Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 19/8, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Chính phủ đối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang có xu hướng thu hẹp do nhiều yếu tố khách quan, kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp.
Cùng dự có các đồng chí: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan; các tham tán, tùy viên thương mại tại 61 thương vụ/chi nhánh thương vụ phụ trách 176 thị trường nước ngoài. Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại 61 Cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống Thương vụ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương khi có sáng kiến phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành kịp thời tổ chức Hội nghị quan trọng này nhằm trao đổi giải pháp phát triển thị trường trong bối cảnh thế giới, khu vực đang có nhiều biến động phức tạp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, thời gian qua, tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn (thu-chi, xuất-nhập khẩu, năng lượng, lương thực-thực phẩm, cung ứng lao động) được đảm bảo, tăng trưởng ở mức cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2022 đạt trên 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ và dự báo cả năm 2022 đạt khoảng 800 tỷ USD. An sinh xã hội được quan tâm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
“Trong các thành tích nổi bật đó có sự đóng góp quan trọng của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là của ngành Công Thương với hệ thống Thương vụ ở nước ngoài” – Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, kết quả mà hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực thời gian tới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh tế trong nước, Thủ tướng yêu cầu phải nỗ lực hơn nữa để mở rộng thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đem về cho đất nước nhiều ngoại tệ hơn. Vấn đề quan trọng là chúng ta mở rộng thị trường, khắc phục những thị trường đang bị thu hẹp. “Non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi. Truyền thống của dân tộc là càng khó khăn càng đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực để vượt qua và vươn lên. Trong lúc khó khăn này, chúng ta vẫn phải phát triển, phải đi lên, không bó tay. Với kiến thức, năng lực, trình độ của mình, mong các đồng chí đóng góp để góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước, đồng thời góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả”- Thủ tướng chia sẻ.
Hệ thống Thương vụ đảm bảo tốt chức năng là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế – thương mại
Với mục đích trao đổi thảo luận tìm những giải pháp để duy trì, củng cố hệ thống, đặc biệt quyết liệt triển khai các thị trường mới còn nhiều tiềm năng, nhiều dư địa phát triển để thúc đẩy thị trường trong nước và hỗ trợ tiêu thụ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Thương vụ tập trung trao đổi, thảo luận về tiềm năng, nhu cầu ngành hàng ở thị trường nước sở tại; những yêu cầu đòi hỏi của thị trường này, những khó khăn và thách thức mà cần phải vượt qua; đề xuất những giải pháp thiết thực và khả thi để khai thác thị trường của nước sở tại.
Báo cáo về công tác thương vụ và thị trường nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, Hệ thống Thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bao gồm 61 Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ. Về hoạt động chuyên môn, hệ thống Thương vụ đã đảm bảo thực hiện tốt các chức năng chính là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế – thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về Bộ Công Thương các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp.
“Các Thương vụ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các Bộ, ngành và các doanh nghiệp để hỗ trợ việc tìm đối tác, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập hiệu quả thị trường nước ngoài” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá và cho biết thêm, các Thương vụ còn chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài…
Tại hội nghị, 14 đại biểu đại diện các cơ quan thương mại Việt Nam ở nước ngoài đã phát biểu ý kiến, trao đổi về tình hình, chính sách của các nước; tập trung báo cáo về tiềm năng, nhu cầu của các thị trường, đòi hỏi, yêu cầu của các thị trường này, các biện pháp để đáp ứng thị trường; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ, trong công tác phối hợp với nước sở tại, với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước.
Đơn cử như thị trường Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ – cho biết, đây là thị trường tiềm năng, bởi dân số 1,4 tỷ dân, dân số trẻ, sức mua lớn, yêu cầu về sản phẩm không quá cao và trải dài ở nhiều phân khúc, độ mở của nền kinh tế chưa cao (khoảng 30%). Căng thẳng địa chính trị trên thế giới và khu vực đã giúp mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Xét trên khía cạnh là nguồn nhập khẩu nguyên liệu của Việt Nam, Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng hàng đầu đối với một số ngành của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày, dược phẩm.
“Tuy nhiên, sự hiện diện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ còn ít và thấp nên không lan tỏa và thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng của thị trường”- ông Bùi Trung Thướng chia sẻ và dẫn chứng, việc mở cửa thị trường Ấn Độ đối với các sản phẩm nông sản, trái cây của Việt Nam còn chậm. Vì vậy, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm làm việc với cơ quan chức năng Ấn Độ giải quyết mở cửa thị trường cho mặt hàng nông sản trái cây 2 nước, đặc biệt là nhãn, vải, chôm chôm từ Việt Nam; tăng cường kết nối giữa các địa phương của Việt Nam với Ấn Độ; các địa phương quan tâm hơn nữa đến thị trường Ấn Độ…
Cũng là thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU (kiêm nhiệm Luxembourg, Ủy ban châu Âu) Trần Ngọc Quân – chia sẻ, Việt Nam là một trong 4 nước châu Á có Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA) và hiệp định này EU đánh giá là một mô hình mẫu trong đàm phán của EU. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có yêu cầu rất khắt khe. Rất nhiều quy định có yêu cầu rất cao, đòi hỏi việc tiếp cận thị trường phải làm bài bản, lâu dài và có trách nhiệm. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cách tiếp cận tương đối độc lập với nhau, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại thị trường này. “Để tiếp cận tốt hơn thị trường này, trong thời gian tới, Việt Nam cần đổi mới cách tiếp cận theo hướng linh hoạt, hai bên cùng có lợi, đáp ứng những yêu cầu cụ thể từ EU”- ông Trần Ngọc Quân nhấn mạnh.
