“Việt Nam có mục tiêu rất rõ ràng khi phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Tôi tin rằng đổi mới sáng tạo sẽ là một trong những động lực chính để giúp đạt được mục tiêu này”, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam – bà Ann Måwe cho biết. Thuỵ Điển hiện đứng đầu thế giới về chỉ số sẵn sàng về công nghệ đổi mới sáng tạo, xếp thứ 2 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng thứ 2 về đổi mới sáng tạo tại bảng xếp hạng của châu Âu và ở vị trí thứ 3 về khả năng cạnh tranh công nghệ. Vậy Việt Nam học hỏi được gì từ bí quyết của quốc gia này?
Bí quyết của quốc gia có số lượng kỳ lân công nghệ đứng thứ 2 thế giới
Alfred Nobel từng nói: “Trong số 1.000 ý tưởng, chỉ cần có 1 ý tưởng tốt là tôi đã hài lòng”. Không phải ngẫu nhiên mà Thuỵ Điển là một trong những đất nước đi đầu về đổi mới sáng tạo. Ở đây, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không chỉ tập trung ở Thủ đô Stockholm mà trải dài toàn bộ đất nước. Nhiều dự án thu hút đầu tư và sự quan tâm lớn như sản xuất thép không sử dụng nhiên liệu hóa thạch đầu tiên trên thế giới, hay nhà máy đi đầu về công nghệ pin xanh. Stockholm chỉ đứng sau thung lũng Silicon (Mỹ) về số lượng kỳ lân công nghệ trên thế giới. Từ 2021 đến nay, Thuỵ Điển đã có thêm 35 kỳ lân mới.
“Các công ty của Thuỵ Điển phát triển và thích nghi rất nhanh với nhu cầu của xã hội và sự phát triển bền vững. Chúng tôi đã chuyển từ nền công nghiệp nặng sang công nghệ cao, tập trung vào việc tác động đến khí hậu. Là ngôi nhà của những thương hiệu lớn trên toàn cầu, Thuỵ Điển đã chuyển mình để trở thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có giá trị hàng đầu tại Châu Âu trong thập kỷ vừa qua” – bà Ann Måwe chia sẻ.
Theo vị Đại sứ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp phải đi đôi với nhau. Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia nói chung và doanh nghiệp nói riêng cần chuyển mình và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo nếu không sẽ bị tụt lại phía sau. Đổi mới sáng tạo là chất xúc tác tạo nên sự phát triển bền vững, giúp tạo việc làm cho người lao động trong tương lai.
Động lực đến từ sự phối hợp của các bên
Để đạt được những thành công đó, bà Ann Måwe cho biết, Thuỵ Điển đã tập trung vào những yếu tố sau.
Đầu tiên, sự phối hợp và cộng tác đóng vai trò động lực của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Đây là sức mạnh tổng hợp giữa Chính phủ, các nhà tri thức, nền công nghiệp và xã hội.
Thứ hai, tập trung vào việc đầu tư, nghiên cứu và phát triển. Thuỵ Điển là một trong những quốc gia có lượng nghiên cứu được triển khai nhiều nhất. Nơi đây quy tụ một số trường đại học đứng thứ hạng cao trên bảng xếp hạng những trường đại học tốt nhất ở châu Âu.
Thứ ba, thử nghiệm và trải nghiệm. Hãy cứ thử những điều mới và không ngại mắc lỗi. Với đổi mới sáng tạo cần sẵn sàng chấp nhận rủi ro có thể xảy ra.
“Với dân số khoảng 10 triệu người, chúng tôi luôn cố gắng nhìn xa trông rộng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo càng nhiều càng tốt. Tôi thấy Việt Nam có mục tiêu rất rõ ràng khi phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Tôi tin rằng, đổi mới sáng tạo sẽ là một trong những động lực chính để giúp đạt được mục tiêu này” – bà Ann Måwe nói.
Đồng quan điểm, ông Filip Graovac – Phó Đại diện Quỹ châu Á – cho rằng, Việt Nam đang ở trong thời điểm rất phù hợp để thực hiện đổi mới sáng tạo theo hướng mở nhằm mang lại các kết quả đầy sáng tạo và bất ngờ. Đồng thời có nhiều ví dụ mà Việt Nam có thể tham khảo về đổi mới mở, kiến tạo các giải pháp sáng tạo, nâng cao hình ảnh thương hiệu, giảm chi phí, thúc đẩy quan hệ đối tác mới, sáng tạo, phát hiện ra khách hàng, tiềm năng mới; thúc đẩy sự tham gia của nhiều bên liên quan.