Sau khi cuộc chiến tranh Nga – U-crai-na nổ ra vào đầu năm 2022, nhiều nước châu Âu đã nhận ra tác động của cuộc chiến đối với nguồn cung năng lượng của khu vực. Đối với Thụy Điển, nhiều dự án công nghiệp ở phía bắc sẽ cần nhiều điện hơn trong vài năm tới. Bên cạnh đó, khu vực phía nam được đánh giá có công suất lắp đặt và sản xuất điện thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Mặc dù Thụy Điển là quốc gia đã có hệ thống điện hạt nhân và thủy điện lớn, tuy nhiên lượng điện sản xuất ra dự kiến sẽ không đủ do du cầu tiêu dùng và sản xuất tăng cao.

Hiện nay, các quốc gia châu Âu đang nỗ lực chuyển đổi và tăng khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo. Đan Mạch, Hà Lan, Anh và Đức đang tiến hành mở rộng quy mô năng lượng gió ngoài khơi do đây là nguồn năng lượng ổn định, hiệu quả và chi phí hợp lý.

RWE là một trong những công ty hàng đầu thế giới về năng lượng điện gió trên thế giới. Công ty đang vận hành 19 trang trại điện gió với tổng công suất 3,3 GW dọc theo bờ biển châu Âu. Công ty đang tăng cường đầu tư đáng kể vào quá trình chuyển đổi năng lượng và có kế hoạch đầu tư 55 tỷ Euro trên toàn thế giới vào công nghệ xanh trong giai đoạn 2024-2030. Hiện nay một số dự án lớn về điện gió ngoài khơi của RWE đang được phát triển ở Thụy Điển. Việc mở rộng năng lượng điện gió ngoài khơi ở Thụy Điển sẽ giúp cho việc tăng gấp đôi sản lượng điện cần thiết cho ngành công nghiệp mà không cần sử dụng các nguồn điện hóa thạch.

Mặc dù có bờ biển dài, nguồn gió thuận lợi nhưng hiện Thụy Điển chỉ có hai trang trại gió ngoài khơi. Việc phát triển điện gió của Thụy Điển bị đánh giá là chậm chạp do hệ thống các quy định phức tạp đối với quy trình cấp phép (cần có sự nhất trí của 20 cơ quan có thẩm quyền và 40 giấy phép khác nhau để xây dựng một trang trại điện gió). Bên cạnh đó, việc đấu nối điện từ các trang trại gió vào điện lưới quốc gia cũng mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư.