Ngày 13/3, tại Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Global Crop Diversity Trust (Quỹ quốc tế đa dạng cây trồng toàn cầu) tổ chức hội thảo “Đa dạng sinh học cho những cơ hội, sinh kế và phát triển ở Việt Nam”. Đây cũng là tên gọi của dự án sẽ được triển khai tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2024, với tổng kinh phí thực hiện trên 477.460 USD do chính phủ Na Uy tài trợ (các viện, trường đối ứng 310.000 USD).

Dự án nhằm tạo ngân hàng giống lúa, phát triển các quần thể lúa mới, tạo tính đa dạng nguồn gen lúa từ các giống lúa ưu tú lai tạo với giống lúa hoang dại; trên cơ sở đó đưa vào sản xuất những giống lúa năng suất cao, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Phạm vi triển khai dự án tại 8 tỉnh, thành phố của Việt Nam, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Phú Yên, Gia Lai, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Bà Shivali Sharam, Viện nghiên cứu cây trồng quốc tế cho vùng nhiệt đới bán khô cằn (Ấn Độ), thành viên Quỹ quốc tế đa dạng cây trồng toàn cầu cho biết, biến đổi khí hậu đẩy toàn cầu đến tình trạng hàng loạt giống cây trồng đã biến mất vĩnh viễn, đe dọa nghiêm trọng đến bảo tồn đa dạng cây trồng cũng như an ninh lương thực. Hiện, Quỹ đã vận hành thành công Ngân hàng lưu trữ hạt giống những cây trồng quan trọng nhất trên thế giới ở thị trấn Longyearbyen trên đảo Spitzbergen – đảo lớn nhất của quần đảo Svalbard (Na Uy). Ngân hàng đặc biệt này là nơi lưu trữ nguồn gen giống cây trồng được ký gửi của tất cả các nước trên thế giới. Các hạt giống sẽ được trữ trong những túi đất được cấp đông ở nhiệt độ –18 độ C, đảm bảo chúng đủ sức sống qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Trong trường hợp một giống cây bị mất, chính phủ đất nước đó có thể yêu cầu Quỹ cung cấp hạt giống thay thế. Tại Việt Nam, hiện nay có nhiều giống lúa quý đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, Quỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam bảo tồn các giống lúa này, cũng như lai tạo chúng với những giống lúa hoang dại nhằm tạo ra giống lúa mới có thể gia tăng khả năng thích ứng với những biến đổi khắc nghiệt của khí hậu.

Tiến sĩ Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thông tin: Dự án “Đa dạng sinh học cho những cơ hội, sinh kế và phát triển ở Việt Nam” hướng đến 5 mục tiêu: Liên kết các chương trình chọn tạo giống, hệ thống cung cấp hạt giống chính thức và phi chính thức; phát triển và đưa ra các giống lúa mới từ các giống lúa ưu tú có nguồn gốc từ lai tạo với giống lúa hoang dại; đặc tính hóa nguồn gen lúa từ các ngân hàng gen đối tác cho các tính trạng mục tiêu; phát triển các quần thể lúa mới tạo tính đa dạng nguồn gen lúa (giống mới) trên đồng ruộng; chọn giống có sự tham gia của nông dân từ các quần thể phân ly đến dòng thuần tại các vùng sinh thái ở Việt Nam.

Cụ thể, trong thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2024, bốn đơn vị nghiên cứu gồm: Viện nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trạm nghiên cứu tỉnh Phú Yên, Trung tâm nghiên cứu giống cây trồng tỉnh Gia Lai, Viện nghiên cứu nông nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp để chia sẻ nguồn giống lúa di truyền làm vật liệu lai tạo giống, nhân giống tại các vùng thí điểm được chọn ở cả ba miền của Việt Nam. Những giống lúa lai tạo sẽ được chọn lọc theo các tiêu chí: thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng ăn ngon; chống chịu mặn; chịu hạn và nắng nóng; kháng bệnh đạo ôn, rầy nâu.

Song song với trồng thí điểm và đánh giá kết quả các giống lúa lai tạo mới, Ban điều phối sẽ triển khai nhiều chương trình tập huấn tăng cường năng lực, kiến thức cho nông dân, nhằm đảm bảo sự liên kết bền vững của nhà quản lý – nhà khoa học – nhà nông. Trong đó, nhà nông hiểu rõ tầm quan trọng của việc triển khai trồng các giống lúa lai tạo mới; tuân thủ nghiêm quy trình trồng trọt và đánh giá hiệu quả.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc chọn tạo các giống lúa, dự án cần tập trung nghiên cứu các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, như: thay đổi cơ cấu mùa vụ, giải pháp kỹ thuật giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm nước…; xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác cảnh báo sớm, dự báo thời tiết, phòng chống thiên tai, dịch bệnh. Một số ý kiến đề xuất dự án tăng cường tập huấn cho cán bộ, nông dân về phương pháp chọn giống và kỹ thuật canh tác phù hợp với từng vùng, miền…