Với kinh nghiệm 50 năm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển, Na Uy đã có chia sẻ những bài học kinh nghiệm và các yếu tố quyết định sự thành công.
Đẩy mạnh hợp tác trong nuôi trồng thủy sản trên biển
Chiều 5/6, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp Phòng Thương mại, Đại sứ quán Hoàng gia Na Uy tổ chức hội thảo “Việt Nam – Na Uy: Thúc đẩy hợp tác trong nuôi trồng thủy sản trên biển”.
Tham dự hội thảo có bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy, Giám đốc văn phòng Innovation Norway tại Hà Nội Arne Kjetil Lian, cùng 100 đại biểu đến từ các Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy sản, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Trị, Kiên Giang; Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I và II; Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam; Đại học Nha Trang và đông đảo các doanh nghiệp Na Uy và Việt Nam.
Hội thảo là diễn đàn để các bên liên quan thảo luận về lộ trình phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, chia sẻ tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và các giải pháp công nghệ cho sự phát triển của ngành; đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của ngành.
Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, cho biết, sự kiện này tạo một động lực mới cho hợp tác song phương giữa 2 bên trong lĩnh vực thủy sản. Cũng như để triển khai Ý định thư giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy được ký kết năm 2021 về tăng cường hợp tác song phương trong ngành nuôi trồng thủy sản trên biển.
Hiện nay nuôi trồng thủy sản của Na Uy là một ngành xuất khẩu lớn nhất của nước này, chỉ sau dầu mỏ, khí đốt. Ngành nuôi trồng thủy sản của Na Uy đã trở thành một ngành công nghiệp với năng suất cao, chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm cho hơn 8.000 người trong các cộng đồng cư dân sinh sống ven biển.
Với 50 năm kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, các chuyên gia Na Uy sẽ chia sẻ những bài học kinh nghiệm và yếu tố quyết định sự thành công trong phát triển nền công nghiệp nuôi biển.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, thời gian qua, Na Uy đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực thủy sản. Na Uy hiện là nước đi đầu trong việc đổi mới sáng tạo và các giải pháp công nghệ đối với sự phát triển xanh, sạch trong nuôi trồng thủy sản.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển thủy sản, Việt Nam và Na Uy có nhiều điểm tương đồng và nhiều mối quan tâm chung. Vì vậy việc nghiên cứu kinh nghiệm và bài học thành công của Na Uy sẽ đưa ra những gợi ý giúp Việt Nam giải quyết các khó khăn hiện tại cũng như xây dựng được các chính sách phù hợp để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Theo Cục Thủy sản, về quan điểm phát triển nuôi biển của Việt Nam nhằm tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống, gắn bó mật thiết với biển. Hài hòa lợi ích trong việc sử dụng không gian biển.
Đồng thời tạo ra một phân ngành kinh tế biển tổng hợp hướng tới giá trị cao hơn nhờ ứng dụng những giải pháp công nghệ nuôi biển hiện đại, bắt kịp ngành nuôi biển của các quốc gia trên thế giới.
Đặc biệt chuyển từ tư duy sản xuất nuôi trồng sang tư duy kinh tế, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng dựa trên tích hợp đa giá trị từ tài nguyên biển.
Gợi ý kinh nghiệm của Na Uy
Theo bà Hilde Solbakken, Na Uy rất quan tâm đến phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, trong đó có nuôi trồng thủy sản để các thế hệ con cháu sau này cũng được hưởng lợi từ đại dương như hiện nay.
Bà cho rằng, việc quản trị tốt các vùng biển và nguồn lợi đại dương có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo các ngành kinh tế biển có thể phát triển hài hòa cùng nhau và cùng với môi trường.
Đối với Na Uy, yếu tố quan trọng đằng sau câu chuyện thành công của quốc gia sản xuất và xuất khẩu hải sản hàng đầu thế giới đó là duy trì đối thoại cởi mở và tin tưởng lẫn nhau giữa Chính phủ, ngành công nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.
Tại hội thảo bà Anne Brønsten Osland, Vụ trưởng Vụ Cấp phép Nuôi trồng, Cục Quản lý Nuôi trồng và Vùng bờ, Tổng cục Thủy sản Na Uy đã chia sẻ về các yếu tố quyết định sự thành công trong nuôi trồng thủy sản trong 50 năm qua của Na Uy.
Theo đó, yếu tố hàng đầu đó là sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc triển khai quy hoạch vùng nuôi, cũng như triển khai các chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thông qua các Viện, trường.
Theo bà Anne Brønsten Osland, việc triển khai quy hoạch thành công vùng ven bờ cũng như xây dựng bản đồ không gian biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản hiệu quả, minh bạch là “chìa khóa” phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.
Cũng theo bà Anne Brønsten Osland, hiện nay tất cả hoạt động nuôi trồng thủy sản phải được Na Uy cấp phép mới được nuôi. Chính phủ bỏ tiền cho các Viên, trường nghiên trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sẽ kèm theo trách nhiệm chia sẻ về những công nghệ, nghiên cứu mới cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, cộng đồng người nuôi cũng đã thành lập một quỹ dành cho nghiên cứu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và Hội đồng nghiên cứu Na Uy cũng tập trung vào nghiên cứu trong lĩnh vực này.
Ngoài ra yếu tố phát triển các loại vacxin để phòng bệnh cho thủy sản nuôi cũng rất quan trọng, bởi trong quá trình nuôi không phải lúc nào cũng thuận lợi. Điển hình như những năm 1987, 1988, 1990, Na Uy cũng bị tác động lớn về sản lượng do ảnh hưởng dịch bệnh. Do đó bài học kinh nghiệm của Na Uy rút ra ngoài phát triển vacxin thì nguồn cung ứng con giống chất lượng cũng rất quan trọng.
Trong khi đó, ông Erlend Hopsdal Skjetne, Chuyên gia Cao cấp, Tổng cục Thủy sản Nauy chia sẻ về tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý an toàn sinh học trong nuôi trồng thủy sản tại Na Uy.
Theo đó, trải qua theo thời gian, các trạng trại nuôi biển của Na Uy ngày càng cải thiện, thích ứng với biến đổi khí hậu. Na Uy đưa ra quy chuẩn kỹ thuật cụ thể chi tiết cho từng trại nuôi, cũng như quy tắc khác nhau giữa trại nuôi mới và trại nuôi cũ.
Trong đó, trại nuôi mới phải đáp ứng yêu cầu mới, cao hơn đặc biệt ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản. Còn trại nuôi cũ phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu, cũng như phải nâng cấp để đáp ứng giai đoạn mới.
Bài học kinh nghiệm của Na Uy khi chứng kiến cơn bão năm 2015 đối với hệ thống neo. Cơn bão đã làm neo buộc không còn như ban đầu, gây thiệt hại cho người nuôi. Từ cơn bão này, Na Uy đã có rất nhiều đánh giá hiện trạng và tài liệu hóa bài học này.
Về quản lý an toàn sinh học trong nuôi trồng thủy sản, theo ông Erlend Hopsdal Skjetne được xem là biện pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Tại Na Uy có cơ quan chuyên môn thường xuyên kiển tra vấn đề này để đưa ra các biện pháp kiểm soát. Trong đó, việc đảm bảo khoảng cách giữa các trại nuôi, các lồng bè để kiểm soát dịch bệnh, khử trùng các thiết bị, tàu thuyền vận chuyển hạn chế mầm bệnh xâm nhập cũng rất cần thiết.
Tại hội thảo, Cục Thủy sản cũng và các địa phương mong muốn Na Uy hỗ trợ chuyên gia xây dựng chính sách, quy hoạch; xây dựng mô hình thí điểm nuôi cá biển tại Khánh Hòa, Kiên Giang; tổ chức các đoàn học tập, trao đổi kinh nghiệm nuôi biển và phát triển nguồn nhân lực.