Chính sách thuế
Thuế nhập khẩu
Phần Lan áp dụng hệ thống thương mại hài hòa thuế quan chung của Liên minh châu Âu (EU). Các quy định về xuất nhập khẩu tuân theo các quy định của EU. Mức thuế suất chung được áp dụng cho những hàng hóa nhập khẩu qua biên giới của EU.
Cộng đồng châu Âu đã thiết lập hệ thống Thông tin thuế quan bắt buộc như một công cụ cung cấp thông tin về thuế suất áp dụng cho các mặt hàng xuất nhập khẩu.
Trong thị trường nội bộ EU, các nước thành viên EU không phải chịu thuế hải quan khi bán hàng của mình ở các nước thành viên EU khác. Nhập khẩu hàng từ một nước ngoài EU vào EU có thể phải chịu thuế hải quan, và trong một số trường hợp phải theo hạn ngạch, mặc dù mức thuế này thường ở mức khiêm tốn. Tuy nhiên, đã có những hiệp định về tự do thương mại cũng như những ưu đãi tự định mà EU dành cho các nước không thuộc EU. Mức thuế áp dụng được tính bằng phần trăm của giá trị tính thuế của hàng hóa.
Thuế đặc biệt đối với hàng nông nghiệp được tính theo số lượng hay trọng lượng hàng, hay bằng cách tính gộp cả phần trăm giá trị hàng và trọng lượng hàng. Khi hàng xuất xứ từ các nước ngoài EU đã vào khu vực EU và thủ tục hải quan đã hoàn tất, sản phẩm được phép lưu hành tự do trong toàn khu vực thị trường chung EU.
Chế độ Ưu đãi Phổ cập (GSP) là một trong những cơ chế ưu đãi. Theo chế độ này, sản phẩm nhập vào các nước EU từ các nước đang phát triển được giảm thuế. Hàng hóa theo chế độ GSP được chia làm hai loại: nhạy cảm và không nhạy cảm. Hàng công nghiệp, trừ hàng dệt may, chủ yếu thuộc loại không nhạy cảm, và không phải chịu thuế. Trong khi đó, phần lớn sản phẩm nông nghiệp thuộc loại nhạy cảm và chỉ được giảm thuế tới mức nhất định. Ngoài ra, những nước được hưởng ưu đãi khuyến khích đặc biệt vì có phát triển bền vững và quản trị tốt (GSP+) được miễn thuế cho tất cả các loại sản phẩm, kể cả loại hàng nhạy cảm. Những điều kiện tốt nhất được dành cho những nước kém phát triển nhất (LDCs), ví dụ như không phải chịu thuế và hạn ngạch đối với tất cả các loại hàng hóa trừ vũ khí, theo hiệp định “Mọi hàng hoá trừ vũ khí”. Ngoài ra, EU còn dành ưu đãi tự định cho các nước và vùng lãnh thổ ở hải ngoại (OCTs). Ngoài ra, phải kể đến những chế độ ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Tự do Thương mại (FTAs).
Để được đối xử ưu đãi, hàng nhập khẩu vào Phần Lan phải có nguồn gốc từ một nước thuộc hiệp định tự do thương mại hay một nước được hưởng chế độ ưu đãi. Một sản phẩm được xem là xuất xứ từ một nước có quyền hưởng lợi khi sản phẩm có toàn bộ thành phần hay chế biến phần lớn tại nước đó. Khi sản phẩm có chứa những thành phần, hay được chế biến một phần ở nước khác, thì lúc đó quy tắc về xuất xứ sẽ quyết định nguồn gốc của sản phẩm. Những nước thuộc các nhóm nước nhất định: ASEAN (Đông Nam Á), SAARC (Nam Á) và Cộng đồng Andean (Nam Mỹ) có quyền sử dụng nguyên liệu từ các nước trong khối của họ mà không bị mất quyền xuất xứ hàng hóa.
Làm thế nào để hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn:
- Sản phẩm phải có xuất xứ từ một nước đang phát triển được hưởng lợi từ một trong những cơ chế ưu đãi của EU (GSP, GSP+, EBA, EPA, hay FTAs);
- Sản phẩm phải nằm trong phạm vi của những cơ chế ưu đãi có liên quan;
- Sản phẩm phải thỏa mãn tiêu chí về xuất xứ hàng hóa và có đủ tài liệu chứng minh. Chứng nhận xuất xứ hàng hóa cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu phải được dùng: Mẫu A (GSP) hay Chứng chỉ EUR.1 (EPAs và OCTs);
- Hàng phải được vận chuyển thẳng từ nước xuất xứ tới Phần Lan (hoặc qua một nước EU khác, hay Thụy Sĩ);
- Nhà nhập khẩu phải xin giảm thuế khi làm thủ tục thông quan.
Tra cứu thuế nhập khẩu
Tra cứu các qui định thị trường đối với mặt hàng cụ thể
Thuế VAT
Thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu vào Phần Lan thông thường là 24%. Một số mặt hàng được miễn hoặc chịu mức thuế VAT thấp hơn.