Hay Canada cũng là 1 thị trường tiêu chuẩn cao, có nhiều đối thủ cạnh tranh cùng quan tâm, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương mại, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Canada – cho biết, khoảng cách địa lý, giá vận chuyển, năng lực đảm bảo cung hàng … đều là những khó khăn nội tại của các doanh nghiệp chúng ta để thâm nhập thị trường. Tiếp cận hệ thống bán lẻ ở Canada cũng khó khăn hơn các thị trường khác… Ngoài ra, dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay của Canada không khả quan. Vì vậy, lòng tin kinh doanh, lòng tin tiêu dùng, lạc quan tài chính của cả người dân và doanh nghiệp đều thấp. Bên cạnh đó, sau Covid-19 năng suất lao động và tình trạng thiếu nhân lực ngày càng trầm trọng trong lĩnh vực vận tải và bốc dỡ container làm các đơn đặt hàng mới bị chậm (nhiều container từ Việt Nam sang phải mất 3-4 tháng mới được bốc dỡ sau khi cập cảng)…
Tại hội nghị, các tham tán cũng đưa ra khuyến nghị về các biện pháp cụ thể giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội để phát triển, đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng; gắn sản xuất với thị trường; thành lập các liên minh phát triển thị trường.
Đánh giá cao những nỗ lực, kết quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, tuy nhiên trong bối cảnh môi trường quốc tế gặp nhiều khó khăn, để thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng giao, lãnh đạo các bộ, ngành đều cho rằng, Thương vụ cần nhạy bén, theo dõi đúng, sát thông tin, chính sách nước sở tại, báo cáo kịp thời thông tin về khả năng biến động, cũng như nhu cầu của thị trường.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành đã phân tích, giải đáp các vấn đề mà đại diện các thương vụ quan tâm, kiến nghị; đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Thương vụ cần phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, đa dạng hóa thị trường
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là cuộc gặp đầu tiên của Chính phủ đối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang có xu hướng thu hẹp do nhiều yếu tố khách quan, kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp. Cuộc họp đã trao đổi thông tin kịp thời, thay đổi nhận thức trước tình hình thực tế được nâng lên một bước. Đồng thời bày tỏ hy vọng, sẽ có những biến chuyển tích cực sau cuộc họp này, mang lại thay đổi cho đất nước, nhân dân. Thủ tướng giao Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển, mở rộng thị trường và Hội nghị được tổ chức ngày hôm nay chính là bước khởi động.
Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị và phân tích các kết quả, nhận định tình hình, Thủ tướng gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Bộ Công Thương và các thương vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, trực tiếp tiếp cận hàng ngày với những biến động của thế giới và thị trường nước sở tại, chủ động tiếp cận, nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách, điều chỉnh chính sách của nước sở tại, từ đó vận dụng, tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu và nắm vững hệ thống luật pháp, quy định và các phong tục, tập quán thương mại của nước sở tại để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Chủ động cảnh báo, phòng ngừa, đưa ra khuyến cáo, kiến nghị xử lý các rủi ro, hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các cán bộ Thương vụ phải tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong nước, đặc biệt là ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, dược phẩm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác phát triển lực lượng lao động kỹ thuật thông qua việc đưa lao động thực tập sinh ra nước ngoài học tập, làm việc, tiếp cận công nghệ sản xuất mới, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Đồng thời, tìm kiếm, kết nối đa dạng nguồn cung nguyên nhiên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước, thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động sản xuất và xuất khẩu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, tích cực kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ về công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các thiết bị trong quá trình chuyển đổi năng lượng mới.
Thủ tướng đánh giá cao hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. Các đơn vị đã tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối giao thương trực tuyến giúp tìm đầu ra cho hàng xuất khẩu của Việt Nam; Thực hiện hàng trăm sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài; Hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ, Hàn Quốc cho ngành dệt may, da giày sản xuất, xuất khẩu khi chuỗi cung ứng nguyên liệu bị gián đoạn; Tìm nguồn than đá từ Úc, Nam Phi, Lào cho nhu cầu sản xuất điện; Hỗ trợ thu hồi hơn 100 công-ten-nơ điều của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Ý…
“Chúng ta đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa; đã có quyết tâm cao rồi thì phải cao hơn nữa; đã nỗ lực phấn đấu nhiều rồi phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa; đã hành động quyết liệt rồi phải tiếp tục quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự ấm no hạnh phúc của nhân dân” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng Ngành Công Thương nói chung và hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng đất nước hùng cường, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Kết thúc hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương và đội ngũ cán bộ đang công tác tại các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ sớm có kế hoạch phối hợp với các Bộ ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, sáng tạo và có hiệu quả công tác Thương vụ. Đặc biệt, Bộ sẽ nghiêm túc thực hiện giao ban định kỳ hàng tháng và sẽ có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.