Thị trường hữu cơ ở Đan Mạch được coi là mô hình thành công trong ngành công nghiệp hữu cơ. Đan Mạch hiện là thị trường tiêu dùng thực phẩm hữu cơ lớn thứ 7 ở EU, trong khi dân số của Đan Mạch chỉ có trên 5,6 triệu người. Tính theo tỷ lệ phần trăm, các sản phẩm hữu cơ chiếm 12,1% tổng doanh số bán lẻ thực phẩm của Đan Mạch trong năm 2019.
Ngày càng có nhiều sản phẩm hữu cơ được bán ở Đan Mạch và người tiêu dùng Đan Mạch ngày càng thích tiêu dùng các sản phẩm này.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hầu hết các sản phẩm hữu cơ mà Đan Mạch nhập khẩu nhiều nhất. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam đối với các sản phẩm hữu cơ như rau quả, các loại hạt, ngũ cốc…
Theo Tổ chức phi chính phủ Hữu cơ Đan Mạch, từ năm 2018 đến 2019, doanh số bán thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch đã tăng 9,4%. Hơn một nửa người dân Đan Mạch – cụ thể 52,5% dân số thường mua thực phẩm hữu cơ mỗi tuần. Cũng theo tổ chức này, trung bình mỗi người dân Đan Mạch chi khoảng 344 EUR cho tiêu dùng thực phẩm hữu cơ vào năm 2019, điều này đưa Đan Mạch trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về tiêu thụ thực phẩm hữu cơ.
Tình hình sản xuất Đan Mạch
Năm 2018, khoảng 11% diện tích đất nông nghiệp của Đan Mạch (280.000 ha) được sử dụng để sản xuất các sản phẩm hữu cơ. Con số này cao gấp 2 lần so với mức trung bình của Liên minh Châu Âu (EU). Hầu hết đất nông nghiệp hữu cơ Đan Mạch được phân bổ tại Jutland, phần lục địa phía Bắc của Đan Mạch. Đến năm 2019, tổng diện tích đất nông nghiệp cho sản xuất hữu cơ đã tăng lên là 301.481 ha.
Hình 1. Diện tích và số lượng nông dân sản xuất
thực phẩm hữu cơ 2012 – 2019
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Số lượng trang trại sản xuất sản phẩm hữu cơ cũng tiếp tục tăng lên. Năm 2019, tổng số trang trại sản xuất sản phẩm hữu cơ là 4016 trang trại. Theo Cơ quan Nông nghiệp Đan Mạch, so với canh tác thường thì canh tác hữu cơ cải thiện phúc lợi của động vật, không sử dụng thuốc trừ sâu tổng hợp, dẫn đến ít nitrat chảy vào môi trường.
Tuy nhiên, trước khi trang trại được chuyển đổi từ sản xuất thường sang sản xuất hữu cơ, cần phải trải qua giai đoạn chuyển đổi khoảng 2 năm. Trong giai đoạn này, khi các phương thức canh tác được tiến hành theo tiêu chuẩn hữu cơ, các sản phẩm không thể được bán hoặc dán nhãn là hữu cơ. Những người nông dân cần đầu tư trang thiết bị nông nghiệp mới và phương tiện bảo quản trong khi tìm kiếm khách hàng mới cho các sản phẩm.
Mặc dù quy mô của các trang trại riêng lẻ còn khác nhau, nhưng nhiều trang trại hữu cơ ở Đan Mạch đã có tính chuyên môn hóa cao.
Sản xuất hữu cơ ở Đan Mạch chủ yếu là sản xuất ngũ cốc hữu cơ, các loại đậu, hạt, các sản phẩm tươi như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng, sữa. Có nhiều trang trại sản xuất nhiều loại sản phẩm để bán trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các cửa hàng của họ và mua trực tuyến hoặc thông qua quan hệ đối tác với các cửa hàng địa phương.
Tình hình thương mại sản phẩm hữu cơ của Đan Mạch
Các nhà sản xuất sản phẩm hữu cơ Đan Mạch không chỉ thành công ở thị trường Đan Mạch mà còn thành công ở cả thị trường xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ của Đan Mạch liên tục tăng qua các năm. Bên cạnh đó, mặc dù sản lượng sản xuất hữu cơ của Đan Mạch tương đối cao, nhưng do điều kiện thời tiết, Đan Mạch vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu, nhất là các sản phẩm nông sản nhiệt đới.
Hình 2. Tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ
của Đan Mạch 2014 – 2019
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Theo Cơ quan Thống kê Đan Mạch, cả lượng nhập khẩu và xuất khẩu thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch ngày càng tăng. Nhu cầu của người tiêu dùng Đan Mạch đối với một loạt các sản phẩm hữu cơ ngày càng cao đã dẫn đến việc nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ của Đan Mạch vượt quá xuất khẩu. Năm 2019, Đan Mạch nhập khẩu 4,82 tỷ DKK (tương đương 771,7 triệu USD) thực phẩm hữu cơ, tăng 8,93% so với 2018 và xuất khẩu 3,02 tỷ DKK (483,5 triệu USD), tăng 4,23% so với 2018.
Bảng 1. Nhập khẩu thực phẩm hữu cơ Đan Mạch 2017 – 2019
Đơn vị: nghìn DKK
Tỷ giá: 1 DKK = 0,16 USD
Mặt hàng | 2017 | 2018 | 2019 |
Ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc | 596.144 | 671.545 | 560.704 |
Rau quả | 1.520.951 | 1.762.045 | 2.018.218 |
Đường, các chế phẩm từ đường và mật ong | 226.628 | 259.998 | 425.205 |
Cà phê, chè, ca cao, gia vị và các sản phẩm từ chúng | 304.331 | 334.917 | 346.611 |
Thức ăn cho động vật (không bao gồm ngũ cốc chưa xay) | 323.536 | 346.515 | 438.270 |
Các sản phẩm và chế phẩm ăn được khác | 167.362 | 170.682 | 171.020 |
Đồ uống | 173.787 | 281.424 | 280.715 |
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Nhìn chung việc nhập khẩu các thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch liên tục tăng qua các năm. Rau quả và ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc là nhóm hàng hữu cơ được Đan Mạch nhập khẩu nhiều nhất. Đối với rau quả, từ 1,52 tỷ DKK (243,1 triệu USD) năm 2017 tăng lên 2,01 tỷ DKK (321,5 triệu USD) năm 2019.
Đan Mạch chủ yếu nhập khẩu từ các nước thuộc EU, tổng lượng nhập khẩu thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch từ các nước EU là 4,17 tỷ DKK (667 triệu USD), chiếm 86,64% tổng nhập khẩu trong năm 2019, tiếp đó là các nước ASEAN với tổng nhập khẩu thực phẩm hữu cơ 426 triệu DKK (68,1 triệu USD), chiếm 8,84%, đứng thứ 3 là Hoa Kỳ với tổng nhập khẩu 173 triệu DKK (27,6 triệu USD), chiếm 3,6%.
Bảng 2. Xuất khẩu thực phẩm hữu cơ Đan Mạch 2017 – 2019
Đơn vị: nghìn DKK
Tỷ giá: 1 DKK = 0,16 USD
2017 | 2018 | 2019 | |
Thịt và các chế phẩm từ thịt | 334.829 | 344.084 | 307.862 |
Sản phẩm sữa và trứng gia cầm | 1.232.356 | 1.204.737 | 1.185.176 |
Ngũ cốc và các chế phẩm từ ngũ cốc | 199.099 | 201.932 | 180.301 |
Rau quả | 396.053 | 399.022 | 385.028 |
Đường, chế phẩm từ đường và mật ong | 88.219 | 95.907 | 108.673 |
Thức ăn cho động vật (không bao gồm ngũ cốc chưa xay) | 69.961 | 28.663 | 31.675 |
Các sản phẩm và chế phẩm ăn được khác | 354.430 | 302.838 | 503.115 |
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Các nhóm hữu cơ chính Đan Mạch xuất khẩu là sản phẩm sữa và trứng gia cầm, và rau quả, với trị giá xuất khẩu năm 2019 lần lượt là 1,18 tỷ DKK (188,9 triệu USD) và 385 triệu DKK (61,6 triệu USD). Trong đó, các mặt hàng hữu cơ xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm từ sữa, thịt lợn, trái cây và rau quả.
Nhóm các quốc gia mà Đan Mạch xuất khẩu lớn nhất là các nước EU với 2,44 tỷ DKK (390,6 triệu USD), tiếp đến là các nước châu Á với 488 triệu DKK (78,1 triệu USD) năm 2019. Trong đó, Đức hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đan Mạch, tiếp theo là Thụy Điển, Trung Quốc, Hà Lan và Pháp.
Thị trường tiêu thụ
Doanh số bán lẻ thực phẩm hữu cơ liên tục tăng qua các năm. Năm 2019, doanh số bán lẻ thực phẩm hữu cơ đạt 14,07 tỷ DKK (2,25 tỷ USD), tăng 9,41% so với 2018.
Hình 3. Doanh số bán lẻ thực phẩm hữu cơ Đan Mạch 2009 – 2019
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
Tại Đan Mạch, trái cây và rau quả chiếm 1/3 doanh số bán lẻ thực phẩm hữu cơ, khoảng 34%. Tiếp theo là sữa, chiếm 1/5 doanh số bán hàng các sản phẩm hữu cơ, khoảng 21%. Thực phẩm khô như gạo, bánh mỳ, mỳ ống, bột mỳ chiếm 10%. Thịt, cá và đồ uống đều chiếm 9%. Trứng 5%.
Hình 4. Chi tiết các mặt hàng hữu cơ theo doanh số bán hàng tại Đan Mạch năm 2019
Nguồn: Cơ quan thống kê Đan Mạch
10 các sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ phổ biến nhất năm 2019 của Đan Mạch gồm:
- Sữa chua tự nhiên (48,6%)
- Cà rốt (45,2%)
- Bột yến mạch (43,1%)
- Chuối (36,5%)
- Dầu ăn (34,3%)
- Sữa (32,3%)
- Cam (29,9%)
- Trứng (29,6%)
- Mì ống (29,0%)
- Bột mì (29,0%)
Khách hàng tiêu thụ
Có hai nhóm người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ chính ở Đan Mạch. Nhóm thứ nhất và nhỏ hơn là nhóm những người mua trung thành. Những người này có xu hướng là những người lớn tuổi, đã tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ trong nhiều thập kỷ. Những người tiêu dùng này cực kỳ có giá trị đối với ngành công nghiệp hữu cơ vì sự sẵn sàng tiếp tục mua các sản phẩm hữu cơ. Nhóm này chủ yếu thích mua các sản phẩm chưa qua chế biến chứ không phải thực phẩm đóng gói, như các loại thịt, các loại hạt… Nhóm này thường quan tâm đến việc mua thực phẩm địa phương được sản xuất thân thiện với môi trường và quan tâm đến phúc lợi động vật. Giá cả không phải là yếu tó mua hàng quan trọng đối với nhóm này.
Nhóm thứ hai, lớn và đa dạng hơn là những người tiêu dùng giàu có, giới trẻ và những người tiêu dùng đang tìm kiếm xu hướng mới. Họ mua sản phẩm hữu cơ vì họ muốn có lối sống lành mạnh hơn, thích hương vị, chất lượng, bao bì hấp dẫn, quan tâm đến phúc lợi động vật. Nhóm này thường mua các sản phẩm hữu cơ tại các siêu thị hoặc trực tuyến. Đây là nhóm được ngành công nghiệp hữu cơ tập trung vào để tạo ra sự tăng trưởng trong tương lai.
Kênh phân phối thực phẩm hữu cơ
Để có thể xâm nhập vào thị trường hữu cơ Đan Mạch, các nhà xuất khẩu nên tập trung cung cấp cho nhà bán buôn hoặc nhà sản xuất.
Một trong những nhà phân phối sản phẩm hữu cơ độc quyền lâu đời nhất và nổi tiếng tại Đan Mạch là Urtekram A/S. Công ty này phân phối hơn 2.500 mặt hàng thực phẩm hữu cơ khác nhau ở 36 quốc gia gồm Đan Mạch, các nước Bắc Âu, EU, Nga, Trung Đông, châu Á và Bắc Mỹ.
Ngoài ra, Good Food Group đã tiếp quản hoạt động của công ty Woodland Wonders Organic ApS- chuyên về thực phẩm tự nhiên, thực phẩm hữu cơ tại Đan Mạch và cả khu vực Bắc Âu. Jan import A/S là một công ty thuộc Good Food Group, chuyên nhập khẩu, đóng gói và đưa ra thị trường một loạt các sản phẩm khô như trái cây, quả hạch và các loại hạt và được phân phối trong cả lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ thực phẩm.
Đối với lĩnh vực bán buôn và dịch vụ ăn uống, Solhjulet A/S là nhà bán buôn, phân phối, nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao. Công ty cung cấp thực phẩm hữu cơ cho các cửa hàng, nhà bếp tại các trường học, căng tin… và là một nhà bán buôn thực phẩm hữu cơ trên khắp Đan Mạch và Thụy Điển với nhiều sản phẩm như trái cây, rau quả, sữa, thịt, các loại hạt… Ngoài ra, Solhjulet cũng xuất khẩu sản phẩn sang nhiều nước châu Âu khác.
Về kênh phân phối, thực phẩm hữu cơ chủ yếu được bán thông qua hệ thống bán lẻ. Hiện nay, bán lẻ, bao gồm cả bán hàng trực tuyến đang bùng nổ tại Đan Mạch, chiếm phần lớn trong doanh số bán hàng thực phẩm hữu cơ.
Thực phẩm hữu cơ chủ yếu được bán thông qua:
- Các cửa hàng tạp hóa bao gồm cả bán hàng trực tuyến: 80,57%
- Dịch vụ ăn uống: 15,42%
- Các chợ nhỏ: 4,01%
Bán lẻ thực phẩm
Các siêu thị ở Đan Mạch đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm hữu cơ cho khách hàng. Họ cung cấp nhiều loại sản phẩm hữu cơ khác nhau từ sản phẩm tươi sống đến sản phẩm khô và đồ uống. Các sản phẩm hữu cơ thường được đặt bên cạnh các sản phẩm thông thường trên kệ hàng.
Chuỗi các siêu thị lớn nhất của Đan Mạch là Coop Denmark, Dansk Supermarket và Dagrofra – chiếm khoảng 86% doanh số bán hàng thực phẩm tại Đan Mạch. Coop Denmark, bao gồm các chuỗi bán lẻ Fakta, Dagli/LokalBrugsen, SuperBrugsen, Irma và Kvickly với trên 1000 cửa hàng trải dài khắp Đan Mạch cung cấp trên 1.289 sản phẩm sinh thái, hữu cơ. Dansk Supermarked A/S, bao gồm chuỗi bán lẻ Fotex, Bilka và Netto. Dansk Supermarked A/S không nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ trực tiếp từ các nhà sản xuất trong nước hay nước ngoài, mà thay vào đó, công ty mua các sản phẩm mang logo hữu cơ thông qua các nhà phân phối Đan mạch. Cuối cùng là Dagrofa. Dagrofa hiện vẫn là nhà bán buôn hàng tạp hóa lớn nhất Đan Mạch với các chuỗi siêu thị, cửa hàng giảm giá, chợ nhỏ, ki – ốt, cửa hàng thức ăn nhanh… bao gồm cả các chuỗi bán lẻ Spar, Min Kobmand và Let-Kob. Dagrofa có 511 cửa hàng trải dài khắp Đan Mạch. Mặc dù Dagrofa có thị phần nhỏ nhất trong ba công ty trên, nhưng Dagrofa vẫn là nhà bán buôn hàng tạp hóa lớn nhất Đan Mạch với các chuỗi siêu thị, cửa hàng giảm giá, chợ nhỏ, kiốt, cửa hàng thức ăn nhanh… Dagrofa có các công Dagrofa logistics, Dagrofa Foodservice, là các công ty cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm tại Đan Mạch.
