Chính phủ Thuỵ Điển đã triển khai thực hiện chiến lược thương mại mới, với mục tiêu mang lại cho các doanh nghiệp Thụy Điển những điều kiện tốt nhất để giải quyết những thách thức mới nổi đồng thời khai thác các cơ hội kinh doanh trong quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.

Khác với các chiến lược xuất khẩu trước đây, chiến lược thương mại này không chỉ tập trung vào xuất khẩu mà còn tham vọng hơn nhiều vì nó có cách tiếp cận toàn diện, bao gồm cả xúc tiến xuất khẩu và nhập khẩu, xúc tiến đầu tư và nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của Thụy Điển. Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị phần Liên minh châu Âu trong thương mại thế giới đang bị thu hẹp, đặt ra yêu cầu lớn hơn đối với các doanh nghiệp Thụy Điển để thành công tại các thị trường mới.

Chiến lược thương mại mới có ba mục chính:

+ Tăng cường khả năng cạnh tranh của Thụy Điển bằng cách cải thiện các điều kiện thương mại, đầu tư và đổi mới sáng tạo;
+ Tăng cường xuất khẩu và hiện diện quốc tế của doanh nghiệp Thụy Điển;
+ Củng cố vị thế của Thụy Điển với tư cách là đối tác ưu tiên trong quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.

Các mục tiêu cần đạt được vào năm 2030 và dự kiến Thuỵ Điển sẽ tiến hành đánh giá giữa kỳ các kết quả vào năm 2026.

Với Chiến lược mới này, Chính phủ Thuỵ Điển kỳ vọng sẽ mang lại những điều kiện tốt nhất giúp các doanh nghiệp tăng trưởng, phát triển và dẫn đầu trên thị trường toàn cầu trong tương lai. Quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Thuỵ Điển cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế. Nghiên cứu đổi mới được cho là rất quan trọng trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của Thuỵ Điển. Do vậy, Chính phủ sẽ đầu tư nhiều hơn vào hợp tác quốc tế với các nước đối tác chiến lược, nâng cấp và cải tổ nền giáo dục đạt đẳng cấp và chất lượng cao trên thế giới.

Dưới đây là một số hình ảnh tham gia các buổi thảo luận về chính sách mới của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển.