Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhưng Đan Mạch đã tìm được một nguồn cung cấp khí đốt bất ngờ. Bắt đầu từ tháng 10, thực phẩm dư thừa của người dân Copenhagen sẽ được chuyển hóa thành khí đốt sinh học và đưa vào hệ thống cung cấp khí đốt tự nhiên. Nguồn khí tạo ra từ thực phẩm dư thừa sẽ thay thế các loại khí đốt hóa thạch đang được dùng để phát điện và sưởi ấm, và sẽ là nhiên liệu cho xe buýt, xe chở rác và các hộ gia đình.
Rác thải thực phẩm trên khắp Copenhagen hiện được đưa đến một nhà máy khí sinh học ở Solrød thay vì nhà máy trước đây gần Slagelse. Ngoài việc nhà máy ở Solrød gần Copenhagen hơn, chính nhà máy này cũng giúp khí sinh học được nâng cấp và sử dụng trong mạng lưới khí đốt trên khắp Đan Mạch. Khí sinh học trước đây đã được sử dụng để cung cấp điện và nhiệt tại một nhà máy sưởi ấm tại địa phương.
Khi khí được thu thập từ chất thải thực phẩm, phần còn lại của chất thải thực phẩm được sử dụng làm phân bón, sau đó có thể được sử dụng trên các cánh đồng hữu cơ. Phân bón chứa các chất dinh dưỡng quan trọng, rất tốt để đưa trở lại chu trình của tự nhiên.
Một sáng kiến mới khác là túi sinh học cũng được đưa vào quy trình ủ phân. Điều này đảm bảo tỷ lệ tái chế thực tế cao khoảng 97%.
Vào năm 2021, 15.000 tấn rác thực phẩm đã được thu gom ở Copenhagen, tương ứng với mức tiêu thụ năng lượng của 5 triệu lượt tắm nước nóng kéo dài 5 phút. Đây là lĩnh vực có tiềm năng lớn do có thể thu gom lượng rác thải thực phẩm nhiều gấp đôi ở Copenhagen.
Thành phố Copenhagen có mục tiêu tái chế 70% chất thải của người dân Copenhagen vào năm 2024.