Chính sách thuế

Thuế nhập khẩu

Danh mục thuế suất của Iceland được qui định theo mã HS 2017.

Kể từ ngày 1/1/2017, Iceland dỡ bỏ các loại thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm phi nông nghiệp. Chính sách này được thực hiện theo hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất đã được thực hiện từ 1/1/2016, loại bỏ các loại thuế nhập khẩu đối với hàng may mặc và da giày, còn các sản phẩm khác được thực hiện từ 1/1/2017.

Với tác động của chính sách này, mức thuế suất thuế nhập khẩu trung bình đã được giảm xuống đáng kể từ 8,3% xuống 4,6% từ năm 2017.

Đối với sản phẩm nông nghiệp, Iceland có khoảng gần 1.800 dòng thuế ở cấp độ tám chữ số. Trong đó, khoảng 1.000 dòng thuế bằng 0%, chủ yếu là các sản phẩm không sản xuất được trong nước. Đối với các sản phẩm nông nghiệp khác, cấu trúc thuế quan rất phức tạp: hầu hết các mặt hàng có thuế suất khoảng 30% và một số thuế đánh vào số lượng hoặc trọng lượng hàng lên đến 1.462 ISK/kg.

Thịt, các sản phẩm từ sữa, và khoai tây được bảo hộ thông qua thuế. Thuế đối với hầu hết các sản phẩm từ thịt là 20-30%, hải sản 10%, các sản phẩm sữa, trứng 30%.

Thuế đối với một số loại rau, ví dụ: cà chua, dưa chuột và ớt chuông cao hơn đáng kể trong mùa thu hoạch để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

Iceland duy trì chính sách miễn thuế nhập khẩu đối với một vài trường hợp như quà tặng, hàng tạm nhập, hàng đầu tư có chỉ định, các sản phẩm phục vụ dự án đặc biệt. Luật Hải quan của nước này cũng qui định hoãn nghĩa vụ nộp thuế đối với một vài sản phẩm, chủ yếu đối với các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Iceland hiện duy trì một số hạn ngạch thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp. Theo đó bao gồm 3 loại hạn ngạch chính:

  • Hạn ngạch áp dụng theo các qui định đa phương của WTO;
  • Hạn ngạch áp dụng cho các cam kết trong FTAs (EU, EEA và FTA với các bên thứ 3); và
  • Hạn ngạch tự chủ.

Việc xác định số lượng của hạn ngạch, mức thuế suất đối với hàng hoá nằm trong hạn ngạch và việc phân bổ hạn ngạch hoàn toàn phụ thuộc vào loại hạn ngạch kể trên. Đối với hạn ngạch WTO được xây dựng dựa trên luật của WTO trong khi đó hạn ngạch tự chủ được quyết định bởi Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực nông nghiệp dựa trên các qui định của luật.

Hạn ngạch WTO được qui định tại Phụ lục IIIA và IIIB của Luật Hải quan Iceland. Hiện tại có 141 dòng thuế bao trùm lên các sản phẩm như thịt, sản phẩm bơ, sữa, chế phẩm từ thịt (Mã HS từ chương 2, 4 và 16). Luật Hải quan Iceland ấn định mức thuế suất trong hạn ngạch là 32% và 30% của mức thuế suất cơ sở. Trong một vài trường hợp, mức thuế suất trong hạn ngạch còn cao hơn mức thuế suất ngoài hạn ngạch. Hạn ngạch được phân bổ hàng năm dựa trên thư đề xuất của một Ủy ban (thành lập bởi Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp). Việc phân bổ này có thể căn cứ vào kim ngạch đang thực hiện hoặc kim ngạch nhập khẩu năm trước.

Hạn ngạch tự chủ được qui định tại Phụ lục IVA và IVB bao gồm thịt, sữa, các sản phẩm từ sữa, bơ, phomai, trứng, hoa, cây trồng, khoai tây, cà chua, hành, bắp cải, cà rốt, dưa chuột, rau. Số lượng hạn ngạch và thuế suất sẽ do Bộ trưởng phụ trách nông nghiệp qui định dựa trên nhu cầu trong nước và chỉ số giá cả tiêu dùng.

Iceland cũng áp dụng một số hạn ngạch thuế quan song phương theo các FTA, theo đó số lượng hạn ngạch và mức thuế suất hạn ngạch được xác định bằng các hiệp định cụ thể. Thông thường hạn ngạch thuế quan với EU là về mặt hàng thịt bò, thịt lợn, sản phẩm bơ sữa, phomai hay thịt đã qua chế biến. Iceland cũng có hạn ngạch với mặt hàng phomai và thịt bò với các nước trong khối EFTA.

Ưu đãi thuế quan: Các hiệp định ưu đãi thuế quan của Iceland nhìn chung cho phép bên kia tiếp cận thị trường Iceland với mức thuế suất thấp hơn và điều này chỉ áp dụng đối với các sản phẩm nông nghiệp vì Iceland đã loại bỏ thuế nhập khẩu đánh trên hàng công nghiệp theo qui chế MFN.

Đối với các sản phẩm nhập khẩu được hưởng GSP, Iceland qui định danh sách tại Quyết định số 119/2002. Với các hiệp định ưu đãi thuế quan khác, mức thuế ưu đãi được qui định trên 323 dòng thuế có tính đến mức độ bảo hộ lĩnh vực nông nghiệp. Khoảng 23% các dòng thuế đối với những sản phẩm nông nghiệp được loại ra khỏi GSP, phần lớn là những sản phẩm nhạy cảm như thịt và bơ, sữa.

Tra cứu biểu thuế cập nhật
Luật Hải quan của Iceland

Thuế VAT

Hầu hết các mặt hàng nhập khẩu vào Iceland đều bị đánh thuế VAT. Thuế VAT thông thường là 24%. Một số mặt hàng được hưởng VAT thấp hơn, ở mức giảm 11% ví dụ hàng thực phẩm, sách báo, đĩa nhạc và một số hàng hoá và dịch vụ khác.

Qui định về thuế VAT

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Kể từ năm 2014, Iceland đã tiến hành cải cách và đơn giản hóa hệ thống thuế, trong đó có thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Mục đích là làm giảm cách biệt giữa hệ thống thuế chung và mức thuế VAT, áp dụng rộng rãi hơn và loại bỏ dần thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cho đến 1/1/2015, đa phần thuế tiêu thụ đặc biệt đã bị loại bỏ, chỉ còn một số mặt hàng nhất định như xăng dầu, thuốc lá, đồ uống có cồn, phương tiện đi lại.

Thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng

Luật của Iceland qui định Bộ trưởng Bộ tài chính và Kinh tế có thể sử dụng thuế chống bán phá giá và đối kháng nếu nhận được yêu cầu, đề xuất của Ban tư vấn gồm 7 thành viên. Mức thuế tạm thời áp dụng trong khoảng thời gian 12 tháng và mức thuế cuối cùng được ấn định nhưng không quá 5 năm.

Theo qui định của EEA, các loại thuế chống phá giá và đối kháng này sẽ không được áp dụng giữa các thành viên. Liên quan đến FTAs, đặc biệt là các FTA của khối EFTA, nhìn chung đều có điều khoản kết hợp các qui định về thuế chống phá giá và đối kháng của WTO với các FTA, trong một số FTA gần đây các cam kết còn mạnh mẽ hơn và thông thường kết hợp nguyên tắc “thuế thông thoáng hơn”.

Iceland không có khung pháp lý về tự vệ toàn cầu, mà chỉ viện dẫn đến các qui định của WTO năm 1995. Tuy nhiên, khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do, nước này luôn đưa điều khoản tự vệ vào.

Các loại thuế, phí khác

Ngoài các loại thuế kể trên, Iceland còn có những loại phí khác đánh trên hàng điện tử, phòng cháy chữa cháy do Cục Xây dựng Iceland qui định. Mức phí này được hải quan tính dựa trên trị giá lô hàng nhập khẩu với mức 0,15%. Thuế carbon cũng được tính đối với cả nhiên liệu sinh ra carbon cả trong nước và nhập khẩu ở mức tuyệt đối dựa trên số lít sử dụng và mức độ khí thải ra môi trường.

Cục Hải quan Iceland thông thường sẽ thu một mức phí hải quan nhất định trong quá trình làm thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa. Cơ cấu phí được xác định khi làm thủ tục thông quan gồm: cước hàng hóa, giá trị lô hàng, bảo hiểm. Các phí khác cũng được thu trong quá trình xử lý hàng hóa, hàng tạm nhập, kẹp chì an ninh và kiểm hóa.

Thực hiện các cam kết của mình theo qui định của EU đối với bao bì, đóng gói, Iceland tính thêm phí tái chế đối với việc nhập khẩu bao bì giấy, nhựa.

Các qui định về nhập khẩu

Thủ tục hải quan

Hàng hoá nhập khẩu vào Iceland phải làm các thủ tục hải quan sau:

  • Kê khai hàng hóa cùng với thông tin như trên vận đơn đã được gửi đến hải quan;
  • Hàng hoá không được mang ra khỏi kho của công ty giao nhận khi chưa được thông quan;
  • Hải quan có thể kiểm tra hàng hoá bất cứ lúc nào trong quá trình làm các thủ tục nhập khẩu;
  • Lô hàng có thể được xếp vào kho ngoại quan hoặc khu vực miễn thuế. Trong trường hợp này, một số qui định đặc biệt phải được tuân thủ;
  • Để hàng hoá được thông quan và lưu thông tự do trên thị trường Iceland, tờ khai nhập cảnh phải được điền đầy đủ, ký và nộp cho Hải quan, cùng các giấy tờ sau:
    – Hoá đơn thương mại: cần ghi rõ chính xác các thông tin của người nhập khẩu, người xuất khẩu, ngày xuất hoá đơn, số hoá đơn, miêu tả hàng hoá, đơn vị đo lường, số lượng, đơn giá, tổng giá, điều khoản thanh toán, điều khoản giao hàng, phương tiện vận chuyển;
    – Chứng từ vận chuyển: tuỳ vào loại phương tiện vận chuyển hàng hoá mà vận đơn và chứng từ tương ứng được yêu cầu xuất trình;
    – Hóa đơn các chi phí khác nếu không được ghi trên hoá đơn thương mại (cước vận chuyển, đóng gói, bảo hiểm và phí giao nhận và các phí khác) phù hợp với cách xác định trị giá hải quan (giá CIF đối với hàng nhập khẩu, giá FOB với hàng xuất khẩu);
    – Tài liệu khác nếu cần thiết để xác định hàng hóa;
    – Tuỳ theo mặt hàng nhập khẩu sẽ cần phải có giấy phép, giấy chứng nhận theo qui định (ví dụ giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận kiểm dịch, chứng nhận xuất xứ).

Qui định về thủ tục hải quan
Qui định về tài liệu thông quan hàng hoá

Cấm và hạn chế nhập khẩu

Iceland hiện duy trì một số chính sách hạn chế và cấm nhập khẩu một số mặt hàng cụ thể nằm trong các công ước quốc tế như CITES, Montreal. Các sản phẩm bị cấm nhập khẩu gồm: chất gây nghiện, các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong danh mục CITES, vũ khí, đạn dược, các chất làm suy thoái tầng Ozone.

Giấy phép nhập khẩu

Iceland áp dụng giấy phép nhập khẩu không tự động đối với các hàng hóa như động vật sống và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thủy sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, hạt giống, cây trồng, các trang thiết bị nghề cá đã qua sử dụng, máy móc nông nghiệp đã qua sử dụng, hóa chất độc hại, đồ chơi có chứa chì, dược phẩm, thiết bị viễn thông, tàu, thuyền và thiết bị bốc dỡ, vũ khí, đạn dược, pháo hoa, hạt nhân, chất phóng xạ, thiết bị laser và một số hàng hoá khác vì lý do an ninh và an toàn cho người sử dụng.

Hàng tạm nhập

Hàng hóa có thể được miễn thuế hải quan và thuế VAT nếu được nhập khẩu tạm thời vào Iceland và tái xuất sau thời gian qui định.

Một số hàng hóa thuộc danh mục này bao gồm các vật liệu, trang thiết bị cho hội chợ thương mại và triển lãm, một số thiết bị chuyên nghiệp cho sự kiện, thiết bị, máy móc thay thế trong quá trình sửa chữa bảo hành, tác phẩm nghệ thuật được trưng bày, và một số thiết bị cho mục đích giảng dạy và nghiên cứu và một số hàng hoá khác.

Tại Iceland, ATA Carnet, một loại chứng từ hải quan quốc tế sử dụng trong việc tạm nhập hàng hóa miễn thuế, hiện có hơn 70 nước tham gia, được cấp bởi Phòng Thương mại Iceland.

Qui định và danh mục hàng tạm nhập

Qui định về bao gói và nhãn mác

Các qui định về bao gói và nhãn mác của Iceland thường tuân theo các qui định của EU. Ngoài ra, Iceland cũng có một số qui định riêng.

