Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Latvia đã tăng khoảng 33% vào năm 2023, nếu so sánh với năm 2020 là năm bắt đầu thực thi Hiệp định EVFTA.

Đại sứ Việt Nam tại Latvia Trần Văn Tuấn đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

EVFTA có hiệu lực, xuất nhập khẩu hai chiều tăng 33%

Xin Đại sứ chia sẻ sơ lược về tình hình thương mại giữa Việt Nam và Latvia thời gian qua. Đại sứ đánh giá gì về tiềm năng của thị trường Latvia đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực từ tháng 8/2020?

Theo số liệu chúng tôi nắm được, trong năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 311,73 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Latvia 292,23 triệu USD (tăng 57,2%) và Việt Nam nhập khẩu từ Latvia 19,5 triệu USD (giảm 6,9%) so với cùng kỳ năm 2022. Nếu so sánh với năm 2020 là năm bắt đầu thực thi Hiệp định EVFTA thì kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng khoảng 33%. Mức độ tăng trưởng cao chỉ trong ba năm cho thấy Hiệp định EVFTA đã có những tác dụng tích cực trong việc khai thác tiềm năng và thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước.

Hiện nay, Latvia là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong khu vực Baltic. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Latvia trong khu vực ASEAN. Hai nước còn nhiều dư địa để hợp tác phát triển, nhất là trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu nông – lâm – thủy sản, dược phẩm, lao động… Chính vì vậy, tôi cho rằng Latvia là một thị trường tiềm năng với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến nông – lâm – ngư nghiệp, giáo dục và khoa học công nghệ.

Với những tiềm năng như trên, Đại sứ đánh giá ra sao về sự hiện diện của hàng Việt Nam tại các kênh phân phối của thị trường Latvia hiện nay?

Dù có nhiều tiềm năng nhưng nhìn chung hàng hóa Việt Nam chưa xuất hiện nhiều tại các kênh phân phối của thị trường Latvia và cũng chưa có các kho hàng, siêu thị lớn nhập khẩu và phân phối hàng Việt Nam tại nước này. Tuy hiện đã có một số cửa hàng, siêu thị do người Việt làm chủ có bán hàng Việt Nam, nhưng quy mô chưa lớn. Nguồn hàng chủ yếu nhập từ các doanh nghiệp nhập khẩu lớn của người Việt tại các nước lân cận như Đức, Ba Lan…

Nguyên nhân chủ yếu là do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Latvia khá xa, giao thông đi lại khó khăn do chưa có đường bay thẳng hoặc đường vận tải biển kết nối trực tiếp. Chúng tôi biết hiện đã có một số hãng hàng không, cảng biển của Việt Nam đang nghiên cứu mở đường bay, đường biển kết nối trực tiếp giữa hai nước nhưng kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai nước còn chưa được thực hiện thường xuyên khiến cho doanh nghiệp hai bên chưa có đầy đủ thông tin về cơ chế, chính sách, thị trường, nhu cầu, năng lực của nhau. Điều này dẫn đến việc hợp tác, làm ăn của các doanh nghiệp hai nước nói chung, cũng như việc đưa hàng hóa của Việt Nam sang Latvia nói riêng chưa được như kỳ vọng.

Global Sourcing Fair Việt Nam 2024 và Hội thảo Gateway to Viet Nam: Tăng sự hiện diện của hàng Việt tại Latvia

Được biết ngày 9/4 tới, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Latvia tổ chức Hội thảo Gateway to Viet Nam để giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và các cơ hội do EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp Latvia. Đồng thời, Phòng Thương mại và Công nghiệp Latvia cũng đang tổ chức đoàn doanh nghiệp Latvia vào Việt Nam dự Global Sourcing Fair Việt Nam 2024 vào tháng 4 tới. Xin Đại sứ chia sẻ về ý nghĩa, mục tiêu và kỳ vọng của sự kiện quan trọng này?

Như tôi đã nói ở trên, một trong những lý do khiến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước còn chưa được như kỳ vọng là do các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa hai nước còn chưa được thực hiện thường xuyên. Do vậy, tôi rất vui mừng khi các cơ quan chức năng hai nước đã phối hợp lên kế hoạch tổ chức Hội thảo Gateway to Viet Nam vào ngày 9/4 cũng kế hoạch như đưa đoàn doanh nghiệp Latvia vào Việt Nam dự Global Sourcing Fair Việt Nam 2024 trong thời gian tới.

Thông qua Hội thảo lần này và sự kiện đoàn doanh nghiệp Latvia vào Việt Nam, với những thông tin do Thương vụ Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Latvia cung cấp, tôi tin rằng các cơ quan, doanh nghiệp hai nước sẽ hiểu biết về nhau hơn. Đồng thời, sẽ đưa ra được các biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác, thu được nhiều lợi ích hơn cho cả hai phía; góp phần tích cực phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam – Latvia.

Cùng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu), Đại sứ có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt Nam để hàng hóa Việt Nam tận dụng tốt hơn nữa EVFTA, hiện diện tốt hơn ở thị trường nước sở tại?

Tuy Latvia là thị trường nhỏ, với quy mô chỉ khoảng 2 triệu dân, nhưng quốc gia này nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Baltic (diện tích khoảng 175.000 km2 và dân số trên 6 triệu người), có điều kiện rất thuận lợi để kết nối với các nước Baltic lân cận là Estonia và Litva. Do đó, tôi cho rằng các doanh nghiệp trong nước nên nhìn Latvia như là cửa ngõ để tiếp cận thị trường Baltic nói chung.

Trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu đầu tư để mở các kho hàng, văn phòng đại diện tại Riga – thủ đô của Latvia để nắm nhu cầu, thị hiếu của toàn bộ thị trường Baltic đối với hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam; tăng cường tham gia các hội chợ, sự kiện văn hóa – thương mại của sở tại để quảng bá hàng Việt Nam.

Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại Latvia tuy hình thành chưa lâu, nhưng phần lớn có trình độ khá cao, sẽ là cầu nối cho quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước. Ngoài ra, Latvia cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động có trình độ, tay nghề cao trong một số lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, y tế, chăm sóc người già, chế biến lâm – thủy sản… Vì vậy, đây là thị trường tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam sang địa bàn này.

Đại sứ có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng trong nước nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Latvia?

Để hoạt động hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Latvia được tăng cường hơn nữa, bên cạnh việc không ngừng thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống, việc kết nối giao thông vận tải là quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, chúng tôi xin kiến nghị các cơ quan chức năng và doanh nghiệp giao thông vận tải trong nước chú trọng hơn đến việc thiết lập đường bay thẳng, đường vận tải biển kết nối trực tiếp giữa các sân bay, bến cảng của Việt Nam với Latvia nói riêng và khu vực Bắc Âu – Baltic nói chung.

Nếu vấn đề này được giải quyết, tôi tin tưởng chắc chắn hoạt động giao thương giữa Việt Nam với các khu vực Bắc Âu và Baltic sẽ tăng trưởng ngoạn mục.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Phương Lan thực hiện

https://congthuong.vn/hiep-dinh-evfta-giup-nang-tam-quan-he-thuong-mai-viet-nam-latvia-312653.html