Tăng cường quảng bá và xúc tiến xuất khẩu tại chỗ là hai giải pháp Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia đề xuất nhằm tăng sự hiện diện của hàng hoá và doanh nghiệp tại Bắc Âu.
Bà Nguyễn Hoàng Thuý – Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển chia sẻ như vậy với phóng viên Báo Công Thương nhân dịp Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu được tổ chức từ ngày 13-15/6/2021 tại Geveva, Thuỵ Sỹ.
Xin bà cho biết quan hệ thương mại giữa khu vực Bắc Âu với Việt Nam đã phát triển ra sao thời gian qua?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và các nước Bắc Âu không mấy khả quan và còn nhiều khó khăn do dịch bệnh và chiến tranh, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu vẫn đạt được mức tăng trưởng đáng khích lệ.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu đạt khoảng 2,85 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang các nước Bắc Âu đạt 1,92 tỷ USD tăng 4%, nhập khẩu của Việt Nam từ các nước Bắc Âu đạt 933,71 triệu USD tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến hết tháng 4 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 1,03 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó số liệu xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng là 689,13 triệu tăng 19,2% và 342,16 triệu tăng 7,3%.
Hiệp định EVFTA được coi là một trong những động lực quan trọng cho thương mại giữa Việt Nam và khu vực Bắc Âu. Ngoài yếu tố này, bà cho rằng thương mại hai chiều giữa hai khu vực còn phải đối diện với những cơ hội và thách thức gì?
Bắc Âu là các nước nhỏ, nhưng có nền kinh tế mở, hiện đại. Xuất nhập khẩu thường chiếm 50-60% GDP. Mặc dù dân số ít nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của các nước Bắc Âu khá ấn tượng. Các ngành kinh tế thế mạnh của các nước Bắc Âu bao gồm công nghiệp dược, công nghiệp chế biến thủy sản và thực phẩm, sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng gió và năng lượng tái tạo, môi trường và công nghệ xanh – sạch, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng…
Tuy nhiên, do nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, cộng thêm nhân công cao nên các nước Bắc Âu phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, đồng thời ngày càng có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất sang các nước đang phát triển với chi phí nhân công thấp hơn. Đây là cơ hội cho Việt Nam – vốn là một quốc gia mạnh về sản xuất hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực EU và thu hút các doanh nghiệp đầu tư từ khu vực này.
Ngoài ra, do những bất ổn liên tục của thế giới trong những năm gần đây như chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đại dịch covid-19, và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina khiến cho các nước Bắc Âu và các quốc gia khác trên thế giới nhận ra không thể phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống. Các nước này đã và đang tích cực đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hoá thị trường. Do vậy, đây có thể được coi là cơ hội tốt nếu Việt Nam khai thác được để mở rộng thị trường.
Cơ hội là vậy, song thách thức cũng có do các nước Bắc Âu dân số ít, thị trường nhỏ, lại có yêu cầu cao đối với hàng hóa tiêu dùng trong nước, nên các nước này chủ yếu nhập khẩu từ các nước châu Âu xung quanh thông qua các đại lý phân phối trong khu vực. Nhiều mặt hàng của Việt Nam nhập khẩu vào khu vực này nhưng số liệu nhập khẩu không thể hiện nhập khẩu từ Việt Nam nên hàng Việt Nam thực tế tại khu vực nhiều hơn so với số liệu thống kê.
Bên cạnh đối thủ cạnh tranh truyền thống là Trung Quốc, Thái Lan thì còn rất nhiều nước khác có các đặc điểm tương đồng như Việt Nam cũng đang tích cực đa dạng hoá sản phẩm và đưa ra nhiều biện pháp để tận dụng xu hướng chuyển dịch, đa dạng hoá nguồn cung của Bắc Âu như Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ…
Ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh và xung đột Nga và Ucraine khiến cho giá cả vận chuyển vốn đã rất cao trong năm 2021, còn bị tắc nghẽn do các lệnh cấm vận cũng là một khó khăn, thách thức đối với hàng Việt Nam. Điều này đã làm hạn chế việc nhập khẩu của các doanh nghiệp đến các thị trường nhỏ lại xa xôi như Bắc Âu. Nếu tình hình này không được cải thiện, các doanh nghiệp Bắc Âu sẽ chuyển nhập khẩu từ các nước gần với châu Âu hoặc trong châu Âu để tiết kiệm chi phí.
Trước những thách thức và khó khăn đó, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường?
Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu và thông tin thị trường đến các doanh nghiệp.
