Nhập khẩu rau quả, trái cây và các loại hạt đã qua chế biến của các quốc gia Bắc Âu và Latvia tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. Một phần đáng kể được nhập khẩu này từ các nước đang phát triển. Các sản phẩm chủ yếu được nhập khẩu nhiều là là hạt điều, trái cây đông lạnh, trái cây nhiệt đới đóng hộp, đậu phộng, nước ép trái cây nhiệt đới và quả óc chó.
Hình 1: Lượng nhập khẩu rau quả, trái cây và các loại hạt đã qua chế biến của Bắc Âu và Latvia giai đoạn 2015 – 2019
Đơn vị: Nghìn USD
Nguồn: ITC Trade Map
Từ năm 2015 – 2018, tổng lượng nhập khẩu các sản phẩm rau quả, trái cây và các loại hạt đã qua chế biến của các nước Bắc Âu và Latvia tăng qua các năm và giảm 6% vào năm 2019.
Cùng xu hướng với tổng lượng nhập khẩu, lượng nhập khẩu rau quả, trái cây và các loại hạt đã qua chế biến từ các nước đang phát triển cũng tăng trung bình khoảng 4% mỗi năm, và giảm 22% vào năm 2019.
Trong số các quốc gia đang phát triển mà Bắc Âu và Latvia nhập khẩu tại khu vực Châu Á, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia là các quốc gia được nhập khẩu chủ yếu, trong khi lượng nhập khẩu từ Việt Nam không nhiều, chỉ khoảng 3% trong tổng số lượng nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển.
Hình 2: Nhập khẩu rau quả, trái cây và các loại hạt theo mặt hàng của
Bắc Âu và Latvia
Đơn vị: Nghìn USD
Rau quả và trái cây đông lạnh là nhóm sản phẩm lớn nhất về trị giá với 57% thị phần nhập khẩu của Bắc Âu và Latvia. Hạt và các loại hạt ăn được đứng thứ hai với 15% thị phần tổng lượng nhập khẩu, tiếp theo là rau quả và trái cây đóng hộp và trái cây và rau quả sấy khô đều chiếm 10%, nước trái cây và rau quả 9% và mứt và các đồ xay nhuyễn chỉ có 2%.
Nhìn chung, tất cả các mặt hàng trên đều tăng qua các năm trong giai đoạn 2015 – 2018. Trong đó, mặt hàng trái cây và rau quả đông lạnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Trong năm 2019, nhập khẩu và tiêu thụ tất cả các mặt hàng trên đều giảm.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây cho thấy, sự bùng phát gần đây của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của mọi người. Mọi người đang tích trữ thực phẩm ổn định trong hạn sử dụng, như trái cây và rau quả đã qua chế biến. Tất cả các nhà máy đóng hộp trên toàn thế giới đều có đơn đặt hàng lớn cho các kích thước lon nhỏ hơn bán lẻ. Tuy nhiên, nhu cầu về lon lớn hơn (5-15 kg) cho lĩnh vực dịch vụ thực phẩm đã giảm do các nhà hàng đóng cửa. Các nhà sản xuất sản phẩm tươi sống đã có nhiều đơn hàng bị hủy, buộc họ phải chuyển hướng sản xuất sang chế biến. Ngoài ra, doanh số bán nước ép trái cây cũng tăng lên. Phần lớn các công ty đóng chai đang tập trung vào sản xuất nước cam và nước táo, vì không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo quan điểm của các nhà nhập khẩu, các thành phần chính, chẳng hạn như nước cam cô đặc đông lạnh cũng đang được mua rất nhiều. Quả mọng đông lạnh cũng có nhu cầu cao hơn (và do đó giá cao hơn) vì các loại quả này được cho là tăng cường hệ thống miễn dịch.
Do vậy dự kiến, tổng lượng nhập khẩu trái cây, rau quả và các loại hạt đã qua chế biến sẽ tăng mạnh trong năm 2020, và sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng dương trong các năm tiếp theo.
Ngoài ra, các nước Bắc Âu và Latvia không tự cung tự cấp được rau quả chế biến. Do đặc điểm của các quốc gia này có thời tiết vô cùng khắc nghiệt với 9 tháng mùa đông rất lạnh và 5 tháng mùa hè với nhiệt độ dao động trong khoảng 15oC, do vậy không thích hợp để trồng rau quả nhiệt đới, nên chỉ phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nước nhiệt đới và bán nhiệt đới.
Một số loại trái cây và rau quả chế biến được sản xuất ở Châu Âu và cung cấp cho các quốc gia trong Châu Âu, bao gồm cả các quốc gia Bắc Âu và Latvia là:
+ Nước ép táo (Ba Lan)
+ Nước ép rau củ, cà chua đóng hộp và cà chua xay nhuyễn (Ý)
+ Đào và mơ đóng hộp (Hy Lạp và Tây Ban Nha)
+ Ô liu (Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha)
+ Rau đông lạnh (Bỉ)
+ Dâu đông lạnh (Ba Lan)
+ Anh đào chua đông lạnh (Hungary và Ba Lan)
+ Mận khô và mứt (Pháp)
Tuy nhiên, không có loại nào trong số này được sản xuất với số lượng đủ để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của châu Âu nói chung và các quốc gia Bắc Âu và Latvia nói riêng và sản xuất rau quả nội địa của châu Âu không có xu hướng tăng lên.
Hình 3: Sản xuất rau quả, trái cây và các loại hạt của Châu Âu giai đoạn 2014 – 2018
Đơn vị: Triệu EURO
Nguồn: Eurostat
Sản xuất rau quả, trái cây và các loại hạt đã chế biến của Châu Âu không tăng lên. Trong khi đó, nông nghiệp của Đan Mạch vẫn tập trung vào chăn nuôi lợn, Thụy Điển chuyển sang chăn nuôi gia cầm nhiều hơn. Na Uy tập trung sản xuất thủy sản. Phần Lan tập trung sản xuất khoai tây, lúa mì. Như vậy, có thể thấy nhu cầu của người dân Bắc Âu và Latvia có và thậm chí là tăng. Tuy nhiên, sản xuất trong nội khối Châu Âu cũng như trong bản thân các quốc gia Bắc Âu và Latvia không đủ cung ứng. Do vậy, các sản phẩm không được sản xuất ở Châu Âu hoặc được sản xuất với khối lượng rất nhỏ như rau quả, trái cây và các loại hạt đã qua chế biến chính là cơ hội cho các nước đang phát triển khu vực nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2020, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU có hiệu lực. Theo như cam kết thuế của EU dành cho Việt Nam, toàn bộ mặt hàng rau quả, trái cây đã qua chế biến thuộc Chương 08 và Chương 20 (chỉ trừ một số sản phẩm trong hạn ngạch thuế quan như nấm, ngô ngọt) đều được giảm thuế về 0 ngay lập tức. Điều này sẽ khiến Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…