Một số mặt hàng được miễn thuế VAT như khí đốt tự nhiên, nhu yếu phẩm cơ bản được nhập khẩu bởi các tổ chức nhà nước hoặc các tổ chức từ thiện, cúp và huy chương trong các lĩnh vực như nghệ thuật và thể thao, quà tặng cho nguyên thủ quốc gia, hàng hoá tham gia hội chợ thương mại.
Một số hàng hoá chịu mức thuế VAT thấp hơn mức thông thường, như:
- Thực phẩm và thức ăn chăn nuôi: 14%. Khai báo mức thuế suất thấp hơn bằng cách sử dụng mã bổ sung quốc gia Q227 trong tờ khai hải quan theo mẫu Văn bản hành chính đơn (SAD) (ô 33 trong tờ khai SAD, sau mã hàng hóa). Thuế suất này không áp dụng cho động vật sống, nước máy, đồ uống có cồn;
- Dược phẩm: 10%. Khai báo mức thuế suất thấp hơn bằng cách sử dụng mã bổ sung quốc gia Q085 trong tờ khai hải quan (ô 33 trong tờ khai SAD, sau mã hàng hóa);
- Sách, báo, tạp chí định kỳ: 10%;
- Tác phẩm nghệ thuật: 10%. Mã HS của các mặt hàng này là CN 9701, 9702 00 00, 9703 00 00, 5805 00 00, 6304 00 00.
Qui định về thuế VAT
Qui định về hàng hoá được miễn thuế VAT
Thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm mục đích thúc đẩy các mục tiêu chính sách xã hội, y tế, môi trường và năng lượng. Thuế tiêu thụ đặc biệt được đánh vào một số sản phẩm được sản xuất tại Phần Lan và sản phẩm nhập khẩu.
Có hai nhóm hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở Phần Lan. Một nhóm theo các qui định của EU và một nhóm theo qui định riêng của Phần Lan.
Qui định về mặt hàng và mức thuế tiêu thụ đặc biệt
Các qui định về nhập khẩu
Thủ tục hải quan
Tất cả các hàng hoá nhập khẩu vào Phần Lan đều phải làm các thủ tục hải quan.
Tờ khai hải quan phải do người nhập khẩu hoặc người được uỷ quyền nộp cho cơ quan hải quan. Tuy nhiên, người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo hải quan là chính xác.
Có 3 hình thức nộp tờ khai hải quan:
- Gửi tờ khai qua tin nhắn: để gửi tờ khai tin nhắn, cần có sự cho phép của Hải quan. Trong khai báo tin nhắn, khách hàng doanh nghiệp gửi trực tiếp tờ khai hải quan từ hệ thống của mình đến hệ thống của Hải quan;
- Nộp tờ khai hải quan trực tuyến thông qua Dịch vụ khai báo nhập khẩu: để sử dụng dịch vụ này, doanh nghiệp phải có số ID Katso Cơ quan Quản lý thuế cấp;
- Nộp tờ khai trực tiếp: hoàn thành mẫu SAD vào nộp cho cơ quan Hải quan.
Các chứng từ cơ bản cần có khi khai hải quan, bao gồm:
- Tờ khai hải quan và tờ khai về trị giá tính thuế (kèm theo giấy phép nhập khẩu và hóa đơn thương mại) được yêu cầu bởi nhà nhập khẩu khi hàng đến cảng của Phần Lan;
- Hóa đơn chiếu lệ: có thể được yêu cầu bởi nhà nhập khẩu để lấy giấy phép nhập khẩu. Thông tin trên hóa đơn phải nhất quán với những thông tin trên hóa đơn thương mại;
- Hóa đơn thương mại: không có qui định về mẫu hóa đơn, tuy nhiên trên hóa đơn phải có đủ các thông tin bao gồm: tên và địa chỉ của người bán và người mua; ngày lập hóa đơn và thực hiện việc mua bán; số, loại, trọng lượng, ký mã hiệu và số thứ tự của hàng hóa; tên thương mại và số lượng hàng; cột giá hàng và phần chiết khấu; điều khoản giao hàng và thanh toán; nước nơi hàng được mua hoặc nước xuất xứ (nếu hóa đơn kê nhiều loại hàng từ những nước khác nhau, nước xuất xứ của từng mặt hàng phải được nêu riêng); bưu phí hoặc chi phí vận chuyển; chi phí đóng gói, bảo hiểm và chi phí giao nhận. Nếu có quá nhiều chi tiết cần thiết liên quan đến lô hàng thì nên có kèm theo phiếu đóng gói riêng;
- Giấy chứng nhận xuất xứ: được yêu cầu đối với một số mặt hàng cụ thể. Người xuất khẩu cần kiểm tra kỹ với người nhập khẩu về các chi tiết cần thiết;
- Vận đơn: vận đơn theo lệnh có thể được chấp nhận. Cần có bản gốc và bản copy vận đơn;
- Phiếu đóng gói: nếu trên hóa đơn không đủ để ghi các chi tiết về bao kiện hàng hóa thì nên cung cấp phiếu đóng gói riêng cho lô hàng;
- Giấy chứng nhận vệ sinh: đối với hàng hoá có nguồn gốc động vật, thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;
- Đối với các mặt hàng trong diện hạn chế nhập khẩu cần có giấy phép do các cơ quan chức năng của Phần Lan cấp.
