Chính sách thuế
Thuế nhập khẩu
Kể từ tháng 1/1995, Thụy Điển trở thành thành viên EU cũng có nghĩa là Thụy Điển trở thành thành viên của Hiệp hội Thuế quan của Liên minh châu Âu. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, hầu như toàn bộ thuế nhập khẩu của Thụy Điển đã hoàn toàn hài hoà với hệ thống thuế quan của Liên minh châu Âu.
Như đã được qui định trong điều VII của GATT, cơ sở của việc định giá hàng hóa để tính thuế là trị giá của hàng nhập khẩu, là giá thực trả hoặc phải trả của hàng hóa khi được xuất khẩu sang Thụy Điển, cộng thêm các khoản phí nhất định như là chi phí chuyên chở và bảo hiểm nếu các chi phí này chưa được tính vào giá phải trả. Trị giá thuế hải quan sẽ dựa trên cơ sở giá CIF (giá hàng, bảo hiểm và cước chuyên chở) tại nơi nhập khẩu. Thuế suất thuế nhập khẩu thay đổi tuỳ theo mặt hàng và nước xuất xứ.
Hiện nay, Thụy Điển áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu chung từ 0-20% đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước không thuộc EU và các nước không thuộc khu vực EFTA.
Miễn thuế
Theo qui định về ưu đãi chung dành cho các nước kém phát triển, Thụy Điển không đánh thuế đối với hàng hoá công nghiệp thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu (ngoại trừ hàng quần áo và giày dép) và nhiều mặt hàng nông sản từ khoảng 125 nước đang phát triển. Tất cả các sản phẩm nhiệt đới đều được miễn thuế khi nhập khẩu vào Thụy Điển.
Trong những trường hợp nhất định, các loại hàng hóa sau đây có thể được miễn thuế hải quan và các loại phí khác:
- Hàng mẫu thương mại;
- Hàng tham gia triển lãm hoặc hội chợ thương mại;
- Thiết bị chuyên môn;
- Quà biếu;
- Một số tài liệu giáo dục.
Trong một số trường hợp, nhà nhập khẩu có thể được giảm hoặc miễn thuế hải quan, điển hình nhất là khi hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ các nước mà EU ký hiệp định thương mại tự do. Một số trường hợp khác đó là:
- Tạm nhập;
- Việc nhập khẩu các sản phẩm để tiếp tục chế biến, đóng gói lại hoặc tái xuất;
- Việc nhập khẩu các công cụ dụng cụ phục vụ khoa học.
Thụy Điển còn áp dụng chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập của EU. Theo chương trình này, EU chia các sản phẩm được hưởng GSP thành 4 nhóm với mức thuế ưu đãi khác nhau dựa trên mức độ nhạy cảm đối với bên nhập khẩu, mức độ phát triển của nước xuất khẩu và các văn bản thỏa thuận được ký giữa 2 bên.
Bốn nhóm sản phẩm của các nước đang phát triển được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU như sau:
- Nhóm 1: Sản phẩm rất nhạy cảm: bao gồm phần lớn là nông sản và một số ít sản phẩm công nghiệp tiêu dùng. Nhóm này khi nhập khẩu vào EU sẽ bị áp mức thuế GSP với thuế suất bằng 85% thuế suất tối huệ quốc. Đây là nhóm mặt hàng EU hạn chế nhập khẩu.
- Nhóm 2: Các sản phẩm nhạy cảm: chủ yếu là thực phẩm, đồ uống, hóa chất, nguyên liệu, hàng thủ công. Nhóm này bị áp mức thuế GSP bằng với thuế suất bằng 70% thuế suất tối huệ quốc. Đây là nhóm mặt hàng EU không khuyến khích nhập khẩu
- Nhóm 3: Sản phẩm bán nhạy cảm: bao gồm phần lớn là thủy hải sản đông lạnh. Nhóm này được hưởng mức thuế GSP với thuế suất bằng 35% thuế suất tối huệ quốc. Đây là nhóm mặt hàng EU khuyến khích nhập khẩu.
- Nhóm 4: Sản phẩm không nhạy cảm: chủ yếu là thực phẩm, đồ uống, nguyên liệu, nông sản… Nhóm này được hưởng mức thuế GSP với thuế suất bằng 0-10% thuế suất tối huệ quốc. Đây là nhóm mặt hàng EU đặc biệt khuyến khích nhập khẩu.
Qui định về thuế, phí nhập khẩu của Thuỵ Điển
Chính sách thuế của EU
Tra cứu thuế nhập khẩu
Thông tin về Chính sách nông nghiệp chung (CAP)
Danh mục kết hợp (CN)
Thuế VAT
Hiện nay, thuế giá trị gia tăng (VAT) đánh trên giá bán hàng hoá và dịch vụ ở mức phổ biến là 25%. Thực phẩm (không bao gồm đồ uống có cồn và thuốc lá) được hưởng mức thuế VAT thấp hơn với thuế suất là 12%, sách, tạp chí được hưởng mức thuế 6%.
Thụy Điển cũng đánh VAT trên trị giá mua lại từ các đơn vị kinh doanh trong EU và đánh vào hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ các nước ngoài EU. Thuế VAT được miễn cho các hàng hóa xuất khẩu sang các quốc gia ngoài EU.
Qui định về thuế VAT đối với hàng nhập khẩu
Thuế tiêu thụ đặc biệt
Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào một số mặt hàng nhất định có liên quan đến hàng nhập khẩu từ các nước nằm ngoài EU. Đây là công cụ mà Thụy Điển sử dụng để điều tiết tiêu dùng các mặt hàng như năng lượng, rượu và thuốc lá.
Qui định về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu ngoài EU
Một số loại thuế, phí khác
Thuế chống bán phá giá
Khi sản phẩm nhập khẩu gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến ngành sản xuất sản phẩm giống hệt hay tương tự ở Thụy Điển, thì ngành sản xuất bị tổn hại hay bị đe doạ gây tổn hại đó có thể gửi đơn kiện đến Brussels (Bỉ). Thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng nếu kết quả điều tra cho thấy sản phẩm nhập khẩu đã được bán tại Thụy Điển với mức giá thấp hơn mức giá thông thường của sản phẩm đó bán tại nước xuất khẩu. Loại thuế này được đánh như một khoản phụ thu bên cạnh thuế hải quan thông thường.
Thuế đối kháng (thuế chống trợ cấp)
Thuế đối kháng được áp dụng để chống lại tác động của việc nước xuất khẩu trợ cấp cho mặt hàng xuất sang Thụy Điển dẫn tới giá thành thấp hơn một cách giả tạo gây bất lợi cho Thụy Điển và các nền kinh tế thành viên EU.
Một số loại phí khác
Trong một số trường hợp, hải quan sẽ cân nhắc thu phí phụ thêm dựa trên hoá đơn của chuyến hàng. Phí này thường được thu nếu hải quan thấy cần thiết, dựa vào kích cỡ hàng và số lượng hoá đơn.
