Tiếp theo thành công của chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga từ 21 đến 23 tháng 5 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã sang thăm Na Uy và Thụy điển trong thời gian từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 5 năm 2019. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành chuyến thăm chính thức tại Vương quốc Na Uy từ 24 đến 26 tháng 5 năm 2019 một cách tốt đẹp, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hai nước. Thủ tướng Chính phủ đã có các cuộc gặp mặt ngoại giao quan trọng với Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, chào xã giao Nhà vua Na Uy, gặp các lãnh đạo và tới thăm các công ty hang đầu của Na Uy như Kongsberg Maritime, DNV-GL, PHARMAQ…
Tại Thụy Điển, trong ngày 27 và 28 tháng 5, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những cuộc gặp quan trọng, góp phần định hướng và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển trong tương lai như tiếp xúc cấp cao với Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội, chào xã giao Nhà vua Thụy Điển, gặp gỡ các nhà ngoại giao, chuyên gia Thụy Điển và lãnh đạo các công ty lớn của Thụy Điển như Công ty Astra Zeneca, Stockholm Exergi, Ericsson…
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp ở Na Uy và Thụy Điển, hai bên cũng đã ký kết nhiều biên bản Thỏa thuận hợp tác và biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực khác nhau. Nhân dịp này, phóng viên có dịp phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về kết quả chuyến đi tại Na Uy và Thụy Điển.
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Thụy Điển thời gian qua, cũng như triển vọng của mối quan hệ này trong thời gian tới?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Quan hệ thương mại Việt Nam-Thụy Điển đã có từ lâu và không ngừng phát triển.
Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 1,5 tỷ USD, tăng 14,5% so với 2017.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch song phương đạt trên 500 triệu USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển trên 400 triệu USD và nhập khẩu 96,2 triệu USD.
Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Thụy Điển là giày dép, dệt may, hải sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, máy tính và linh kiện. Thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Thụy Điển thông thường là 0,2%.
Mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Thụy Điển là thiết bị viễn thông, máy móc thiết bị các loại và một ít tân dược.
Tính đến tháng 4 năm 2019, Thụy Điển xếp hạng thứ 33 trong số 131 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 68 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư hơn 365 triệu USD.
Hiện tại, Thụy Điển đã có nhiều dự án đầu tư kinh doanh điển hình (kể cả sản xuất) đã và đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong nhiều năm nay trên nhiều lĩnh vực như phân phối bán lẻ, sản xuất chế tạo máy móc cơ khí, điện lực, công nghệ thông tin và viễn thông, hạ tầng giao thông đô thị, điện tử gia dụng, công nghiệp chế biến thực phẩm, giáo dục đào tạo…
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thụy Điển tại Việt Nam.
Một số công ty nổi tiếng thế giới của Thụy Điển như Ericsson, Electrolux, Tetra Pak, IKEA… đang đầu tư và kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Vậy thưa Bộ trưởng đâu là những tiềm năng mà hai nước Việt Nam-Thụy Điển có thể khai thác?
Bên cạnh quan hệ kinh tế – thương mại – công nghiệp đang ngày càng khởi sắc, với ưu thế của Vương quốc Thụy Điển trong các lĩnh vực phát triển bền vững, kinh tế sáng tạo, công nghệ thân thiện môi trường… thì hai bên rất có điều kiện để tăng cường hợp tác trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư hiện nay.
Đối với việc phát triển bền vững, hai bên cùng hợp tác trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, giảm thiểu xả thải carbon, sản xuất sạch hơn, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, chuyển giao các công nghệ xử lý chất thải, công nghệ tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn….
Tiếp đến là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chúng ta cần tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Thụy Điển và doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đầu tư, đổi mới công nghệ gắn với quá trình chuyển đổi số và xây dựng các mô hình nhà máy thông minh.
Một số doanh nghiệp mạnh của Thụy Điển đi đầu trong lĩnh vực này như ABB, Atlas Copco, Hexagon, Monitor ERP, Tetra Pak và Troax cùng với nhiều giải pháp tiêu biểu như mô hình nhà máy thông minh của hãng công nghệ robot ABB, dây chuyền đóng gói tiệt trùng của Tetra Pak hay phần mềm quản lý nguồn lực hiệu quả của Monitor ERP… sẽ mang lại những cơ hội hợp tác đầu tư tốt giữa doanh nghiệp hai nước.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thụy Điển doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những gì?
Có thể nói Thụy Điển nói riêng và Bắc Âu nói chung là khu vực thị trường tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam khi mà các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hoàn toàn tương thích với nhu cầu nhập khẩu của bạn.
Tuy nhiên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thụy Điển thì ngoài việc chú trọng đến chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng cần đặc biệt lưu ý đến khả năng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cũng như đạo đức kinh doanh.
Bên cạnh đó, do quy mô đơn hàng vào Thụy Điển thường không nhiều, các doanh nghiệp cần thúc đẩy việc tiếp cận các chuỗi phân phối để đảm bảo việc xuất khẩu bền vững; đồng thời, có thể thông qua Thụy Điển để phát triển hàng hóa của Việt Nam tại khu vực Bắc Âu.
Cùng với những nỗ lực nội tại của từng doanh nghiệp, các doanh nghiệp nên cùng với Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh việc vận động Chính phủ và doanh nghiệp bạn thúc đẩy việc sớm ký, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU để tạo ra một khuôn khổ kinh tế, thương mại thuận lợi hơn nữa cho hai nước.
Bộ trưởng có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn của hai nước Việt Nam-Thụy Điển trong thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại?
Việt Nam và Vương quốc Thụy Điển có mối quan hệ truyền thống, hữu nghị lâu đời, được Chính phủ và nhân dân hai nước quan tâm, vun đắp. Việt Nam và Thụy Điển có rất nhiều điểm tương đồng về mục đích phát triển đất nước, có cơ cấu kinh tế bổ trợ lẫn nhau, các mặt hàng xuất nhập khẩu không cạnh tranh.
Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm sang Thụy Điển, ngược lại Thụy Điển cung cấp các sản phẩm kỹ thuật cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường.
Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng nền kinh tế mở, duy trì tăng trưởng bền vững; trong đó, đặc biệt chú trọng giảm các thủ tục hành chính, thu hút vốn FDI, nuôi dưỡng doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tuy nhiên, Thụy Điển là nước phát triển cao, dân số không nhiều, khoảng 10,13 triệu người, do vậy, các đơn hàng thường không lớn và phải vận chuyển xa, chi phí vận chuyển cao, và có yêu cầu rất cao đối với các mặt hàng thực phẩm.
Thụy Điển quy định rất khắt khe về trách nhiệm của nhà xuất khẩu như các lô hàng phải đảm bảo được các quy định về xuất xứ hàng hóa trước khi việc thông quan nhập khẩu được thông qua; phải tuân thủ các quy định của EU về đóng gói và ghi nhãn mác, hay những chất nằm ngoài danh mục các chất phụ gia thực phẩm “được phép” đều hoàn toàn bị cấm…
Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển hiện chỉ được điều chỉnh bởi khuôn khổ tiếp cận thị trường của WTO, mà chưa được hưởng các ưu đãi thương mại tự do như một số nước khác.
Do vậy, quan hệ kinh tế thương mại song phương vẫn chưa có được điều kiện tốt nhất để phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Vậy thưa Bộ trưởng, đâu là cơ hội để thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU sẽ sớm được thông qua?
Hiệp định EVFTA được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam-EU đang phát triển nhanh chóng theo hướng ngày càng tích cực.
Với kết quả đàm phán đạt được, Hiệp định EVFTA được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho cả 2 bên, cụ thể như: về xuất nhập khẩu, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế (tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU).
Với lộ trình tối đa 7 năm và Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đổi với 98,3% số dòng thuế (tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam) với lộ trình tối đa 10 năm sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-Thụy Điển, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu.
Đặc biệt, những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giầy dép, dệt may, đồ da, đồ gỗ, đồ gốm, thuỷ tinh, đồ nhựa và sản phẩm cao su của Việt Nam và máy móc, mô tô, dược phẩm, sản phẩm từ giấy, sản phẩm từ gỗ và bột giấy, sản phẩm sắt thép, hóa chất của Thụy Điển.
Về dịch vụ, các nhà cung cấp dịch vụ của EU nói chung và Thụy Điển nói riêng chính là đối tượng thực sự được hưởng lợi từ các cam kết dịch vụ của của Hiệp định do lĩnh vực dịch vụ hiện nay không phải là thế mạnh của Việt Nam.
Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ của Thụy Điển, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ mà Thụy Điển có thế mạnh là viễn thông, xây dựng, phân phối sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam.
Hiệp định EVFTA là một trong 2 hiệp định FTA đầu tiên (cùng với Hiệp định TPP/CPTPP) mà Việt Nam cam kết mở cửa thị trường mua sắm của Chính phủ.
Đây cũng là FTA đầu tiên mà Việt Nam đưa ra cam kết về sở hữu trí tuệ ở mức cao hơn nhiều so với quy định của WTO như cam kết công nhận và bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của các nước thành viên EU, biện pháp đền bù thỏa đáng và hiệu quả.
Các cam kết ở mức độ cao trong những lĩnh vực này sẽ góp phần tạo ra cơ hội riêng, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp của Thụy Điển và của EU nói chung khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!