I. Một số điểm nổi bật của Thụy Điển

Thụy Điển là quốc gia đi đầu thế giới về sự đổi mới với lực lượng lao động có kỹ năng cao, người tiêu dùng rất nhanh chóng thích nghi với công nghệ mới, thủ tục kinh doanh nhanh chóng và mở ra các cơ hội quốc tế mới.

Thụy Điển đứng vững và vượt trôi so với các nước khác của Liên minh Châu Âu ở nhiều lĩnh vực chính, như sự đổi mới kinh tế và khả năng cạnh tranh. Điều quan trọng không kém nữa là Thụy Điển là quốc gia của những người có thu nhập cao, những người dành một phần lớn chi tiêu của họ cho ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống. Thụy Điển cũng được công nhận là những người thiết lập xu hướng, những người có tính tò mò về các thương hiệu và sản phẩm quốc tế. Do vậy, sức mua của họ được đánh giá nằm trong top các nước lớn nhất Châu Âu. Và họ ngày càng có nhiều phương tiện để thỏa mãn sự tò mò đó của họ. Rất nhiều thương hiệu quốc tế, cả mới và đã thành lập lâu đều công nhận rằng Thụy Điển là đất nước tiềm năng mở ra nhiều cơ hội cho họ.

Một số điểm nổi bật của Thụy Điển:

  • Dân số ngày càng gia tăng;
  • Dân số lớn nhất và là thị trường lớn nhất khu vực Bắc Âu;
  • Phân khúc thị trường mức trung khá lớn với sức mua và tiêu thụ lớn;
  • Người mua được giáo dục tốt, giàu có và là quốc gia nói ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh tốt nhất thế giới;
  • Tiên phong trong áp dụng công nghệ mới và là quốc gia hàng đầu thế giới về bền vững và công nghệ xanh;
  • Kết nối mạng lưới quốc tế tốt và là lựa chọn thông minh cho lĩnh vực vận tải logistic;
  • Khao khát các thương hiệu bán lẻ quốc tế mới;
  • Doanh số bán lẻ tăng mạnh trong những năm gần đây;
  • Người tiêu dùng bắt kịp xu hướng rất nhanh và áp dụng các sản phẩm mới;
  • Thị trường minh bạch và dễ dàng cho kinh doanh.

Thụy Điển là quốc gia hàng đầu về sự sáng tạo của Châu Âu năm 2020 và là nơi sinh ra các công ty khởi nghiệp sáng tạo như Spotify, Skype và Klarna.

Thụy Điển cũng là quốc gia của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như IKEA, H&M, Volvo và Ericsson.

Một số lượng lớn các công ty quốc tế có thiết lập hoạt động tại khu vực Bắc Âu đều đặt trụ sở tại Thụy Điển.

II. Ngành bán lẻ Thụy Điển trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Nhờ có sự hoạt động mạnh mẽ của thương mại bán lẻ với việc tăng cường áp dụng kỹ thuật số và sự phân chia giữa các ngành công nghiệp của Thụy Điển đã làm cho nền kinh tế Thụy Điển đang dần trở lại phục hồi.

Đại dịch Covid sẽ còn tiếp tục có ảnh hưởng sâu đến tất cả các lĩnh vực từ xã hội, văn hóa đến kinh tế trong nhiều năm tới. Đúng như đã dự đoán, nền kinh tế Thụy Điển đã giảm mạnh trong suốt các tháng đầu tiên của đại dịch. GDP trong Quý II/2020 giảm 8,6%.

Sau giai đoạn sốc ban đầu, kết quả của đại dịch đã làm cho ngành thương mại bán lẻ Thụy Điển dần dần bắt đầu kết tinh. Sự phát triển được chia làm hai mảng chính: (i) tăng cường kỹ thuật số, và (ii) sự phân chia ngành bán lẻ, với một vài ngành đã vượt qua rất tốt trong khi một vài ngành lại không.

Tăng cường kỹ thuật số

Việc thiết lập các hạn chế và sự tập trung hoạt động tại nhà của người tiêu dùng đã làm gia tăng hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể trong 3 tháng khi đại dịch bùng phát, tức là Quý II/2020, thương mại điện tử Thụy Điển tăng cao nhất trong lịch sử, tăng 49%.

Điều ngạc nhiên hơn là xu hướng thương mại điện tử lại lan rộng đến cả những người già. Trong vài năm qua, tỉ lệ người tiêu dùng trên 65 tuổi sử dụng thương mại điện tử duy trì ở mức tương đối ổn định, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch và việc hạn chế nơi đông người và tiếp xúc trực tiếp tại các cửa hàng bán lẻ đã làm cho tỷ lệ nhóm này sử dụng thương mại điện tử tăng lên đáng kể.

Sự phân chia trong bán lẻ

Đại dịch đã chia ngành bán lẻ Thụy Điển thành hai lĩnh vực. Một là hàng hóa liên quan đến nhà cửa, gia dụng và thực phẩm. Hai là thời trang và nhà hàng, khách sạn.

Do các hạn chế của Chính phủ để tránh sự lây lan của đại dịch, người Thụy Điển tránh xa các nhà hàng, quán ăn, cùng với đó là sự yêu thích nấu nướng, thích tự chế biến đồ ăn đã làm cho mặt hàng tiêu dùng đang tăng lên mạnh mẽ. Không những thế, thương mại điện tử cho đồ thực phẩm, tiện lợi đã tăng trưởng ba con số từ tháng này qua tháng khác. Đây là một sự phát triển mà đáng lẽ phải mất ba năm, nhưng thay vào đó đạt được chỉ trong một vài tháng.

Sự tăng trưởng đối với hàng hóa lâu bền lại có sự phân cực. Ngành công nghiệp liên quan đến gia dụng như trang trí nhà cửa và nội thất, điện tử và đồ gia dụng phần cứng thì phát triển mạnh trong khi quần áo, giày dép lại giảm mạnh bởi sự hạn chế của các hoạt động trong công việc cũng như hoạt động xã hội.

III. Bắc Âu và Thụy Điển

Thụy Điển là thị trường lớn nhất khu vực Bắc Âu và cùng với các nước Bắc Âu khác tạo thành thị trường kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới.

Bắc Âu – khu vực vượt trội của Châu Âu

Thụy Điển gần đây đã được được xếp hạng là quốc gia danh tiếng nhất thế giới và là quốc gia với sự cởi mở và sáng tạo. Theo Eurocharm, các quốc gia Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy chiếm bốn vị trí hàng đầu các quốc gia tốt nhất Châu Âu cho kinh doanh năm 2020. Thụy Điển là thị trường lớn nhất Bắc Âu và cùng với các quốc gia Bắc Âu – Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland cũng như các khu vực tự trị của họ – tạo nên nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới.

Bắc Âu – được trang bị tốt cho nền kinh tế toàn cầu

Bốn quốc gia Bắc Âu – Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan không chỉ đơn giản là nhóm các quốc gia với 27 triệu dân số. Mà bốn quốc gia này có sự cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác trên thế giới khi nói đến tăng trưởng kinh tế, môi trường kinh doanh ổn định và điều kiện sống cao.

  • Tăng trưởng kinh tế: Thị trường Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển, cho đến nay là là quốc gia có dân số đông nhất Bắc Âu, đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nằm trong số khu vực ít dân cư nhất của Châu Âu, tuy nhiên cả dân số và GDP đều tăng đã chỉ ra tiềm năng còn phát triển hơn nữa của khu vực này. Thụy Điển là thị trường lớn nhất của các quốc gia Bắc Âu và do điều kiện nợ chính phủ thấp, nền kinh tế minh bạch, và hệ thống ngân hàng được củng cố tốt đã tạo nên sự ổn định và tiềm năng tăng trưởng.
  • Môi trường kinh doanh ổn định: Tất cả các quốc gia Bắc Âu đều có GDP trên mức trung bình của Châu Âu. Trong khi Na Uy thì nổi trội hơn với GDP cao hơn một chút do nguồn cung dầu dồi dào, đây cũng là quốc gia Bắc Âu đắt đỏ nhất để sinh sống. Ngược lại, người Na Uy lại đổ xô sang Thụy Điển để mua sắm. Mặt khác, Thụy Điển từ lâu đã đạt điểm cao nhất trong chỉ số doanh thu bán lẻ của Eurostat, một chỉ số thể hiện nhu cầu trong nước.
  • Điều kiện sống cao: Hầu hết người Thụy Điển đều sống ở khu vực thành thị nơi có sức mua tương đối cao. Thụy Điển là quốc gia nói tiếng Anh không phải ngôn ngữ bản địa tốt thứ nhất trên thế giới, khiến cho các khu vực đô thị ngày càng được các công ty, lao động và học sinh quốc tế quan tâm. Thụy Điển có mức sống cao với nền giáo dục chất lượng cao và chăm sóc sức khỏe miễn phí cũng như chế độ nghỉ sinh sản hào phóng nhất thế giới với 480 ngày nghỉ phép có lương cho cả bố và mẹ.

