Năm 2019, Ủy ban châu Âu đã công bố Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD). EGD là một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là các sản phẩm được bán tại thị trường EU sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao hơn. Thỏa thuận này có tác động vượt ra ngoài lãnh thổ của EU, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hàng loạt các Chiến lược, kế hoạch được đưa ra, trong đó đáng lưu ý là:

Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn: Chiến lược này nhằm mục đích làm cho thực phẩm trở nên thân thiện với môi trường. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất là giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 2030.

Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn: Kế hoạch này nhằm mục đích biến các sản phẩm bền vững trở thành tiêu chuẩn ở EU, thông qua các qui định về qui trình tuần hoàn, thiết kế sản phẩm bền vững, hạn chế lãng phí, tái sử dụng hoặc tái chế tất cả các loại bao bì vào năm 2030.

Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030: EU muốn giảm tổn thất đa dạng sinh học và phát thải khí nhà kính bằng cách thúc đẩy các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm không ảnh hưởng đến nạn phá rừng. Việc bán hàng hóa được sản xuất trên đất bị phá rừng và suy thoái sẽ bị cấm. Các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm cà phê, thịt bò, dầu cọ, đậu nành, ca cao và các nhà sản xuất gỗ.

Cơ chế điều chỉnh carbon: Cơ chế nhằm mục đích ngăn chặn rò rỉ carbon bằng cách áp thuế carbon đối với việc nhập khẩu một số hàng hóa từ bên ngoài EU. Cơ chế này ban đầu sẽ chỉ áp dụng cho phân bón, sắt, thép và năng lượng.

Các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường. Trong Diễn đàn biến đổi khí hậu COP27, tất các các nước Bắc Âu đều khẳng định lại và nêu cao tầm quan trọng của trách nhiệm bảo vệ môi trường, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Trong dự toán ngân sách năm 2023 của các nước này đều có dự chi ngân sách cho hoạt động đầu tư xanh, hỗ trợ bảo vệ môi trường. Vấn đề bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân Bắc Âu.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU nói chung và các nước Bắc Âu nói riêng, Thương vụ biên soạn cuốn sách “Thỏa thuận chung châu Âu và tác động đến các doanh nghiệp xuất khẩu vào khu vực Bắc Âu”. Hy vọng các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt các qui định, xu hướng thị trường để điều chỉnh sản xuất và có hướng tiếp cận thị trường mới.

Để đọc sách, xin bấm vào đường link

https://vietnordic.com/wp-content/uploads/books/ThoaThuanXanh/index.html