Na Uy không phát minh ra xe điện (EV). Đây cũng không phải là quê hương của Tesla, công ty tiên phong về sản xuất xe điện. Nhưng không hề phóng đại khi nói rằng Na Uy là “Thủ đô EV” của thế giới, khi những gì mà nước này thực hiện là những bài học quý giá cho nhiều nước khác trong nỗ lực chuyển đổi sang phương tiện thân thiện hơn với môi trường.
Theo công ty chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng Statista, vào năm 2020 Na Uy có 81 EV/1.000 cư dân.
Con số này vượt xa Iceland, nước đứng thứ hai với 36,8 EV cho mỗi 1.000 cư dân và bỏ xa Mỹ – nước đứng thứ 8 với chỉ 5,2 EV cho mỗi 1.000 cư dân.
Na Uy đã thành công bằng cách nào?
Theo các chuyên gia, Na Uy đã sử dụng một gói các ưu đãi toàn diện hơn, hào phóng hơn và nhất quán hơn nhiều so với nhiều nước. Những ưu đãi đó đã khiến EV trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn nhiều so với các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Ông Scott Case, Giám đốc điều hành của công ty khoa học dữ liệu Recurrent, còn đề cập tới những lợi ích khác của gói ưu đãi, bắt đầu từ chi phí mua lại xe cũ. Na Uy không có thuế hoặc giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) và áp đặt mức thuế carbon hiệu quả cho EV.
Một yếu tố khác cũng được Na Uy cải thiện là chi phí vận hành xe điện.
Ông Case cho biết Na Uy đã khiến việc sở hữu xe điện trở thành trải nghiệm tốt hơn và rẻ hơn, với việc giảm thiểu hoặc xuống bằng 0 đối với các phí đăng ký hàng năm, phí cầu đường và phí đậu xe.
Những chính sách của Na Uy giúp chi phí mua xe EV cạnh tranh hơn trong nhiều năm qua so với các mẫu xe ôtô truyền thống thông thường.
Theo ông Case, không người dân Na Uy nào muốn mua một chiếc xe động cơ đốt trong dự kiến không có giá trị bán lại trong 5-10 năm tới.
Người dân của Na Uy cũng hưởng lợi lớn từ chính sách khuyến khích dùng xe điện của Chính phủ theo cách khác. Cư dân của những khu vực có ít ôtô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trên đường phố biết các ưu điểm của điều đó: họ phải chịu ít ô nhiễm không khí và tiếng ồn hơn.
Ngoài ra, những người lái xe điện không phải đối mặt nỗi lo về giá xăng cao hơn làm hao hụt ngân sách chi tiêu gia đình, như hầu hết gia đình trên toàn thế giới đang phải trải qua.
Bài học chính sách từ Na Uy
Mỹ – nền kinh tế hàng đầu thế giới – cũng đã thực hiện chính sách ưu đãi với khoản tín dụng thuế EV liên bang cùng một số khoản giảm thuế bán xe tại nhiều tiểu bang. Nhưng những khoản cắt giảm đó sẽ hết hạn rất lâu trước khi thị trường EV của nước này đạt đến mức bão hòa. Ngược lại, Na Uy vẫn mạnh tay áp dụng những ưu đãi đó ngay cả khi 80% xe ôtô mới bán tại đây là EV.
Theo chuyên gia Case, tiểu bang duy nhất tại Mỹ có chính sách ưu đãi gần tương tự Na Uy là California, với việc đính đề-can cho phép các xe EV sử dụng làn xe chở nhiều người (carpool lane). Những ưu đãi này đã thúc đẩy nhiều người Mỹ sớm chuyển sang EV vì đơn thuần muốn tránh cảnh tắc đường. Song chúng lại đang dần bị cắt giảm kể từ năm 2018 tới nay.
Ngoài ra, hầu hết các bang của Mỹ đang bổ sung hoặc cân nhắc thêm chi phí dành riêng cho EV vào khoản phí đăng ký xe hàng năm, vì khoản phí bảo trì đường bộ phần lớn đang dựa vào thuế xăng dầu.
Dựa trên những yếu tố trên, ông Case nhận xét Mỹ đã thực hiện ít chính sách ưu đãi cho chủ xe EV, thậm chí đang thu hẹp các biện pháp đó trước khi EV chiếm 5% trong tổng lượng xe lưu thông trên đường của nước này. Thay vào đó, Chính phủ Mỹ đang hướng tới lệnh cấm bán các loại xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2030 và 2035.
Ngược lại, Na Uy đã duy trì các gói khuyến khích của mình dù tỷ lệ sử dụng EV tại nước này đã gần như đa số. Thậm chí. Chính phủ Na Uy sẽ không cần áp dụng lệnh cấm bán xe sử dụng động cơ đốt trong vào những năm tới.
Tổng kết lại sau khi so sánh giữa chính sách ưu đãi EV của Mỹ và Na Uy, các nước muốn thúc đẩy quá trình dịch chuyển sang phương tiện giao thông chạy điện cần lưu ý hai điểm.
Trước tiên, các chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để giảm chi phí mua và vận hành xe điện. Tiếp theo, họ nên duy trì những khuyến khích này kể cả khi việc chuyển sang sử dụng xe điện ngày càng tăng./. (TTXVN)