Thụy Điển được coi là thị trường lớn nhất có khả năng đầu tư. Trong số các quốc gia Bắc Âu, Thụy Điển là nước có dân số và thị trường bán lẻ lớn nhất. Với đặc điểm địa lý nằm ở trung tâm của các nước Bắc Âu, Thụy Điển cũng được chú ý bởi vị trí chiến lược của mình. Với mức độ hấp dẫn nhất trong ngành bán lẻ, không có gì ngạc nhiên khi các nhà bán lẻ quốc tế tiếp tục mở rộng liên doanh, trụ sở công ty và trung tâm vận tải sang Thụy Điển. Hơn nữa, một số lĩnh vực của Thụy Điển như đồ nội thất, đồ trang trí nhà cửa, đồ chơi trẻ em vẫn còn nhiều tiềm năng để đầu tư.

Dân số Thụy Điển đang ngày càng gia tăng, dân số Thụy Điển khoảng 10,3 triệu người, với tỷ lệ sinh đang ngày càng gia tăng trong khi tỷ lệ tử lại giảm đi. Xu hướng này được dự kiến sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn như Stockholm, Gothenburg và Malmo – nơi mà lượng dân số lớn tập trung sinh sống. Thụy Điển cũng là quốc gia đa văn hóa, cứ 5 người thì có 1 người sinh ra ở nước ngoài, điều này khiến dân số Thụy Điển khá đa dạng.

Thụy Điển là quốc gia có tầng lớp trung lưu giàu có với một trong sức mua lớn nhất Châu Âu

Thu nhập khả dụng và tăng trưởng tiêu dùng tư nhân của Thụy Điển mạnh hơn so với hầu hết các nước Châu Âu khác. Các tiêu chuẩn kinh tế của các hộ gia đình tiếp tục gia tăng, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo thấp, cùng với đó là phân khúc trung lưu lớn với sức chi tiêu cao đã tạo ra cơ hội đầy hứa hẹn cho các nhà bán lẻ quốc tế.

Thụy Điển – quốc gia có sự tiến bộ và cạnh tranh cao.

Cộng đồng kinh doanh Thụy Điển tiếp tục thể hiện khả năng đổi mới, kết hợp với bảo vệ môi trường và lực lượng lao động có kỹ năng cao đã khiến Thụy Điển trở thành quốc gia rất cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thụy Điển là nhà lãnh đạo sáng tạo của Châu Âu năm 2020 và thực tế không thể phủ nhận Thụy Điển là quê hương của một số thương hiệu nổi tiếng và được tôn trọng nhất thế giới như IKEA, VOLVO, ELECTROLUX, ERICSSON, H&M, SKANSKA, và VATTENFALL. Đây cũng là nơi sản sinh ra các công ty khởi nghiệp sáng tạo và đã đạt được sự thành công nhất định trên toàn cầu như Spotify, Skype và Klarna.