Đăng ký dịch vụ gửi tờ khai hải quan qua tin nhắn
Nộp tờ khai hải quan trực tuyến
Tờ khai SAD
Cấm nhập khẩu
- Các sản phẩm qui định trong Công ước CITES;
- Hóa chất PCB và PCT sử dụng trong máy biến thế, biến áp và bình ngưng có khả năng tạo ra các chất thải công nghiệp;
- Thịt cá voi.
Ngoài ra, Phần Lan tuân thủ các lệnh cấm xuất nhập khẩu và các biện pháp trừng phạt do Liên Hợp Quốc và EU quyết định. Các mặt hàng và các nước bị cấm nhập khẩu được cập nhật tại website của Bộ Ngoại giao Phần Lan
Hạn chế nhập khẩu
Việc hạn chế nhập khẩu theo qui định của EU hoặc qui định của Phần Lan.
Hạn ngạch nhập khẩu hàng hóa vào Phần Lan được áp dụng chung theo qui định của EU. Khả năng được cấp hạn ngạch tùy thuộc vào việc nhà nhập khẩu là nhà cung cấp đã hiện diện trên thị trường hay là nhà nhập khẩu mới.
Ở Phần Lan, Hải quan là cơ quan giám sát các vấn đề liên quan đến hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm đưa ra các qui định cũng như cấp phép đối với các mặt hàng này. Liên hệ:
Tulli (Hải quan Phần Lan): chịu trách nhiệm quản lý các mặt hàng sắt, thép và nhôm.
Opastinsilta 12, 00520 Helsinki
(+358) 295 52 00 / 295 52 7000
[email protected]
Maa-ja Metsätalousministerio (Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Phần Lan): chịu trách nhiệm quản lý các mặt hàng nông sản.
P.O.Box 30, 00023 Valtioneuvosto
(+358) 295 160 01 / 295 16 2013
[email protected]
Ruokavirasto (Cơ quan Thực phẩm Phần Lan): cùng với Bộ Nông nghiệp và Lâm Nghiệp, và Hải quan Phần Lan chịu trách nhiệm quản lý kiểm dịch động thực vật. Cơ quan Thực phẩm Phần Lan cũng chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.
PL 100, 00027 Ruokavirasto
(+358) 20 530 0400
[email protected]
Suomen Ympäristökeskus – SYKE (Viện Môi trường Phần Lan): cùng với Bộ Môi trường chịu trách nhiệm quản lý các sản phẩm liên quan đến môi trường.
Latokartanonkaari 11, 00790 Helsinki
(+358) 295 251 000 / 295 251 406
[email protected] / [email protected]
Ympäristöministeriö (Bộ Môi trường)
Aleksanterinkatu 7
P.O. Box, 35, 00023 Valtioneuvosto
(+358) 2952 50300 / 295 250 209
[email protected]/ [email protected]
Tukes –Turvallisuus- ja Kemikaalivirasto (Cơ quan Hoá chất và An Toàn Phần Lan): chịu trách nhiệm quản lý hoá chất và các sản phẩm hoá chất, rác thải và phế liệu.
Opastinsilta 12 B, PL 66, 00521 Helsinki
(+358) 29 5052 000
[email protected]
Tạm nhập
Hàng hóa tạm nhập khẩu vào Phần Lan có thể được miễn thuế nhập khẩu trong các trường hợp sau:
- Hàng hóa nhằm mục đích trưng bày tại hội chợ hoặc triển lãm;
- Hàng mẫu thương mại;
- Thiết bị và dụng cụ chuyên ngành.
Nếu hàng hóa không có mục đích sử dụng nêu trên và không được xuất khẩu trong khoảng thời gian qui định (tối đa là 1 năm) thì phải thực hiện các thủ tục thông quan thông thường và phải trả các khoản thuế và phí theo qui định.
Tại Phần Lan, ATA Carnet, một loại chứng từ hải quan quốc tế sử dụng trong việc tạm nhập hàng hóa miễn thuế, được cấp bởi Phòng Thương mại. ATA Carnet thường được sử dụng để tạm nhập các mặt hàng bao gồm hàng mẫu, tài liệu trưng bày tại hội chợ hoặc triển lãm, các thiết bị chuyên ngành như máy tính xách tay, phần mềm và có giá trị trong vòng 1 năm.
Qui định về bao gói và nhãn mác
Qui định về nhãn mác
Những yêu cầu về nhãn mác và ký mã hiệu tại Phần Lan dựa trên Luật An toàn Thực phẩm (Act on Product Safety) có hiệu lực cùng với chỉ thị của EU về vấn đề an toàn thực phẩm.
Các danh mục sản phẩm được liệt kê dưới đây phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn của EU nhằm đảm bảo người tiêu dùng có được tất cả các thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua hàng.
- Thuỷ sản;
- Thực phẩm;
- Giày dép;
- Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
- Các sản phẩm thịt;
- Các sản phẩm dệt;
- Săm lốp;
- Rượu vang.
Ngoài việc tuân thủ các qui định chung của EU, các sản phẩm tiêu dùng phải có nhãn bằng tiếng Phần Lan hoặc Thuỵ Điển.
Những thông tin phải có trên bao gói bán lẻ: tên sản phẩm (chỉ rõ thành phần bao gói), tên nhà sản xuất, trọng lượng và khối lượng của các thành phần trong sản phẩm, đơn vị đo bằng hệ mét.
Các mặt hàng nhập khẩu được ký hiệu theo bất kỳ cách nào dẫn đến việc hiểu nhầm nước xuất xứ hàng hóa hoặc nhãn hiệu sẽ bị cấm nhập khẩu vào Phần Lan.
Tất cả các thùng chứa hàng bên ngoài phải có ký hiệu và số hiệu xác định giống như ghi trên vận đơn. Thông tin về chất phụ gia và chất cặn/bã của thực phẩm phải bao gồm trên nhãn mác. Những thông tin liên quan đến vấn đề dinh dưỡng của thực phẩm như vitamin, khoáng chất, chất béo và axit amin cùng các hợp chất khác (nếu có trong sản phẩm) cũng cần được đề cập tại nhãn mác sản phẩm.
Các sản phẩm sơn phải tuân thủ những qui định và yêu cầu đặc biệt về phân loại sản phẩm độc hại được nêu trên nhãn mác.
Thông tin cảnh báo đối với vấn đề sức khoẻ phải có trên vỏ bao thuốc lá bán tại các điểm bán lẻ.
Nếu các vấn đề về an toàn và an ninh kinh tế của sản phẩm thuộc diện quan tâm của người tiêu dùng thì trên bao gói bán lẻ của sản phẩm phải bao gồm các thông tin sau: các thành phần có trong sản phẩm, hướng dẫn cảnh báo về việc sử dụng, hướng dẫn vận hành, cách bảo quản hoặc thải hồi sản phẩm.
Qui định về bao gói, nhãn mác của Phần Lan
Qui định về bao gói, nhãn mác của EU
Qui định về bao gói
Các yêu cầu về bao gói đối với các sản phẩm bán trên thị trường Phần Lan dựa trên các qui định của châu Âu và qui định của Phần Lan. Mục đích chính của đóng gói là để bảo vệ chất lượng ban đầu và vệ sinh của sản phẩm cho tới khi chúng đến tay người tiêu dùng. Có nhiều yêu cầu pháp lý khác nhau đối với đóng gói cho các loại hàng khác nhau, tùy theo nó được dùng cho sản xuất công nghiệp hay cho con người. Mục đích, vẫn là, bảo vệ sự an toàn và sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Một nhóm những Chỉ thị của EU qui định loại chất liệu bao gói được dùng khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Chỉ thị Đóng gói có những điều khoản về ngăn chặn chất thải bao gói, về tái sử dụng, và về thu gom và tái chế chất thải bao gói.
Theo các yêu cầu cơ bản bao gói các sản phẩm được tiêu thụ ở thị trường Phần Lan phải đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản sau:
- Càng nhỏ và càng nhẹ càng tốt;
- Bảo đảm an toàn, vệ sinh và có thể tái sử dụng và phục hồi;
- Chứa nồng độ các chất độc hại càng thấp càng tốt;
- Chịu đựng nhiều vòng vận chuyển và sử dụng;
- Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường;
- Không gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của nhân viên xử lý bao bì;
- Đáp ứng các yêu cầu phục hồi, bao gồm một tỷ lệ nhất định của vật liệu có thể tái chế;
- Có giá trị nhiệt lượng tối thiểu;
- Có thể phân hủy sinh học.
Cỏ khô, than bùn và rơm có thể không được sử dụng trong bao gói nếu không được phép của Bộ Nông nghiệp Phần Lan.
Trung Tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Phần Lan có thẩm quyền liên quan đến kích thước bao gói. Liên hệ:
Teknologian tutkimuskeskus VTT (VTT Technical Research Centre of Finland Ltd)
Tekniikantie 1, 02150 Espoo
P.O.Box 1000, 02044 VTT
(+358) 20 722 111
[email protected]
Cơ quan Thực phẩm Phần Lan có thẩm quyền liên quan đến vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Liên hệ:
Ruokavirasto (Finnish Food Authority)
Elintarviketurvallisuus Osasto (Control Department, Product Safety Unit)
PL 100, 00027 Ruokavirasto
(+358) 29 530 4290 / 50 557 6414
[email protected]
Qui định về kiểm dịch động thực vật
Kiểm dịch động vật
Là thành viên của EU, Phần Lan tuân thủ các qui định kiểm dịch động vật của EU. Các yêu cầu cơ bản nhất bao gồm:
- Nước xuất khẩu phải nằm trong danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu danh mục sản phẩm liên quan vào EU;
- Sản phẩm có nguồn gốc động vật chỉ được nhập khẩu vào EU nếu được sản xuất từ các cơ sở chế biến được nước xuất khẩu phê duyệt;
- Tất cả động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe có chữ ký của bác sĩ thú y chính thức của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu;
- Mọi lô hàng đều phải được kiểm tra tại điểm kiểm tra biên giới của nước thành viên EU;
- Nếu dịch bệnh bùng phát ở một quốc gia ngoài EU gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe động vật hoặc sức khoẻ cộng đồng, EU có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ tạm thời, bao gồm đình chỉ nhập khẩu từ toàn bộ hoặc một phần quốc gia liên quan hoặc đưa ra yêu cầu đặc biệt đối với các sản phẩm từ quốc gia đó.
Danh sách các động vật và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật chịu sự kiểm soát khi nhập khẩu vào EU, được qui định tại chỉ thị 91/496/EEC and 97/78/EC.
Khi nhập khẩu động vật và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật từ các nước ngoài EU, nhà nhập khẩu phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của EU, của Phần Lan, và làm các thủ tục kiểm dịch tại các điểm kiểm tra biên giới được chỉ định (BIP).
Các lô hàng cần kiểm dịch sẽ phải trả lệ phí.
Trước khi hàng đến Phần Lan, doanh nghiệp cần thông báo cho điểm kiểm tra biên giới mà hàng sẽ đến qua Hệ thống Kiểm soát Thương mại và Chuyên gia TRACES ít nhất trước 1 ngày làm việc.
Qui trình kiểm dịch tại biên giới như sau:
- Kiểm tra chứng từ và nhận dạng;
- Kiểm tra hàng hoá đúng với chứng từ;
- Kiểm tra tình trạng của động vật;
- Kiểm tra cảm quan về thực phẩm và sản phẩm;
- Lấy mẫu để phân tích trong phòng thí nghiệm (nếu cần);
- Đưa ra quyết định trong hệ thống TRACES;
- Cấp giấy chứng nhận nhập khẩu cho lô hàng (CVED) để doanh nghiệp làm thủ tục thông quan.
Qui định về kiểm dịch của EU
Danh sách động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật bị kiểm soát tại biên giới
Các điểm kiểm tra biên giới
Mức phí kiểm dịch
Hệ thống Kiểm soát Thương mại và Chuyên gia EU (TRACES)
Kiểm dịch thực vật
Thực vật và các sản phẩm thực vật (bao gồm cả trái cây, rau quả và các sản phẩm gỗ) muốn nhập khẩu vào Phần Lan phải đảm bảo các qui định của EU về kiểm dịch thực vật. EU đã đặt ra các yêu cầu kiểm dịch thực vật để ngăn chặn các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật của EU.
Các yêu cầu chung:
- Hàng hoá phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;
- Hàng hoá phải được làm các thủ tục hải quan và kiểm dịch tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU;
- Hàng hoá phải được nhập khẩu bởi một nhà nhập khẩu đã đăng ký chính thức tại một nước thành viên EU
- Hàng hoá phải được thông báo trước cho cơ quan hải quan tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU.
Ngoài ra, tuỳ từng mặt hàng cụ thể sẽ có các yêu cầu chi tiết.
EU có các qui tắc bảo vệ quyền giống cây trồng, qui định quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng có hiệu lực trên toàn EU. Hệ thống này được thực hiện bởi Văn phòng Giống cây trồng cộng đồng (CPVO).
Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp, Cơ quan Thực phẩm Phần Lan và Hải quan Phần Lan là các cơ quan có thẩm quyền về việc nhập khẩu và kiểm dịch động, thực vật. Liên hệ:
Maa- ja Metsätalousministeriö (Ministry of Agriculture and Forestry)
Ruokaosasto (Food Department)
P.O.Box 30, 00023 Valtioneuvosto
(+358) 295 160 01 / 295 16 2013
[email protected] / [email protected]
Ruokavirasto (Finnish Food Authority)
PL 100, 00027 Ruokavirasto
(+358) 29 520 4742 / 29 530 0400
[email protected] / [email protected]
Tulli (Finnish Customs)
Valvontaosasto (Enforcement Department)
Opastinsilta 12, 00101 Helsinki
(+358) 295 52 00 / 295 52 7000
[email protected]
Qui định kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu vào EU
An toàn thực phẩm
Vì thực phẩm là vấn đề rất quan trọng ở châu Âu nên nó được chi phối bởi nhiều quy định. Quy định khung mới nhất được các nước EU áp dụng và dẫn đến sự hài hòa hoàn toàn là Điều luật thực phẩm EC178/20027. Luật này nhằm bảo vệ, ở mức độ cao, sinh mạng và sức khỏe con người, và đúng mức đối với sự an toàn và sức khỏe động vật, thực vật và môi trường. Cách tiếp cận tổng hợp “từ trangtrại đến bàn-ăn” được xem là nguyên tắc chung cho chính sách an toàn thực phẩm của EU.
Pháp luật về thực phẩm liên tục thay đổi. Những yêu cầu về thực phẩm bao gồm chất gây ô nhiễm, mức dư lượng tối đa, điều kiện vệ sinh (Quy định vệ sinh thực phẩm của EU: EC852, 853 và 854/2004 và những nhãn mác, hay nhiều hơn nữa tùy theo loại hàng. Thí dụ, thực phẩm có nguồn gốc động vật phải được nuôi trong những cơ sở được EC công nhận, phải có chứng chỉ về sức khỏe, và phải được kiểm tra và thử trước khi nhập, và phải được phê duyệt trước khi bán. Thực phẩm được bán dưới dạng “hữu cơ” phải tuân thủ quy định của EU (EEC2092/91) và phải được cấp chứng chỉ bởi một tổ chức độc lập và được dán nhãn mác phù hợp. Những yêu cầu đặc biệt đối với việc xuất khẩu mặt hàng này từ các nước đang phát triển được đề cập trong Quy định của Hội Đồng EC1788/20018.
Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất và tiêu thụ ở Phần Lan là rất cao.
Thực phẩm được sản xuất tại Phần Lan không chứa các chất hóa học ở mức gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm cũng có tỷ lệ rất thấp. Truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng được qui định rất chặt chẽ tại Phần Lan.
Một số mặt hàng thực phẩm nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường nội địa Phần Lan có thể chỉ được phép chứa một số chất phụ gia nếu được Bộ Thương mại và Công nghiệp Phần Lan chấp thuận.
Qui định về an toàn thực phẩm của EU
Qui định về tiêu chuẩn sản phẩm
An toàn sản phẩm
Hàng hoá tiêu dùng nhập khẩu vào Phần Lan phải đáp ứng các yêu cầu của EU về an toàn sản phẩm. EU có qui định chung về sự an toàn sản phẩm, đưa ra các qui định về:
- An toàn chung;
- Nghĩa vụ của nhà sản xuất và nhà phân phối;
- Giám sát thị trường.
An toàn sản phẩm được qui định trong Chỉ thị 2001/95/EC cấm việc bán những sản phẩm nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng gây ra bởi chất liệu nguy hiểm hay sản xuất không an toàn. Chỉ thị này được áp dụng cho tất cả sản phẩm trên thị trường hàng tiêu dùng. Đây là chỉ thị khung, và nó được bổ sung thêm bởi những chỉ thị cụ thể hơn cho từng nhóm hàng cụ thể như là chỉ thị an toàn cho nhóm hàng thực phẩm, đồ chơi và đồ dùng cho trẻ em, dụng cụ điện, v.v.
Nếu trong khâu sản xuất hàng hóa có sử dụng hóa chất, cần nghiên cứu quy định của EU về hóa chất và cách sử dụng chúng an toàn. Chỉ thị EC 1907/2006 được gọi là REACH (Đăng ký, đánh giá, cho phép, và hạn chế đối với hóa chất) có mục đích chính là tăng cường bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Những nhà sản xuất và nhập khẩu có trách nhiệm lớn hơn để quản lý những nguy cơ từ hóa chất và để đăng ký những thông tin được yêu cầu ở một cơ sở dữ liệu trung tâm do ECHA (Cơ quan Hóa chất châu Âu) đặt ở Helsinki, Phần Lan, điều hành.
Những nhà sản xuất, nhập khẩu và phân phối phải hợp tác để cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cần thiết về an toàn sản phẩm bằng cách gắn nhãn hiệu cảnh báo lên sản phẩm hay có bản hướng dẫn sử dụng rõ ràng. Người nhập khẩu và phân phối cần kiểm tra mức độ an toàn của sản phẩm mà họ bán, và tiến hành những biện pháp cần thiết để tránh những nguy cơ tiềm ẩn. Điều này có thể là thu hồi sản phẩm còn trên thị trường, thông báo cho người tiêu dùng, thu hồi sản phẩm đã bán cho người tiêu dùng trong trường hợp sản phẩm có lỗi. Các cơ quan theo dõi thị trường quốc gia của các nước EU đã thành lập ở châu Âu một mạng lưới RAPEX, Hệ thống cảnh báo nhanh đối với tất cả hàng hóa nguy hiểm trừ thực phẩm, thuốc và dụng cụ y tế.
An toàn sản phẩm luôn được kiểm tra trước khi hàng được nhập để tránh những vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm. Nếu người mua có thể chứng minh là họ bị tổn thương về con người hay tài sản do hàng kém chất lượng gây ra, họ có thể đòi bồi thường tài chính, trước hết, từ người phân phối theo Chỉ thị về Trách nhiệm Sản phẩm của EU. Nhà phân phối, sau đó, có quyền chuyển khiếu nại cho nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, hay bất kỳ ai tham gia trước đó trong dây chuyền phân phối. Chỉ thị này chi phối tất cả sản phẩm công nghiệp, nhưng trừ hàng nông nghiệp, sản phẩm này có luật pháp riêng.
Các qui tắc chung về an toàn sản phẩm của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn sản phẩm hoá chất của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn dược phẩm và mỹ phẩm của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn máy móc, thiết bị và một số sản phẩm khác của EU
Tiêu chuẩn kỹ thuật
Ở Phần Lan, có một số cơ quan có trách nhiệm kiểm tra xem các sản phẩm kỹ thuật (như sản phẩm công nghiệp, thiết bị y tế, thiết bị đầu cuối vô tuyến và viễn thông, phương tiện, v.v.) lưu thông trên thị trường Phần Lan có đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn hóa hay không?
Mục đích của các tiêu chuẩn là mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Công tác tiêu chuẩn hóa ở Phần Lan là tự nguyện và dựa trên sự đồng thuận.
Ở Phần Lan, các hoạt động tiêu chuẩn hóa do Hiệp hội Tiêu chuẩn Phần Lan (SFS) với 9 chi nhánh chịu trách nhiệm. SFS và các chi nhánh phối hợp với các bên tham gia có liên quan của Phần Lan trong công tác tiêu chuẩn hóa quốc tế.
SFS là thành viên của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa châu Âu (CEN) và Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), và đại diện cho Phần Lan ở cả CEN và ISO.
SFS thành lập các ủy ban và các nhóm tiêu chuẩn hóa theo các lĩnh vực ví dụ như quản lý chất lượng và môi trường, công nghệ thông tin, an toàn cháy nổ, đo lường, đồ chơi và bao bì.
Bất cứ ai quan tâm đến việc xây dựng và giám sát tiêu chuẩn hóa trong một lĩnh vực cụ thể có thể đăng ký tham gia các uỷ ban và các nhóm tiêu chuẩn hoá của SFS.
Dán nhãn CE
Một số sản phẩm khi tiêu thụ tại thị trường Phần Lan cũng như thị trường châu Âu yêu cầu phải được dán nhãn CE.
CE được viết tắt từ cụm từ “Conformité Européenne” có tên gọi đầy đủ và chính thức là CE Marking. Chứng nhận CE Marking cho biết sản phẩm tuân theo pháp luật của EU và cho phép sản phẩm đươc lưu thông tự do trong thị trường Châu Âu.Thông qua việc gắn dấu CE lên sản phẩm, nhà sản xuất tuyên bố dựa trên trách nhiệm của họ rằng sản phẩm đó đáp ứng mọi yêu cầu về mặt pháp lý để có được tiêu chuẩn CE Marking.
Chứng nhận CE cũng được coi như “hộ chiếu thương mại” để sản phẩm vào thị trường EU.
Các sản phẩm yêu cầu phải dán nhãn CE:
- Máy móc công nghiệp;
- Thiết bị điện và điện tử bao gồm AC 50V~1000V, DC 75V~1500V;
- Thiết bị điện và điện tử;
- Thiết bị y tế;
- Thiết bị y tế cấy dưới da;
- Các thiết bị y tế ống nghiệm;
- Thang máy;
- Sản phẩm chống cháy nổ;
- Đồ chơi trẻ em;
- Thiết bị áp lực đơn;
- Thiết bị khí đốt;
- Thiết bị đầu cuối, truyền thông có dây và không dây;
- Thiết bị cân không tự động;
- Thiết bị bảo vệ cá nhân;
- Nồi hơi nước nóng;
- Vật liệu xây dựng;
- Cáp dùng cho giao thông vận tải cá nhân;
- Thiết bị áp lực;
- Các loại thuốc nổ dân dụng;
- Du thuyền;
- Dụng cụ đo lường;
- Thùng để đóng gói;
- Pháo hoa.
Việc dán nhãn CE lên sản phẩm cũng được EU quy định nghiêm ngặt. Với mỗi sản phẩm khác nhau quy định về việc dán nhãn cũng sẽ khác nhau. Một số quy định chung như sau:
- Kích thước của biểu tượng dấu “CE” khi tăng hay giảm thì tỷ lệ vẫn phải được giữ nguyên;
- Dấu “CE” được đặt theo chiều thẳng đứng và kích thước không được nhỏ hơn 5mm;
- Dấu “CE” phải đặt ở vị trí không bị các logo khác che khuất.
Các qui định của EU về nhãn CE
Đánh giá hợp chuẩn
Đánh giá tính hợp chuẩn là một bước bắt buộc đối với các nhà sản xuất khi muốn lưu thông hàng hoá ở châu Âu, trong đó có Phần Lan. Mục đích của việc đánh giá tính hợp chuẩn là để đảm bảo việc nhà sản xuất tuân thủ qui định của EU trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Luật sản phẩm của châu Âu cho nhà sản xuất một số cơ hội chọn lựa liên quan đến công tác đánh giá tính hợp chuẩn, phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm khi sử dụng sản phẩm. Các chọn lựa này có thể là tự chứng nhận, kiểm tra theo chủng loại, hệ thống kiểm tra chất lượng sản xuất, và hệ thống bảo đảm chất lượng toàn diện.
Để thúc đẩy quá trình chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm cuối cùng, doanh nghiệp có thể tham gia các chương trình đánh giá tính hợp chuẩn tự nguyện. Hệ thống chứng nhận của CEN là Keymark, dấu CENCER, và Nhóm Hiệp định Tiêu chuẩn châu Âu.