Đơn cử, Thương vụ đã xây dựng và cập nhập định kỳ hàng năm cơ sở dữ liệu cơ bản của 5 thị trường phụ trách; Tổng hợp số liệu xuất nhập khẩu hàng nghìn mặt hàng giữa Việt Nam và 5 nước theo mã HS 6 số bao gồm kim ngạch các nước xuất nhập khẩu với thế giới và với Việt Nam, thị phần từng mặt hàng để từ đấy phân tích, nghiên cứu các mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng và đưa ra các giải pháp thúc đẩy; Hoàn thành 15 báo cáo nghiên cứu thị trường và các mặt hàng chủ lực của Việt Nam tại thị trường Bắc Âu như gạo, cà phê, rau quả, thuỷ sản, thực phẩm hữu cơ, cao su, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, thủ công mỹ nghệ. Trong đó, đưa ra các đề xuất, khuyến nghị để đẩy mạnh đưa các mặt hàng này vào thị trường khu vực.
Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, công tác xúc tiến thương mại kết hợp với chương trình truyền thông quảng bá sản phẩm của Việt Nam được triển khai đồng bộ đã mang lại hiệu quả một cách thiết thực. Hàng hóa Việt Nam ngày càng hiện diện nhiều tại khu vực Bắc Âu. Nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã có mặt trên các kệ hàng của các siêu thị lớn, không chỉ ở các cửa hàng thực phẩm Á châu.
Một số các hoạt động chính được triển khai như tổ chức một số hội thảo kết nối giao thương, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp, trong đó có hai sự kiện lớn là Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Na Uy, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Latvia; Tham gia các hội chợ trong các lĩnh vực thực phẩm, cà phê, xây dựng, công nghiệp để xúc tiến thương mại; Thường xuyên đi thăm các kho hàng thực phẩm Á châu lớn để xúc tiến, vận động nhập khẩu hàng Việt Nam; Đưa trang website tiếng Anh đi vào hoạt động để cung cấp các thông tin về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cơ hội từ EVFTA đối với các doanh nghiệp nhập khẩu khu vực Bắc Âu. Trang web cũng là nơi để quảng bá miễn phí cho các sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam; Biên soạn và xuất bản 13 ấn phẩm tiếng Anh để quảng bá hàng Việt Nam.
Ngoài ra, Thương vụ luôn xác định công tác thông tin là vô cùng quan trọng nhằm tăng cường hiểu biết về thị trường Bắc Âu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Công tác thông tin được đẩy mạnh đã làm cho các doanh nghiệp biết đến Thương vụ nhiều hơn thông quan trang web www.vietnordic.com, facebook, và bản tin hàng tháng. Mỗi năm, Thương vụ hỗ trợ thông tin và kết nối cho hàng trăm doanh nghiệp.
Để hỗ trợ cho hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh tốt hơn thị trường, theo bà, công tác thương vụ thời gian tới cần tập trung vào những hoạt động gì?
Hiệp định EVFTA mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu sẽ khó hơn rất nhiều nếu so với các nước trong EU có dân số lớn và nằm ở vị trí trung tâm châu Âu. Doanh nghiệp Việt Nam thường chọn đưa hàng vào thị trường Bắc Âu thông qua các nhà nhập khẩu trung gian lớn tại Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, và Ba Lan.
Do vậy, vấn đề đặt ra cho công tác phát triển thị trường Bắc Âu trong thời gian tới cần phải định hướng lại với cách tiếp cận mới. Thị trường Bắc Âu xa và nhỏ, nên việc tập trung phát triển thị trường, tăng kim ngạch thông qua xuất khẩu trực tiếp như cách tiếp cận thông thường sẽ không có hiệu quả.
Việc phát triển thị trường trong thời gian tới, cần tập trung vào hai vấn đề:
Thứ nhất, quảng bá để tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại thị trường. Chỉ cần người tiêu dùng biết đến hàng Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam thì cho dù không nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam mà thông qua các đầu mối tại các nước EU khác cũng giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam;
Thứ hai, xuất khẩu tại chỗ. Các tập đoàn bán lẻ của Bắc Âu hoạt động trên khắp thế giới về tất cả các lĩnh vực như: thực phẩm, đồ gia dụng, thủ công, mỹ nghệ… Nếu như doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được hàng cho các tập đoàn này, hoặc vận động các tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam, đồng nghĩa với việc hàng sản xuất tại Việt Nam sẽ được phân phối tại mạng lưới bán lẻ rộng khắp của họ. Do vậy, việc thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, thu hút các tập đoàn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu của các nước này về Việt Nam đầu tư sản xuất rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ cần được ưu tiên. Khi đó, không chỉ tăng đầu tư, tăng kim ngạch xuất khẩu sang các nước Bắc Âu, mà còn tăng xuất khẩu sang các nước khác. Một ví dụ điển hình trong năm 2022 là Tập đoàn Lego của Đan Mạch đã đầu tư vào Việt Nam 1,3 tỷ USD, đưa Đan Mạch trở thành quốc gia đứng thứ ba trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022, chỉ sau Singapore và Hàn Quốc.
Xin cảm ơn bà!
Phương Lan (Báo Công Thương) thực hiện