Thụy Điển – trung tâm vận tải logistic tuyệt vời của Bắc Âu

Thụy Điển là trung tâm kết nối quốc tế tốt và là lựa chọn thông minh về vận tải logistic. Quá trình toàn cầu hóa sớm của các doanh nghiệp Thụy Điển đã tạo ra nhu cầu cao về một hệ thống giao thông và vận tải hiệu quả. Lĩnh vực logistic của Thụy Điển đã trở thành một trong những ngành có năng lực nhất Châu Âu. Từ Thụy Điển có thể đi đến tất cả các thành phố lớn Đan Mạch, và Na Uy bằng đường bộ hoặc các phương tiện vận tải trong vòng chưa đầy 12 giờ. Điều này khiến Thụy Điển trở thành lựa chọn ưu tiên khi các công ty hợp nhất các hệ thống phân phối và lưu kho ở Bắc Âu về một địa điểm trung tâm. Hơn thế nữa, Thụy Điển cũng đứng đầu trong số các quốc gia về thân thiện với thương mại và logistic hiệu quả nhất thế giới.

IV. Thị trường bán lẻ Thụy Điển

Doanh số bán lẻ tăng trưởng mạnh tại Thụy Điển

Thị trường bán lẻ Thụy Điển có mức tăng trưởng dương hàng năm trong 23 năm liên tiếp, được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số và thu nhập khả dụng ngày càng tăng. Cũng trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid, thị trường bán lẻ Thụy Điển cũng vẫn phát triển. Tăng trưởng cả tiêu dùng tư nhân và doanh số bán lẻ đều mạnh hơn so với các quốc gia Châu Âu khác.

Cơ hội cho các nhà bán lẻ quốc tế

Thị trường bán lẻ Thụy Điển là thị trường hấp dẫn cho các nhà bán lẻ quốc tế đang tìm kiếm sự tăng trưởng và đa dạng hóa. Thị trường Thụy Điển có truyền thống bị thống trị bởi các các thương hiệu trong nước và một số ít các chuỗi cung ứng lớn, đặc biệt là trong phân khúc quần áo, đồ nội thất và thực phẩm. Do đó, thị trường này vẫn còn tiềm năng cho các nhà bán lẻ quốc tế khai thác.

Trong vài năm gần đây, nhiều thương hiệu quốc tế đã xâm nhập vào thị trường bán lẻ Thụy Điển và thiếp lập chỗ đứng vững chắc trong lòng khách hàng. Một số thương hiệu quốc tế phổ biến với rất nhiều cửa hàng ở Thụy Điển như Zara, Lidl và Sephora. Gần đây nhất là Uniqlo, hãng thời trang của Nhật cũng đã ra mắt tại Thụy Điển và dự kiến sẽ còn tiếp tục mở rộng.

Rất nhiều nhà kinh doanh mới đã đến Thụy Điển trong vài năm qua như Afound, Arket, Barbour, Burton, Cartier, Ganni, JD Sports, Lululemon, Moncler, Muji, Oysho, Sandro, Sonos, Stone Island, Suitsupply, Under Armour, Uniqlo và Victoria’s Secret.

Sự thịnh vượng của thương mại điện tử tại Thụy Điển

Thương mại điện tử đã thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Châu Âu và hiện nay 270 triệu dân của Châu Âu nói rằng họ thường xuyên mua sắm online. Thực tế, Thụy Điển là một trong những quốc gia có tỷ lệ thương mại điện tử cao nhất trên thế giới. Sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo ra sự quan tâm ngày càng tăng đối với các thương hiệu quốc tế của người tiêu dùng Thụy Điển.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các thương hiệu quốc tế

Mặc dù sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các cửa hàng thương mại điện tử nước ngoài ngày càng tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn tiềm năng cho nhiều nhà kinh doanh quốc tế trong tất cả các phân khúc thương mại điện tử mà chưa được khai thác như lĩnh vực: chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe, sách và phương tiện truyền thông.

Một con đường dẫn đến thành công trong thị trường bán lẻ Thụy Điển có thể bắt đầu với một cửa hàng trực tuyến, để có thể hiểu rõ hơn về hành vi và mối quan tâm của người tiêu dùng Thụy Điển. Ví dụ, một nửa người tiêu dùng Thụy Điển thích mua sắm trên các trang bán lẻ trực tuyến quốc tế hơn là trang thương mại điện tử nội địa, bởi vì họ không thể tìm thấy sản phẩm họ đang tìm kiếm trong các cửa hàng trực tuyến của Thụy Điển. Điều này cho thấy thị trường vẫn chưa bão hòa và cần có sự lựa chọn bán lẻ rộng rãi hơn.

Bên cạnh đó, các cửa hàng bán hàng trực tiếp vẫn có một vị trí nhất định đối với người tiêu dùng. Mặc dù thương mại điện tử đang ngày càng phát triển, nhiều người tiêu dùng Thụy Điển vẫn thích mua hàng tại các cửa hàng trực tiếp.

V. Người tiêu dùng Thụy Điển

Người tiêu dùng trung thành

Người Thụy Điển có xu hướng thích tìm kiếm và mua các sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu cung cấp một cái gì mới. Họ là những người sớm nhạy cảm với xu hướng, họ thích thử các sản phẩm mới và kiểm tra chúng theo các tiêu chuẩn cao của riêng họ.

Người Thụy Điển có khao khát tiếp cận với thế giới bên ngoài, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau và nuôi dưỡng sở thích đối với việc thử các thương hiệu mới và trải nghiệm sự sáng tạo. Người Thụy Điển am hiểu công nghệ không chỉ được biết đến với việc nhanh chóng tiếp nhận các xu hướng mới từ nước ngoài mà còn được biết đến là người thiết lập công nghệ.

Người Thụy Điển rất sáng suốt trong việc quyết định mua sắm như thế nào, giá trị mang lại của các chức năng sản phẩm và chất lượng quan trọng hơn thiết kế và thương hiệu. Cùng với đó, họ là những người mua sắm nhiệt tình và hay đi du lịch, nên dễ dàng nắm bắt các thương hiệu quốc tế và khái niệm mua sắm mới.

Người tiêu dùng Thụy Điển có xu hướng quay lại với các thương hiệu mà họ tin tưởng, thích các giải pháp chất lượng cao hơn các lựa chọn giá rẻ và tiện lợi, do vậy họ sẵn sàng chi trả chi phí cao hơn cho các thương hiệu nổi tiếng. Xây dựng lòng tin giữa người tiêu dùng chính là chìa khóa cho sự thành công vào thị trường Thụy Điển.

Người tiêu dùng định hướng giá trị

Người tiêu dùng Thụy Điển là những người có hiểu biết cao, mong đợi sự minh bạch và muốn biết nhiều về các công ty hơn. Điều này không chỉ dành cho riêng sản phẩm mà còn bao gồm cả các giá trị của công ty đó.

Thụy Điển là quốc gia có tính cá nhân hóa cao. Do vậy, người tiêu dùng Thụy Điển rất chú trọng và thích mua các thương hiệu mà phản ánh đúng giá trị và lối sống của họ.

Đối với các công ty, việc cởi mở và trung thực về các giá trị, cam kết xây dựng thương hiệu minh bạch là chìa khóa để xây dựng lòng tin của khách hàng. Đặc biệt là ở Thụy Điển, xã hội được định hình bởi truyền thống lâu đời, các thương hiệu có thể mang lại lợi ích về mặt tinh thần sẽ có khả năng có được lợi thế cạnh tranh. Nguyên nhân là do người tiêu dùng Thụy Điển được khuyến khích sử dụng các sản phẩm gắn với đạo đức và không ngần ngại trả nhiều tiền cho những sản phẩm tốt cho môi trường.

Ẩm thực người tiêu dùng

Cũng như các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ngành kinh doanh nhà hàng của Thụy Điển đã trải qua vô cùng khó khăn. Đồ ăn nhanh và dịch vụ mang đi đã duy trì tương đối tốt trong khi doanh số bán hàng của nhà hàng, quán bar… đã giảm đi trầm trọng. Tuy nhiên, hiện nay thị trường này đang trong giai đoạn phục hồi trở lại.

Phân khúc bán lẻ nhà hàng và thực phẩm của Thụy Điển vẫn mang lại tiềm năng do sức mua cao, tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài muốn xâm nhập vào thị trường này.

Người Thụy Điển có sở thích ra ngoài ăn, và tỉ lệ người dân ra ngoài ăn cao hơn nhiều so với các nước Bắc Âu khác. Người Thụy Điển coi trọng quan niệm thực đơn sáng tạo, hương vị độc đáo và xu hướng trải nghiệm mới mẻ và chỉ khi ra ngoài ăn thì họ mới cảm nhận được các hương vị đó.

Vào năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra, trung bình có 18% dân số đi ăn tối ít nhất một lần mỗi tuần. Đối với bữa trưa, trung bình một phần ba dân số Thụy Điển ăn bên ngoài ít nhất một lần một tuần, tỷ lệ này tập trung cao ở các thành phố lớn. Do đó, các chủ sở hữu bất động sản và chủ sở hữu trung tâm mua sắm đang dành nhiều không gian bán lẻ cho các nhà hàng, quán ăn.

Khái niệm lành mạnh và ảnh hưởng quốc tế trong tâm trí người Thụy Điển

Người Thụy Điển thích tiêu dùng thực phẩm và đồ uống lành mạnh. Mặc dù có rất nhiều chuỗi cung ứng đã được thiết lập trong vài năm qua để mang đến thực phẩm và đồ uống lành mạnh cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa bão hòa và vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Người Thụy Điển cũng yêu thích các khái niệm quốc tế và sáng tạo được mở rộng và xâm nhập vào thị trường Thụy Điển như chuỗi nhà hàng Wagamama của Anh và chuỗi nhà hàng nước uống, sinh tố của Đan Mạch.

Hiện nay, ranh giới giữa dịch vụ ăn uống và bán lẻ đang bị xóa nhòa. Nhiều nhà bán lẻ đã cung cấp các dịch vụ nhà hàng, đồ ăn và đồ uống sẵn để khách hàng có thể ngừng chân và nghỉ ngơi trong khi mua sắm. Ví dụ, các cửa hàng H&M và Arket của Thụy Điển đã mở các quán cà phê trong cửa hàng của họ để phục vụ người mua sắm.

VI. Cam kết về sự bền vững

Tính bền vững chính là một động lực

Người tiêu dùng Thụy Điển đang đặt ra yêu cầu cao hơn bao giờ hết cho các công ty không chỉ là giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn phải có đóng góp tích cực vào môi trường. Mặc dù ý thức về môi trường không phải là hiện tượng mới mẻ ở Thụy Điển, tuy nhiên, vấn đề này đã được đưa lên hàng đầu sau cuộc đình công về khí hậu của Greta Thunberg.

Người Thụy Điển tranh luận rất nhiều xung quanh vấn đến biến đổi khí hậu nhằm nâng cao trách nhiệm và hành động của từng cá nhân. Kết quả là rất nhiều người tiêu dùng, cả người trẻ tuổi và người già, ngày càng dành nhiều chi tiêu vào các sản phẩm không có tác động đến môi trường. Hiện nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan tâm đến các thương hiệu cung cấp các sản phẩm tái chế, sửa chữa và đồ cũ.

Phân loại bền vững là một yếu tố thành công

Kể từ khi mùa hè nóng nhất được ghi nhận vào năm 2018, tính bền vững trong bán lẻ của Thụy Điển đã tăng lên nhanh chóng. Cũng giống như các nước Phương Tây khác, ngành công nghiệp thực phẩm là ngành tiên phong trong việc tạo ra các sản phẩm lành mạnh và bền vững. Hiện nay, các mảng kinh doanh bán lẻ cũng đang bắt kịp xu hướng này.

Mối quan tâm của người tiêu dùng đối với tính bền vững đã đạt đến mức mà ở hầu hết các lĩnh vực, những loại sản phẩm được sản xuất theo tính bền vững đang là điều kiện tiên quyết để thành công trong việc có được khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ.

VII. Người tiên phong về kỹ thuật số và sự bền vững

Thụy Điển là nước đi đầu tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới, và dẫn đầu thế giới về sự bền vững và công nghệ xanh.

