Hiệp định EVFTA là 1 trong những động lực quan trọng góp phần gia tăng thương mại đầu tư Việt Nam–Thuỵ Điển sau 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1969-2024).
Đại sứ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Latvia Trần Văn Tuấn đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Được biết, ngày 06/9 sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển. Nhìn lại 55 năm vừa qua, Đại sứ đánh giá ra sao về sự phát triển của quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư?
Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với
Việt Nam vào ngày 11/01/1969 và hai nước đã không ngừng xây dựng, vun đắp, phát triển mối quan hệ song phương ngày càng bền vững, đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực.
Trong suốt chặng đường hợp tác 55 năm qua, Thụy Điển đã dành cho
Việt Nam sự ủng hộ, hỗ trợ hết sức quý báu cả về tinh thần và vật chất trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.
Về hỗ trợ phát triển, Thụy Điển là một trong những nước cấp viện trợ ODA lớn cho Việt Nam với số vốn trị giá 3,46 tỷ USD tính tới năm 2013. Nguồn vốn trên đã được Việt Nam sử dụng hiệu quả để đầu tư vào nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Thụy Điển cũng giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia, kỹ sư trong nhiều lĩnh vực như: lâm nghiệp, giấy, năng lượng, sinh học, y học, báo chí… Nhiều thế hệ chuyên gia Thụy Điển đã sang Việt Nam công tác và cống hiến nhiều trí tuệ, công sức cho sự phát triển của Việt Nam.
Về hợp tác thương mại, từ cuối năm 2013, trên cơ sở quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi, thương mại song phương đã có những bước tiến đáng kể. Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2022 đạt mức cao nhất, lên tới 1,62 tỷ USD. Năm 2023, do tình hình kinh tế thế giới khó khăn nên hoạt động thương mại giữa hai nước không tránh khỏi bị ảnh hưởng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt khoảng 1,29 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình đang có nhiều khởi sắc, tổng kim ngạch thương mại hai nước trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 695,9 triệu USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Thụy Điển hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu, ngược lại, Việt Nam là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Thụy Điển tại Đông Nam Á.
Về hợp tác đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 6/2024, Thụy Điển có 111 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 742,65 triệu USD, xếp thứ 29 trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã có dự án đầu tư đầu tiên tại Thụy Điển với tổng vốn đầu tư từ năm 2019 đến nay khoảng 5,2 triệu USD.
Theo chúng tôi, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng trao đổi thương mại – đầu tư như vậy còn khá khiêm tốn so với tiềm năng cũng như quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia. Hai nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế – khoa học – công nghệ.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã và đang đóng góp ra sao cho việc xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Thuỵ Điển, đặc biệt trong vấn đề xuất khẩu hàng Việt sang Thuỵ Điển?
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đánh dấu cột mốc quan trọng trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU, mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình chính trị – an ninh, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, việc đánh giá chính xác hiệu quả của EVFTA đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU và Thụy Điển trở nên khá khó khăn.
Mặc dù vậy, tôi có thể nhận định EVFTA đã mang lại những lợi ích đáng kể và đang dần chứng tỏ giá trị của nó. Một trong những điểm nổi bật là việc giảm thuế quan giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường Thụy Điển. Ví dụ, gạo Việt Nam trước đây chưa có mặt tại thị trường do không cạnh tranh được với giá gạo của Campuchia và Thái Lan, thì sau khi có Hiệp định EVFTA đã hiện diện với trị giá khoảng 3 triệu USD/năm và đang ngày càng tăng. Điều này cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong khả năng cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản và thủy sản nhờ vào việc được hưởng thuế suất 0% ngay từ năm đầu tiên.
Bên cạnh lợi ích về thuế, EVFTA cũng đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp châu Âu nói chung và các doanh nghiệp Thụy Điển nói riêng đối với thị trường Việt Nam. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Thụy Điển đã đến
Việt Nam trong thời gian gần đây để tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Điển hình là việc Tập đoàn Wallenberg và Ngân hàng SEB của Thụy Điển đã dẫn đầu đoàn hơn 100 doanh nghiệp Bắc Âu, trong đó có hơn 40 doanh nghiệp Thụy Điển, tới Hà Nội vào tháng Ba vừa qua để tổ chức hội nghị khách hàng và tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Sự hiện diện ngày càng nhiều của các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam không chỉ tạo ra cơ hội đầu tư, mà còn thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Thụy Điển. Việc các công ty này xây dựng nhà máy tại Việt Nam để tận dụng các ưu đãi của EVFTA khi xuất khẩu ngược lại EU sẽ góp phần làm tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ hơn.
Nhân dịp 55 năm quan hệ Việt Nam – Thuỵ Điển, Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển sẽ triển khai những giải pháp ra sao nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước?
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Điển, từ đầu năm tới nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển đã tập trung đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế với những giải pháp hết sức thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy hợp tác song phương, cụ thể là: (i) Tiếp xúc, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp hai nước; (ii) Hỗ trợ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn mà một số doanh nghiệp Thụy Điển đang gặp phải trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam; (iii) Phối hợp với các doanh nghiệp trong nước tổ chức các hội thảo, hội chợ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ở sở tại; (iv) Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh như quản lý nước sạch, xử lý rác thải, chế tạo máy, điện – điện tử, công nghiệp chế biến…; (v) Đẩy mạnh hợp tác giáo dục với các chương trình nghiên cứu, chia sẻ học thuật và trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường đại học hai nước, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn; (vi) Hỗ trợ việc kết nối hợp tác vận tải biển và mở đường bay thẳng giữa hai nước; (vii) Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là trong các ngành hàng nông sản, thực phẩm và thủy sản. Các chương trình tư vấn và cung cấp thông tin thị trường luôn được Văn phòng Thương vụ của Đại sứ quán triển khai thường xuyên, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Thụy Điển. Các giải pháp này không chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của cả hai quốc gia, mà còn hướng đến việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Một trong những điểm nhấn quan trọng mà chúng tôi sẽ triển khai trong ngày 06/9 tới đây là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển năm 2024, tập trung vào ba chủ đề chính: chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo. Ngoài phiên thông tin về chiến lược và chính sách, Diễn đàn cũng bao gồm phiên thảo luận nhóm và thảo luận mở với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu phân tích về các cơ hội, thách thức và tiềm năng trong việc hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong tương lai. Sự kiện này sẽ là dịp để các doanh nghiệp hai nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và khám phá cơ hội hợp tác, mở ra những hướng phát triển mới trong quan hệ song phương, góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của cả hai quốc gia.
Một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển năm 2024 do Đại sứ Trần Văn Tuấn và Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đồng chủ trì. Được biết, chủ đề của Diễn đàn là “Chuyển đổi số, Chuyển đổi năng lượng, Đổi mới sáng tạo: Hợp tác vì một tương lai phát triển bền vững”. Ông đánh giá gì về tiềm năng hợp tác của doanh nghiệp hai bên trong lĩnh vực này?
Thụy Điển có trình độ khoa học – công nghệ (KHCN) cao, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này. Năm 2023, Thụy Điển đã được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng thứ 2 toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (Thụy Sỹ xếp thứ nhất, Mỹ xếp thứ 3, Việt Nam xếp thứ 46). Nước này cũng đã giành được 20 giải Nobel trong lĩnh vực khoa học – công nghệ.
Trong khi đó, Việt Nam có thị trường lớn với 100 triệu dân, có nguồn lao động trình độ cao khá dồi dào, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, có nhu cầu lớn về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo. Hơn thế nữa, Đảng, Nhà nước ta cũng đặt quyết tâm rất cao trong việc thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này trong nước.
Tại Hội nghị COP 28 ở UAE (12/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh; Việt Nam tập trung và mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực này”.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Vụ Luật pháp quốc tế – Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong số 42 hiệp định, thỏa thuận giữa hai nước còn hiệu lực, thì có tới 18 hiệp định, thỏa thuận liên quan lĩnh vực KHCN. Do đó, Việt Nam và Thụy Điển rất có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này, đặc biệt là về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo.
Thực tế thời gian gần đây cũng cho thấy doanh nghiệp hai nước đang rất quan tâm đầu tư, làm ăn với các đối tác của nhau trong các lĩnh vực này. Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực KHCN của Thụy Điển như Ericsson, ABB, SAAB, Electrolux… đang có mặt tại Việt Nam, thì một số doanh nghiệp khác cũng đang đề nghị Đại sứ quán hỗ trợ tìm hiểu khả năng mở các trung tâm nghiên cứu phát triển và nhà máy sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam, tiêu biểu như: Công ty Vilja Solutions nghiên cứu đầu tư Trung tâm nghiên cứu phát triển phần mềm ngân hàng kỹ thuật số; Công ty ASSA ABLOY đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản xuất khóa thông minh công nghệ cao; Công ty Syre đầu tư nhà máy tái chế sợi vải công nghệ cao v.v…
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp của ta cũng đã bước đầu có các dự án đầu tư, làm ăn tại Thụy Điển trong các lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cũng như ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, tiêu biểu là Tập đoàn FPT và Công ty Nutifood.
Đây là những tín hiệu tích cực cho khả năng hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo giữa doanh nghiệp hai nước thời gian tới./.