Ngày 2/4/2025, Hoa Kỳ chính thức áp mức thuế đối ứng quy mô lớn đối với hàng nhập khẩu từ hơn 180 quốc gia. Việt Nam bị áp thuế ở mức 46%. Mức thuế cao đột biến này đặt ra thách thức lớn cho các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Nhóm hàng bị ảnh hưởng bởi thuế đối ứng của Hoa Kỳ

Thứ nhất, ngành dệt may – da giày chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng nhất. Hoa Kỳ vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam. Năm 2024, dệt may chiếm tới 21,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Với mức thuế mới, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu bị bào mòn nghiêm trọng, nhiều hợp đồng FOB rơi vào trạng thái lỗ, buộc khách hàng phải tìm nhà cung cấp ở các thị trường khác.

Thứ hai, ngành gỗ và sản phẩm nội thất – kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc chính vào thị trường Hoa Kỳ – bị tác động kép: vừa từ thuế đối ứng, vừa từ các vụ điều tra chống lẩn tránh xuất xứ. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ buộc phải thu hẹp quy mô hoặc ngừng hoạt động do mất thị trường chủ lực.

Thứ ba, thủy sản – đặc biệt là tôm và cá tra – vốn đã đối mặt với rào cản kỹ thuật cao tại Hoa Kỳ, nay bị đánh thêm thuế khiến giá thành cao vượt mức chấp nhận của nhà nhập khẩu, dẫn đến sụt giảm mạnh đơn hàng.

Cuối cùng là nhóm linh kiện và thiết bị điện tử, chiếm tới 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, tuy chủ yếu do khối doanh nghiệp FDI chi phối, nhưng việc mất lợi thế về thuế quan khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Samsung…

Chuyển hướng xuất khẩu sang các nước Bắc Âu: Cơ hội có điều kiện

Việc dịch chuyển thị trường sang EU, bao gồm các nước Bắc Âu, là phản ứng logic trong ngắn hạn. Do quy mô thị trường Bắc Âu khá nhỏ, nên không thể thay thế vai trò của Hoa Kỳ về kim ngạch. Do vậy, điều quan trọng hơn là Việt Nam cần nhìn nhận Bắc Âu như một điểm đến có tính chiến lược dài hạn nhờ tính ổn định, lợi thế từ EVFTA và nhu cầu cao đối với các sản phẩm bền vững.

Trong bối cảnh đó, thay vì cạnh tranh bằng giá, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển sang khai thác các dòng sản phẩm có giá trị cao, bền vững và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng xanh của châu Âu nói chung và các nước Bắc Âu nói riêng.

Dệt may – da giày cao cấp, bền vững

Đây là nhóm hàng có tiềm năng lớn nhất để dịch chuyển vào thị trường EU nói chung và Bắc Âu nói riêng, nơi đang ưu tiên các sản phẩm thời trang thân thiện môi trường, truy xuất được nguồn gốc và đảm bảo điều kiện lao động công bằng. Các thương hiệu như H&M, Lindex đều tìm kiếm các nhà cung ứng có chứng nhận GOTS, OEKO-TEX hoặc SA8000. Việt Nam cần nhanh chóng định vị lại vai trò không chỉ là nơi gia công giá rẻ, mà là đối tác bền vững cho các thương hiệu toàn cầu.

Đồ gỗ và nội thất xanh, tích hợp công nghệ thông minh

Các nước Bắc Âu nổi tiếng với gu thẩm mỹ tối giản (Scandinavian design), ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện môi trường và có chứng nhận nguồn gốc hợp pháp như FSC. Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp các sản phẩm đáp ứng tiêu chí này như bàn ghế từ gỗ cao su tái chế, tre ép, hoặc gỗ ghép phủ veneer.

Đáng chú ý, xu hướng nội thất tại Bắc Âu không chỉ dừng lại ở tính bền vững mà còn mở rộng sang tích hợp công nghệ thông minh, phục vụ nhu cầu sống hiện đại và tiện nghi. Doanh nghiệp Việt nên tận dụng xu thế này để phát triển các sản phẩm nội thất thông minh như: tủ gỗ tích hợp sạc không dây, đèn có cảm biến chuyển động, hoặc bàn làm việc thông minh có khả năng kết nối với thiết bị điện tử và quản lý năng lượng. Bắc Âu là một trong những khu vực tiên phong về ứng dụng “smarthome”, mở ra cơ hội thâm nhập phân khúc cao cấp với biên lợi nhuận hấp dẫn hơn.

Bên cạnh việc sản xuất thành phẩm quy mô lớn, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm phụ trợ, OEM hoặc ODM, cung cấp linh kiện và bán thành phẩm cho các thương hiệu Bắc Âu lớn như IKEA, JYSK. Đây là chiến lược phù hợp để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giảm thiểu rủi ro về tiếp cận thị trường và chi phí marketing đầu cuối.

Thủy sản chế biến sâu

Bắc Âu tiêu thụ nhiều thủy sản đã chế biến sẵn, đặc biệt là các loại tôm bóc nõn hấp chín, cá phi lê đông lạnh, đóng gói tiện dụng. Thị trường Bắc Âu có hệ thống phân phối lớn như Coop, ICA, ưu tiên sản phẩm có chứng nhận ASC hoặc GlobalG.A.P. Doanh nghiệp Việt cần đầu tư vào khâu chế biến sâu, cải thiện hệ thống bao bì, truy xuất vùng nuôi để đáp ứng các tiêu chí khắt khe.

