Điều này chủ yếu là do sự gần gũi về mặt địa lý với Nga và các mối quan hệ thương mại quan trọng. Hoạt động kinh tế ở Latvia đã chậm lại rõ rệt từ năm 2022 và chuyển sang suy thoái vào năm 2023 trong bối cảnh lạm phát gia tăng, lãi suất tăng, niềm tin kinh doanh suy giảm. Ngoài ra, sự suy thoái kinh tế mạnh mẽ ở Tây Âu đã đè nặng lên thương mại ở Latvia. Kích thích tài chính của chính phủ và dòng vốn tài trợ của EU cũng như sự phục hồi dần dần của nhu cầu thế giới sẽ hỗ trợ sự phục hồi vừa phải cho Latvia trong giai đoạn 2024-2025. Dự báo GDP thực tế cả năm sẽ tăng khoảng 1,5% vào năm 2024 và 2,5% vào năm 2025.

Để đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế, Latvia đã đưa ra Kế hoạch phục hồi quốc gia giúp thúc đẩy đầu tư công và năng suất lao động. Các khoản đầu tư lớn đươc tập trung cho quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, nghiên cứu, hỗ trợ nhà ở giá rẻ và cải cách lương hưu.

Bên cạnh đó, Latvia dự kiến thực hiện cải cách thuế thúc đẩy tăng trưởng. Mức thuế lao động tương đối cao của Latvia có thể được giảm bớt để tăng cường khuyến khích việc làm và tăng nguồn cung lao động có tay nghề cao. Do tỷ lệ thuế trên GDP của Latvia thấp hơn mức trung bình của khu vực đồng Euro, nên tác động về doanh thu của việc giảm thuế lao động có thể được bù đắp bằng cách tăng nguồn thu từ thuế tài sản, hợp lý hóa việc miễn thuế và áp dụng thuế carbon.