Ngày 18/7/2024, tại Thủ đô Roma, Italia, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Cùng tham dự Hội nghị còn có các Tham tán công sứ, Tham tán Thương mại, các Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu và Lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương.
Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh hoạt động kinh tế – thương mại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại góp phần tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến các nước trong khu vực và thế giới; cùng đó, hướng tới mục tiêu tăng cường công tác kết nối, phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các hoạt động xuất khẩu.
Hội nghị các Tham tán Thương mại khu vực châu Âu bao gồm 2 Phiên làm việc chính: Phiên làm việc giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ các nước châu Âu; Phiên làm việc chính thức.
Phát huy vai trò vị trí tiền tuyến, mở rộng thị trường
Tại Phiên làm việc chính thức diễn ra chiều 18/7/2024 (theo giờ Italia), Hội nghị đã thu hút gần 30 ý kiến phát biểu đến từ các Tham tán Thương mại, các Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu và đến từ lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương. Các ý kiến tập trung đánh giá hiện trạng, xu hướng chính sách kinh tế, thương mại tại khu vực châu Âu – những tác động đến Việt Nam cùng những vấn đề đặt ra trong thời gian tới và trao đổi để đưa ra các khuyến nghị về chiến lược, các biện pháp phát triển thị trường khu vực châu Âu cho giai đoạn 2024 – 2025 và các năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc Phiên làm việc chính thức của Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua, tình hình kinh tế thế giới và trong nước phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cùng với nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng.
Đến nay, nước ta từ một nước chậm phát triển đã trở thành 1 trong 40 quốc gia có quy mô GDP lớn nhất thế giới; thuộc top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, top 15 về thu hút đầu tư nước ngoài và top 46 về Chỉ số đổi mới sáng tạo.
“Trong các thành tích chung đó có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài (trong đó có Tham tán Thương mại tại khu vực châu Âu) trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các quy định, cơ chế chính sách mới của các nước sở tại để chủ động tham mưu, tư vấn cho các Cơ quan Quản lý nhà nước và các Hiệp hội, doanh nghiệp trong nước có phản ứng chính sách kịp thời và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, hiệu quả” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, ghi nhận và chúc mừng thành tích mà các Tham tán Thương mại đã đạt được trong thời gian qua.
Nhận định tình hình kinh tế thế giới và khu vực đang có dấu hiệu khởi sắc, song thương mại toàn cầu được dự báo tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới; đặc biệt là tại thị trường châu Âu – nơi đang là tâm điểm của cạnh tranh địa chính trị và kinh tế đang trong giai đoạn trì trệ. Bối cảnh trên đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các đơn vị trong Bộ, cũng như với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, do vậy, tại Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giao những nhiệm vụ cụ thể tới 20 Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ ở những địa bàn trọng yếu tại khu vực châu Âu và 10 đại diện các đơn vị trong Bộ Công Thương.
Từ thực tiễn nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng chỉ đạo các Trưởng Thương vụ, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Công Thương tập trung thảo luận, đánh giá những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường.
Cùng đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị đề xuất, khuyến nghị các giải pháp, sáng kiến để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các đối tác tại khu vực châu Âu nhằm khai thác có hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các hiệp định thương mại tự do để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như xây dựng, hoàn thiện hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trở thành các cơ quan năng động – chuyên nghiệp – hiệu quả, phục vụ tốt nhất sự phát triển kinh tế của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Khẳng định vai trò “sứ giả kinh tế” trong hội nhập
Châu Âu đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng nhất thế giới với dân số hơn 740 triệu người và GDP đạt trên 18.000 tỷ USD. Châu Âu cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Các quốc gia trong khu vực châu Âu đang ngày càng có nhu cầu cao về các mặt hàng như đồ gia dụng, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ…
Từ thị trường Nga, Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh cho biết, thương mại hai nước Việt Nam – Liên bang Nga đang có sự phục hồi tích cực. Thời gian qua, với nỗ lực chung của hai bên, một số khó khăn đã từng bước được giải quyết như vận tải biển (tuyến Vladivostok – Hải Phòng – Hồ Chí Minh), vận tải đường sắt (tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam – Trung Quốc – Nga).
Đáng chú ý, từ 4/6/2023, Hãng hàng không IAERO của Nga thực hiện chuyến bay trực tiếp giữa Nga (thành phố Irkusk) và Việt Nam (Hà Nội) với tần suất 2 chuyến/tuần. Đường bay trực tiếp giữa Matxcơva và TP Hồ Chí Minh hai nước được nối lại từ cuối tháng 1/2024 với tần suất 3 chuyến/tuần. Hiện nay, Liên bang Nga và Việt Nam đã nới lỏng các quy định về visa cho công dân của nhau… Những nỗ lực này đã góp phần vào kết quả tăng trưởng thương mại hai nước. Năm 2023, thương mại hai chiều đạt 3,6 tỷ USD tăng 2,3% so với năm 2022. 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,34 tỷ USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2023…
Tương tự, với thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, thương mại Việt Nam – EU đã có bước phát triển tương đối nhanh chóng và mạnh mẽ. Đặc biệt là sau khi Việt Nam – EU ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên có mức tăng tương đối cao, có thời điểm tăng trưởng 2 con số. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành trong nước, thời gian qua, vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được thể hiện rõ nét vai trò cầu nối. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ tìm đến Thương vụ trong những trường hợp gặp khó khăn hay vướng vào các tranh chấp thương mại… nhưng, gần đây, các doanh nghiệp đã chủ động tìm đến Thương vụ khi bắt đầu có đơn hàng.