Nhà nhập khẩu phải có tài liệu chứng minh sự hợp chuẩn. Với những hàng rủi ro thấp, thường không có yêu cầu đặc biệt, chỉ cần Bản khai Hợp chuẩn của nhà cung cấp là đủ. Với hàng rủi ro cao, thuộc tính hàng hóa có thể phải được xác minh bằng kết quả kiểm định của phòng xét nghiệm hay kết quả kiểm tra hàng. Trong một số trường hợp (ví dụ hàng hữu cơ) cần có xác nhận độc lập. Yêu cầu chứng minh tình hợp chuẩn được đề cập trong nhiều chỉ thị và văn bản pháp luật khác của EU, nhưng những quy định thực tế ở mỗi nước có thể khác nhau. Khi cần kết quả và chứng chỉ kiểm định, chỉ những phòng thí nghiệm và tổ chức cấp chứng chỉ được EU công nhận sẽ được sử dụng. Chứng nhận được cấp bởi một tổ chức được quốc tế công nhận khẳng định khả năng của tổ chức có liên quan và nâng cao độ tin cậy của kết quả kiểm định và chứng chỉ của họ. Nếu các nhà chức trách châu Âu không chấp nhận tài liệu được trình, có thể cần thêm kiểm định và kiểm tra khi hàng đến châu Âu, dẫn đến chậm trễ và tốn kém thêm.
Quyền sở hữu trí tuệ
Phần Lan thực thi nhiều qui định pháp lý có hiệu quả đối với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, bao gồm Hiệp định WTO TRIPS, đặc biệt là tại Nga và các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc (là những thị trường quan trọng của Phần Lan).
Cùng với Hiệp định TRIPS, Phần Lan cũng tham gia vào việc mở rộng các thỏa thuận song phương của EU đối với vấn đề sở hữu trí tuệ. Nước này luôn nỗ lực trong việc xác định các loại hàng giả, hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường và ngăn chặn sự xâm nhập vào thị trường của các mặt hàng này bằng cách tăng cường năng lực tác nghiệp cho cơ quan hải quan. Tại Phần Lan, các vấn đề về sáng chế và thương hiệu do Văn phòng sáng chế và đăng ký Phần Lan quản lý.
Bằng sáng chế
Bằng sáng chế được lập ra để bảo vệ các phát minh sáng kiến. Chỉ có những sản phẩm và công nghệ mang tính kỹ thuật mới được xem như là những sáng chế. Để có được bằng sáng chế, các phát minh phải tuyệt đối mới, nghĩa là chúng chưa từng được trình bày ở bất cứ nơi nào trên thế giới trước đó. Phát minh còn phải có ích về phương diện kỹ thuật và phải có một mức độ sáng tạo nào đó.
Phần Lan tham gia Hiệp ước Hợp tác Bằng sáng chế (PCT) và Công ước Bằng sáng chế châu Âu (EPC). Như vậy, Phần Lan có thể giải quyết việc xin bảo hộ hoặc đăng ký bằng sáng chế tại bất kỳ quốc gia nào đã ký các hiệp ước này.
Khi đã đăng ký và được bảo hộ, thời hạn tối đa của một bằng sáng chế tại Phần Lan là 20 năm.
Mô hình tiện ích
Phần Lan chấp nhận Mô hình tiện ích vào năm 1992 và cải tiến hệ thống vào năm 1996. Đăng ký mô hình tiện ích có hiệu lực trong 4 năm và có thể được gia hạn trong tổng thời gian lên tới 10 năm.
Thiết kế
Ngoài RCD (Thiết kế cộng đồng đã đăng ký), Hệ thống Hague về Đăng ký quốc tế về kiểu dáng công nghiệp cũng có thể bảo vệ một thiết kế mới ở Phần Lan.
Thời hạn tối đa để đăng ký thiết kế là 25 năm. Mỗi lần đăng ký được bảo hộ 5 năm và được gian hạn thêm 4 lần 5 năm.
Nhãn hiệu
Nhãn hiệu thương mại có thể bao gồm bất cứ những gì biểu hiện về nguồn gốc thương mại của một sản phẩm hay dịch vụ. Ví dụ như địa chỉ thương mại, mẫu mã bao bì hoặc thiết kế nội thất của cửa hàng. Tuy vậy các nhãn hiệu thông dụng nhất là nhãn hiệu bằng chữ hoặc hình tượng. Hầu hết người dùng phương Tây quen với việc sử dụng những nhãn hiệu thương mại như chúng thường xuất hiện trên thị trường. Nhãn hiệu thương mại có chức năng truyền đạt thiện ý của sản phẩm.
Sự bảo vệ của luật pháp đối với các nhãn hiệu thương mại thông qua việc đăng ký.
Ngoài CTM (Community TradeMark), đăng ký quốc tế theo Nghị định thư Madrid cũng được bảo hộ nhãn hiệu ở Phần Lan.
Do các tiêu chuẩn đăng ký của Phần Lan khá cao, nên việc một số nhãn hiệu thương mại đã đăng ký quốc tế vẫn bị từ chối ở Đan Mạch là chuyện bình thường.
Thời hạn đăng ký nhãn hiệu thương mại ở Đan Mạch là 10 năm và có thể được gia hạn thêm 10 năm nữa.
Cơ quan Bản quyền và Nhãn hiệu Phần Lan là cơ quan chịu trách nhiệm về các vấn đề nêu ở trên. Liên hệ:
Kespat, Patenttitoimisto (Patent & Trademark Agents)
Vasarakatu 1, 40320 JYVÄSKYLÄ, FINLAND
Tel: +358 (0)10 229 2850
Fax: +358 (0)10 229 2860
[email protected]