Ngày 29/7/2022, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7/2022”. Đây là hội nghị giao ban đầu tiên và cũng là tiền đề để Bộ Công Thương tổ chức thường kỳ vào các tháng tiếp theo. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút trên 500 đại biểu tham dự. Hội nghị là cầu nối quan trọng giữa hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước. Mục tiêu của chuỗi Hội nghị nhằm chủ động cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời tạo diễn đàn phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường nước ngoài từ hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam trên toàn cầu, phục vụ tham mưu, tư vấn chính sách và công tác điều hành hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường xuất nhập khẩu.
Tham dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, Sơn La; Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương gồm: Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Vụ Kế hoạch, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công thương địa phương, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Cục Công nghiệp, Cục Phòng vệ Thương mại, Cục Cạnh tranh, Văn phòng Bộ…
Ngoài ra, còn có 140 đồng chí Tham tán công sứ, Tham tán thương mại, Bí thư, cán bộ từ 57 Thương vụ (trong đó có 01 Phái đoàn Việt Nam tại Geneva), 7 Chi nhánh Thương vụ và 3 Văn phòng XTTM Việt Nam ở nước ngoài; đại diện các đơn vị thuộc các Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan và đại diện Sở Công Thương địa phương, các hiệp hội ngành hàng…
Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đóng góp tích cực vào hoạt động ngoại thương
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, song tình hình kinh tế xã hội của nước ta tiếp tục khởi sắc, đạt được những kết quả tích cực, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. GDP tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ các năm 2020, 2021 và đạt mức tương đương các năm trước dịch; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục đà tăng trưởng cao với kim ngạch đạt trên 435 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu tăng 16,8%) và tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
“Trong các thành tích nổi bật đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tận dụng tốt các thời cơ, thuận lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, hiện nay thương mại toàn cầu (gồm cả đa phương và song phương) đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Báo cáo về hoạt động xúc tiến thương mại 6 tháng đầu năm 2022 và sự phối hợp của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM – cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid -19 đã dần được kiểm soát, các nước trên thế giới bắt đầu mở cửa giao thương quốc tế, các hoạt động hội chợ triển lãm trong và ngoài nước vốn là hình thức XTTM hiệu quả đã được khởi động và bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Trong khung khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM, Bộ đã phối hợp với các Hiệp hội, tổ chức XTTM trong nước và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tích cực triển khai đúng kế hoạch đặt ra, như tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam Expo 2022; đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm lớn và uy tín tại nước ngoài: Triển lãm Thực phẩm Quốc tế Seoul 2022, Triển lãm thế giới Dubai Expo, Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống Gulfood Dubai 2022 tại Dubai (UAE), Triển lãm quốc tế Thủy sản Bắc Mỹ, Triển lãm phát triển phần mềm và ứng dụng tại Nhật Bản (SODEC), Triển lãm Thủy sản Toàn cầu tại Barcelona (Tây Ban Nha)…
Bên cạnh đó, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số XTTM cũng tiếp tục được đẩy mạnh song song với các hoạt động XTTM trên thực tế như: các hội nghị B2B trực tuyến, triển khai các nền tảng số về hội chợ triển lãm, trưng bày và giới thiệu sản phẩm, các gian hàng quốc gia trên những nền tảng thương mại điện tử lớn của thế giới. Ngoài ra, hoạt động quảng bá hình ảnh, thương hiệu hàng hóa ở thị trường nước ngoài đã được triển khai tích cực với sự tham gia của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Đáng chú ý, thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Cục Phòng vệ Thương mại và các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) mà nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tổ chức tốt công tác nắm bắt tình hình, cập nhật kịp thời cho Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Chính phủ diễn biến tình hình và đánh giá tác động đối với Việt Nam, từ đó đề xuất các biện pháp, chính sách phản ứng phù hợp, đồng thời thông tin lên các phương tiện truyền thông để khuyến cáo, định hướng, hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin thị trường
Tại Hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Thụy Điển, Australia, Hoa Kỳ, Ai Cập đã thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây.
Cũng tại hội nghị, đại diện các địa phương gồm UBND tỉnh An Giang và Sơn La, các hiệp hội: Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu, nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại và đề xuất những hỗ trợ cụ thể từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cho địa phương và hiệp hội.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La bày tỏ mong muốn Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Sơn La về các sản phẩm nông sản (điều kiện nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng, đơn vị nhập khẩu uy tín…) và kết nối với các doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ tại các nước; hỗ trợ tỉnh Sơn La giới thiệu các sản phẩm truyền thông về nông sản Sơn La (Video, Flipbook, Brochure, Cataloge…) tới các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản nước ngoài nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Sơn La.
Về phía các ngành hàng, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, các chương trình và hoạt động XTTM đã giúp các doanh nghiệp cao su Việt Nam giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, cũng như mở rộng mới quan hệ với tổ chức quốc tế… Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa vai trò đại diện quốc gia về thương mại của các Thương vụ và Tham tán Thương mại ở nước ngoài trong thời gian tới, Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng mong muốn được trao đổi thông tin đều đặn với các hiệp hội ngành hàng về chiến lược phát triển kinh tế, nhu cầu xuất nhập khẩu, chính sách, luật pháp của nước sở tại. Đặc biệt là, Thương vụ cần giúp đỡ, tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam về mặt pháp lý khi gặp khó khăn, vướng mắc với đối tác và/hoặc cơ quan quản lý tại nước ngoài.
6 nhiệm vụ nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại
Sau gần 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng quan về XTTM, báo cáo của các Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại một số thị trường ngoài nước; nghe đại diện các địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trao đổi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ về XNK trong thời gian tới; các đại biểu cũng đã thảo luận, thống nhất nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA để tiếp tục mở rộng, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu bền vững.
Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh, đánh giá cao các thông tin cập nhật chính sách và khuyến nghị thiết thực của hệ thống Thương vụ ngoài nước. Bộ trưởng cho rằng những thông tin chia sẻ tại Hội nghị sẽ giúp ích cho địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tạo dựng thương hiệu và phát triển thị trường.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đồng hành, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng đề nghị các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, đối với các Thương vụ VN ở nước ngoài: Chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại, kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế; Tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương; đồng thời, đưa ra khuyến cáo giúp các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp;
Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (như cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm…), đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để góp phần thực hiện được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ;
Trong bối cảnh đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, cần chú trọng tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài học tập, làm việc, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; Tích cực tìm kiếm, kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các thiết bị trong quá trình chuyển đổi năng lượng mới. Đồng thời, tăng cường giữ mỗi liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ và Bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội ngành hàng để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, giai đoạn, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong nước xuất khẩu nông, thủy sản có tính mùa vụ.
Hai là, Vụ Chính sách thương mại đa biên và các Vụ Thị trường ngoài nước cần: Chú trọng nghiên cứu, phân tích chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng khóa xuất khẩu; Tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp.
Ba là, Cục Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp với các vụ thị trường ngoài nước, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; đồng thời, tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn XTTM cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp; Chủ trì, tổ chức tốt các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ và các Bộ, ngành liên quan, hệ thống Thương vụ VN ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp; Chủ trì phối hợp với các vụ thị trường trong và ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài làm tốt chế độ cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình và kết quả hoạt động trong lĩnh vực thương mại.
Bốn là, đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp: Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch SXKD, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị; Chủ động cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ và các Bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp thực hiện có hiệu quả; Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các Bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và các quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước.
Năm là, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Chỉ đạo Sở Công Thương và các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi; đồng thời làm đầu mối phối hợp với các cơ quan của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thông qua giải pháp xúc tiến thương mại; Tiếp tục quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực (gồm cả nhân lực và kinh phí) cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại của địa phương để nâng cao năng lực, chủ động kết hợp, lồng ghép các hoạt động của địa phương với các Bộ, ngành và hiệp hội ngành nghề, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Sáu là, đề nghị các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với hệ thống Thương vụ và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương: Chỉ đạo, định hướng phát triển sản xuất theo tín hiệu của thị trường; ưu tiên nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đẩy mạnh đàm phán, gỡ bỏ rào cản, nút thắt thương mại, thúc đẩy mở cửa thị trường và xử lý kịp thời các biện pháp phòng vệ thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu, tạo cơ hội cho sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của nước ta mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Chỉ đạo, hướng dẫn các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý trong triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại lần đầu với các thị trường ngoài nước đã thành công tốt đẹp. Sau Hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
“Một lần nữa, thay mặt Bộ Công Thương, tôi xin trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các Bộ, ngành, địa phương; các đồng chí cùng toàn thể quý vị tại Hội nghị quan trọng này; chúc các đồng chí và quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kết thúc Hội nghị.