Khu vực Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, và Iceland. Na Uy và Iceland không phải là thành viên của Liên minh châu Âu nhưng tham gia Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). Điều này có nghĩa là các luật và quy định về thực phẩm của Na Uy và Iceland ở mức độ lớn phản ánh các quy tắc của Liên minh châu Âu. Do đó, luật và các quy định của EU có thể được lấy làm cơ sở cho các quốc gia ở khu vực Bắc Âu.

Trong bài nghiên cứu này sẽ tập trung vào 3 thị trường Thụy Điển, Đan Mạch, và Na Uy.

Các yêu cầu cơ bản

Yêu cầu pháp lý

Cà phê nhập khẩu vào khu vực Bắc Âu bắt buộc phải tuân theo các yêu cầu và qui định của Liên minh châu Âu áp dụng cho cà phê. Các yêu cầu này chủ yếu liên quan đến an toàn thực phẩm, trong đó truy xuất nguồn gốc và vệ sinh là quan trọng nhất. Cần chú ý đặc biệt đến các nguồn gây ô nhiễm cụ thể, trong đó phổ biến nhất là thuốc trừ sâu (dư lượng tối đa MRLs đối với mỗi loại thuốc trừ sâu), độc tố nấm (nấm), Salmonella (nguy cơ thấp đối với cà phê).

Các yêu cầu đối với cà phê tham khảo chi tiết tại đây.

Yêu cầu chất lượng

Cà phê nhân được phân loại chất lượng trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, vốn không tồn tại một hệ thống phân loại, đánh giá chung trên toàn thế giới cho cà phê. Các quốc gia sản xuất khác nhau có hệ thống đánh giá riêng. Tuy vậy, quá trình phân loại cà phê thường được dựa trên một số tiêu chí sau: vùng, khu vực, độ cao canh tác, giống loài thực vật, phương pháp chế biến (chế biến ướt hay khô, rửa hay để tự nhiên), kích cỡ hạt (đôi khi là hình dạng và màu sắc hạt), số lượng hạt lỗi, chất lượng hương vị như mùi vị, đặc tính, độ sạch.

Cà phê đặc sản được phân loại theo hồ sơ nếm thử và đánh giá chất lượng theo các tiêu chí bao gồm: hương thơm, vị, hậu vị, tính chua, độ mạnh, cân bằng, tính đồng nhất, độ sạch, đậm đà, lỗi, và tổng quát.

Nếu muốn xuất khẩu cà phê đặc sản, nên thêm chứng nhận điểm thử vào tài liệu giới thiệu, mặc dù điều này không phải bắt buộc.

Lưu ý rằng không có định nghĩa chính xác về cà phê đặc sản trong ngành cà phê. Viện Chất lượng Cà phê và các quy trình thử của Hiệp hội Cà phê Đặc sản cho rằng cà phê được phân loại và thử nếm với điểm số dưới 80 được coi là chất lượng tiêu chuẩn và không phải là đặc sản. Tuy nhiên, điểm số tối thiểu chính xác để xác định cà phê đặc sản khác nhau ở mỗi quốc gia và mỗi người mua. Một số người mua cho rằng 80 là quá thấp và yêu cầu điểm thử là 85 hoặc cao hơn.

Yêu cầu ghi nhãn

Nhãn cà phê xuất khẩu phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn thực phẩm chung của Liên minh châu Âu. Nhãn phải được viết bằng tiếng Anh và phải bao gồm các thông tin sau để đảm bảo truy xuất nguồn gốc của từng lô hàng: tên sản phẩm, mã nhận dạng của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), nước xuất xứ, phân loại, trọng lượng tịnh tính bằng kg, đối với cà phê được chứng nhận: tên và mã của cơ quan kiểm tra và số chứng nhận.

Yêu cầu đóng gói

Theo truyền thống, hạt cà phê được vận chuyển trong các túi dệt làm từ sợi tự nhiên hoặc đay. Túi đay phải dai và chắc.

Các vật liệu khác, chẳng hạn như Grainpro hoặc vật liệu cải tiến khác như tấm lót Videplast, thường được sử dụng để đóng gói cà phê đặc sản bên trong túi đay.