Thực phẩm chay, hữu cơ

Đây là xu hướng tiêu dùng tăng trưởng nhanh tại Bắc Âu nhằm bảo vệ môi trường. Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về nguyên liệu (hạt điều, hạt sen, cà phê đặc sản, trái cây nhiệt đới…) để phát triển các dòng sản phẩm như snack sấy lạnh, nước ép cô đặc, thực phẩm ăn liền thuần chay, gia vị tự nhiên. Tuy nhiên, yêu cầu về chứng nhận (EU Organic, HACCP), thiết kế bao bì sinh thái và khả năng tiếp thị rất cao, đòi hỏi chiến lược đầu tư bài bản.

Linh kiện điện tử và thiết bị công nghệ hỗ trợ “xanh hóa” sản xuất

Thay vì chỉ phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu sang châu Âu các linh kiện phục vụ năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ năng lượng, cảm biến thông minh cho sản xuất nông nghiệp sạch, hoặc module điện tử cho các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Bắc Âu đang đẩy mạnh các chương trình chuyển đổi xanh, là cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng “Green Tech”.

Những thách thức khi chuyển hướng sang các nước Bắc Âu

Thứ nhất, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn khi các quốc gia như Bangladesh, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… cũng đồng loạt đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, trong đó có các nước Bắc Âu, sau khi mất thị trường Hoa Kỳ. Việc EU dỡ bỏ thuế nhập khẩu cho nhiều nước kém phát triển khác theo GSP cũng khiến Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về giá.

Thứ hai, chi phí tuân thủ tại khu vực EU cao hơn đáng kể so với Hoa Kỳ. Từ yêu cầu truy xuất nguồn gốc, kiểm soát hóa chất (REACH), đến chứng nhận khí thải (CBAM), chống phá rừng (EUDR), CS3D (thẩm định chuỗi cung ứng bền vững)… doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào quản trị chuỗi cung ứng. Điều này vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ ba, sự khác biệt trong hành vi tiêu dùng và văn hóa thị trường khiến không ít sản phẩm thành công ở Hoa Kỳ trở nên khó tiêu thụ ở châu Âu. Người tiêu dùng ở đây ưa chuộng sản phẩm có “câu chuyện”, đóng gói nhỏ, nhạt vị, thân thiện môi trường và được tiếp thị dưới dạng sản phẩm đạo đức, không chỉ dựa vào giá rẻ.

Tư duy chiến lược: Không chỉ chuyển thị trường, mà chuyển vai trò

Trước bối cảnh thương mại toàn cầu phân mảnh và rủi ro chính trị gia tăng, Việt Nam không nên chỉ xoay xở chuyển đổi thị trường xuất khẩu, mà cần tái định vị vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ba định hướng có thể mang tính đột phá:

Trở thành trung tâm sản xuất trung lập

Việt Nam có thể đóng vai trò là “bên thứ ba trung lập” khi thương chiến Hoa Kỳ – Trung Quốc – EU leo thang. Việc thu hút FDI từ EU, Nhật Bản, Hàn Quốc chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ giúp duy trì đơn hàng và công ăn việc làm. Phát triển hạ tầng logistics để thu hút các tuyến tàu biển, ví dụ như tuyến mới của MSC nối thêm Gothenburg (Thụy Điển) – Aarhus (Đan Mạch) – Vũng Tàu, sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam như một trung tâm trung chuyển quốc tế.

Cung ứng nguyên liệu trung gian

Thay vì tập trung vào thành phẩm tiêu dùng, doanh nghiệp Việt có thể chuyển sang xuất khẩu linh kiện, vải dệt, gỗ tấm, bán thành phẩm cho các trung tâm sản xuất khác như Ba Lan, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ. Đây là cách giúp giữ được dòng đơn hàng, giảm chi phí marketing và vượt qua các rào cản về thói quen tiêu dùng. Việc các tập đoàn như Syre (Thụy Điển) muốn đầu tư dự án lớn để sản xuất vải tái chế tại Việt Nam cần được xem xét và tạo điều kiện thuận lợi.

Trở thành mắt xích ESG trong chuỗi toàn cầu

Trong vòng 5 năm qua, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành rất nhiều đạo luật liên quan đến bảo vệ môi trường và nhiều Chỉ thị nhằm thúc đẩy giới doanh nghiệp tuân thủ tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Với việc EU siết chặt quy định về ESG, CBAM, EUDR và CS3D, Việt Nam có cơ hội trở thành đối tác đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng bền vững. Doanh nghiệp Việt có thể cung cấp dịch vụ sản xuất tuân thủ ESG cho các tập đoàn toàn cầu, đầu tư vào minh bạch hóa chuỗi cung ứng, blockchain hóa truy xuất nguồn gốc và đạt các chứng chỉ ESG quốc tế. Đây là chiến lược dài hạn giúp Việt Nam nâng cấp vị trí trong bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong chính sách thương mại. Việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng không chỉ là cú sốc ngắn hạn mà còn là lời cảnh tỉnh về sự phụ thuộc vào một thị trường. Chuyển hướng sang EU hay Bắc Âu là cần thiết, nhưng chưa đủ. Việt Nam cần một chiến lược toàn diện hơn: dịch chuyển vai trò trong chuỗi cung ứng, đón đầu xu thế ESG, tận dụng dòng FDI chiến lược và phát triển năng lực đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Đó mới là cách tiếp cận căn cơ và bền vững để không chỉ vượt qua khủng hoảng, mà còn tạo lợi thế lâu dài trong trật tự thương mại mới.

(Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia)