Ngày 28/10, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen cùng Tham tán Thương mại Arne-Kjetil Lian hội kiến Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Nhân cuộc gặp này, Đại sứ Grete Lochen đã trao cho Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên báo cáo “Nghiên cứu về Chuỗi cung ứng” điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Báo cáo Nghiên cứu do Equinor, một công ty năng lượng có quy mô của Na Uy, thành viên của Liên minh Đối tác Năng lượng Na Uy (gọi tắt là NORWEP) xây dựng. Cam kết của Equinor là cung cấp năng lượng với giá cả hợp lý cho các quốc gia trên toàn thế giới, đồng thời đi tiên phong trong chuyển đổi năng lượng.
Trong quá trình xây dựng, Báo cáo đã nhận được những ý kiến đóng góp chuyên môn thiện chí của Cục Điều tiết Điện lực và Năng lượng Tái tạo (EREAV) của BCT.
Báo cáo Nghiên cứu dài 70 trang, cung cấp một cái nhìn tổng quan về toàn bộ chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Báo cáo cũng nêu bật các cơ hội mà điện gió ngoài khơi sẽ mang lại cho các nhà cung ứng Việt Nam, đồng thời xác định những lĩnh vực mà các công ty Na Uy hoặc công ty nước ngoài có thể hợp tác với các đối tác trong nước để xúc tiến các dự án điện gió ngoài khơi, sản xuất điện năng với chi phí thấp hơn và từng bước hợp lý hóa giá thành điện từ năng lượng tái tạo.
Đại sứ Na Uy Grete Løchen nhấn mạnh: “Tôi rất vui vì đã trao tận tay Báo cáo này tới Bộ trưởng BCT Nguyễn Hồng Diên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Na Uy-Việt Nam. Hai nước đã xây dựng và duy trì được mối quan hệ tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực trong đó năng lượng tái tạo là lĩnh vực tiềm năng. Na Uy và các công ty Na Uy luôn sẵn sàng chia sẻ với các đối tác Việt Nam những công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm lâu năm của mình trong lĩnh vực này vì lợi ích của hai bên cũng như vì những mục đích chung về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”.
Theo Đại sứ Grete Løchen, bằng việc phê chuẩn Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng như các thành viên khác, đều nhận thức được những nguy cơ mà biến đổi khí hậu và xu thế nóng lên toàn cầu gây ra. Chuyển đổi từ việc dùng than sang sử dụng các năng lượng khác sạch hơn và xanh hơn để sản xuất điện là con đường tất yếu của tương lai.
Với hơn 3.000 km đường bờ biển, nguồn lợi điện gió ngoài khơi của Việt Nam vô cùng dồi dào, vì thế Việt Nam đang trở thành một thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi.
Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2035, điện gió ngoài khơi có khả năng đáp ứng 12% nhu cầu điện của Việt Nam. Thay thế điện than sẽ giúp Việt Nam giảm 200 triệu tấn khối khí CO2 thải ra, đồng thời đem lại thêm ít nhất 50 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam từ chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ, thị trường việc làm và xuất khẩu. Cũng nhờ đó, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều khoản tài chính và đầu tư quốc tế dài hạn hơn cho biến đổi khí hậu.
Mặc dù những thách thức trong khung thể chế và chính sách vẫn đang cần phải giải quyết để hỗ trợ việc thực thi các dự án điện gió ngoài khơi có quy mô lớn, song rất nhiều các nhà phát triển và đầu tư quốc tế trong đó có các công ty Na Uy đã và đang xếp hàng chuẩn bị khai thác những cơ hội này.
Tham tán Thương mại Na Uy, ông Arne-Kjetil Lian cho biết: “Với các thế mạnh công nghiệp và mạng lưới doanh nghiệp trong nước hiện nay trong lĩnh vực dầu khí, đóng tàu.., Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển một chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi bền vững. Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo/điện gió ngoài khơi là việc làm khả thi, trong tầm tay.
Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ để giúp Việt Nam xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ trong nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam”.
Giám đốc Phát triển Kinh doanh Cao cấp của Equinor, bà Anita H. Holgersen bày tỏ mong muốn được chứng kiến nhiều dự án điện gió ngoài khơi sớm được thực hiện tại Việt Nam. Equinor và Liên minh Đối tác Năng lượng Na Uy (NORWEP) sẵn sàng tham gia thị trường điện gió ngoài khơi ở Việt Nam ngay khi có dự án phù hợp.