Hầu hết các hạt cà phê chất lượng tiêu chuẩn được nhập khẩu vào khu vực Bắc Âu được đóng trong các bao đay 60-70kg/bao, sau đó vào trong container lót 20 tấn (một loại bao bì lớn chuyên dùng đóng chất lỏng trước khi cho vào container thông thường), với khối lượng tịnh là 17-19 tấn cà phê.

Các yêu cầu bổ sung

Yêu cầu bổ sung về an toàn thực phẩm

Người mua Bắc Âu thường quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Về qui trình sản xuất và xử lý, cần quan tâm đến bộ qui tắc Thực hành nông nghiệp tốt (GlobalGAP), bộ tiêu chuẩn tự nguyện để chứng nhận các qui trình sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp an toàn và có thể truy xuất nguồn gốc.  Ngoài ra, việc thực hiện Hệ thống Quản lý Chất lượng (QMS) cũng cần được quan tâm. Hệ thống này dựa trên Phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn. HACCP thường là tiêu chuẩn tối thiểu trong bảo quản và xử lý cà phê nhân.

Yêu cầu bổ sung về bền vững

Trách nhiệm doanh nghiệp và sự phát triển bền vững ngày càng được quan tâm. Việc áp dụng các quy tắc ứng xử hoặc chính sách phát triển bền vững liên quan đến các tác động môi trường và xã hội sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Các công ty hàng đầu trong thị trường cà phê ở Bắc Âu như Jacobs Douwe Egberts và Merrild, đều có chính sách bền vững.

Các tiêu chuẩn chứng nhận như Rainforest Alliance-UTZ cũng trở nên quan trọng trong thị trường cà phê chính thống. Các tiêu chuẩn chứng nhận này thường là một phần của chiến lược phát triển bền vững của các nhà kinh doanh, rang xay và bán lẻ. Các nhà nhập khẩu và rang xay khu vực Bắc Âu như NAF Trading (Đan Mạch) và Joh. Johannson Kaffe (Na Uy), xử lý nhiều loại cà phê có nguồn gốc khác nhau và sử dụng các chứng nhận khác nhau.

Khu vực Bắc Âu là một thị trường quan trọng của cà phê hữu cơ, dự kiến ​​ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Muốn tiếp thị cà phê hữu cơ tại khu vực Bắc Âu, cần tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu về sản xuất hữu cơ và dán nhãn. Được cấp biểu tượng sản phẩm hữu cơ của EU là yêu cầu luật pháp tối thiểu để tiếp thị cà phê hữu cơ ở Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch.

Ở Thụy Điển, KRAV, một hiệp hội hữu cơ tư nhân với tiêu chuẩn và nhãn hiệu riêng của mình chứng nhận khoảng 80% sản phẩm hữu cơ trong nước. Các tiêu chuẩn KRAV được điều chỉnh cho phù hợp với tiêu chuẩn IFOAM, nhưng trong một số trường hợp, các tiêu chuẩn này còn nghiêm ngặt hơn tiêu chuẩn của EU.

Đan Mạch có nhãn hữu cơ thuộc sở hữu nhà nước, nhãn Ø đỏ. Cà phê được chứng nhận theo luật hữu cơ của EU và được chế biến thêm, đóng gói hoặc dán nhãn tại một công ty Đan Mạch do cơ quan công quyền kiểm tra, có thể được dán nhãn Ø đỏ, ngoài nhãn hữu cơ của EU.

Biểu tượng hữu cơ quốc gia chính thức của Na Uy là nhãn Ø do Debio, hiệp hội nông nghiệp hữu cơ quốc gia của Na Uy cấp. Nhãn Ø của Debio có thể được áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu được chứng nhận bởi cơ quan được công nhận tại nước xuất xứ, phù hợp với các quy tắc và quy định của Na Uy.

Thị trường cà phê được chứng nhận thương mại công bằng cũng đang phát triển ở khu vực này. Tiêu chuẩn thương mại công bằng phổ biến nhất là Fairtrade. Trước khi tiếp thị cà phê thương mại công bằng hoặc hữu cơ, cơ sở chứng nhận được công nhận phải kiểm tra các cơ sở trồng trọt và chế biến. Các cơ sở chứng nhận được công nhận bao gồm Control Union, Ecocert, Flocert, ProCert và SGS.

Phân khúc thị trường

Các phân khúc thị trường theo chất lượng

Cấp thấp

Đây là loại cà phê chủ yếu được dùng để pha trộn và sản xuất cà phê hòa tan, thường là Robusta (chiếm 40-100%) và không đòi hỏi nhiều chứng nhận. Phân khúc này chiếm thị phần lớn mặc dù đang suy giảm và chủ yếu được bán trong các siêu thị, văn phòng, và trường đại học. Giá bán lẻ dao động từ 6,67-7,5 euro/kg.

Cấp trung

Đây là loại cà phê có chất lượng tốt, thường bao gồm cà phê trộn cả Arabica và Robusta, chẳng hạn như espresso chất lượng cao. Cà phê trong phân khúc này đòi hỏi ít nhất có chứng nhận Rainforest Alliance/UTZ, vài loại cần chứng nhận hữu cơ và/hoặc thương mại công bằng. Phân khúc này có thị phần lớn và khá ổn định. Cà phê trong phân khúc này được bán trong các siêu thị và bán cho các công ty ngành dịch vụ thực phẩm. Giá bán lẻ dao động từ 11,88-13,05 euro/kg.

Cấp cao

Cà phê chất lượng cao chủ yếu là cà phê Arabica chế biến ướt, điểm thử từ 80-85. Các loại cà phê này thường có nguồn gốc duy nhất và có câu chuyện gắn liền. Phân khúc này được bán qua các kênh đặc biệt. Thị phần nhỏ nhưng đang phát triển.

Thượng lưu

Phân khúc thượng lưu bao gồm các loại cà phê đặc sản có chất lượng tuyệt vời, đạt điểm thử trên 85, thường trải qua quá trình xử lý sáng tạo như xử lý ướt, tự nhiên hoặc xử lý mật ong. Những loại cà phê này thường có nguồn gốc duy nhất và có thể truy xuất, và thường được bán trực tiếp bởi các nhà rang xay đặc biệt hoặc các cửa hàng cà phê chuyên biệt. Thị phần nhỏ nhưng đang phát triển.

Giá bán lẻ cà phê cao cấp và thượng lưu khoảng 53,59-105,16 euro/kg.

Giá cà phê nhân xuất khẩu thông thường vào khoảng 5-25% giá bán lẻ phụ thuộc vào chất lượng, kích cỡ hạt, và quan hệ giữa người mua và người bán.

Phân khúc thị trường tiêu dùng tại nhà và tiêu dùng bên ngoài

Ngoài phân khúc thị trường theo chất lượng, cà phê ở Bắc Âu được chia phân khúc tiêu dùng trong nhà (in-home) và tiêu dùng bên ngoài (out-home).

Tiêu thụ in-home

Hầu hết tiêu thụ cà phê ở khu vực Bắc Âu diễn ra tại nhà. Năm 2018, doanh số bán lẻ tại Đan Mạch chiếm khoảng 75% doanh số bán hàng cà phê của cả nước. Tại Thụy Điển, doanh số bán lẻ chiếm khoảng 71% tổng doanh số bán cà phê. Tại Na Uy, tiêu thụ tại nhà chiếm 47% doanh số bán cà phê. Các viên nén có thị phần rất thấp tại khu vực Bắc Âu, chỉ chiểm 4% thị phần bán lẻ cà phê ở Đan Mạch và 1% ở Thụy Điển. Tiêu thụ in-home thường được mua tại các siêu thị, các cửa hàng chuyên biệt, và các web online.

Tiêu thụ out-home

Tiêu thụ out-home đang phát triển mạnh mẽ ở Bắc Âu, nơi người tiêu dùng ngày càng tìm kiếm các loại cà phê độc đáo, chất lượng cao trong các cửa hàng cà phê. Năm 2018, khoảng 53% tổng doanh số bán cà phê ở Na Uy đã được tiêu thụ out-home, trong đó 29% tiêu thụ ở công sở, và 23% ở cửa hàng cà phê, nhà hàng và khách sạn. Thị phần dịch vụ thực phẩm ở Thụy Điển đạt 29% tổng doanh số bán cà phê năm 2018, trong khi tại Đan Mạch, tiêu thụ out-home chiếm 25% thị phần. Đan Mạch là nước có tỷ lệ tăng các quán cà phê mới cao nhất châu Âu trong năm 2018, đạt 14,5%. Tiêu thụ out-home thường được mua tại các cửa hàng cà phê, nhà hàng, khách sạn, tiệm bánh, văn phòng.

Tiếp cận thị trường cà phê Bắc Âu

 Các nhà xuất khẩu có thể sử dụng các kênh khác nhau để đưa cà phê vào thị trường khu vực Bắc Âu. Việc gia nhập thị trường sẽ khác nhau tùy theo chất lượng cà phê và khả năng cung cấp. Chuỗi cung ứng rút ngắn đang là xu hướng chung ở châu Âu. Điều này có nghĩa là các nhà bán lẻ và các công ty rang xay cà phê ngày càng có xu hướng tìm nguồn cung ứng trực tiếp cà phê nhân.

Nhà nhập khẩu

Các nhà nhập khẩu đóng một vai trò quan trọng trong thị trường cà phê, hoạt động như những nhà quản lý chuỗi cung ứng. Họ duy trì danh mục từ nhiều nguồn xuất xứ khác nhau, thanh toán tài chính trước, thực hiện kiểm soát chất lượng, quản lý biến động giá cả và thiết lập mối liên hệ giữa nhà sản xuất và người mua cuối cùng, chẳng hạn như nhà rang xay. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà nhập khẩu có mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp và khách hàng của họ.

Cà phê nhân chủ yếu vào thị trường Bắc Âu qua các cảng Oslo (Na Uy), Aarhus (Đan Mạch), Gävle hoặc Stockholm (Thụy Điển). Nói chung, các nhà nhập khẩu hoặc bán cà phê nhân cho các công ty rang xay trong nước hoặc tái xuất cho những người mua châu Âu khác.

Các nhà nhập khẩu quy mô lớn thường có yêu cầu về số lượng tối thiểu khoảng 10 container, bao gồm nhiều loại với chất lượng và chứng nhận khác nhau. Đồng thời, họ hỗ trợ các hoạt động hậu cần, tiếp thị và tài chính. Ví dụ về các nhà nhập khẩu quy mô lớn ở Scandinavia bao gồm Coop Norge, Joh. Johannson Kaffe (Na Uy), BKI và NAF Trading (Đan Mạch).

Các nhà nhập khẩu chuyên biệt có thể mua số lượng nhỏ hơn cà phê chất lượng cao hoặc cà phê có xuất xứ đơn lẻ. Ví dụ về các nhà nhập khẩu chuyên biệt ở Bắc Âu là: Collaborative Coffee Source và Nordic Approach (Na Uy), Ally Coffee và Pezo Imports (Thụy Điển).

Nhà xuất khẩu cà phê nhân có thể cung cấp số lượng lớn nên xem xét việc thâm nhập thị trường thông qua các công ty nhập khẩu lớn. Các công ty này thường có đại lý hoặc văn phòng đại diện tại các nước sản xuất.

Nếu cà phê có chất lượng và điểm thử cao trên 80 và có chứng nhận chất lượng cùng với chứng nhận bền vững, ví dụ chứng nhận sản phẩm hữu cơ hoặc thương mại công bằng có thể thâm nhập thị trường thông qua các nhà kinh doanh chuyên biệt.

Các nhà rang xay lớn và nhãn hiệu riêng

Hầu hết các nhà rang xay lớn đều mua cà phê nhân tại nước xuất xứ, mặc dù họ cũng có thể tìm nguồn hàng thông qua các nhà nhập khẩu. Các nhà rang xay thường thực hiện phân tích và thử để kiểm tra độ chín đều và xác định bất kỳ khuyết tật nào có thể xảy ra trong quá trình sau thu hoạch, chẳng hạn như lên men, sấy khô và bảo quản. Các nhà rang xay lớn thường pha trộn các loại hạt chất lượng khác nhau để duy trì chất lượng không đổi. Sản phẩm cuối cùng được phân phối cho các nhà bán lẻ và ngành dịch vụ thực phẩm.

Các nhà rang xay có thể hoạt động dưới nhãn hiệu riêng. Ví dụ về các nhà rang xay lớn hoạt động dưới thương hiệu riêng ở Bắc Âu bao gồm Arvid Nordquist, Löfbergs (Thụy Điển) và Friele-Jacobs Douwe Egberts (Na Uy), Impact Roasters (Đan Mạch).

Nếu các nhà xuất khẩu có thể cung cấp cà phê nhân số lượng lớn với chất lượng phù hợp nên thâm nhập thị trường Bắc Âu thông qua các nhà rang xay lớn. Cần thảo luận trước với họ về chất lượng tối thiểu và các yêu cầu khác như chứng nhận.

Các nhà rang xay nhỏ

Mặc dù các nhà rang xay nhỏ chủ yếu cung cấp cà phê nhân của họ từ các nhà nhập khẩu, giúp cung cấp dịch vụ tài chính, kiểm soát chất lượng và hậu cần, ngày càng có nhiều nhà rang xay nhỏ nhập khẩu cà phê nhân trực tiếp từ nước xuất xứ. Các nhà rang xay nhỏ thường chuyên về một số loại chất lượng cao và có nguồn gốc đơn nhất. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà rang xay nhỏ đều có thể duy trì các mối quan hệ thương mại trực tiếp, vì họ phải đảm nhận các trách nhiệm bổ sung thường được thuê ngoài như hậu cần, tài liệu và thanh toán trước. Vì vậy, nhiều nhà rang xay nhỏ tiếp tục mua hàng qua các nhà nhập khẩu, nhưng vẫn duy trì kết nối trực tiếp với các nhà sản xuất của họ.

Ví dụ về các nhà rang xay nhỏ nhập khẩu trực tiếp cà phê nhân bao gồm: Kafferäven, Drop Coffee Roasters và Johan & Nyström (Thụy Điển), Lippe và Solberg & Hansen (Na Uy), La Cabra Coffee Roasters, và Coffee Collective (Đan Mạch).

Nếu nhà xuất khẩu có cà phê chất lượng cao, số lượng ít, chứng nhận bền vững hoặc sẵn sàng tham gia vào quan hệ đối tác lâu dài thì nên thâm nhập thị trường qua các nhà rang xay nhỏ.

Trung gian và đại lý

Đại lý đóng vai trò trung gian giữa nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, và nhà rang xay. Một số đại lý là độc lập, một số khác được thuê để thay mặt công ty mua hàng. Ví dụ về các đại lý ở Bắc Âu là: Inge Karlsson Handels (Thụy Điển) và Bjørn R Paasche Agentur (Na Uy).

Nếu nhà xuất khẩu có ít kinh nghiệm xuất khẩu sang các nước Bắc Âu, các đại lý có thể đóng một vai trò rất quan trọng.

Đối thủ cạnh tranh

Brazil là nhà cung cấp cà phê chính cho khu vực Bắc Âu. Brazil cung cấp cho khu vực Bắc Âu 61.901 tấn năm 2019, Thụy Điển là 41.539 tấn, Na Uy là 16.347 tấn và Đan Mạch 4.015 tấn.

Ngoài Brazil, các nhà cung cấp cà phê Arabica tương đối lớn khác cho khu vực Bắc Âu là Colombia, Peru và Honduras.

Nhìn chung, cạnh tranh cao hơn đối với cà phê chính thống với giá trị gia tăng thấp. Phân khúc này chủ yếu bị chi phối bởi các nhà cung cấp lớn có khả năng cung cấp số lượng lớn để cạnh tranh về giá. Các công ty vừa và nhỏ khó có thể cạnh tranh trong phân khúc này. Mức độ cạnh tranh nhìn chung thấp hơn trong phân khúc thị trường cà phê đặc sản, nơi sản lượng nhỏ hơn và tập trung nhiều hơn vào chất lượng, nguồn gốc và tính bền vững. Tuy nhiên, điểm gia nhập phân khúc này cao hơn nhiều và có thể cần các khoản đầu tư lớn hơn.

Các doanh nghiệp mới tham gia thị trường có thể phải đối mặt với một số cạnh tranh từ các nhà xuất khẩu cà phê đã thành công, đặc biệt là do họ đã có mối quan hệ lâu dài với người mua. Bước vào thị trường với tư cách là người mới bắt buộc cần phải có kiến ​​thức sâu rộng về chủng loại sản phẩm, chất lượng và khối lượng ổn định, giao tiếp cởi mở và trung thực để bắt đầu xây dựng mối quan hệ mới với người mua.

Scandinavia nhập khẩu lượng cà phê Robusta thấp

Châu Á chủ yếu được biết đến với sản lượng Robusta, đặc biệt là Việt Nam, nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới. Cà phê Robusta chiếm khoảng 95% cà phê xuất khẩu từ Việt Nam, sản xuất tập trung mạnh vào việc tạo ra khối lượng lớn cà phê chất lượng tiêu chuẩn, hầu hết hướng đến thị trường cà phê hòa tan. Các công ty lớn về cà phê, chẳng hạn như Nestlé, sở hữu nhiều nhà máy tại Việt Nam, nơi sản xuất thương hiệu cà phê hòa tan Nescafé. Vì các thị trường Bắc Âu đều hướng tới cà phê chất lượng cao, nên nhập khẩu chủ yếu cà phê Arabica và nhập khẩu cà phê Robusta với số lượng thấp.

Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Thụy Điển, Na Uy, và Đan Mạch rất ít, chiếm thị phần rất nhỏ, lần lượt là 1,3%, 0,4%, và 1,1%. Trong năm 2019, Thụy Điển nhập khẩu 3.166 tấn cà phê từ Việt Nam, trị giá khoảng 5,23 triệu USD, giảm 7% trong giai đoạn 2014-2019. Na Uy nhập khẩu 345 tấn, trị giá khoảng 600 nghìn USD, giảm 33%. Đan Mạch nhập khẩu 1.197 tấn, trị giá khoảng 1,8 triệu USD, giảm 7% trong cùng giai đoạn.

Các vấn đề bền vững đang là mối quan tâm lớn ở Việt Nam. Biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngành cà phê, trong khi các phương thức canh tác gây suy thoái môi trường cũng là vấn đề được quan tâm. Cà phê bền vững chiếm khoảng 9% xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Danh sách các doanh nghiệp nhập khẩu cà phê Bắc Âu

Các nhà nhập khẩu quy mô lớn

Coop Norge (Na Uy)

Joh. Johannson Kaffe (Na Uy)

BKI (Đan Mạch)

NAF Trading (Đan Mạch)

Merrild (Đan Mạch)

Các nhà nhập khẩu chuyên biệt

Collaborative Coffee Source (Na Uy)

Nordic Approach (Na Uy)

Ally Coffee (Thụy Điển)

Pezo Imports (Thụy Điển)

Coffee Please (Thụy Điển)

Kahls Kaffe (Thụy Điển)

Zoegas Kaffe (Thụy Điển)

Các nhà rang xay lớn

Friele-Jacobs Douwe Egberts (Na Uy)

Arvid Nordquist (Thụy Điển)

Löfbergs (Thụy Điển)

Guldrutans Kafferosteri (Thụy Điển)

Kaffekompaniet (Thụy Điển)

KW Karlberg (Thụy Điển)

Ostindia Rosteriet (Thụy Điển)

Impact Roasters (Đan Mạch)

Các nhà rang xay nhỏ

Kafferäven (Thụy Điển)

Drop Coffee Roasters (Thụy Điển)

Johan & Nyström (Thụy Điển)

Lindvalls Kaffe (Thụy Điển)

Sultankaffe Rosteri (Thụy Điển)

Lippe (Na Uy)

Solberg & Hansen (Na Uy)

La Cabra Coffee Roasters (Đan Mạch)

Coffee Collective (Đan Mạch)

Bonnen Kafferisteri (Đan Mạch)

Amokka Coffee Roasters (Đan Mạch)

Các đại lý

Inge Karlsson Handels (Thụy Điển)

Bjørn R Paasche Agentur (Na Uy)

Các tập đoàn bán lẻ lớn

Norgesgruppen (Na Uy)

Coop Norway (Na Uy)

Reitangruppen (Na Uy)

Coop Denmark (Đan Mạch)

Salling Group (Đan Mạch)

ICA (Thụy Điển)

Axfood (Thụy Điển)

Kooperativa Förbundet (Thụy Điển)

Một số lễ hội cà phê lớn ở khu vực Bắc Âu

Trondheim Coffee Festival (Na Uy)

Danish Coffee Festival (Đan Mạch)

Stockholm Coffee Festival (Thụy Điển)