Phí kiểm tra hàng có thể được thu cho một số loại hàng hoá để tiến hành hoạt động kiểm tra hoặc xét nghiệm cần thiết khi hàng hoá lần đầu nhập khẩu vào Thuỵ Điển
Một số loại phí khác đôi khi cũng được áp dụng như phí hàng mẫu, phí quản lý chất lượng, phí bảo vệ thực vật.
Các qui định về nhập khẩu
Thủ tục hải quan
Tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Điển phải làm các thủ tục hải quan.
Thủ tục hải quan thông thường là thủ tục mà theo đó hàng hoá được trả khi hoàn tất khai báo nhập khẩu đi kèm với các chứng từ liên quan và nộp đầy đủ thuế và các nghĩa vụ hải quan khác cho cơ quan hải quan.
Thủ tục hải quan đơn giản là thủ tục mà theo đó cơ quan hải quan nơi tiến hành nhập khẩu chấp thuận cho nhà nhập khẩu chỉ cần hoàn tất các chứng từ liên quan, còn thuế có thể được nợ và nhà nhập khẩu chỉ cần ghi nợ khoản thuế này với cơ quan hải quan.
Tờ khai hải quan phải do người nhập khẩu hoặc người được uỷ quyền nộp cho cơ quan hải quan. Tuy nhiên, người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo hải quan là chính xác.
Khai báo hải quan qua Internet: đây là một phương thức chuyển tải tờ khai xuất nhập khẩu đến cơ quan hải quan một cách nhanh gọn và hiệu quả. Toàn bộ quá trình khai tờ khai hải quan tại Thụy Điển qua Internet đều miễn phí. Người nhập khẩu chỉ cần nhập các mục cần thiết trong mẫu tờ khai điện tử, sau đó chuyển đến hệ thống máy tính của Hải quan Thụy Điển qua Internet. Những thông tin khai báo điện tử được hợp thức hoá nhờ việc sử dụng chữ ký điện tử.
Khai báo hải quan trên giấy tờ: người nhập khẩu sau khi khai đầy đủ các thông tin trên tờ khai (trên văn bản giấy) sẽ nộp tờ khai này cho cơ quan hải quan. Nhân viên hải quan sẽ nhập các thông tin trên tờ khai vào hệ thống máy tính của Hải quan Thụy Điển. Người nhập khẩu sẽ phải trả một khoản lệ phí cho việc khai báo này. (Nếu khai và nộp tờ khai hải quan ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ sẽ phải trả một khoảng lệ phí khoảng 5 USD).
Các chứng từ cơ bản cần có khi khai hải quan, bao gồm:
- Hoá đơn thương mại: cần ghi rõ chính xác các thông tin của người nhập khẩu, người xuất khẩu, ngày xuất hoá đơn, số hoá đơn, miêu tả hàng hoá, đơn vị đo lường, số lượng, đơn giá, tổng giá, phương thức thanh toán, giao hàng, phương tiện vận chuyển;
- Tờ khai hải quan: áp dụng cho các lô hàng có giá trị hơn 20.000 Euro. Tờ khai hải quan phải kèm theo mẫu Văn bản hành chính đơn (SAD);
- Chứng từ vận chuyển: tuỳ vào loại phương tiện vận chuyển hàng hoá mà vận đơn và chứng từ tương ứng được yêu cầu xuất trình;
- Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng hoá: chỉ phải xuất trình nếu thông tin về phí bảo hiểm không được thể hiện trong hoá đơn thương mại;
- Phiếu đóng gói: là một chứng từ thương mại kèm theo hóa đơn thương mại và chứng từ vận tải, cung cấp thông tin về mặt hàng nhập khẩu và chi tiết đóng gói của từng lô hàng. Các thông tin cơ bản cần có là thông tin người nhập khẩu, người xuất khẩu, công ty vận tải, ngày cấp, số hoá đơn vận chuyển, loại bao bì, số lượng gói, nội dung gói hàng, dấu và số, trọng lượng tịnh, trọng lượng tổng, đơn vị đo lường;
- Giấy chứng nhận xuất xứ: đối với một số mặt hàng cần có giấy chứng nhận xuất xứ. Hàng hoá được hưởng GSP phải có giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A (C/O form A);
- Giấy phép nhập khẩu: đối với một số hàng hoá nhất định như nông sản, sắt, thép, nhôm, vũ khí, hoá chất, dược phẩm;
- Giấy chứng nhận kiểm dịch: đối với hàng hoá có nguồn gốc động vật, thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;
- Chứng từ nhập khẩu: đối với hàng phi nông sản;
- Và một số chứng từ, tài liệu khác tuỳ thuộc vào loại hàng hoá nhập khẩu hoặc các ưu đãi được hưởng.
Các nhà nhập khẩu thường sử dụng các dịch vụ của các công ty giao nhận vận chuyển để làm các thủ tục hải quan cho hàng hóa. Thực tế, các công ty giao nhận lớn đều có kho riêng được phép tạm lưu hàng dưới sự giám sát của hải quan. Công ty giao nhận cũng có thể thanh toán thuế hải quan và nộp các loại thuế, phí khác. Hơn 90% lượng hàng gửi bằng đường hàng không đều thông qua một công ty giao nhận.
Đa số các nhà nhập khẩu thường xuyên đều đăng ký với Cục Hải quan Thụy Điển để được sử dụng Mẫu khai hải quan đơn giản. Các nhà nhập khẩu không đăng ký thì phải nộp tờ khai hải quan đầy đủ và phải trả thuế, phí trước khi nhận hàng.
Cơ quan Hải quan Thuỵ Điển chịu trách nhiệm làm các thủ tục thông quan hàng hoá khi nhập khẩu vào Thuỵ Điển. Thông tin liên hệ:
Tullverket (Swedish Customs)
Box 12 854, 11298 Stockholm
(+46) 771-520 520
[email protected]
Qui định về chứng từ nhập khẩu
Hướng dẫn thủ tục xuất nhập khẩu giữa Thuỵ Điển và các nước ngoài EU
Hạn chế nhập khẩu
Thuỵ Điển có những qui định nhập khẩu riêng đối với một số hàng hoá trong diện hạn chế nhập khẩu. Việc hạn chế có thể do:
- Chính sách thương mại;
- Bảo vệ môi trường;
- Sức khỏe và an ninh;
- Ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch đối với động vật và thực vật.
Đối với một số hàng hoá nhất định như vũ khí, chất gây nổ, và chất độc hại chỉ các cá nhân và tổ chức có thẩm quyền mới có quyền nhập khẩu, và yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu hoặc sự cho phép đặc biệt. Các chất pha chế vi khuẩn học nhất định chỉ có thể được nhập khẩu bởi Phòng thí nghiệm Vi khuẩn Quốc gia.
