Đó là khẳng định của Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim H. Christensen trong buổi phỏng vấn với Tạp chí DĐDN/Kỳ Văn hoá Doanh nhân nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đan Mạch (1971-2021).
Ông đánh giá như thế nào về quan hệ hợp tác giữa Đan Mạch và Việt Nam trong 50 năm qua?
Đan Mạch là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: vào năm 1971, tức là từ 50 năm trước đây. Ngay sau đó, Đan Mạch bắt đầu cung cấp hỗ trợ nhân đạo và các khoản vay ưu đãi để giúp Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Chương trình viện trợ phát triển của Đan Mạch cho Việt Nam đặc biệt tăng mạnh từ năm 1993 khi Việt Nam được chọn là quốc gia ưu tiên trong chiến lược hợp tác phát triển của Đan Mạch. Trong khoảng thời gian 15 năm từ năm 2000 đến năm 2015, Đan Mạch đã giải ngân khoảng 1 tỷ Đô la Mỹ tiền viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam và trở thành một trong những nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng và vinh dự được góp phần vào các thành tựu nổi bật Việt Nam đã đạt được trong quá trình phát triển từ một quốc gia nghèo với 58% dân số nghèo đói vào năm 1993 thành quốc gia thu nhập trung bình thấp với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng hiện nay.
Với việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện vào năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch đã chuyển từ mối quan hệ hợp tác phát triển truyền thống sang quan hệ đối tác toàn diện. Ngày nay, hai nước có quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung vào đối thoại chính trị, thương mại và đầu tư, tăng trưởng xanh, năng lượng, an toàn thực phẩm, giáo dục và y tế.
Với việc thực hiện công cụ Hợp tác Chiến lược Ngành mới được giới thiệu vào năm 2015 trong khuôn khổ chương trình “Hợp tác với Đan Mạch”, chúng tôi có thể chú trọng hơn tới việc giới thiệu và hỗ trợ Việt Nam làm quen và sử dụng các công nghệ và bí quyết hiện đại của Đan Mạch trong quá trình phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao hơn vào năm 2035. Quá trình hợp tác này đặc biệt bao gồm cả việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và có trách nhiệm.
Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Đan Mạch và Việt Nam cũng đã phát triển mạnh mẽ trong những năm qua. Tổng giá trị thương mại hàng hóa song phương tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2013-2017 và vẫn đang tiếp tục phát triển. Hiện nay, khoảng 135 công ty Đan Mạch đã thành lập văn phòng chính thức tại Việt Nam. Với năng lực vượt trội của mình, nhiều công ty Đan Mạch có thể đáp ứng nhu cầu ngày căng tăng của Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nước, năng lượng sạch, quản lý chất thải, vận tải hàng hải và hậu cần. Với việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm ngoái, chúng tôi có cơ sở vững chắc để tin rằng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Đan Mạch sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, phù hợp với tiềm năng to lớn của hai nước.
Tôi tin rằng trong 50 năm qua Đan Mạch và Việt Nam đã hợp tác xây dựng được một mối quan hệ đối tác bền vững và đây cũng chính là nền tảng tuyệt vời để hai nước tiếp tục mở rộng hợp tác. Trong tương lai, Đan Mạch chắc chắn vẫn sẽ là đối tác tích cực và tận tâm của Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch sau khi EVFTA có hiệu lực?
EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đáng kể thương mại và hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong những năm tới. Trong vòng 7 năm tới đây, 99% sản phẩm bán từ Việt Nam sang Liên minh Châu Âu được miễn thuế hoàn toàn, và trong vòng 10 năm tới, 99% sản phẩm bán từ Liên minh châu Âu sang Việt Nam cũng sẽ không phải chịu bất kỳ mức thuế nào. Ngay từ bây giờ, chúng ta đã thấy các mức thuế quan giảm đáng kể. Việc tăng cường miễn thuế cho các sản phẩm thương mại sẽ thật sự mang lại nhiều lợi ích cho quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch.
Tôi hy vọng Đan Mạch sẽ gia tăng nhập khẩu cũng như xuất khẩu hàng hóa với Việt Nam. Theo tôi nhận định, Đan Mạch sẽ nhập khẩu nhiều sản phẩm cao cấp hơn từ Việt Nam, và tương tự như vậy, thực phẩm chất lượng và sản phẩm thiết kế của Đan Mạch xuất khẩu sang Việt Nam cũng sẽ tăng lên.
Tiềm năng đầu tư vào Việt Nam của các công ty Đan Mạch cũng mở rộng hơn nhờ EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA). Các công ty Đan Mạch đã và đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, công nghiệp giày dép, điện tử, sản xuất đồ nội thất, năng lượng tái tạo và sản xuất thực phẩm. Tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai. Đại sứ quán Đan Mạch đã liên lạc và tạo cầu nối cho một số công ty Đan Mạch quan tâm đến các lĩnh vực này tại Việt Nam.
Liệu Đan Mạch có tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng trong lĩnh vực này?
Việt Nam cũng là đối tác quan trọng đối với Đan Mạch trong quá trình chuyển đổi lĩnh vực năng lượng, và sự hợp tác của hai quốc gia chắc chắn sẽ tiếp tục được củng cố hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi vừa bắt đầu thực hiện giai đoạn ba của Chương trình Đối tác Năng lượng Đan Mạch (DEPP III) giữa hai nước. Chương trình này sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn ngân sách khoảng 10 triệu Đô la Mỹ.
DEPP III là chương trình hợp tác giữa hai chính phủ với mục tiêu chính là hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chính sách khí hậu và năng lượng tham vọng. Chương trình được thực hiện thông qua sự hợp tác hiệu quả giữa Đại sứ quán Đan Mạch, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch và các đối tác trong Bộ Công Thương của Việt Nam. Chương trình tập trung vào các lĩnh vực kỹ thuật sau:
Mô hình hóa và lập quy hoạch năng lượng, bao gồm năng lượng gió ngoài khơi (ví dụ: ra mắt Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam và lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi).
Tích hợp năng lượng tái tạo (ví dụ: dự báo và xây dựng các quy tắc nối lưới).
Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng (tập trung vào các vấn đề như: khung pháp lý, chính sách ưu đãi, cẩm nang công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật, v.v.).
Trong vài năm tới, Việt Nam cần ban hành một số quyết định quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp đủ năng lượng cho nền kinh tế đang tăng trưởng không ngừng, đồng thời hướng tới phát triển bền vững và có tính đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ở Đan Mạch, với việc thông qua các thỏa thuận chính trị tham vọng và dài hạn với mục đích cắt giảm lượng khí thải nhà kính và gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng, chúng tôi đã chứng minh có thể tăng trưởng kinh tế mà không cần gia tăng lượng phát thải. Thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác đáng tin cậy với một số nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam, Đan Mạch đang cố gắng phổ biến những kinh nghiệm này để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh trên toàn cầu. Thông qua cách tiếp cận này, một quốc gia nhỏ như đất nước chúng tôi có thể truyền cảm hứng, thúc đẩy việc thực hiện những thay đổi lớn mang lại lợi ích cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu trên toàn cầu cũng như hỗ trợ đẩy mạnh tiến trình phát triển hướng tới xây dựng các nền kinh tế xanh hơn và có khả năng chống chịu với các biến đổi khí hậu hơn.
Theo Ông, đâu là những lĩnh vực ưu tiên mà doanh nghiệp Đan Mạch đang quan tâm tại thị trường Việt Nam?
Như tôi đã đề cập, các doanh nghiệp Đan Mạch chủ yếu ưu tiên các lĩnh vực sau tại thị trường Việt Nam: năng lượng tái tạo, thực phẩm chất lượng cao, thiết bị cho ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam, cải thiện chất lượng nước và các sản phẩm quà tặng của Đan Mạch.
