Ngày 14/10/2022, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã tham dự Diễn đàn chuyển đổi số: Hợp tác chuyển đổi số trong các lĩnh vực xã hội do Viện Đổi mới, Quỹ Wallenberg, Diễn đàn việc làm tương lai, và Trung tâm Đổi mới kỹ thuật số của Thụy Điển đồng phối hợp tổ chức.
Khi các công nghệ kỹ thuật số tiếp tục trở nên tiên tiến hơn, và việc áp dụng các công nghệ mới trong chuyển đổi số giúp thúc đẩy và tạo ra các ranh giới mới. Việc hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ tạo ra các khả năng, nguồn lực và động lực tổng hợp cần thiết để thực hiện chuyển đổi thành công.
Một tương lai kỹ thuật số khả thi không chỉ là vấn đề cá nhân chúng ta có khả năng sử dụng các công cụ kỹ thuật số mà còn liên quan đến việc sắp xếp, kết hợp và tận dụng những nỗ lực chung của các tác nhân trong các lĩnh vực xã hội. Trong nhiều ngành, sự phát triển này có thể nhìn thấy được thông qua các hệ sinh thái mới nổi (chẳng hạn như giao thông vận tải và di chuyển), các tài nguyên kỹ thuật số toàn cầu mới có thể được khai thác để tăng tốc đổi mới (chẳng hạn như trong khoa học đời sống) và trong giải pháp kỹ thuật số mở rộng ranh giới giúp cải thiện tổ chức và khả năng phục hồi và tính bền vững của xã hội (chẳng hạn như trong quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu).
Diễn đàn là nơi tụ hội các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra những cách thức sáng tạo, đáng tin cậy và hiệu quả hơn trong việc hợp tác cùng nhau để chuyển đổi số thành công.
Diễn đàn tập trung thảo luận 3 vấn đề lớn:
- Tính bền vững và chuỗi cung ứng thông minh trong kỷ nguyên kỹ thuật số: Tầm quan trọng của việc quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu đã được đề cao trước vô số cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra, những thay đổi địa chính trị hiện tại và sự cấp bách trong việc giảm khí thải nhà kính. Diễn đàn đã đặt ra bài toán giải quyết hai chủ đề có liên quan lẫn nhau trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đó là số hóa và tính bền vững.
- Đổi mới trong việc chuyển đổi hệ sinh thái công nghiệp – Định hình nhu cầu về các hình thức hợp tác mới: Cần có các loại quan hệ đối tác đổi mới để tạo ra các giải pháp thực sự mới và giải quyết các thách thức xã hội lớn. Nhưng làm thế nào để hình thành quan hệ đối tác mới và thúc đẩy mối quan hệ bền chặt khi công nghệ và kết quả không chắc chắn? Những năng lực nào cần thiết để xác định các đối tác đó và làm cho các quan hệ đối tác hoạt động? Hơn nữa, nhu cầu và kỳ vọng đối với quan hệ đối tác giữa các tổ chức gần đây đã thay đổi theo những cách nào? Các chuyên gia từ các nền tảng khác nhau đã thảo luận về những vấn đề trên, dựa vào các ví dụ cụ thể từ các bối cảnh khác nhau như khoa học đời sống, giao thông & di chuyển, và năng lượng.
- Sáng tạo và trí tuệ nhân tạo: Đề cập đến cách trí tuệ nhân tạo (AI) định hình sự sáng tạo và đổi mới ở nơi làm việc. Một mặt, những công nghệ này có thể mở rộng không gian sáng tạo trong đổi mới bằng cách cung cấp nhiều giải pháp hơn. Tuy nhiên, chúng cũng có thể nén không gian sáng tạo bằng cách tăng sự phụ thuộc và khóa mọi người vào các khuôn mẫu. Các quan điểm đa dạng về tác động của AI đối với sự sáng tạo cũng được thảo luận trong chủ đề này.
Thụy Điển là nước xếp thứ hai trên thế giới về đổi mới sáng tạo. Stockholm là cái nôi của nhiều startup thành công chỉ đứng sau Silicon Valley của Hoa Kỳ.
Việt Nam lại là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt ngày 03/6/2020, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số không ngừng được nâng cao. Do vậy, các doanh nghiệp Thụy Điển hiện rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thương vụ tích cực tham gia các hoạt động có liên quan để phát triển và hình thành mạng lưới đối tác nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp và kêu gọi đầu tư vào Việt Nam.