Kể từ năm 2012, qui định về Sinh vật biến đổi gen yêu cầu bất kỳ sản phẩm nào chứa hơn 0,9% nguyên liệu được sản xuất từ GMO phải được dán nhãn và để các nhà sản xuất duy trì hồ sơ truy xuất nguồn gốc trong 5 năm.

Nhãn sản phẩm phải bằng tiếng Iceland, tiếng Anh hoặc ngôn ngữ Bắc Âu khác trừ tiếng Phần Lan. Gói thực phẩm có kích thước bán lẻ phải hiển thị tên của nhà sản xuất, nhà đóng gói hoặc nhà nhập khẩu, tên thương mại của sản phẩm, trọng lượng hoặc khối lượng tịnh, thành phần theo thứ tự giảm dần, ngày tiêu thụ cuối cùng và hướng dẫn lưu trữ nếu dễ hỏng hoặc hàng cho trẻ sơ sinh.

Các danh mục sản phẩm được liệt kê dưới đây phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn của EU nhằm đảm bảo người tiêu dùng có được tất cả các thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua hàng.

  • Thuỷ sản;
  • Thực phẩm;
  • Giày dép;
  • Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
  • Các sản phẩm thịt;
  • Các sản phẩm dệt;
  • Săm lốp;
  • Rượu vang.

Ngoài ra, đối với một số sản phẩm, ví dụ như hoá chất, dược phẩm, Iceland có qui định thêm ngoài các qui định chung nói trên.

Qui định của EU về bao gói, nhãn mác đối với một số sản phẩm
Qui định của Latvia về nhãn mác cho các sản phẩm hoá chất
Qui định của Latvia về nhãn mác cho dược phẩm

Qui định về kiểm dịch động thực vật

Theo qui định của Iceland, Cục Thú y và An toàn Thực phẩm Iceland (MAST), thuộc Bộ Công nghiệp và Đổi mới là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các qui định liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe động thực vật, kiểm soát giống cây trồng, phân bón, và nguồn nước dành cho tiêu dùng.

Là thành viên của EEA, Iceland tuân thủ các qui định của EU về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật nhưng Iceland vẫn có những qui định riêng của mình.

Qui định về kiểm dịch động thực vật của EU

Kiểm dịch động vật

Mục tiêu của Cơ quan Thú y và Thực phẩm Iceland là chống lại các bệnh truyền nhiễm ở động vật, ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân truyền nhiễm từ bên ngoài, diệt trừ các bệnh lưu hành, kiểm soát việc truyền các tác nhân truyền nhiễm giữa động vật và con người, và cải thiện sức khỏe và phúc lợi chung của động vật.

Việc nhập vật nuôi vào Iceland phải tuân theo điều kiện nghiêm ngặt. Các nhà nhập khẩu phải xin giấy phép nhập khẩu tại MAST và vật nuôi phải đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe (tiêm phòng và kiểm dịch) và phải cách ly trong 2 tuần đầu khi đến Iceland.

Việc nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật từ các nước ngoài EEA vào Iceland phải tuân thủ các qui định sau:

  • Sản phẩm có nguồn gốc động vật chỉ được nhập khẩu nếu được sản xuất từ các cơ sở chế biến được EU phê duyệt và được dán nhãn số phê duyệt của EU;
  • Sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận sức khỏe dành cho thị trường EU do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;
  • Việc nhập khẩu sẽ phải thông báo qua Hệ thống Truy xuất TRACES ít nhất 24 giờ trước khi lô hàng đến của khẩu của một trong các nước thành viên EEA;
  • Mọi lô hàng đều phải được kiểm tra tại điểm kiểm tra biên giới của nước thành viên EEA;
  • Chú ý các điều kiện đặc biệt khi nhập khẩu thịt sống/các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Giấy phép nhập khẩu là bắt buộc đối với lô hàng động vật sống đầu tiên (chủng loại mới) và sản phẩm từ động vật, do phải trải qua giai đoạn đánh giá rủi ro bởi MAST. Việc đánh giá rủi ro này đều thực hiện theo các qui định của quốc tế, thông thường được đưa ra bởi OIE (Tổ chức sức khỏe động vật thế giới) và dựa trên các thông tin từ nước xuất khẩu.

MAST có thể cấp giấy phép cho việc nhập khẩu thức ăn biến đổi gen trong chăn nuôi bò nếu một số các yêu cầu được đáp ứng. MAST cũng có quyền đặt ra các tiêu chuẩn cho các nông trại trong việc nhập khẩu các loại động vật chăn nuôi.

Việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chỉ có thể được tiến hành bởi các nhà nhập khẩu đã đăng ký. Chứng từ cho lô hàng thức ăn chăn nuôi phải thể hiện được thành phần, phụ gia, nếu thành phần đó có nguồn gốc động vật thì phải có giấy chứng nhận an toàn nêu rõ qui trình vệ sinh được sử dụng trong sản xuất, đóng gói và vận chuyển.

Danh sách động vật và các sản phẩm có nguồn gốc động vật bị kiểm soát tại biên giới

Qui định của Iceland về nhập khẩu động vật sống

Qui định của Iceland về nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật

Danh sách các điểm kiểm tra biên giới của Iceland

Hệ thống Kiểm soát Thương mại và Chuyên gia EU (TRACES)

Kiểm dịch thực vật

Một số sản phẩm có nguồn gốc phi động vật có nguồn gốc từ các nước không phải thành viên EEA chịu sự kiểm soát tại các điểm kiểm tra biên giới. Những sản phẩm này được liệt kê trong qui định 2019/1793 của EU. Nhập khẩu các sản phẩm này phải được thông báo ít nhất 24 giờ trong hệ thống TRACES.

Iceland áp dụng các qui định của EU đối với giống cây trồng nhưng có qui định riêng về sức khoẻ thực vật.

Theo qui định này, việc nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật chỉ được phép nếu lô hàng được kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật từ nước xuất khẩu và đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật trong qui định, ví dụ: kiểm dịch không có côn trùng gây hại.

Khi thực vật được trồng ở một quốc gia không phải là nước xuất khẩu, lô hàng sẽ phải kèm theo một bản sao giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đi cùng với thực vật khi đến nước xuất khẩu, cùng với giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đặc biệt để tái xuất từ nước xuất khẩu.

Một số loài thực vật bị cấm nhập khẩu vào Iceland được qui định trong Phụ lục III của qui định số 189/1990.

Qui định 2019/1793 của EU
Qui định số 189/1990 của EU

An toàn thực phẩm

Phần lớn các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm của EU đều được áp dụng tại Iceland. Tất cả các cơ sở kinh doanh hàng thực phẩm từ công đoạn sơ chế đến thực phẩm, bất kể có nguồn gốc động vật hay không đều phải đăng ký và được chứng nhận bởi MAST. Thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các yêu cầu liên quan, ít nhất phải đáp ứng các yêu cầu của EU. Việc nhập khẩu động vật sống và các sản phẩm có nguồn gốc động vật phải qua hệ thống giám sát nhập khẩu.

Việc nhập khẩu máy móc thiết bị nông nghiệp, dụng cụ ngư nghiệp đã qua sử dụng cũng cần giấy phép nhập khẩu nếu hàng hóa đó đạt được điều kiện về vệ sinh và khử trùng do MAST đề ra.

Mục tiêu của các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm thúc đẩy sự an toàn và chất lượng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn và để các nhà sản xuất thực phẩm có trách nhiệm đối với các sản phẩm của họ, luôn chú ý bảo vệ người tiêu dùng.

MAST phối hợp với Bộ Công nghiệp và Đổi mới xây dựng các luật mới để quản lý toàn bộ chuỗi thực phẩm. MAST chịu trách nhiệm kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất từ lò mổ và nhà máy chế biến thịt trong các lò mổ, kiểm soát các sản phẩm thủy sản và kiểm soát xuất nhập khẩu thực phẩm. Cơ quan giám sát kiểm soát thực phẩm của Ủy ban Y tế địa phương chịu trách nhiệm giám sát sản xuất và phân phối thực phẩm trong địa bàn phụ trách.

Qui định về an toàn thực phẩm của EU
Qui định về an toàn thực phẩm của Iceland

Qui định về tiêu chuẩn sản phẩm

Tiêu chuẩn kỹ thuật

Cơ quan Tiêu chuẩn Iceland (IST) là cơ quan tiêu chuẩn quốc gia của Iceland. Đây là một hiệp hội độc lập có vai trò, theo luật, là công bố các tiêu chuẩn Iceland và là đại diện của Iceland trong các cơ quan tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.

Bốn Ủy ban ngành hoạt động dưới sự bảo trợ của Cơ quan Tiêu chuẩn Iceland: BSTR trong lĩnh vực xây dựng, FIF trong lĩnh vực đánh cá, FUT trong ngành công nghệ thông tin, và RST trong ngành kỹ thuật điện.

IST là thành viên của các tổ chức tiêu chuẩn châu Âu như Ủy ban Tiêu chuẩn châu Âu (CEN), Ủy ban Tiêu chuẩn Điện tử châu Âu (CENELEC) và Viện Tiêu chuẩn Viễn thông châu Âu (ETSI), và các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO và IEC.

Dán nhãn CE

Kể từ khi gia nhập Khu vực kinh tế châu Âu năm 1994, Iceland đã áp dụng các tiêu chuẩn và qui định sản phẩm của châu Âu trong hầu hết các lĩnh vực. Việc thực hiện các tiêu chuẩn mới này và yêu cầu kèm theo là sử dụng nhãn CE để chứng nhận rằng sản phẩm đã đáp ứng các yêu cầu về an toàn, sức khỏe hoặc môi trường của người tiêu dùng EU.

Để bán sản phẩm trên thị trường EU cũng như Iceland, một số sản phẩm bắt buộc có dấu CE.

Các sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn được thông qua bởi CEN, CENELEC và ETSI, và được công bố trên Tạp chí chính thức là tiêu chuẩn hài hòa, được cho là phù hợp với các yêu cầu của Chỉ thị EU. Sau đó, nhà sản xuất áp dụng dấu CE và đưa ra tuyên bố về sự phù hợp. Khi đó, sản phẩm sẽ được phép lưu hành tự do trong khu vực EU/EEA. Một nhà sản xuất có thể chọn không sử dụng các tiêu chuẩn EU hài hòa, nhưng sau đó phải chứng minh rằng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu an toàn cơ bản.

25 nhóm sản phẩm yêu cầu phải dán nhãn CE theo Chỉ thị cách tiếp cận mới:

  • Thiết bị y tế cấy ghép hoạt động;
  • Thiết bị đốt nhiên liệu khí;
  • Các sản phẩm dùng để lắp đặt cáp treo được thiết kế để chở người;
  • Các sản phẩm xây dựng;
  • Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
  • Các thiết bị, hệ thống điện, điện từ tương thích;
  • Thiết bị và hệ thống bảo vệ dự định sử dụng trong môi trường có khả năng gây nổ;
  • Chất nổ dùng trong dân dụng;
  • Nồi hơi nước nóng;
  • Thiết bị y tế chẩn đoán in vitro;
  • Thang máy;
  • Các thiết bị điện hạ thế;
  • Máy móc;
  • Dụng cụ đo lường;
  • Các thiết bị y tế;
  • Các sản phẩm phát thải tiếng ồn trong môi trường;
  • Các dụng cụ cân không tự động;
  • Thiết bị bảo vệ cá nhân;
  • Thiết bị áp suất;
  • Pháo hoa;
  • Thiết bị đầu cuối đài phát thanh và viễn thông;
  • Các sản phẩm giải trí;
  • Hạn chế các chất độc hại trong các thiết bị điện và điện tử;
  • Đồ chơi;
  • Bình áp lực đơn giản.

Việc dán nhãn CE lên sản phẩm cũng được EU quy định nghiêm ngặt. Với mỗi sản phẩm khác nhau quy định về việc dán nhãn cũng sẽ khác nhau. Một số quy định chung như sau:

  • Kích thước của biểu tượng dấu “CE” khi tăng hay giảm thì tỷ lệ vẫn phải được giữ nguyên;
  • Dấu “CE” được đặt theo chiều thẳng đứng và kích thước không được nhỏ hơn 5mm;
  • Dấu “CE” phải đặt ở vị trí không bị các logo khác che khuất.

Qui định về CE của EU

Quyền sở hữu trí tuệ

Luật Sở hữu trí tuệ của Iceland tuân thủ Hiệp định TRIPS. Tất cả các đơn xin cấp nhãn hiệu, bằng sáng chế hoặc bảo vệ sở hữu trí tuệ tại thị trường Iceland phải được đăng ký với Cục Sở hữu Trí tuệ Iceland.

Cục Sở hữu Trí tuệ Iceland là cơ quan quản lý nhà nước của Iceland chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, nhãn hàng, nhãn hiệu thương mại, kiểu dáng, và các quyền liên quan.

Iceland tuân thủ các hiệp định quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ như Công ước Paris về bảo vệ sở hữu công nghiệp, Nghị định thư Madrid liên quan đến đăng ký quốc tế về nhãn hiệu.

Năm 2016, Iceland ban hành chính sách về quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2022. Chính sách này cho thấy nhận thức của chính phủ Iceland về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo, làm động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Nhãn hiệu thương mại

Luật nhãn hiệu thương mại của Iceland được sửa đổi năm 2012 và năm 2014, đây là kết quả đạt được từ Hiệp ước Singapore. Ngoài ra, thủ tục vô hiệu cũng được đưa ra và qui trình cấp nhãn hiệu thương mại của Iceland cũng được điều chỉnh phù hợp với qui định của các nước Bắc Âu khác.

Năm 2014, qui định 130 về việc bảo vệ tên sản phẩm gắn liền với xuất xứ, các chỉ dẫn địa lý và các đặc trưng truyền thống đã có hiệu lực.

Các nhãn hiệu thương mại được đăng ký ở Iceland chỉ được bảo hộ ở Iceland nếu không đăng ký bảo hộ quốc tế.

Qui định về đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại tại Iceland

Bằng sáng chế

Luật về bằng sáng chế của Iceland có hiệu lực từ năm 1991 và kể từ đó đến nay có rất ít sửa đổi, bổ sung. Gần đây nhất năm 2012-2013, có một số sửa đổi đối với các qui định về phí xin cấp bằng sáng chế áp dụng cho các nhãn hiệu thương mại, thiết kế thương mại và thủ tục xin cấp chứng nhận.

Bằng sáng chế được cấp bởi Văn phòng Bằng sáng chế Iceland, bảo vệ các phát minh trong tối đa 20 năm ở Iceland. Các quyền độc quyền được thiết lập trong luật sáng chế số 17/1991, đã được sửa đổi, cho phép chủ sở hữu cấm người khác sản xuất, nhập khẩu và bán một phát minh được bảo hộ bởi một bằng sáng chế.

Qui định về đăng ký bằng sáng chế

Thiết kế

Iceland bảo vệ các thiết kế được đăng ký. Thiết kế được bảo hộ 5 năm và được gia hạn thêm mỗi lần 5 năm và tổng thời gian bảo hộ không quá 25 năm.

Yêu cầu gia hạn sẽ được gửi đến Văn phòng Bằng sáng chế của Iceland ít nhất ba tháng và chậm nhất là sáu tháng trước khi thời gian đăng ký kết thúc. Thiết kế đã đăng ký vẫn có hiệu lực trong thời gian nộp đơn gia hạn.

Qui định về đăng ký bảo hộ thiết kế

Quyền tác giả

Có nhiều sự thay đổi trong các qui định của pháp luật có liên quan đến quyền tác giả kể từ năm 1972 khi luật về quyền tác giả được áp dụng. Tính đến năm 2016, luật này được sửa đổi 4 lần có liên quan đến quyền đặc trưng của tác giả, hợp đồng nhượng quyền, gia hạn thời gian bảo hộ đối với các sản phẩm ghi âm và sao chép cho mục đích cá nhân.

Chỉ dẫn địa lý

Theo qui định của Iceland, tên của sản phẩm có thể được bảo vệ nếu như sản phẩm đó có xuất xứ từ một vùng, khu vực cụ thể, có những đặc trưng riêng của vùng địa lý đó. Quá trình sản xuất, chế biến, sơ chế sản phẩm đó diễn ra tại một khu vực địa lý xác định. Tên liên quan đến khu vực địa lý đó có thể được bảo vệ. Luật Iceland cũng qui định tên sản phẩm sẽ được bảo vệ trước việc bị lạm dụng, bắt chước, sao chép hoặc các hành vi khác dẫn tới việc khách hàng hiểu sai. Để bảo vệ chỉ dẫn địa lý với sản phẩm, quá trình đăng ký cần phải được tiến hành theo luật kèm với một khoản phí 75.000 ISK. Chỉ dẫn địa lý sẽ do MAST cấp.

Là một phần trong hiệp định về nông nghiệp đã ký với EU năm 2015, Iceland cũng thực thi các cam kết của mình về chỉ dẫn địa lý. Theo đó, danh sách 1.150 các sản phẩm và thực phẩm nông nghiệp của EU cần được bảo vệ sẽ nhận được sự bảo vệ tương ứng từ Iceland.