hội người Việt tại Stokholm, Hội người Việt tại Östergötland, Hội Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển), với sự nỗ lực, chung tay của toàn thể bà con kiều bào, Hội doanh nhân, Hội trí thức người Việt tại Thụy Điển sẽ ra đời trong thời gian sắp tới sẽ giúp bà con tăng cường đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Thụy Điển.
Tại Lễ kỷ niệm, Đại sứ Phan Đăng Đương cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, trong đó có Thụy Điển đã ủng hộ cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của dân tộc ta. Đại sứ khẳng định, Việt Nam và Thụy Điển có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống lâu đời, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ quý báu về vật chất và tinh thần của Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập thống nhất trước đây và trong giai đoạn phát triển đất nước ngày nay.
Các hoạt động kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt chuyến thăm chính thức Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree (5/2019) đã tạo ra xung lực mới thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ…
Phát biểu chúc mừng 75 năm Quốc khánh Việt Nam, bà Hường Mimmi Bergström, thay mặt Hội người Việt Nam tại Stockholm bày tỏ tình cảm của bà con tại Stockholm nói riêng và Thụy Điển nói chung luôn hướng về với quê hương đất nước trong ngày lễ lớn của dân tộc, mong muốn có nhiều cơ hội được góp sức xây dựng quê hương, đất nước.
Bà Hường nhấn mạnh, sự quan tâm của Đại sứ quán đối với bà con kiều bào tại Thụy Điển trong thời gian qua đã giúp bà con nắm bắt được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với bà con kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tổ chức các chuyến bay đón hàng chục ngàn bà con về nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua.