Trả lời phỏng vấn TG&VN nhân dịp thăm Việt Nam (9-10/6), Tổng Giám đốc Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) Bård Vegar Solhjell nhấn mạnh: ‘Tôi vô cùng ấn tượng trước các mục tiêu phát triển của Việt Nam và sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam hiện thực hóa những mục tiêu đó’.
Xin ông chia sẻ mục tiêu và những trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam lần này?
Chuyến thăm Việt Nam của tôi lần này nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và tốt đẹp giữa Na Uy và Việt Nam. Chúng ta đã hợp tác cùng nhau trên nhiều lĩnh vực quan trọng và tôi xin kể tên một vài lĩnh vực như sau.
Trước hết là quản lý rác thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Ngày đầu tiên ở Việt Nam tôi đã tới thăm dự án do Na Uy tài trợ về quản lý rác thải nhựa và sử dụng rác thải làm nhiên liệu đầu vào trong ngành xi măng thay cho than.
Đây là dự án có ý nghĩa đối với Việt Nam vì có thể giải quyết được hai vấn đề cùng một lúc, đó là phát triển ngành xi măng ít phát thải hơn với chi phí thấp hơn, đồng thời giải được bài toán quản lý rác thải hiệu quả hơn thay cho chôn lấp hoặc đốt.
Lâm nghiệp cũng là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Na Uy và Việt Nam, vì các bạn có tài nguyên gỗ và rừng nhiệt đới vô cùng dồi dào. Hiện nay chúng tôi đang cân nhắc khả năng mua bán tín chỉ carbon từ rừng của Việt Nam. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho Việt Nam thực hiện mức cam kết do quốc gia tự quyết định của mình (NDC) đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Bên cạnh đó, khắc phục hậu quả bom mìn là lĩnh vực mà Na Uy đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm qua. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa vì Việt Nam vẫn phải chịu nhiều ảnh hưởng do bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại từ thời chiến tranh. Hỗ trợ nhân đạo là một trong các ưu tiên của Na Uy và cùng với Tổ chức viện trợ nhân dân Na Uy (NPA), Na Uy rất tự hào với những đóng góp của mình vào nỗ lực này của Việt Nam, thông qua các khoản tài trợ cũng như các hoạt động trên thực địa của NPA.
Một lĩnh vực quan trọng nữa là Việt Nam và Na Uy là các đối tác trong JETP. Chuyển đổi xanh là lĩnh vực quan trọng đối với Việt Nam và toàn thế giới, trong đó có Na Uy. Theo tôi, đây là một lĩnh vực then chốt vì Na Uy và Việt Nam có nhiều tiềm năng để hợp tác, cụ thể là trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, kinh tế tuần hoàn và các khía cạnh khác của quá trình chuyển đổi xanh.
Na Uy là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam kể từ những ngày đầu hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông có thể đánh giá tác động chính của các hoạt động của Tổ chức Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) tại Việt Nam?
Tác động chính và dễ nhận thấy nhất ở Việt Nam có thể nhận thấy từ những khoản tài trợ của Chính phủ Na Uy thông qua NORAD nằm ở lĩnh vực rà phá và khắc phục hậu quả bom mìn.
Kinh tế tuần hoàn cũng là một lĩnh vực cần nói đến. Hiện nay Na Uy đang tài trợ rất nhiều cho các hoạt động của các cơ quan Liên hợp quốc ở Việt Nam. Các cơ quan lớn như UNDP, UNICEF và UNFPA, đều là những đối tác thân thiết của chính phủ Việt Nam, và các cơ quan này đều đang sử dụng tiền tài trợ của Na Uy (thông qua NORAD) để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các ưu tiên của mình.
Việt Nam đang phát triển rất nhanh, từ một nước nghèo trong quá khứ trở thành một nước có tốc độ phát triển kinh tế và xã hội đáng kinh ngạc. Nhìn về tương lai, tôi cho rằng hợp tác giữa chúng ta trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, hàng hải, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và các lĩnh vực khác sẽ rất khởi sắc và nhiều hứa hẹn.
Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của NORAD trong hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy thời gian tới và những lĩnh vực trọng tâm là gì?
NORAD hợp tác rất chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Na Uy và trên hết là đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội trong các các dự án ở Việt Nam. Chúng tôi là những đối tác quan hệ mật thiết.
Trong thời gian tới, tôi cho rằng chuyển đổi năng lượng sẽ là lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất. Phát triển điện gió ngoài khơi là mục tiêu rất quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai. Trong khi đó, Na Uy là một quốc gia đại dương cũng đang phát triển điện gió ngoài khơi. Na Uy có nhiều công ty lớn và rất có năng lực trong lĩnh vực này.