Ngoài ra còn có một chuỗi các cửa hàng chăm sóc sức khỏe đặc biệt là Helsam, cũng cung cấp các sản phẩm hữu cơ như trái cây khô, quả hạch, các loại hạt, mỳ ống, ngũ cốc…
Cuối cùng là các cửa hàng trực tuyến chuyên về thực phẩm hữu cơ cũng đang ngày càng phổ biến trên thị trường Đan Mạch.
Dịch vụ ăn uống
Khoảng mười năm trước, Chính phủ Đan Mạch đã giới thiệu nhãn hiệu để tiếp thị thực phẩm hữu cơ trong các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, bệnh viện, trường học, các doanh nghiệp lớn. Tỷ lệ sử dụng các sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm thường có thể theo 30 – 60%, 60 – 90% hoặc 90-100%. Hiện nay, có khoảng 2000 cơ sở như quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công cộng… sử dụng Nhãn ẩm thực hữu cơ tại Đan Mạch.
Nhãn ẩm thực hữu cơ tại Đan Mạch
Nhu cầu đối với thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng tại Đan Mạch. Những sản phẩm mà Đan Mạch có nhu cầu nhập khẩu là những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Do vậy, thực phẩm hữu cơ dự kiến sẽ tao ra nhiều cơ hội thương mại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Một trong những thách thức cho các nhà xuất khẩu khi muốn xuất khẩu vào EU nói chung và Đan Mạch nói riêng là thuế nhập khẩu. Thuế nhập khẩu cao khiến cho họ không thể cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, chi phí và thời gian vận chuyển cũng là thách thức cho các nhà xuất khẩu khi so sánh với các nhà cung ứng trong EU. Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020 đã biến thách thức này thành lợi thế cho các nhà sản xuất Việt Nam khi hầu hết thuế nhập khẩu các loại rau quả, hạt… được xóa bỏ về 0% hoặc giảm dần theo lộ trình. Các nhà xuất khẩu Việt Nam nên tận dụng lợi thế này để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường Đan Mạch và thị trường EU.
Chính sách và các quy định của Đan Mạch
Việc sản xuất và các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu đối với sản phẩm hữu cơ tại Đan Mạch hài hòa với các quy định của Liên minh Châu Âu.
Sản xuất sản phẩm hữu cơ
Các quy định của EU liên quan đến sản xuất và tiếp thị các sản phẩm hữu cơ, bao gồm:
- Quy định (EU) 2018/848 ngày 30/5/2008 về sản xuất các sản phẩm hữu cơ và dán nhãn các sản phẩm hữu cơ;
- Quy định (EU) 2020/427 ngày 13/1/2020 sửa đổi Phụ lục II Quy định (EU) 2018/848 liên quan đến các quy định sản xuất các sản phẩm hữu cơ;
- Quy định (EU) 2020/1794 ngày 16/9/2020 sửa đổi Phụ lục II, phần I Quy định (EU) 2018/848 liên quan đến việc sử dụng vật liệu tái tạo và thực vật chuyển đổi phi hữu cơ;
- Quy định EU 2020/1693 ngày 11/11/2020 sửa đổi Quy định (EU) 2018/848 liên quan đến ngày áp dụng và một số ngày áp dụng khác của một số điều khoản trong Quy định 2018/848;
- Quy định (EU) 2020/464 ngày 26/3/2020 về việc thực hiện Quy định (EU) 2018/848 liên quan đến các tài liệu cần thiết để công nhận hồi tố các giai đoạn nhằm mục đích chuyển đổi, sản xuất sản phẩm hữu cơ và thông tin được cung cấp bởi các quốc gia thành viên;
- Quy định (EU) 2020/2042 ngày 11/12/2020 sửa đổi Quy định (EU) 2020/464 liên quan đến ngày áp dụng và một số ngày áp dụng khác của một số điều khoản trong Quy định 2018/848;
- Quy định (EU) 2020/2146 ngày 24/9/2020 bổ sung Quy định (EU) 2018/848 về các quy tắc sản xuất đặc biệt trong sản xuất hữu cơ;
- Quy định (EU) 2021/279 ngày 22/2/2021 quy định các quy tắc chi tiết để thực hiện Quy định (EU) 2018/848 về các biện pháp kiểm soát và các biện pháp khác đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ và tuân thủ trong sản xuất hữu cơ và dán nhãn các sản phẩm hữu cơ.