Một số mặt hàng cần có giấy phép và chứng từ bổ sung khi nhập khẩu là động vật sống và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, cây trồng, nông sản, thực phẩm, đồ uống có cồn, hoá chất và các sản phẩm hoá chất, sản phẩm y tế, ma tuý, các loài động vật và thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), rác thải.
Ngoài ra, ở Thụy Điển, rượu thường bị đánh thuế rất nặng và chỉ được bán ở những cửa hàng đặc biệt.
Giấy phép nhập khẩu
Sau khi Thụy Điển gia nhập Liên minh Châu Âu vào ngày 1 tháng 1 năm 1995, rất nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Điển yêu cầu bắt buộc phải có giấy phép.
Cần phải liên hệ với cơ quan cấp giấy phép trước khi tiến hành nhập khẩu.
Thông tin đăng ký cấp phép được gửi hàng ngày cho Uỷ ban châu Âu tại Brussels (Bỉ) phê duyệt. Riêng hàng công nghiệp sẽ do Uỷ ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển cấp giấy phép.
Hầu hết các mặt hàng dệt may và các sản phẩm sắt thép, thủy sản và nông sản yêu cầu giấy phép nhập khẩu.
Trước khi nhập khẩu, nhà nhập khẩu nên tìm hiểu các qui định áp dụng đối với mặt hàng của mình. Dưới đây là ví dụ một số mặt hàng cần có giấy phép.
- Hải sản: Thụy Điển áp dụng luật lệ của EU về hạn chế số lượng nhập khẩu cá Tuna và cá Sardine đóng hộp. Do vậy, nhập khẩu các mặt hàng này cần xin phép Ủy ban Ngư nghiệp Quốc gia;
- Động vật sống, các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và hàng nông sản: xin giấy phép của Uỷ ban Nông nghiệp;
- Thực phẩm: xin giấy phép của Cơ quan Thực phẩm Quốc gia
- Các loại cây và rau quả: các loại nhiễm sâu bọ và ký sinh trùng không được phép nhập khẩu. Một vài loại rau quả và sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật chỉ có thể được nhập khẩu với điều kiện có giấy xác nhận kiểm dịch của Cơ quan Bảo vệ thực vật của nước sản xuất. Giấy xác nhận phải được trình tại thời điểm hàng đến cửa khẩu. Một số mặt hàng bắt buộc phải có giấy xác nhận kiểm dịch là: các loại thân củ, rễ củ, thân ống, thân rễ, ở dạng ngủ, đang phát triển, hoặc đang trổ bông; cây và rễ của các loại rau diếp xoăn, trừ rễ thuộc nhóm 12.12 theo Biểu Thuế hải quan chung; các loại cây sống khác (kể cả rễ), cành giâm hay cành ghép; hoa cắt và hoa nụ của các loài như Argeranthemum, Dendranthema, và Gypsophila cũng như các loại phong lan từ các nước ngoài châu Âu; rau quả, tươi, hoặc đông lạnh: khoai tây, hành (allium), tỏi, rau diếp xoăn, các loại rễ củ, cần tây trắng, củ sắn, củ dong, và củ lan, cây Artiso Jerrusalem, khoai lang, và các loại củ rễ tương tự; những sản phẩm tươi sau đây: cam quýt từ các nước ngoài châu Âu nhưng không thuộc vùng Địa Trung Hải, táo, lê, mộc qua (quinces), mơ, sơ ri, đào (kể cả xuân đào), mận, và mận gai từ nước ngoài châu Âu; những loại hạt giống để trồng trọt: ngô (ngô Zea), hướng dương (Helianthus), củ cải (Betavulgaris), cỏ linh lăng (Medicago satiua), cà chua (Lycopersicon lycopersicum), củ cải đường dạng tươi, củ cải Thụy Điển, củ cải dạng tươi và các loại rễ khác làm thức ăn gia súc. Ủy ban Nông nghiệp Thụy Điển chịu trách nhiệm cấp phép cho các mặt hàng nói trên;
- Động vật: Hiệp định Washington tức là Hiệp định Quốc tế về Buôn bán các động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) đã có một số hạn chế hoặc cấm nhập khẩu động thực vật này và các sản phẩm của chúng. Phòng Kiểm dịch Thú y của Ủy ban Nông nghiệp Thụy Điển cấp giấy phép nhập khẩu liên quan đến các mặt hàng này;
- Dược phẩm: dược phẩm được lưu thông tự do từ các nước thành viên khác của EEA có thể được nhập khẩu vào Thụy Điển nhưng không được bán hay tiếp thị trước khi có sự phê chuẩn của Cơ quan Dược phẩm (MPA). Việc nhập khẩu dược phẩm từ các nước ngoài EU và EEA cần có giấy phép sản xuất hoặc lưu thông trên thị trường;
- Dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: cần được Cơ quan Dược phẩm chấp nhận cấp phép trước khi nhập khẩu và tiếp thị;
- Hầu hết các hàng hóa công nghệ phẩm (các hàng hóa không phải hàng nông sản) được nhập khẩu vào Thụy Điển không cần giấy phép. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ, như sản phẩm sắt và thép nhập khẩu từ các nước ngoài EFTA (HS72); một số sản phẩm từ Trung Quốc; sản phẩm dệt…;
- Sắt, thép, nhôm, và các sản phẩm: giấy phép do Uỷ ban Thương mại Quốc gia cấp;
- Vũ khí, đạn dược: chỉ có các cơ quan có thẩm quyền được nhập khẩu và phải có giấy phép đặc biệt do Cơ quan Cảnh sát Thuỵ Điển cấp.
Hàng mẫu của những sản phẩm cần phải xin giấy phép nhập khẩu thì cũng phải thông qua các thủ tục xin giấy phép tương tự như đối với các lô hàng có tính chất thương mại. Để đơn giản hóa thủ tục, Thụy Điển chấp nhận cấp giấy phép nhập khẩu trọn gói có giá trị lên đến 6 tháng. Theo đó, nhà nhập khẩu Thụy Điển có thể nhập khẩu nhiều lần một số lượng hàng mẫu nhất định có giá trị vừa phải từ một nước nào đó. Như vậy, nhà nhập khẩu không phải xin từng giấy phép riêng biệt cho từng lô hàng mẫu. Khi giấy phép nhập khẩu trọn gói hết hạn, nhà nhập khẩu Thụy Điển phải trình cho cơ quan cấp giấy phép các chứng từ có liên quan đã được cấp cho các nơi gửi hàng mẫu. Đối với các hàng mẫu có giá trị thương mại sẽ được tái xuất, việc tạm miễn thuế và các loại phí khác sẽ được xem xét.
Đầu mối các cơ quan cấp phép.
Uỷ ban Thương mại Quốc gia là cơ quan cấp phép nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép, nhôm.
Kommerskollegium (National Board of Trade)
Drottninggatan 89, Box 6803, 113 86 Stockholm
(+46) 8 690 48 00
[email protected]
Uỷ ban Nông nghiệp là cơ quan cấp phép và quản lý nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng, phân bón.
Jordbruksverket (Swedish Board of Agriculture)
Vallgatan 8, 551 82 Jönköping
(+46) 36 15 50 00 / 771 223 223
[email protected]
Cơ quan Thực phẩm Thuỵ Điển là cơ quan quản lý nhập khẩu các thực phẩm cho con người.
Livsmedelsverket (National Food Administration)
Box 622, 751 26 Uppsala
(+46) 18 17 55 00
[email protected]
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thuỵ Điển là cơ quan quản lý nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến môi trường như rác thải.
Naturvårdsverket (Swedish Environmental Protection Agency)
106 48 Stockholm
(+46) 10 698 10 00
[email protected]
Cơ quan Hoá chất Thuỷ Điển là cơ quan quản lý nhập khẩu các sản phẩm hoá chất nguy hiểm, chất ô nhiễm hữu cơ, và các chất tẩy rửa
Kemikalieinspektionen – KEMI (Swedish Chemicals Agency)
Box 2, 172 13 Sundbyberg
(+46) 8 519 411 00
Hàng tạm nhập
Hàng hoá nhập khẩu vào Thụy Điển không nhằm sử dụng trong nước có thể được miễn nộp thuế nhập khẩu và/ hoặc thuế giá trị gia tăng khi được nhập khẩu trong thời gian ngắn và sau đó được tái xuất.
Hàng hóa được xuất khẩu đến một nước ngoài Liên minh châu Âu để chế biến gọi là chế biến thụ động. Chế biến chủ động là hàng hóa nhập vào Liên minh châu Âu để chế biến tại đây. Trong cả hai trường hợp đều thu thuế trên sản phẩm đã qua chế biến. Nhà nhập khẩu nộp đơn xin tạm nhập tại Cục Hải quan Thụy Điển và đơn này sẽ được chuyển đến Brussels, nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu để xem xét.
Thụy Điển tuân thủ ATA Carnet, đây là một văn kiện hải quan quốc tế được lập nhằm đơn giản hoá các thủ tục hải quan đối với các loại hàng hóa tạm nhập sau:
- Hàng mẫu có giá trị thương mại;
- Hàng hóa dùng để tham gia hội chợ, triển lãm;
- Phim;
- Thiết bị chuyên dụng;
- Các loại máy móc hay thiết bị thay thế trong thời hạn sửa chữa bảo hành.
Việc nhập khẩu tạm thời này cần được Phòng Thương mại Thuỵ Điển cho phép.
ATA carnet cho phép tạm nhập hàng mà không đòi phải có các giấy chứng minh đã hoàn tất thủ tục hải quan. Tại Thụy Điển, có thể được phép tạm nhập hàng trong vòng 1 năm hoặc trong thời hạn ATA carnet có hiệu lực.
Hơn 70 nước đã tham gia vào hệ thống ATA carnet. ATA carnet cho phép tạm nhập mà không cần phải điền tờ khai hải quan hay đặt cọc thuế hải quan và các loại phí khác.
Nếu hàng không thuộc loại được cấp ATA carnet cần phải đóng tiền cọc hoặc tiền bảo đảm về thuế quan và các loại phí khác.
Một điều kiện bắt buộc cho việc tạm nhập là hàng hóa khi tái xuất phải đúng là hàng tạm nhập trước đây.
Phân loại hàng hóa
Tất cả các loại hàng hoá đều được phân loại và gắn mã số theo Hệ thống hài hoà về mô tả và mã hoá hàng hoá (HS).
Phân loại hàng hóa có nghĩa là nhận dạng đúng mã hàng cho hàng hóa của mình. Tất cả các mã này đều có trong qui định về thuế quan của Thụy Điển.
Mã hàng là cơ sở để nhân viên hải quan làm thủ tục thông quan cho hàng hóa, cụ thể hơn chính là để áp thuế hay nhận dạng loại hàng hóa đó cần phải có giấy phép đi kèm hay không. Vì lý do này, việc các nhà xuất nhập khẩu nhận biết và sử dụng đúng loại mã hàng hóa là rất quan trọng khi tiến hành thủ tục xuất nhập khẩu.
Có những loại hàng hóa dễ dàng phân loại, chúng có thể được định nghĩa rõ ràng trong văn bản qui định. Tuy nhiên, có một số loại hàng hóa gặp khó khăn khi phân loại, trong trường hợp đó các nhà xuất nhập khẩu nên tìm sự trợ giúp từ phía cơ quan hải quan và có thể là sẽ phải chịu áp dụng qui định phân loại ràng buộc.
Qui định phân loại ràng buộc: là văn bản pháp luật qui định mã cho một loại hàng hóa nào đó. Qui định này thường có giá trị trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ ngày ban hành và chỉ có giá trị đối với đối tượng áp dụng của nó mà thôi. Qui định này có thể được áp dụng trong hoạt động xuất nhập khẩu của tất cả các nước thành viên EU.
Tất cả các qui định phân loại ràng buộc được đăng ký trong một hệ thống cơ sở dữ liệu chung của các nước EU. Khi áp dụng một qui định nào đó phải thừa nhận và tuân thủ trình tự của nó. Để áp dụng phải điền vào một tờ khai đặc biệt tại các cơ quan hải quan Thụy Điển.
Qui định về bao gói và nhãn mác
Qui định về nhãn mác
Hiện nay, các qui định về nhãn mác của Thụy Điển phù hợp với các qui định chung của EU. Ngôn ngữ trên nhãn mác phải có ít nhất 1 trong ba thứ tiếng là Thuỵ Điển, Đan Mạch, và Na Uy.
Thụy Điển không yêu cầu hàng nhập khẩu ghi tên nước xuất xứ trên nhãn hàng hoá. Tuy nhiên, các hàng hoá sai tên xuất xứ đều bị cấm.
Đối với một số mặt hàng, ví dụ dược phẩm, hóa chất, hàng thực phẩm, cần phải tuân thủ các qui định và yêu cầu ghi nhãn mác đặc biệt.
Thụy Điển có các qui định về dán nhãn, vệ sinh và y tế rất nghiêm ngặt cũng như các yêu cầu phức tạp để giám sát chất lượng hàng hoá. Ví dụ: Một gói hàng thực phẩm bán lẻ phải ghi tên nhà sản xuất, nhà đóng gói và nhà nhập khẩu, tên thương mại của sản phẩm, trọng lượng hoặc khối lượng tịnh, các thành phần theo yêu cầu giảm dần về trọng lượng, ngày sử dụng sau cùng, hướng dẫn bảo quản nếu sản phẩm dễ hư hỏng, hoặc chỉ định giữ xa tầm tay trẻ em. Các thông tin trên được mô tả bằng tiếng Thụy Điển và nhà nhập khẩu có thể hỗ trợ các công ty trong việc sắp xếp hợp lý các thông tin trên nhãn mác.
Một số qui định về nhãn mác đối với một số sản phẩm cụ thể như sau:
- Nhãn của thực phẩm chứa đường phải nêu rõ tên loại đường, bao gồm đường Lactoza, đường hoá học, đường Mantoza, đường hoa quả, và đường mía;
- Thực phẩm chứa đường Sacarin và đường hoá học phải được ghi nhãn theo qui định riêng;
- Nhãn mác của thực phẩm đóng gói có thời hạn sử dụng phải nêu rõ ngày hết hạn;
- Nhãn mác của thực phẩm đông lạnh phải nêu rõ chỉ dẫn bảo quản và sử dụng;
- Nhãn mác của sản phẩm mật ong phải nêu tên nước xuất xứ;
- Nhãn mác của sản phẩm phomai phải nêu tên nước xuất xứ và hàm lượng chất béo;
- Các hoá chất độc hại cần phải tuân thủ qui định riêng biệt về ghi nhãn mác. Nhãn mác bên ngoài container đựng hoá chất độc hại phải nêu tên và tính năng của sản phẩm, tên và địa chỉ nhà sản xuất và nhà nhập khẩu, và ghi rõ những chất độc hại này phải được giữ xa trẻ em;
- Thuốc được ghi nhãn theo phương thức riêng theo qui định của Bộ Y tế;
- Thiết bị bảo quản đông lạnh nội địa phải được ghi nhãn với đầy đủ các chi tiết tiêu thụ năng lượng.
Các danh mục sản phẩm được liệt kê dưới đây phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn của EU nhằm đảm bảo người tiêu dùng có được tất cả các thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua hàng.
- Thuỷ sản;
- Thực phẩm;
- Giày dép;
- Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
- Các sản phẩm thịt;
- Các sản phẩm dệt;
- Săm lốp;
- Rượu vang.
Các qui định của EU về bao gõi, nhãn mác
Qui định về bao gói
Thụy Điển không đưa ra qui định đặc biệt nào về việc bao gói sản phẩm. Tuy nhiên, Thụy Điển không khuyến khích sử dụng cỏ khô, rơm hoặc bao tải để bao gói hàng. Trong trường hợp sử dụng thì cần phải có giấy chứng nhận vệ sinh kèm theo.
Bên ngoài thùng đựng hàng nên có ký hiệu của người uỷ nhiệm, ký hiệu của cảng và được đánh số (tương ứng với danh mục hàng đóng gói) trừ khi hàng đã được nhận dạng theo một cách nào khác. Vận chuyển hàng vượt quá trọng lượng 1.000 tấn phải được đánh dấu trọng lượng tổng.
Hội đồng kiểm định chất lượng và sự phù hợp của Thụy Điển có thẩm quyền liên quan đến kích thước bao gói. Liên hệ:
SWEDAC
Box 878, 501 15 Borås
(+46) 771 99 09 00
[email protected]
Cơ quan Thực phẩm Thuỵ Điển có thẩm quyền liên quan đến vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Liên hệ:
Livsmedelsverket
Box 622, 75126 Uppsala
(+46) 1 817 55 64
[email protected]
Chỉ thị 94/62/EC về đóng gói và chất thải bao bì
Qui định về kiểm dịch động thực vật
Chứng nhận vệ sinh
Đối với hàng hoá có khả năng chứa các bệnh động/thực vật dễ lây lan, khi nhập khẩu vào Thụy Điển bắt buộc phải có giấy chứng nhận vệ sinh do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Các loại hàng hoá đòi hỏi phải có chứng nhận vệ sinh bao gồm:
- Các loại động vật sống;
- Các sản phẩm từ động vật (thịt, các sản phẩm từ thịt, và thức ăn động vật);
- Các sản phẩm thực vật như khoai tây, cây trồng và hạt giống.
Giấy chứng nhận vệ sinh phải được hợp pháp hoá bởi cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc xuất khẩu.
Ngoài ra, Thụy Điển còn áp dụng các qui định về hạn chế nhập khẩu đối với một số hàng hoá để bảo đảm an toàn và sức khoẻ cộng đồng, hoặc để phòng trừ nguy cơ dịch bệnh cho động thực vật trong nước.
Kiểm dịch động vật
Là thành viên của EU, Thuỵ Điển tuân thủ các qui định kiểm dịch động vật của EU. Các yêu cầu cơ bản nhất bao gồm:
- Nước xuất khẩu phải nằm trong danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu danh mục sản phẩm liên quan vào EU;
- Sản phẩm có nguồn gốc động vật chỉ được nhập khẩu vào EU nếu được sản xuất từ các cơ sở chế biến được nước xuất khẩu phê duyệt;
- Tất cả động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe chính thức của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu;
- Mọi lô hàng đều phải được kiểm tra tại điểm kiểm tra biên giới của nước thành viên EU;
- Nếu dịch bệnh bùng phát ở một quốc gia ngoài EU gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe động vật hoặc sức khoẻ cộng đồng, EU có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ tạm thời, bao gồm đình chỉ nhập khẩu từ toàn bộ hoặc một phần quốc gia liên quan hoặc đưa ra yêu cầu đặc biệt đối với các sản phẩm từ quốc gia đó.
Ngoài ra, Thuỵ Điển có các qui định riêng.
Nhập khẩu động vật sống hay các sản phẩm từ động vật đều phải đăng ký với Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển. Đối với một số mặt hàng nhất định, cần phải có sự cho phép từ phía Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển.
Tờ khai nhập khẩu động vật, phôi, trứng, tinh trùng và các sản phẩm từ động vật khác từ các nước ngoài EU phải được nộp cho Cơ quan Kiểm dịch động vật tại biên giới trước khi tiến hành nhập khẩu ít nhất 1 ngày. Nhập khẩu các loại hàng hoá nêu trên từ các nước EU phải báo trước cho Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển.
Việc nhập khẩu động vật và các sản phẩm từ động vật từ các nước ngoài EU phải được thực hiện tại địa điểm nhập khẩu định trước (điểm kiểm tra biên giới-BCP). Thuỵ Điển có 5 điểm kiểm tra biên giới.
Phí kiểm soát lô hàng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật là 1100 SEK + 0,15 SEK mỗi kg. Lệ phí cao hơn nếu việc kiểm tra được thực hiện ngoài giờ hành chính. Chi phí để lấy mẫu và phân tích dựa trên các biện pháp tự vệ hoặc nghi ngờ về sự bất thường của lô hàng sẽ do nhà nhập khẩu chi trả.
Cơ quan Thực phẩm Thuỵ Điển là cơ quan có thẩm quyền về việc nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật làm thức ăn cho người. Liên hệ:
Livsmedelsverket (Swedish Food Agency)
Box 622, 751 26 Uppsala
(+46) 18 17 55 00
[email protected]
Uỷ ban Nông nghiệp Thuỵ Điển là cơ quan có thẩm quyền về việc nhập khẩu động vật sống và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật không dùng cho con người. Liên hệ:
Jordbruksverket (Swedish Board of Agriculture)
Vallgatan 8, 551 82 Jönköping
(+46) 36 15 50 00/771 223 223
[email protected]
Qui định kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm của EU
Danh sách động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật bị kiểm soát tại biên giới
Kiểm dịch thực vật
Thực vật và các sản phẩm thực vật (bao gồm cả trái cây, rau quả và các sản phẩm gỗ) muốn nhập khẩu vào Thuỵ Điển phải đảm bảo các qui định của EU về kiểm dịch thực vật. EU đã đặt ra các yêu cầu kiểm dịch thực vật để ngăn chặn các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật của EU.
Các yêu cầu chung:
- Hàng hoá phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;
- Hàng hoá phải được làm các thủ tục hải quan và kiểm dịch tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU;
- Hàng hoá phải được nhập khẩu bởi một nhà nhập khẩu đã đăng ký chính thức tại một nước thành viên EU
- Hàng hoá phải được thông báo trước cho cơ quan hải quan tại cửa khẩu đến đầu tiên của EU.
EU có các qui tắc bảo vệ quyền giống cây trồng, qui định quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng có hiệu lực trên toàn EU. Hệ thống này được thực hiện bởi Văn phòng Giống cây trồng cộng đồng (CPVO).
Ngoài ra, Thuỵ Điển cũng có một số qui định riêng.
Nhập khẩu cây trồng, đất, phân bón, thuốc trừ sâu hoặc chất kích thích tăng trưởng với mục đích kinh doanh đều phải đăng ký với Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển.
Cơ quan thanh tra của Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển chịu trách nhiệm thanh tra các loại cây trồng nhập khẩu.
Một số mặt hàng liên quan đến cây trồng nhất định phải có giấy chứng nhận kiểm dịch đi kèm.
Uỷ ban Nông nghiệp Thuỵ Điển là cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm dịch thực vật. Liên hệ:
Jordbruksverket (Swedish Board of Agriculture)
Vallgatan 8, 551 82 Jönköping
(+46) 36 15 50 00/771 223 223
[email protected]
Qui định về thương mại thực vật và các sản phẩm thực vật
An toàn thực phẩm
Nhà nhập khẩu muốn nhập khẩu thực phẩm vào Thụy Điển với mục đích thương mại bắt buộc phải có cơ sở tại Thụy Điển và phải đăng ký với Cơ quan Thực phẩm về các mặt hàng nhập khẩu.
Nhà nhập khẩu phải thông báo trước cho Cơ quan kiểm tra biên giới đầy đủ về lượng hàng nhập khẩu, và phải sử dụng mẫu tờ khai đặc biệt. Việc nhập khẩu thực phẩm phải được thực hiện tại địa điểm nhập khẩu đã định sẵn.
Việc nhập khẩu thực phẩm được tiến hành sau khi Uỷ ban Nông nghiệp Thụy Điển phê duyệt.
Qui định về nhập khẩu thực phẩm vào Thuỵ Điển
Qui định về tiêu chuẩn sản phẩm
An toàn sản phẩm
Nhà sản xuất và phân phối sản phẩm cho thị trường EU, trong đó có Thuỵ Điển phải đảm bảo:
- Cung cấp sản phẩm tuân thủ các yêu cầu an toàn chung;
- Thông báo cho người tiêu dùng về những rủi ro mà sản phẩm có thể gây ra và bất kỳ biện pháp phòng ngừa cần thực hiện;
- Thông báo cho các cơ quan quốc gia có liên quan nếu phát hiện ra một sản phẩm nguy hiểm và hợp tác với các cơ quan chức năng để bảo vệ người tiêu dùng.
Các quốc gia thành viên EU thực hiện giám sát thị trường và thực thi các qui tắc an toàn sản phẩm. EU có cơ chế cảnh báo nhanh RAPEX – giúp trao đổi thông tin nhanh chóng giữa các nước EU và Ủy ban châu Âu về các sản phẩm nguy hiểm.
Ngoài các qui tắc an toàn sản phẩm chung, EU còn có các qui tắc cụ thể áp dụng cho một số loại sản phẩm nhất định như hoá chất, dược phẩm và mỹ phẩm, máy móc, thiết bị, đồ chơi.
Các qui tắc chung của EU về an toàn sản phẩm
Các qui định đối với tiêu chuẩn sản phẩm hoá chất của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn dược phẩm và mỹ phẩm của EU
Các qui định đối với tiêu chuẩn máy móc, thiết bị và một số sản phẩm khác của EU
Tiêu chuẩn kỹ thuật
EU khuyến khích các nước thành viên áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hài hòa. Các tiêu chuẩn hài hòa được soạn thảo bởi ba cơ quan tiêu chuẩn hóa độc lập:
- Ủy ban Tiêu chuẩn châu Âu (CEN)
- Ủy ban Tiêu chuẩn điện tử châu Âu (CENELEC)
- Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu (ETSI)
Có một số cơ quan có trách nhiệm kiểm tra các sản phẩm kỹ thuật được lưu thông trên thị trường Thuỵ Điển để đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn (như sản phẩm công nghiệp, thiết bị y tế, thiết bị đầu cuối vô tuyến và viễn thông, phương tiện, v.v.). Liên hệ:
Svenka Institutet for Standarder – SIS (Viện Tiêu chuẩn Thụy Điển)
Box 45443, 104 31 Stockholm
(+46) 8 555 520 00
[email protected]
Svensk Elstandard – SEK (Ủy ban Kỹ thuật điện Thụy Điển)
Box 1284, 164 29 Kista
(+46) 8 444 14 00
[email protected]
Svenska Informations-och Telekommunikationsstandardisering – ITS (Tổ chức Tiêu chuẩn Viễn thông Thụy Điển)
Kistagången 16, 164 40 Stockholm
(+46) 70 300 95 42
Dán nhãn CE
Một số sản phẩm khi tiêu thụ tại thị trường Thụy Điển cũng như thị trường Châu Âu yêu cầu phải được dán nhãn CE.
CE được viết tắt từ cụm từ “Conformité Européenne” có tên gọi đầy đủ và chính thức là CE Marking. CE viết tắt của Conformité Européenne, có nghĩa là tiêu chuẩn châu Âu. CE Marking là tên chính thức của CE.
Một sản phẩm nếu gắn nhãn CE đồng nghĩa với việc nó có thể lưu thông tự do trong thị trường châu Âu, được pháp luật của Liên minh châu Âu công nhận.
Khi một sản phẩm có dấu CE có nghĩa là sản phẩm đó đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khoẻ, và bảo vệ môi trường của EU.
Chứng nhận CE cũng được coi như “hộ chiếu thương mại” để sản phẩm vào thị trường EU.
25 nhóm sản phẩm yêu cầu phải dán nhãn CE theo Chỉ thị cách tiếp cận mới:
- Thiết bị y tế cấy ghép hoạt động;
- Thiết bị đốt nhiên liệu khí;
- Các sản phẩm dùng để lắp đặt cáp treo được thiết kế để chở người;
- Các sản phẩm xây dựng;
- Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
- Các thiết bị, hệ thống điện, điện từ tương thích;
- Thiết bị và hệ thống bảo vệ dự định sử dụng trong môi trường có khả năng gây nổ;
- Chất nổ dùng trong dân dụng;
- Nồi hơi nước nóng;
- Thiết bị y tế chẩn đoán in vitro;
- Thang máy;
- Các thiết bị điện hạ thế;
- Máy móc;
- Dụng cụ đo lường;
- Các thiết bị y tế;
- Các sản phẩm phát thải tiếng ồn trong môi trường;
- Các dụng cụ cân không tự động;
- Thiết bị bảo vệ cá nhân;
- Thiết bị áp suất;
- Pháo hoa;
- Thiết bị đầu cuối đài phát thanh và viễn thông;
- Các sản phẩm giải trí;
- Hạn chế các chất độc hại trong các thiết bị điện và điện tử;
- Đồ chơi;
- Bình áp lực đơn giản.
Việc dán nhãn CE lên sản phẩm cũng được EU qui định nghiêm ngặt. Với mỗi sản phẩm khác nhau qui định về việc dán nhãn cũng sẽ khác nhau. Một số qui định chung như sau:
- Kích thước của biểu tượng dấu “CE” khi tăng hay giảm thì tỷ lệ vẫn phải được giữ nguyên;
- Dấu “CE” được đặt theo chiều thẳng đứng và kích thước không được nhỏ hơn 5mm;
- Dấu “CE” phải đặt ở vị trí không bị các logo khác che khuất.
Các qui định của EU về nhãn CE
Quyền sở hữu trí tuệ
Bản quyền
Hệ thống pháp lý của Thụy Điển đủ hiệu lực để bảo vệ mọi quyền sở hữu. Là nước ký Hiệp định EEA năm 1993, Thụy Điển đã gia nhập các hiệp ước đa phương về sở hữu công nghiệp, trí tuệ và thương mại.
Thụy Điển là thành viên của Hiệp ước quốc tế “Paris Union” về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (bằng sáng chế, thương hiệu, tên thương mại và kiểu dáng công nghiệp) cùng với sự tham gia của trên 80 nước khác. Các ủy viên ban quản trị kinh doanh và các nhà đầu tư từ các quốc gia này sẽ được hưởng qui chế đối xử quốc gia ở Thụy Điển (được đối xử như công dân Thụy Điển), theo những qui định về bảo vệ bằng sáng chế và thương hiệu.
Các sản phẩm và thiết kế sản phẩm có thể được bảo hộ bởi nhiều loại bản quyền khác nhau. Các bản quyền này có thể được kết hợp và được pháp luật bảo vệ nhằm động viên và khuyến khích các thành tựu về phát minh sáng chế.
Khuynh hướng ý thức về các quyền này và giá trị của chúng đang tăng lên trên toàn cầu. Tại Thụy Điển cũng vậy, các nỗ lực được thực hiện ngày càng nhiều để bảo vệ và khai thác quyền sở hữu công nghiệp và chống lại sự giả mạo trong sản xuất.
Những người không thường trú tại Thụy Điển cũng có thể xin độc quyền sản phẩm bằng nhiều hình thức, thủ tục đăng ký khác nhau. Tuy nhiên, công ty hoặc doanh nhân ở nước ngoài cần phải có người đại diện là công dân Thụy Điển để thay mặt họ làm việc với cơ quan cấp bằng sáng chế.
Văn phòng Sở hữu trí tuệ Thuỵ điển
Box 5055, S102 42 Stockholm
(+46) 8 782 2800
[email protected]
Nhãn hiệu thương mại
Nhãn hiệu thương mại có thể bao gồm bất cứ những gì biểu hiện về nguồn gốc thương mại của một sản phẩm hay dịch vụ. Ví dụ như địa chỉ thương mại, mẫu mã bao bì hoặc thiết kế nội thất của cửa hàng. Tuy vậy các nhãn hiệu thông dụng nhất là nhãn hiệu bằng chữ hoặc hình tượng. Hầu hết người dùng phương Tây quen với việc sử dụng những nhãn hiệu thương mại như chúng thường xuất hiện trên thị trường. Nhãn hiệu thương mại có chức năng truyền đạt thiện ý của sản phẩm.
Sự bảo vệ của luật pháp đối với các nhãn hiệu thương mại thông qua việc đăng ký hoặc sử dụng rộng rãi. Sử dụng rộng rãi có nghĩa là sử dụng đến mức độ mà nhãn hiệu trở nên nổi tiếng đối với người tiêu dùng. Một người muốn có độc quyền về nhãn hiệu thương mại thì phải mất công chứng minh điều đó vì thế tốt nhất là nên đăng ký trước bất kỳ nhãn hiệu nào mà mình muốn dùng.
Khi tra cứu trong danh bạ nhãn hiệu thương mại, có thể biết được thông tin liên quan đến những nhãn hiệu hiện đã được đăng ký. Thông tin này công khai và có thể yêu cầu các dịch vụ tìm kiếm thông tin của Cơ quan cấp bằng phát minh giúp đỡ. Để đăng ký, nhãn hiệu thương mại phải khác biệt và không được giống đến nỗi có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang có. Vấn đề được xem xét là loại nhãn hiệu đó sẽ được sử dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ nào để tránh trùng lắp. Tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ được chia thành 42 loại. Việc kiểm tra khả năng trùng lắp dựa trên ấn tượng chung của nhãn hiệu hàng hóa và dịch vụ liên quan.
Việc đăng ký nhãn hiệu thương mại có thể được duy trì vĩnh viễn bằng một thủ tục tái đăng ký 10 năm một lần. Một nhãn hiệu thương mại không được dùng trong thời hạn 5 năm có thể bị Tòa án quyết định hủy bỏ.
Sự độc quyền về nhãn hiệu thương mại có nghĩa là không người nào khác được phép sử dụng nhãn hiệu này để tránh gây nhầm lẫn. Yếu tố tương tự cũng được xét đến giống như trong thủ tục đăng ký. Việc sử dụng nhãn hiệu thương mại tương tự sẽ là một vi phạm đưa đến quyền đòi hỏi được bồi thường hoặc bị khởi tố trước tòa án.
Madrid Protocol là hiệp định có liên quan tới đăng ký nhãn hiệu thương mại quốc tế. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 12 năm 1996 và Thụy Điển công bố sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ thương mại. Hiệp định này cũng cho phép công dân và thương gia của các nước thành viên gửi đơn cho Internaltional Bureau, WIPO (Tổ chức quyền sở hữu trí tuệ thế giới) ở Geneva, thông qua văn phòng cấp nhãn hiệu thương mại quốc gia về việc đăng ký nhãn hiệu thương mại quốc tế.
Bằng sáng chế
Bằng sáng chế được lập ra để bảo vệ tính độc quyền của các sáng chế. Nói cách khác, bằng sáng chế là việc bảo vệ các phát minh sáng kiến. Chỉ có những sản phẩm và công nghệ mang tính kỹ thuật mới được xem như là những sáng chế. Để có được bằng sáng chế, các phát minh phải tuyệt đối mới, nghĩa là chúng chưa từng được trình bày ở bất cứ nơi nào trên thế giới trước đó. Phát minh còn phải có ích về phương diện kỹ thuật và phải có một mức độ sáng tạo nào đó. Thời hạn bảo hộ của một bằng sáng chế có thể kéo dài đến 20 năm. Người phát minh phải đóng lệ phí hàng năm và qua đó có thể lựa chọn để tiếp tục hoặc ngừng bảo hộ.
Ngoài Luật Bảo hộ bằng sáng chế, Thụy Điển còn có cả hệ thống bằng sáng chế quốc tế và châu Âu trên cơ sở các hiệp ước. Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế (PCT) được trên 100 nước ký kết, trong đó có Thụy Điển. Như vậy lãnh thổ Thụy Điển có thể giải quyết việc xin bảo hộ hoặc đăng ký bằng sáng chế tại bất kỳ quốc gia nào đã ký các hiệp ước này. Sự bảo vệ bằng sáng chế có nghĩa là được độc quyền nhập vào Thụy Điển, sản xuất và bán sản phẩm ở Thụy Điển. Nếu vi phạm bằng sáng chế có thể phải bồi thường hoặc bị khởi tố trước tòa.
Quyền tác giả
Quyền tác giả là sự bảo vệ việc sáng tạo. Một sản phẩm thể hiện một mức độ sáng tạo nào đó đương nhiên sẽ được bảo vệ quyền tác giả. Sản phẩm đó có thể có tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc, nghệ thuật. Thủ tục đăng ký quyền tác giả là không cần thiết, thậm chí không có thủ tục này ở Thụy Điển. Quyền tác giả bao gồm độc quyền xuất bản và tái xuất bản tác phẩm, hoặc kịch bản hoặc quyền trình bày trước công chúng. Sự xúc phạm hoặc xâm phạm tính nguyên bản và những quyền lợi cá nhân của tác giả bị ngăn cấm. Quyền tác giả có hiệu lực cho đến 50 năm sau khi tác giả qua đời.
Nhiều đoàn thể được thành lập với mục đích bảo vệ quyền lợi của các nhà xuất bản và tác giả đối với vấn đề quyền tác giả. Những đoàn thể này hỗ trợ trong việc bảo vệ đầu tư vào các tác phẩm nghệ thuật được xuất khẩu sang Thụy Điển.
Quyền tác giả có thể tồn tại song song với nhãn hiệu thương mại hoặc là sự mở rộng của nhãn hiệu thương mại. Ví dụ, một bức hình hoặc một đoạn văn được sử dụng trên một bao bì có thể được bảo vệ về quyền tác giả.
Thụy Điển đã ký nhiều hiệp ước đa phương về bảo vệ quyền tác giả bao gồm Hiệp ước Berne 1971 và hiệp ước Rome 1961. Luật pháp Thụy Điển cũng bảo vệ quyền xuất bản từ một số nước khác.
Kiểu dáng công nghiệp
Là nước ký hiệp định TRIPS, Thụy Điển cam kết tự bảo vệ các kiểu dáng công nghiệp. Việc bảo vệ kiểu dáng là sự bảo vệ vẻ bên ngoài và kiểu dáng của hàng hóa. Việc bảo vệ mẫu mã của hàng hóa không bao gồm việc bảo vệ chức năng của sản phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Việc bảo vệ cũng phải dựa trên việc đăng ký và thủ tục đăng ký cũng giống như thủ tục đăng ký bằng sáng chế. Kiểu mẫu phải mới mẻ hoàn toàn. Mẫu mã muốn đăng ký phải có một độ sáng tạo nhất định và không được giống mẫu mã kiểu dáng hiện có. Thời hạn hiệu lực cho một mẫu mã kiểu dáng công nghiệp đăng ký kéo dài tối đa là 15 năm và cứ mỗi năm phải lập thủ tục đăng ký lại.
Thành lập doanh nghiệp
Thành lập doanh nghiệp
Các doanh nghiệp nước ngoài có thể tự do thành lập văn phòng ở Thụy Điển. Các dạng doanh nghiệp kinh doanh được thừa nhận là hợp pháp và có tư cách pháp nhân ở Thụy Điển bao gồm:
- Công ty TNHH (viết tắt là AB và có 2 loại công ty TNHH là công và tư);
- Chi nhánh công ty nước ngoài;
- Tổ chức góp vốn chung hoặc góp vốn trách nhiệm hữu hạn;
- Quyền sở hữu duy nhất;
- Hiệp hội kinh tế.
Theo thông lệ, các nhà đầu tư nước ngoài ở Thụy Điển thích dạng công ty TNHH hơn. Công ty con của công ty nước ngoài được thành lập ở Thụy Điển theo luật pháp Thụy Điển được xem như một công ty Thụy Điển về mọi phương diện và nhìn chung không có sự phân biệt về pháp lý giữa việc người nước ngoài hay người Thụy Điển sở hữu các cổ phần công ty.
Nhượng quyền
Nhượng quyền là một trong những phương thức làm kinh doanh đang phát triển nhanh nhất ở Thụy Điển. Hoạt động nhượng quyền xảy ra phổ biến trong lĩnh vực thức ăn chế biến sẵn. Ngoài ra, trong các lĩnh vực đồ dùng nội thất, bán lẻ quần áo và một số ngành dịch vụ cũng áp dụng phương thức này.
Các doanh nghiệp nước ngoài muốn tiến hành nhượng quyền ở Thụy Điển nên nghiên cứu kỹ pháp luật để đảm bảo giá trị pháp lý và tính hiệu lực của các hợp đồng nhượng quyền. Việc sử dụng một hợp đồng nhượng quyền nước ngoài mà không có những điều chỉnh theo luật pháp Thụy Điển thì việc tiến hành hoạt động nhượng quyền có thể gây bất lợi cho việc kinh doanh của người có thương quyền.
Liên doanh cấp giấy phép
Ở Thụy Điển, liên doanh là thỏa thuận giữa 2 hoặc nhiều bên thực hiện dự án. Đây không phải là một thực thể pháp lý mà chỉ là một thỏa thuận, tuy nhiên cần phải hình thành một tư cách pháp nhân cho hoạt động của toàn bộ dự án. Tư cách pháp nhân có thể là hoặc một công ty TNHH (AB) với những bên tham gia liên doanh là những cổ đông hoặc một tổ chức góp vốn (HB) với các bên tham gia liên doanh như là những đối tác.