Cũng phải kể tới kinh tế tuần hoàn. Trong khi ô nhiễm nhựa đang là vấn nạn lớn ở Việt Nam cũng như ở Na Uy và nhiều quốc gia khác thì việc hợp tác trong việc nâng cao hiệu quả quản lý rác thải, tăng tỷ lệ tái chế nhựa, áp dụng các giải pháp công nghệ đễ hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn sẽ đem lại nhiều cơ hội hợp tác cho hai nước chúng ta cũng như doanh nghiệp hai nước.
Hải sản và du lịch biển cũng là những vấn đề quan trọng đối với thế hệ tương lai của chúng ta. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần loại bỏ ô nhiễm nhựa để phát triển hoạt động nuôi trồng thủy sản và du lịch. Na Uy có năng lực và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề này. Cùng với TOMRA – nhà cung cấp các giải pháp công nghệ cho thu gom và phân loại bao bì phục vụ cho quá trình tái chế, Na Uy đang hỗ trợ Việt Nam thực thi các sáng kiến quản lý rác thải nhựa, kể cả việc dùng rác thải nhựa không thể tái chế làm nguyên liệu cho ngành xi măng như đã nói ở trên.
Thêm vào đó, tôi có thể khẳng định lâm nghiệp cũng có ý nghĩa trọng yếu trong quá trình chuyển đổi xanh. Tôi hy vọng trong tương lai Việt Nam có thể bán tín chỉ carbon rừng, qua đó thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Nếu chúng ta thành công trong những lĩnh vực này, tôi nghĩ điều đó sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa Na Uy và Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về quyết tâm của Việt Nam trong việc bắt kịp các xu hướng phát triển mới như kinh tế số, kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững?
Tôi rất ấn tượng trước các mục tiêu tham vọng của Chính phủ Việt Nam trong đó có đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với đó là mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao, giàu có hơn vào năm 2045.
Nếu Việt Nam muốn thành công trong việc đạt được cả hai mục tiêu này, giống như Na Uy và nhiều quốc gia khác, Việt Nam sẽ cần phải thay đổi cơ bản cơ chế hiện nay, cụ thể là phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng đất bền vững hơn, bảo vệ rừng và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn. Đây sẽ là sự thay đổi lớn.
Quá trình chuyển đổi của Việt Nam sẽ không quá khác biệt so với quá trình chuyển đổi mà các nước châu Âu và các nền kinh tế châu Á khác sẽ phải trải qua. Na Uy và các quốc gia khác sẽ đồng hành cùng Việt Nam thông qua việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi này, hoặc hỗ trợ một phần trong nỗ lực chung đó.
Về phần mình, theo tôi, Việt Nam cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ bắt đầu từ những quyết sách của Chính phủ trong đó vó việc thu hút khu sự tham gia của vực tư nhân và đầu tư nước ngoài. Tựu trung lại, Na Uy sẵn lòng đồng hành cùng Việt Nam để thực hiện những mục tiêu tham vọng nói trên.
Ông có thể những câu chuyện thành công trong quan hệ hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam thông qua NORAD?
Tôi muốn chia sẻ hai câu chuyện. Câu chuyện thứ nhất liên quan tới những gì xảy ra trong quá khứ nhưng vẫn tiếp tục ở thời điểm hiện tại. Đó là lĩnh vực bom mìn. Mặc dù chiến tranh đã kết thúc hàng thập kỷ, nhưng hậu quả của nó, cụ thể là những vật liệu nổ còn sót lại hiện vẫn đang là vấn đề nhức nhối, gây ra thương vong cho nhiều người ở Việt Nam mỗi năm. Thông qua tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA), Na Uy đã tài trợ và hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng đối với Na Uy và các khoản viện trợ từ Chính phủ Na Uy.
Câu chuyện thứ hai liên quan tới tương lai. Tôi hy vọng hợp tác Na Uy-Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió ngoài khơi, sẽ là một câu chuyện thành công mới và lớn trong quan hệ giữa hai nước. Đây là lĩnh vực hai bên cùng quan tâm và Na Uy đã và đang có nhiều hoạt động hợp tác cụ thể với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tôi cũng rất hy vọng dự án với nhà máy xi măng Quảng Ninh mà tôi có dịp tới thăm liên quan tới phương pháp đồng xử lý rác thải nhựa không thể tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy xi măng thay cho than cũng sẽ thành công. Công nghệ này đã được sử dụng và được chứng minh hiệu quả tại Na Uy. Đối với Việt Nam, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì Việt Nam là nước sản xuất xi măng lớn với nhiều công ty xi măng. Với phương pháp này, các nhà máy xi măng có thể cắt giảm chi phí nhờ việc giảm lượng than tiêu thụ, giảm phát thải khí, đồng thời giảm lượng rác thải phải chôn lấp hoặc rò rỉ ra đại dương của chúng ta.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Việt Hằng