“Các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với Thương vụ để xác minh đối tác, cùng xây dựng hình ảnh của sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam, và từ đây uy tín cũng như sự tín nhiệm của Thương vụ ngày càng được nâng lên, góp phần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường EU và khai phá các thị trường mới tiềm năng” – ông Trần Ngọc Quân thông tin và cho biết thêm, hiện nay, Việt Nam là đối tác lớn thứ 17 trong thương mại hàng hóa và là đối tác lớn nhất ở ASEAN. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào EU là giày dép, dệt may, hàng nông sản, hàng điện tử tiêu dùng và nhập khẩu khẩu chủ yếu hóa mỹ phẩm, dược, phương tiện vận tải là hàng có kỹ thuật cao.
Tại thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý – Tham tán Thương mại tại Thuỵ Điển, Kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia chia sẻ, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường sở tại, Thương vụ đã và đang thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối giao thương. Nổi bật trong đó là việc vận hành và xây dựng “Thương vụ điện tử” thông qua 2 website: Tiếng Việt (cung cấp thông tin đầy đủ của 5 thị trường như thông tin cơ bản, các quy định, số liệu xuấ nhập chi tiết đến mã HS 6 số, báo cáo nghiên cứu ngành hàng, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Bắc Âu, cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp Việt Nam…) và website tiếng Anh dành cho doanh nghiệp Bắc Âu muốn tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Quan trọng nhất, đây là kênh quảng cáo miễn phí cho các doanh nghiệp, và sản phẩm của Việt Nam.
Kiến nghị từ Thương vụ và giải pháp từ Bộ Công Thương
Dù thương mại song phương Việt Nam – Liên bang Nga đã phục hồi tích cực, song Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh thẳng thắn cho rằng, hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước đang đứng trước các thử thách rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Do đó, để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, Trưởng Thương vụ đề xuất hai nước sớm tiến hành bổ sung sửa đổi Hiệp định thương mại tự do VN-EAEU FTA để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, trong đó có tháo gỡ các rào cản về phòng vệ ngưỡng cho xuất khẩu hàng may mặc, giày da của Việt Nam sang EAEU.
Cùng đó, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Nga trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh như chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống, thủy sản, may mặc, sản xuất đồ gỗ, đồ gia dụng… song song đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đề xuất, nghiên cứu việc kết nối các doanh nghiệp Việt Kiều để thúc đẩy thương mại song phương, bởi các doanh nghiệp Việt Kiều đã rất năng động trong việc đưa hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam vào EU, nhất là nông sản mùa vụ và tận dụng tốt ưu thế của EVFTA trong hàng nông sản.
Mặt khác, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý cho rằng, cần xây dựng một số công cụ hỗ trợ cho các Thương vụ, như hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, ngành hàng, quy định trong nước, các sản phẩm quảng bá cho sản phẩm Việt Nam bằng tiếng Anh trên nền tảng số sao cho không chỉ Thương vụ mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng dễ dàng tra cứu và sử dụng. Ở chiều ngược lại, cần có một cơ sở dữ liệu doanh nghiệp nhập khẩu, quy định, ngành hàng của các nước bản địa bằng tiếng Việt để các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tra cứu và sử dụng.
Với Bộ Công Thương, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu, thời gian qua, Bộ đã xây dựng các nội dung trong Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030 với ưu phát triển xuất nhập khẩu bền vững. Trong đó, chú trọng đến các yếu tố: hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Song song đó, Bộ Công Thương cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể đối với khu vực thị trường châu Âu, như: Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18-19% vào năm 2030; tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8-9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10-11% vào năm 2030.
Hiện thực các hóa mục tiêu này, Bộ Công Thương đã đưa những nhóm giải pháp về phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn với thị trường châu Âu, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục đàm phán các Hiệp định FTA với các đối tác đã được Chính phủ cho chủ trương, chú trọng các đối tác có dung lượng thị trường lớn và sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản trên cơ sở có đi có lại.
Thứ hai, nghiên cứu khả thi việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận ưu đãi thương mại với một số đối tác mới có tiềm năng; củng cố và phát triển các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với các nước đối tác ký kết FTA thông qua thực thi hiệu quả cam kết trong các FTA.
Thứ ba, xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu các nhóm ngành hàng chủ lực trong từng giai đoạn nhằm mở rộng và duy trì ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Thứ tư, triển khai các hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin về các quy định chính sách mới của thị trường nhằm nâng cao khả năng đáp ứng các quy định mới của thị trường cho các doanh nghiệp. Nội dung này trong khu vực châu Âu thì Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ chủ trì.
Thứ năm, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào các mạng lưới phân phối hàng hoá tại thị trường nước ngoài.
Thứ sáu, củng cố và tiếp tục mở rộng hệ thống, tạo cơ chế thuận lợi để phát huy hiệu quả vai trò của các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại nước ngoài.
Thứ bảy, Xây dựng và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về nhu cầu, các đối tác và các quy định liên quan của các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu tiềm năng, cơ sở dữ liệu về các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế.
Thứ tám, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và thương hiệu ngành hàng ở thị trường nước ngoài.
Thứ chín, tổ chức hoạt động xúc tiến xuất khẩu phù hợp với mục tiêu, định hướng của Chiến lược và phù hợp với nhu cầu hỗ trợ phát triển thị trường xuất khẩu của từng ngành hàng, trên từng khu vực thị trường cụ thể và cho từng giai đoạn cụ thể.
Thứ mười, tăng cường xúc tiến nhập khẩu, đa dạng hóa nguồn cung, hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa và hợp lý hóa cán cân thương mại.
Mười một, xây dựng chương trình xúc tiến thương mại gạo đặc thù phù hợp với định hướng Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra nhóm giải pháp về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, phát triển dịch vụ logistics, trong đó có giải pháp về phát triển dịch vụ logistics; đẩy mạnh hợp tác, đầu tư, khai thác, sử dụng các trung tâm logistics ở nước ngoài để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với thị trường các nước châu Âu.