Yêu cầu dán nhãn hữu cơ
Thuật ngữ hữu cơ hoặc các từ sinh học, sinh thái chỉ có thể được sử dụng để ghi nhãn các sản phẩm tuân thủ các quy tắc sản xuất hữu cơ của EU và nếu ít nhất 95% thành phần của sản phẩm là hữu cơ. Đối với các sản phẩm có chứa ít hơn 95% thành phần hữu cơ thì thuật ngữ hữu cơ chỉ có thể được sử dụng để chỉ các thành phần hữu cơ riêng lẻ trong danh sách các thành phần của sản phẩm.
EU organic logo
Kể từ ngày 1/7/2012, việc sử dụng biểu tượng logo hữu cơ của EU đã trở thành bắt buộc đối với tất cả các sản phẩm hữu cơ được đóng gói và sản xuất tại EU. Các sản phẩm hữu cơ được nhập khẩu từ nước thứ ba có thể mang biểu tương logo hữu cơ của EU nếu chúng tuân thủ các quy tắc sản xuất của EU.
Ngày 30/5/2018, Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu đã chính thức thông qua văn bản quy định mới của EU về sản xuất hữu cơ và dán nhãn các sản phẩm hữu cơ, quy định EU 2018/848. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021.
Quy định 2018/848 quy định chặt chẽ hơn đối với hàng hóa hữu cơ nhập khẩu từ các nước không thuộc EU. Để có thể xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ vào EU nói chung và Đan Mạch nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định số 2018/848 của EU.
Tại Đan Mạch, Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch (MEF) là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm hữu cơ và sản xuất hữu cơ. Đan Mạch đã tạo ra một chứng chỉ sản xuất hữu cơ, bao gồm ngày kiểm tra cuối cùng, tổng quan về ngày chuyển đổi, liệu cây trồng và vật nuôi có được bán dưới dạng hữu cơ hay không…
Cơ quan nông nghiệp Đan Mạch cho phép sử dụng nhãn hữu cơ Đan Mạch, biểu tương Ø màu đỏ. Nhãn này chỉ có thể được áp dụng cho các sản phẩm từ các trang trại Đan Mạch được phép sản xuất hữu cơ.
Danish organic logo
Các hội chợ triển lãm
Việc tham gia hội chợ triển lãm có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về thị trường nước ngoài, xu hướng sản phẩm và sự cạnh tranh. Hội chợ thương mại có vai trò quan trọng để tạo liên hệ với các đối tác kinh doanh trong tương lai vì các nhà kinh doanh chính trong lĩnh vực này sẽ hội tụ tại đây.
Tại Đan Mạch, các nhà triển lãm thường là các nhà bán buôn hoặc nhà nhập khẩu và nhóm mục tiêu là các nhà bán lẻ. Hội chợ thương mại quan trọng nhất và lâu đời nhất trên thế giới dành cho các sản phẩm thực phẩm hữu cơ là Biofach ở Nürnberg, Đức. Hội chợ thương mại bắt đầu cách đây 20 năm ở Frankfurt với chỉ một vài công ty có mặt – trong số này có công ty Đan Mạch, Urtekram. Ngày nay, hội chợ có hơn 2.000 nhà triển lãm và 30.000 – 40.000 khách tham quan. Hàng năm, một số công ty hữu cơ Đan Mạch trưng bày sản phẩm của họ trong hội chợ nhưng họ chỉ chiếm một phần nhỏ trong số các công ty Đan Mạch.
Một số hội chợ triển lãm tại Đan Mạch và Châu Âu cho thực phẩm hữu cơ như:
Biofach – tại Đức – hội chợ diễn ra vào tháng 2 hàng năm.
Foodexpo – tại Đan Mạch – hội chợ diễn ra vào tháng 3 hàng năm.
Nordic Organic food fair – tại Thụy Điển – hội chợ diễn ra vào tháng 11 hàng năm.