Kỹ thuật số nâng cao

Sự phát triển kỹ thuật số ở mức cao tại Thụy Điển đã đặt họ lên vị trí tốp đầu, đứng thứ hai tại Châu Âu về chỉ số xã hội và kinh tế kỹ thuật số năm 2020 (DESI). Chẳng hạn như Thụy Điển là quốc gia dẫn đầu về thanh toán không dùng tiền mặt. Người tiêu dùng Thụy Điển thích dùng thẻ ngân hàng hoặc dịch vụ thanh toán di động Swish khi mua hàng. Tiền mặt chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số các giao dịch thanh toán. Đối với các nhà bán lẻ, việc thanh toán bằng thẻ giảm thiểu nguy cơ trộm cắp và đẩy nhanh quá trình thanh toán. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng thẻ và các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động khiến cho người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Hóa đơn kỹ thuật số cũng đang gia tăng

Bên cạnh thanh toán không dùng tiền mặt thì việc sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy cũng ngày càng tăng tại Thụy Điển. Các nhà cung cấp kỹ thuật số cung cấp nền tảng kỹ thuật cho các nhà bán lẻ kết nối với người tiêu dùng và mang đến cơ hội thu thập và lưu trữ tất cả các hóa đơn kỹ thuật số. Như vậy, sẽ tiết kiệm được một lượng lớn mực in và giấy không cần thiết làm ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời việc lưu trữ số hóa tất cả các giao dịch bán hàng sẽ phục vụ cho việc thu thập và phân tích dữ liệu.

Hiệu suất môi trường cao

Hóa đơn kỹ thuật số chỉ là một trong các ví dụ về sự bền vững trong ngành bán lẻ của Thụy Điển. Thụy Điển thường được coi là một trong những quốc gia bền vững nhất trên thế giới, Thụy Điển liên tục được xếp hạng thứ nhất hoặc thứ hai trong năm năm qua trong Bảng xếp hạng các quốc gia Bền vững của Robescosam. Lượng khí thải CO2 trên một đơn vị GDP thấp hơn nhiều so với trung bình các nước Châu Âu khác và đang tiếp tục giảm xuống. Thụy Điển mang đến cơ hội phát triển cho các công ty hướng đến một môi trường lành mạnh.

Nuôi dưỡng sự đổi mới

Theo Ủy ban Châu Âu, Thụy Điển đã có được sự mở rộng to lớn và nhanh chóng trở thành trung tâm công nghệ của khu vực Bắc Âu và còn trở thành quốc gia dẫn đầu Châu Âu về đổi mới năm 2020. Thành phố Stockholm, Thụy Điển hiện là thành phố có số lượng các công ty khởi nghiệp cao thứ hai trên thế giới tính theo đầu người. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi khoản chi vào đầu tư của Thụy Điển cao mức kỷ lục và Thụy Điển có mức chi cho R&D cao thứ hai ở Châu Âu. Văn hóa Thụy Điển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự đổi mới. Ở Thụy Điển, các lãnh đạo, CEO và các nhà quản lý thường chủ động tương tác với đồng nghiệp, nuôi dưỡng văn hóa hợp tác. Sự hợp tác giữa các công ty khởi nghiệp, các trường đại học, các ngành công nghiệp và chính phủ được thực hiện một cách hiệu quả.

Thu hút tài năng bên ngoài Thụy Điển

Theo Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu, Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về thu hút nhân tài quốc tế. Mặc dù Thụy Điển là một quốc gia nhỏ nhưng các công ty khởi nghiệp đang phát triển ở tất cả các ngành và các tài năng từ khắp thế giới được thu hút về đây. Hệ thống phúc lợi xã hội hào phóng của Thụy Điển chính là kết quả của năng suất làm việc cao cùng với thời gian làm việc thấp. Miễn phí đại học cho phép dân số có trình độ học vấn cao và phát triển tài năng của họ. Cùng với vị trí chiến lược của Thụy Điển trong khu vực Bắc Âu kết hợp với trình độ tiếng Anh cao nhất thế giới đã càng ngày càng thu hút được nhiều nhân tài trên thế giới đến Thụy Điển. Thực tế 2/3 trụ sở chính của các công ty nước ngoài tại Bắc Âu đều đặt trụ sở tại Thụy Điển.