Tại Diễn đàn cấp cao “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” diễn ra vào ngày 28.11 trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2020, bà Ann Mawe – Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện về cách Thụy Điển trở thành một trong những quốc gia đổi mới nhất trên thế giới.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam dẫn chứng Thụy Điển đã được xếp hạng là một trong những quốc gia đổi mới hàng đầu thế giới trong nhiều năm; năng lực đổi mới của Thụy Điển rất cao theo các so sánh quốc tế khác nhau do Ủy ban Châu Âu, Diễn đàn Kinh tế thế giới và các tổ chức uy tín khác thực hiện.
“Đây là một vị trí mà chúng tôi đang nỗ lực để duy trì, bằng cách không bao giờ hài lòng và không ngừng cải thiện. Và chúng tôi rất ấn tượng với việc Việt Nam đạt được tiến bộ nhanh chóng về đổi mới sáng tạo như được thể hiện trong Chỉ số Đổi mới toàn cầu”, bà Đại sứ bày tỏ.
Ngoài ra, bà Ann Mawe còn cho biết mặc dù Thụy Điển đang dẫn đầu về chỉ số SDG (mục tiêu phát triển bền vững), cùng với các nước láng giềng Bắc Âu là Đan Mạch và Phần Lan, nhưng cả 3 nước này vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Và đổi mới là con đường phía trước. Cũng giống như Việt Nam, đất nước Thụy Điển nhìn thấy những cơ hội trong sự kết hợp giữa đổi mới và chương trình nghị sự 2030…
Bên cạnh đó, theo vị Đại sứ, sau Thung lũng Silicon, thủ đô của Thụy Điển – Stockholm – sản xuất số lượng “kỳ lân” (các công ty công nghệ tỉ USD) trên đầu người cao nhất so với bất kỳ thành phố nào khác. Công ty SparkLabs có trụ sở tại Hàn Quốc, gần đây đã xếp Stockholm đứng thứ hai về môi trường hỗ trợ nhiều nhất cho khởi nghiệp, sau Thung lũng Silicon.
Vị thế vững chắc này được khẳng định bởi Chỉ số Thành phố Kỹ thuật số Châu Âu, xếp hạng Stockholm thứ hai cả về hệ sinh thái dành cho khởi nghiệp và quy mô. Một số yếu tố đã tạo ra một môi trường thúc đẩy hơn 22.000 doanh nghiệp công nghệ – chỉ riêng ở Stockholm.
Vậy điều gì đã khiến Thụy Điển trở thành nơi hàng đầu về đổi mới, nơi phát triển những ý tưởng tuyệt vời? Lý giải cho điều này, bà Đại sứ phân tích rằng Thụy Điển đã mở ra tiềm năng của toàn dân và có tỷ lệ việc làm dành cho phụ nữ và bà mẹ cao nhất ở Châu Âu.
Ở Thụy Điển, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống được tích hợp vào nền văn hóa, giúp người dân có thể kết hợp cuộc sống gia đình năng động với sự nghiệp. Hệ thống phúc lợi đã góp phần mang lại chất lượng cuộc sống cao và tạo cơ hội bình đẳng cho nam và nữ. Chi phí chăm sóc ban ngày được Chính phủ trợ cấp nên rất phải chăng. Hệ thống phúc lợi tạo ra một mạng lưới an toàn cho các cá nhân, giúp họ có thể chấp nhận rủi ro, thử một nghề nghiệp thay thế hoặc phát triển một ý tưởng kinh doanh.
Chia sẻ về sức mạnh của sự sáng tạo, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của sự sáng tạo; sự sáng tạo được khuyến khích ở mọi nơi giúp mọi người giải phóng tâm trí và suy nghĩ bên ngoài đã mở đường cho thành công trong nhiều lĩnh vực. Thêm vào đó là phong cách quản lý của Thụy Điển khi khuyến khích sự hợp tác và tư duy phản biện…
Bên cạnh đó, theo vị Đại sứ, đầu tư hàng năm cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Thụy Điển thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Cụ thể, 3,3% GDP được chi cho R&D trong năm 2017; phần lớn nhất trong số các khoản đầu tư này (61%) đến từ khu vực tư nhân, nhưng khu vực công là đóng góp quan trọng về nhiều mặt. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống giáo dục đại học của Thụy Điển được xếp hạng là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới.
“Việc Techfest Vietnam năm nay diễn ra tại một trong những Trường đại học hàng đầu của Việt Nam cho thấy tham vọng về lĩnh vực này”, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ.