Trong năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang các nước Thụy Điển, Đan Mạch, và Na Uy (gọi chung là Bắc Âu) 51,26 triệu USD, chiếm 0,7% thị phần tại khu vực này, trong khi đó, hàng năm các nước này nhập khẩu lượng thủy sản khá lớn khoảng 7,27 tỷ USD và liên tục tăng qua các năm nên đây là thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Nếu không tính nhập khẩu nội khối, trong số các quốc gia ở châu Á, hiện nay, Trung Quốc đang đứng đầu danh sách xuất khẩu vào các nước Bắc Âu với kim ngạch đạt 61,86 triệu USD năm 2020, chiếm 0,85% thị phần, tiếp đến là Việt Nam, Ấn Độ đứng thứ ba, với kim ngạch khoảng 11,27 triệu USD, chiếm 0,15%.
Hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là tôm và phi lê cá đông lạnh.
Đối với mặt hàng cá tra và tôm sú, Việt Nam chi phối thị phần nhập khẩu thực tế do hầu hết các mặt hàng này tại Bắc Âu đều có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần nhập khẩu theo thống kê thì không cao do các doanh nghiệp Việt Nam ít xuất khẩu trực tiếp sang Bắc Âu mà thường xuất khẩu sang các đầu mối trung gian tại các nước ở trung tâm châu Âu như Hà Lan, Đức, Pháp, Bỉ.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020 mang lại nhiều ưu đãi, tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng thủy sản của Việt Nam, và là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Bắc Âu với giá cao hơn xuất khẩu qua trung gian.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia biên soạn và xuất bản cuốn sách “Thị trường Thủy sản Bắc Âu”, trong đó lần lượt giới thiệu tổng quan, qui mô, xu hướng, phân khúc thị trường, tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu, các kênh phân phối, và các qui định thị trường. Cuốn sách cũng đánh giá các thuận lợi, khó khăn, để từ đó đưa ra các khuyến nghị đối với doanh nghiệp.
Hy vọng cuốn sách có ích cho doanh nghiệp và bạn đọc.