Sáng 6/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức Hội thảo “55 năm quan hệ Việt Nam – Thụy Điển: Thành tựu và Triển vọng”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Hà Nam, Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Ngoại giao) nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, được tổ chức nhân dịp hai nước kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (11/1/1969 – 11/1/2024). Trong năm 2024, hai nước Việt Nam – Thụy Điển đã có một năm kỷ niệm sôi động với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực và hiệu quả tại cả hai nước; trong đó các hoạt động trao đổi đoàn diễn ra sôi nổi, nổi bật nhất là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Nhà ở Thụy Điển vào tháng 5/2024 và chuyến thăm Thụy Điển của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân vừa diễn ra vào đầu tháng 11/2024.
Theo ông Bùi Hà Nam, nhìn lại 55 năm sánh bước, Việt Nam – Thụy Điển hoàn toàn có thể tự hào về những thành quả tích cực của mối quan hệ song phương được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và có phong trào ủng hộ công cuộc kháng chiến chống Mỹ nhiệt thành và sớm nhất. Trong giai đoạn đổi mới, xây dựng đất nước của Việt Nam, Thụy Điển luôn dành cho Việt Nam sự ủng hộ quý báu về vật chất và tinh thần, đi đầu hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực cải cách kinh tế, tài chính ngân hàng, luật pháp, đồng thời tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế. Tổng giá trị viện trợ không hoàn lại của Thụy Điển dành cho Việt Nam là hơn 3 tỷ USD, đóng góp tích cực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Thụy Điển luôn là người bạn đồng hành. Hiện nay, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Vụ trưởng Vụ châu Âu cho biết, Thụy Điển hiện nằm trong 10 đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) với những dự án đầu tư lớn. Năm 2023, kim ngạch thương mại đạt gần 1,3 tỷ USD; 9 tháng của năm 2024 đạt 1,07 tỷ USD (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023). Thụy Điển đứng thứ 29 trong tổng số 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 743,39 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có dự án đầu tư ở Thụy Điển với trị giá 5,2 triệu USD.
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác trong khoa học-công nghệ, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa, đối ngoại nhân dân cũng không ngừng được tăng cường, qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước.
Thể hiện niềm vui và tự hào về mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai nước, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Johan Ndisi chia sẻ, tình hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển đã được xây dựng trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Mối quan hệ này ngày càng bền chặt theo thời gian.
Bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của Việt Nam thời gian qua, Đại sứ Johan Ndisi cho biết Thụy Điển hoan nghênh sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam và tự hào là đối tác của Việt Nam trong suốt hành trình này. “Việc chúng ta thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1969 đến việc chúng ta dẫn đầu các nỗ lực phát triển trong những thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20 và ngày nay, khi chúng ta ngồi với nhau, chúng ta đang tận hưởng mối quan hệ thương mại thực sự thịnh vượng với tư cách là những đối tác bình đẳng của nhau”, Đại sứ nhấn mạnh.
Dựa trên những thành tựu trong quan hệ song phương, cũng như là một trong những quốc gia đi đầu trong các ngành về công nghệ, khoa học và đổi mới sáng tạo, Đại sứ Johan Ndisi khẳng định Thụy Điển mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ đối tác chiến lược theo các ngành đổi mới sáng tạo, công nghệ và giáo dục với Việt Nam cũng như trở thành đối tác của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
“Thụy Điển đang chuẩn bị rất tốt để đóng góp vào hành trình của Việt Nam để hướng tới mục tiêu đạt được vị thế là nước thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, Đại sứ Johan Ndisi phát biểu.
Tại hội thảo, đại biểu hai nước đã có những trao đổi, đưa ra những hướng đi, các giải pháp mới cho hợp tác giữa hai bên, qua đó tận dụng triệt để và hiệu quả những tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế xanh, phát triển bền vững. Hai nước cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, tạo động lực trong việc xây dựng, định hình các khuôn khổ hợp tác mới nhằm thúc đẩy và mở rộng quan hệ hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Một số ý kiến đề nghị tăng cường giao lưu nhân dân hai nước. Cùng với khoảng 22.000 người Việt Nam ở Thụy Điển, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ các cựu chuyên gia Thụy Điển từng làm việc ở Việt Nam là cầu nối, góp phần thúc đẩy việc mở rộng và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
Việt Đức (TTXVN)