Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát, lãi suất, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, các hộ gia đình khu vực Bắc Âu đã thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu ngay cả trong những tháng nghỉ hè. Nhiều ngành gặp khó khăn như xây dựng, buôn bán nội thất, quần áo, giày dép… và được dự đoán sẽ có nhiều vụ phá sản trong thời gian tới. Thương mại ngành quần áo, giày dép đều giảm mạnh, trong khi lĩnh vực xây dựng có thể thấy rõ sự tương đồng với cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1990, tình trạng phá sản trong ngành ngày càng gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập khẩu của khu vực này giảm.

Bên cạnh đó đồng tiền của các nước này, đặc biệt là Thụy Điển, hiện đang ở mức thấp kỷ lục so với đồng euro và đô la Mỹ. Việc đồng tiền yếu đã làm cho hàng hoá nhập khẩu trở lên đắt đỏ. Đồng thời, các hàng hoá sản xuất trong nước trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hoá nhập khẩu. Điều này có thể thúc đẩy sự ưa thích các sản phẩm nội địa và làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ các nước khác.

Ngoài ra, các xung đột chính trị và chiến tranh tại một số khu vực trên thế giới đã làm tăng chi phí vận chuyển quốc tế khiến giá thành sản phẩm xuất khẩu từ các nước xa khu vực này trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường Bắc Âu. Do vậy, các nước Bắc Âu có xu hướng chuyển nhập khẩu qua trung gian tại các nước EU khác để tiết kiệm chi phí.