Tại Tuần lễ Bền vững Đan Mạch tại Copenhagen, Hội đồng Bộ trưởng các nước Bắc Âu đã họp và kết luận, mặc dù các quốc gia Bắc Âu đã tiến xa nhất trên thế giới về việc đạt được các mục tiêu SDG, tuy nhiên bốn mục tiêu xanh của SDG (mục tiêu số 12,13,14 và 15) thì vẫn còn khá xa và tiêu dùng của người Bắc Âu có ảnh hưởng lớn đến môi trường và khí hậu ở những nơi khác trên thế giới. Do vậy, muốn đạt được các mục tiêu bền vững của SDGs thì tiêu dùng của người Bắc Âu cần phải có sự thay đổi.
Năm này qua năm khác, các quốc gia Bắc Âu đều đứng đầu bảng xếp hàng mục tiêu SDG quốc tế. Tuy nhiên trong báo cáo về tính bền vững của Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững vào tháng 7 năm 2022, mặc dù Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển và Na Uy đều nằm trong tốp 5 trong việc đạt được nhiều mục tiêu SDG, nhưng khu vực Bắc Âu lại tụt lại trong bốn mục tiêu SDG xanh (mục tiêu số 12,13,14 và 15) – nơi mà tiêu dùng và sản xuất đóng vai trò chính ở khu vực Bắc Âu.
Hầu hết chuỗi sản xuất của Bắc Âu mở rộng ra ngoài khu vực, do vậy, phần lớn lượng khí thải dựa trên tiêu dùng của Bắc Âu đều xảy ra bên ngoài Bắc Âu. So với các khu vực khác trên thế giới, các quốc gia Bắc Âu thải ra một lượng lớn khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm thông qua cách họ sản xuất và tiêu thụ hàng hoá bên ngoài Bắc Âu. Việc tiêu thụ quá mức, dẫn đến việc sản xuất ở các nước khác và nhập khẩu ngày càng nhiều, dẫn đến việc thải ra một lượng lớn khí thải ở các nước đó.
Tiêu dùng cá nhân quá mức trên quy mô lớn đang là một thách thức mà tất cả các nước Bắc Âu đang phải đối mặt. Để đạt được tầm nhìn và mục tiêu toàn cầu, Hội đồng Bộ trưởng các nước Bắc Âu cho rằng tiêu dùng của người Bắc Âu cần phải thay đổi nhằm mục tiêu tiêu thụ và sản xuất bền vững hơn.