Trong khuông khổ của Thỏa thuận Paris, EU đã ban hành kế hoạch hành động European Green Deal và đặt mục tiêu giảm lượng khí thải 60% vào năm 2030 so với năm 1990 và đặt mục tiêu dài hạn đạt khí hậu trung hòa vào năm 2050.
Nhằm thực hiện Chương trình hành động của EU, Thụy Điển cũng ban hành chương trình hành động quốc gia để giảm lượng khí thải phát ra với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu chung của EU, EU đã ban hành nhiều biện pháp để giảm lượng phát thải CO2 ra môi trường, trong đó có việc tăng thuế carbon.
Tuy nhiên, các chính sách nghiêm ngặt này của EU có thể làm giá sản phẩm được sản xuất trong EU tăng cao hơn so với sản phẩm được sản xuất ở các nước khác có mục tiêu khí hậu thấp hơp EU và sẽ khiến các công ty EU mất thị phần trong ngắn hạn và trong dài dạn có thể các doanh nghiệp EU sẽ di chuyển sang các nước có quy định ít nghiêm ngặt về khí hậu hơn để sản xuất. Điều này về lâu dài có tác động tiêu cực đến các biện pháp khí hậu của EU và đồng thời gây tổn hại cho nền kinh tế EU.
Ngày 10/3/2021, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Border carbon adjustment) của EU (CBAM)[1]. Nghị quyết ủng hộ việc áp thuế/giá carbon đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU, nếu các nước này không đủ tham vọng về biến đổi khí hậu. Điều này sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng cũng như khuyến khích các ngành công nghiệp của EU và ngoài EU giảm và khử carbon trong sản xuất cho phù hợp với mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Có nghĩa là có thể đặt ra các yêu cầu đối với các nhà nhập khẩu hoặc các nhà xuất khẩu nước ngoài phải trả một khoản phí tương tự như áp dụng cho các nhà sản xuất trong EU hoặc yêu cầu các nhà nhập khẩu, các nhà sản xuất nước ngoài phải mua các khoản phụ cấp hoàn toàn tương ứng với mức phí mà các nhà sản xuất trong EU phải mua cho cùng một lượng khí thải.
Ví dụ một sản phẩm nhập khẩu sẽ được tính chi phí tương ứng với giá phát thải carbon trên mỗi tấn áp dụng ở EU, nhân với số tấn phát thải carbon xảy ra trong quá trình sản xuất ở nước xuất khẩu.
Ngày 14/7/2021, Ủy ban Châu Âu đã trình bày đề xuất lập pháp về CBAM. Theo đề xuất, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ mà không phải trả một khoản điều chỉnh phí nào trong giai đoạn chuyển tiếp từ năm 2023 đến hết năm 2025. Điều này sẽ tạo điều kiện và thời gian cho hệ thống cuối cùng được áp dụng vào năm 2026.
[1] https://www.europarl.europa.eu/news/en/press-room/20210304IPR99208/meps-put-a-carbon-price-on-certain-eu-imports-to-raise-global-climate-ambition#:~:text=On%20Wednesday%2C%20Parliament%20adopted%20a,70%20against%20and%20181%20abstentions.&text=MEPs%20therefore%20support%20to%20put,ambitious%20enough%20about%20climate%20change.