Trong tương lai, tôi hy vọng các công ty Đan Mạch sẽ tăng cường đầu tư sản xuất trực tiếp tại Việt Nam vì Việt Nam có môi trường đầu tư ổn định và cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Trong tương lai gần, tôi dự đoán năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ là lĩnh vực ngày càng được nhiều công ty Đan Mạch quan tâm. Do đó, việc xây dựng và thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện 8 đang được Đại sứ quán và một số công ty Đan Mạch rất quan tâm. Ở Đan Mạch, hầu hết sản lượng điện sử dụng hiện nay là từ các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là một trong những lĩnh vực mà chúng tôi muốn chia sẻ kiến thức của mình với chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Đan Mạch?
Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương các tỉnh đã và đang nỗ lực rất nhiều để thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều ưu đãi thuế hấp dẫn, xây dựng các khu công nghiệp đi kèm với các dịch vụ và hỗ trợ tài chính đảm bảo phát triển năng lực cho nhân viên mới. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam còn chưa phát triển các khu công nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo. Nhiều công ty Đan Mạch liên lạc với Đại sứ quán và cho biết yêu cầu của họ là toàn bộ nhu cầu điện năng sử dụng phải được cung cấp từ nguồn năng lượng tái tạo. Tương tự như vậy, vấn đề cấp nước và xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn quy định, mang tính bền vững và thân thiện với môi trường, trong các khu công nghiệp cũng rất quan trọng. Do đó, Việt Nam cần phát triển các nhà máy tuabin năng lượng mặt trời và năng lượng gió chuyên dụng cũng như cải thiện công tác xử lý nước thải và chất thải bền vững.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng một bước cải tiến quan trọng nhất mà Việt Nam có thể thực hiện để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa là giảm bớt thủ tục hành chính liên quan tới việc thành lập công ty, cấp giấy phép lao động cho chuyên gia kỹ thuật nước ngoài, các nhà quản lý và nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện công tác thuế và đơn giản hoá hoạt động trao đổi thông tin hàng ngày với các cơ quan chức năng Việt Nam. Các quy định về thuế tất nhiên cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Ở Đan Mạch, hầu hết các thủ tục hành chính này được thực hiện điện tử, có nghĩa là bạn không cần phải tới tận nơi thì các yêu cầu của bạn mới được xử lý.
Điều cuối cùng cũng rất quan trọng là để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, Việt Nam cần nghiêm túc giải quyết và giảm đáng kể tình trạng tham nhũng. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết rằng Chính phủ và các vị lãnh đạo Việt Nam cũng có cùng chung mong muốn này.
Ông có thông điệp nào gửi đến cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch và Việt Nam nhân dịp 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đan Mạch?
Đan Mạch là đối tác lâu năm của Việt Nam – và chúng tôi đến đây để ở lại! Mặc dù chúng ta đã đồng hành cùng nhau trong thời gian dài và cùng nhau đạt được nhiều thành tựu, tiềm năng hợp tác trong tương lai giữa hai nước vẫn còn rất lớn. Thế giới đang thay đổi và chúng ta cũng vậy. Nhiều thách thức mới phát sinh, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và ô nhiễm ngày càng tăng, và tất cả chúng ta cần phải thích nghi và tìm ra các giải pháp mới. Chúng ta hãy tiếp tục hợp tác, chia sẻ công nghệ và các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất.
Đan Mạch có nhiều công ty nổi tiếng cũng như có các tập đoàn dẫn đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi từ chúng tôi về đổi mới sáng tạo và cách đưa các sản phẩm hạng nhất ra thị trường thế giới. Tôi hy vọng và tin rằng mối quan hệ hợp tác giữa các công ty Đan Mạch và Việt Nam trong những năm tới sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới và hiện đại, có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Chúng ta hãy cùng nhau sử dụng dịp kỷ niệm 50 năm này để xem xét và tìm hiểu các cách thức mà hai quốc gia có thể cùng nhau đổi mới và đưa sự hợp tác và mối quan hệ hợp tác của chúng ta lên một tầm cao mới. Chúng tôi thực sự mong chờ 50 năm hợp tác tiếp theo với Việt Nam.