Ngày 9/1, Ủy ban châu Âu đã áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với hai mặt hàng quan trọng nhập khẩu từ Trung Quốc: titan dioxide (TiO2) và thiết bị tiếp cận di động (MAE).
Titan dioxide (TiO2)
Mức thuế áp dụng dao động từ 0,25 đến 0,74 Euro/kg sau cuộc điều tra cho thấy TiO2 từ Trung Quốc bị bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp EU với khoảng 5.000 lao động. Biện pháp này nhằm bảo vệ ngành sản xuất TiO2 của EU, đồng thời vẫn duy trì lợi ích cho các doanh nghiệp sử dụng TiO2 làm nguyên liệu đầu vào.
Các sản phẩm TiO2, được sử dụng rộng rãi làm chất tạo màu trắng trong sơn, nhựa, giấy cán mỏng và lớp phủ bề mặt, là nguyên liệu quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp. EU cũng miễn thuế cho TiO2 dùng trong sản xuất mực in nhằm giảm tác động đến các doanh nghiệp hạ nguồn.
Thiết bị tiếp cận di động (MAE)
Với mức thuế dao động từ 20,6% đến 54,9%, các biện pháp chống bán phá giá đối với MAE được áp dụng để giảm thiểu ảnh hưởng của các hành vi thương mại không công bằng. MAE là thiết bị thiết yếu trong ngành xây dựng và các công việc trên cao như lắp đặt thiết bị điện và viễn thông.
Cuộc điều tra cho thấy mặc dù thị trường thuận lợi và nhu cầu tăng cao, các nhà sản xuất EU vẫn mất thị phần đáng kể do sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngành MAE tại EU, với doanh thu hằng năm khoảng 1 tỷ Euro và sử dụng hơn 3.000 lao động tại tám quốc gia thành viên, là một phần quan trọng của nền kinh tế khu vực.
Khuyến nghị dành cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
Các doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý đến những thay đổi trong chính sách thương mại của EU, đây là cơ hội để gia nhập thị trường tiềm năng này. Đối với TiO2, Việt Nam có thể cung ứng nguyên liệu thay thế cho các ngành công nghiệp EU đang tìm kiếm nguồn cung ngoài Trung Quốc. Trong lĩnh vực MAE, các doanh nghiệp nên đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu phát triển thiết bị phục vụ ngành xây dựng và viễn thông, đồng thời tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của EU để tăng khả năng cạnh tranh.